📞

Tin thế giới 24/1: Mỹ-Anh 'rút người', Kiev nói thái quá; EU doạ tung chiêu 'chưa từng thấy' với Nga; NATO hành động ở sườn Đông

Hoàng Hà 19:44 | 24/01/2022
Căng thẳng Nga-Ukraine và các cảnh báo leo thang của phương Tây, EU cảnh cáo Nga, tàu chiến Mỹ vào Biển Đông, quan hệ Mỹ-Nhật Bản, đảo chính ở Burkina Faso,... là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
Phương Tây đồng loạt cảnh báo nguy cơ xung đột Nga-Ukraine và ra khuyến cáo với các công dân nước mình tránh lui tới hai quốc gia này. (Nguồn: 112UA)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Nga-Ukraine: Mỹ, Anh "rút người", nhiều nước cảnh báo công dân

Ngày 23/1, Mỹ khuyến cáo công dân không đến Ukraine cũng như không di chuyển từ Nga đến quốc gia Đông Âu này.

Tại Anh, bản cập nhật khuyến cáo đi lại của nước này nêu rõ: "Một số nhân viên đại sứ quán và người phụ thuộc đang được rút khỏi Kiev để đối phó với mối đe dọa gia tăng từ Nga. Đại sứ quán Anh vẫn mở và sẽ tiếp tục thực hiện công việc thiết yếu".

Ngày 24/1, Latvia khuyến cáo các công dân nước này không di chuyển tới Ukraine và cho hay, có kế hoạch sơ tán nhân viên đại sứ quán tại Kiev nếu cần thiết.

Trong khi đó, chính phủ Nhật Bản hối thúc công dân nước này đang sinh sống tại Ukraine sẵn sàng cho bất kỳ tình huống leo thang căng thẳng nào và thực hiện các biện pháp có thể để đảm bản an toàn cho họ.

Trước tình hình này, cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Oleg Nikolenko cho rằng, phía Mỹ đã hành động quá sớm và thận trọng thái quá.

Người phát ngôn này khẳng định, tình hình an ninh tại miền Đông Ukraine không có thay đổi nào mang tính cực đoan trong thời gian gần đây.

Theo ông, một số kênh truyền thông đang lan truyền các thông tin đồn đoán và sai lệch khiến dư luận trong và ngoài nước hoang mang. Người phát ngôn Nikolenko cho biết trong bối cảnh như vậy, các bên cần bình tĩnh và có những đánh giá phù hợp.

Trong vài tháng qua, phương Tây và Ukraine cáo buộc Nga đưa quân áp sát biên giới Ukraine để chuẩn bị cho hành động quân sự. Moscow luôn bác bỏ cáo buộc này, đồng thời nhấn mạnh Nga có quyền điều động lực lượng bên trong lãnh thổ của mình. (Reuters)

NATO củng cố lực lượng ở sườn phía Đông

Ngày 24/1, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho hay, liên minh này tiếp tục củng cố lực lượng ở vùng Đông Âu, điều động thêm các tàu và máy bay chiến đấu đến vùng này.

NATO cũng hoan nghênh nếu các đồng minh muốn bổ sung lực lượng cho chiến dịch này và sẽ tiếp tục thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ và ủng hộ các nước đồng minh, trong đó có việc củng cố sườn phía Đông của khối quân sự này.

Bên cạnh đó, NATO cũng đặt các lực lượng trong tình trạng trực chiến.

Trước đó, báo New York Times đưa tin Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cân nhắc điều động hàng nghìn binh sĩ tới các nước đồng minh NATO ở Đông Âu.

Về vấn đề này, phát biểu ngày 24/1, nghị sĩ Andrei Kartapolovm, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Quốc hội Nga, cho biết nước này sẽ phản ứng phù hợp nếu Mỹ triển khai thêm lực lượng ở Đông Âu và các nước vùng Baltic.

EU sẵn sàng tung chiêu "chưa từng thấy" với Nga

Ngày 24/1, Ngoại trưởng Đan Mạch Jeppe Kofod cho biết, Liên minh châu Âu (EU) sẵn sàng áp đặt các lệnh trừng phạt "chưa từng thấy" nếu Nga tấn công Ukraine.

Trả lời báo giới khi ông tới thủ đô Brussels (Bỉ) tham dự hội nghị Ngoại trưởng các nước thành viên EU, ông Kofod nhấn mạnh: "Chúng tôi đã sẵn sàng phản ứng bằng các lệnh trừng phạt toàn diện nếu Nga lại xâm lược Ukraine".

Theo nhà ngoại giao này, "Nga và Tổng thống Vladimir Putin nên biết, cái giá phải trả cho việc lợi dụng các hành động khiêu khích và lực lượng quân sự để thay đổi biên giới ở châu Âu sẽ rất, rất đắt".

Theo đó, EU "sẵn sàng thực hiện các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc nhất, thậm chí nghiêm khắc hơn so với lệnh trừng phạt năm 2014".

Cùng ngày, Ngoại trưởng Áo Alexander Schallenberg cảnh báo, có thể áp đặt tất cả các loại trừng phạt tài chính nhằm vào Mosow nếu Nga tấn công Ukraine.

Tuy nhiên, ông Schallenberg không đồng tình việc áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào dự án Dòng chảy phương Bắc 2, cho rằng các biện pháp áp đặt đối với dự án chưa đi vào hoạt động không phải là hành động răn đe đáng tin cậy nhằm vào Nga.

Trong khi đó, theo The Guardian, một quan chức cấp cao của EU cho biết, tình hình Ukraine hiện nay đang rối ren, nếu Nga tiến hành một cuộc tấn công quân sự vào Ukraine, EU sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga trong vòng vài ngày.

Ngày 24/1, các bộ trưởng ngoại giao EU ​​tổ chức một cuộc họp về tình hình ở Ukraine và đưa ra cảnh báo thêm đối với Nga. (Reuters, The Guardian)

Ứng viên tổng thống Pháp kêu gọi dỡ bỏ lệnh trừng phạt Nga

Ngày 23/1, phát biểu trên kênh truyền hình France 5, ứng cử viên tổng thống Pháp Eric Zemmour kêu gọi dỡ bỏ lệnh trừng phạt chống lại Nga, thừa nhận rằng: "Tôi yêu người dân Nga, tôi yêu nền văn hóa và văn học của họ… Tôi cho rằng người Pháp và người Nga là hai dân tộc vĩ đại, giống nhau hơn chúng ta nghĩ".

Ông Zemmour cũng lưu ý rằng, ông không tin vào giả thuyết có sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử ở Mỹ và đây cũng là điều mà Mosow kiên quyết bác bỏ, đồng thời nhấn mạnh: "Theo tôi hiểu, có lẽ là chính người Mỹ đã nghe lén các đồng minh của họ chứ không phải người Nga".

Ngày 30/11 năm ngoái, ông Zemmour - nhà báo Pháp và cũng là một nhà văn cực hữu đã chính thức tuyên bố ra tranh cử tổng thống Pháp và thành lập đảng Reconquête.

Cuộc bầu cử tổng thống Pháp sẽ được tổ chức vào tháng 4 tới. Tổng thống Emmanuel Macron vẫn chưa chính thức tuyên bố tái tranh cử. (Sputnik)

Đảo chính Burkina Faso: Quân đội tuyên bố nắm quyền, Tổng thống bị bắt

Ngày 24/1, quân đội Burkina Faso tuyên bố họ đang nắm quyền điều hành đất nước và cam kết sẽ tiếp tục tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế.

Trong một tuyên bố được đăng tải trên tài khoản Twitter, thủ lĩnh phe nổi dậy cho biết: "Kể từ hôm nay, tôi đặt trách nhiệm này lên vai các nhà lãnh đạo của quá trình chuyển tiếp dân chủ này, những người lãnh đạo đất nước, để đảm bảo sự hoạt động liên tục của nhà nước".

Quân đội cho hay, một cơ quan quản lý quá trình chuyển tiếp sẽ được thành lập, đồng thời khẳng định đất nước sẽ tiếp tục duy trì cam kết thực hiện các nghĩa vụ quốc tế.

Trước đó cùng ngày, một nhóm binh sĩ đã chốt chặn các vị trí bên ngoài đài truyền hình quốc gia RTB của Burkina Faso ở thủ đô Ouagadougou.

AFP đưa tin, các binh lính Burkina Faso đã bắt giữ Tổng thống nước này Roch Marc Christian Kabore, Chủ tịch Quốc hội và các bộ trưởng, giam giữ họ trong doanh trại quân đội. (Sputnik, AFP)

Hai tàu sân bay Mỹ đi vào Biển Đông

Ngày 24/1, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo, hai nhóm do các tàu sân bay chỉ huy USS Carl Vinson và USS Abraham Lincoln dẫn đầu đã đi vào Biển Đông để tiến hành huấn luyện vào ngày 23/1.

Theo thông báo của Bộ Quốc phòng, các nhóm tàu sân bay sẽ thực hiện tập trận bao gồm hoạt động tác chiến chống tàu ngầm, hoạt động tác chiến trên không và hoạt động can thiệp trên biển để tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu.

Thông báo cho hay, đợt huấn luyện lần này sẽ được thực hiện căn cứ luật quốc tế trong vùng biển quốc tế, song không nêu thêm chi tiết.

Thông báo dẫn lời Thiếu tướng Hải quân J.T.Anderson, chỉ huy nhóm tàu tấn công, cho hay: "Các hoạt động như vậy cho phép chúng tôi cải thiện khả năng chiến đấu đáng tin cậy, trấn an các đồng minh và đối tác của mình, đồng thời thể hiện quyết tâm của chúng tôi với tư cách là Hải quân để đảm bảo sự ổn định trong khu vực và đối phó ảnh hưởng xấu". (Reuters)

Tân Đại sứ Mỹ tới Nhật Bản

Ngày 23/1, tân Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Rahm Emanuel, 62 tuổi, đã tới Tokyo, lấp vào vị trí then chốt đã bị bỏ trống hơn 2 năm qua và gánh vác một nhiệm vụ quan trọng là tăng cường liên minh hai nước trong bối cảnh sự cương quyết của Trung Quốc gia tăng trong khu vực.

Cựu cố vấn hàng đầu cho cựu Tổng thống Barack Obama được biết tới với mối quan hệ thân thiết với đương kim Tổng thống Joe Biden.

Ông Emanuel đã giành được sự tín nhiệm của ông Biden khi ông còn ở Nhà Trắng giữ cương vị Chánh văn phòng từ năm 2009-2019 cho ông Obama. Khi đó, ông Biden giữ chức Phó Tổng thống.

Sau khi tới Nhật Bản, ông Emanuel đăng tải thông điệp trên tài khoản Twitter rằng, ông và vợ của mình "rất phấn khởi khi đặt chân tới Nhật Bản và háo hức gặp người dân nước này khi chúng tôi đi du lịch khắp đất nước".

Vị trí đại sứ Mỹ đã bị bỏ trống từ khi ông William Hagerty từ chức hồi tháng 7/2019 để tranh cử vào Thượng viện.

Trong diễn biến liên quan quan hệ Mỹ-Nhật, Hải quân Mỹ đã tiến hành một cuộc tập trận với đồng minh Nhật Bản ở Biển Philippines.

Các siêu tàu sân bay USS Carl Vinson (CVN-70) và USS Abraham Lincoln (CVN-72) dẫn đầu cuộc diễn tập cùng các tàu đổ bộ tấn công USS America (LHA-6) và USS Essex.

Các tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Mobile Bay (CG-53) và USS Lake Champlain (CG -57) cũng tham gia cuộc diễn tập, cùng với 26 máy bay và các tàu khu trục USS Spruance (DDG-111), USS Chafee (DDG-90), và USS Gridley (DDG-101). (Kyodo, RT)

Đàm phán hạt nhân Iran: Nga đề xuất thoả thuận tạm thời

Truyền thông địa phương đưa tin, trong vài tuần qua, Nga đã thảo luận với Iran về khả năng đạt một thoả thuận tạm thời nhằm nỗ lực khôi phục thoả thuận hạt nhân Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).

Thoả thuận tạm thời có thể bao gồm việc dỡ bỏ một số lệnh cấm vận để đổi lấy việc tái áp đặt một vài hạn chế với chương trình hạt nhân của Tehran. Cho tới nay, Iran vẫn bác bỏ thông tin đã thảo luận với Nga về vấn đề này.

Về phía Mỹ, một quan chức cấp cao nước này cho biết, mặc dù không thể khẳng định có hay không các cuộc thảo luận giữa Nga và Iran, nhưng tại thời điểm này, chưa có thoả thuận tạm thời nào được đưa ra đàm phán một cách nghiêm túc.

Washington dự kiến đưa ra lịch trình dựa trên các đánh giá kỹ thuật về tiến bộ trong vấn đề hạt nhân của Iran.

Trong một diễn biến liên quan, trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Mỹ Robert Malley cho rằng, sẽ khó ký được thỏa thuận với Iran nếu Tehran không trả tự do cho các công dân Mỹ đang bị giam giữ.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters ngày 23/1, ông Malley cho biết, đây là hai vấn đề riêng rẽ và Washington sẽ thúc đẩy cả hai, tuy nhiên Mỹ “khó có thể tưởng tượng rằng sẽ trở lại thỏa thuận hạt nhân” trong khi vẫn chưa giải quyết vấn đề công dân nước này bị Iran bắt làm con tin. (Reuters, Israel Nation News)

Afghanistan: Bắt đầu vòng đàm phán đầu tiên giữa Taliban và phương Tây

Ngày 24/1, Bộ Ngoại giao Na Uy thông báo, đại diện chính quyền do Taliban lập nên ở Afghanistan và các quan chức ngoại giao phương Tây đã bắt đầu vòng đàm phán tại thủ đô Oslo (Na Uy) nhằm tập trung thảo luận về cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Afghanistan, nơi hàng triệu người đang phải chịu nạn đói.

Trong chuyến thăm đầu tiên tới châu Âu kể từ khi nắm quyền hồi tháng 8 năm ngoái, phái đoàn Taliban do Ngoại trưởng Khan Muttaqi dẫn đầu có cuộc gặp với đại diện của Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Italy, EU và Na Uy. (AFP)