Ông Benjamin Netanyahu khẳng định sẽ xem xét cấp vũ khí cho Ukraine nếu là Thủ tướng Israel. (Nguồn: Flash90) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga-Ukraine
* Nga: Quân đội Ukraine rút ra xa thị trấn Kremennaya ở Lugansk: Trang mạng quân sự Nga ngày 24/10 cho biết Các Lực lượng vũ trang Ukraine (VSU) đã bắt đầu rút khỏi thị trấn Kremennaya, mục tiêu chính của lực lượng này ở Lugansk, và di chuyển về phía Tây. Ban đầu, VSU đã di chuyển đến điểm dân cư Stavki. Từ đó một đoàn gồm ít nhất 6 xe tải và 4 xe bọc thép đã di chuyển về phía Tây, kéo theo các pháo tầm xa M777.
Trong khi đó, trên trang Telegram, các phóng viên chiến trường WarGonzo (Nga) ngày 24/10 cho biết các đơn vị của VSU, bảo vệ Artemovsk (Bakhmut) thuộc tỉnh Donetsk, đã tổ chức phản công quân Nga. Tuy nhiên, nỗ lực phản công của Ukraine đã “không thành công”. (Sputnik)
* Iran bác cáo buộc phái quân tới Crimea giúp Nga: Ngày 24/10, Tehran đã bác bỏ cáo buộc từ Washington rằng các quân nhân Iran đang có mặt trên vùng lãnh thổ Crimea để giúp Moscow thực hiện các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) ở Ukraine.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanani khẳng định: “Chúng tôi thẳng thừng bác bỏ tin này. Cộng hòa Hồi giáo Iran đã nhiều lần tuyên bố rằng chúng tôi không phải là một bên tham gia xung đột ở Ukraine hay xuất khẩu vũ khí tới đây”. Quan chức này nhận định Washington muốn lái dư luận khỏi vai trò của Mỹ trong tại Ukraine bằng cách “đứng về một phía của cuộc xung đột và xuất khẩu nhiều vũ khí và thiết bị cho Ukraine”.
Trước đó, hôm 20/10, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết, các lực lượng Iran đang “ở Crimea” để hỗ trợ Nga. Đồng thời, ông cho biết các sĩ quan của Iran được giao nhiệm vụ huấn luyện và hỗ trợ về công nghệ cho Nga trong việc sử dụng các UAV. (AFP)
* Cựu Thủ tướng Israel sẵn sàng xem xét cung cấp vũ khí cho Ukraine: Ngày 24/10, trả lời phỏng vấn USA Today (Mỹ), lãnh đạo phe đối lập ở Israel, cựu Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố rằng nếu đắc cử thủ tướng, ông sẽ sẵn sàng xem xét cung cấp vũ khí hiện đại cho Ukraine: “Hiện chính phủ Israel đang bị chỉ trích vì không cung cấp vũ khí cho Ukraine. Mới đây tôi đã được hỏi về điều này và tôi nói rằng tôi sẽ xem xét nó khi tôi nhậm chức”.
Trước đó, Nga đã cảnh báo Israel về việc cung cấp vũ khí cho Kiev. Tuy nhiên, theo ông Netanyahu, rõ ràng phe đối lập Israel đang cố phớt lờ “lằn ranh đỏ” của Moscow. Trong khi đó, các cuộc khảo sát hiện cho thấy ông Netanyahu khó có thể trở thành thủ tướng Israel, vì đảng ông lãnh đạo chưa nhận đủ sự ủng hộ. (Reuters)
Châu Âu
* Moscow đề nghị Liên hợp quốc cấp dữ liệu về xuất khẩu ngũ cốc Ukraine, Kiev phản ứng: Ngày 24/10, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov thông báo Moscow đã yêu cầu Liên hợp quốc cung cấp thêm dữ liệu về điểm đến và người mua cuối cùng của các chuyến hàng ngũ cốc của Ukraine. Đồng thời, ông cho biết các điều chỉnh đối với thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua Biển Đen sẽ phụ thuộc vào thông tin này.
Ngay sau đó, phía Ukraine đã lên tiếng, cho rằng hành động của Nga mang "động cơ chính trị”, nhằm cố ý gây chậm trễ cho quá trình xuất khẩu ngũ cốc. Bộ Ngoại giao Ukraine nhấn mạnh: “Chúng tôi có lý do để tin rằng sự chậm trễ trong kiểm tra của Nga đối với các tàu theo sáng kiến (thỏa thuận) ngũ cốc là mang động cơ chính trị”. (Reuters)
* Nga: Pháp và Đức không nỗ lực vì đàm phán hòa bình Ukraine: Ngày 24/10, phát biểu tại họp báo, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã giảm liên lạc với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz do hai nhà lãnh đạo này không muốn lắng nghe quan điểm của Moscow. Ông cho rằng thời gian gần đây, vì lý do nào đó, hai ông Macron và Scholz đã không mong muốn lắng nghe lập trường của Nga hay tham gia hòa giải. (Sputnik)
* Bộ trưởng Quốc phòng Romania từ chức: Ngày 24/10, Bộ trưởng Quốc phòng Romania Vasile Dincu đã từ chức trong bối cảnh ông đã chịu áp lực trong nhiều tuần qua sau khi cho rằng cơ hội duy nhất của Ukraine là đàm phán với Nga. Ông nói: “Hành động của tôi được đưa ra vì không thể hợp tác với Tổng thống, Tổng tư lệnh quân đội Romania. Tôi nghĩ việc từ chức là cần thiết để không làm tổn hại đến các quyết định và chương trình vốn yêu cầu chuỗi lệnh linh hoạt và không cản trở một loạt dự án cực kỳ cần thiết cho... bộ quốc phòng và quân đội”.
Đầu tháng 10, ông Dincu cho rằng Ukraine cần đồng minh quốc tế để đàm phán các đảm bảo an ninh và hòa bình với Nga. Tuy nhiên, điều này đã vấp phải sự chỉ trích từ Tổng thống Romania Klaus Iohannis và lãnh đạo liên minh cầm quyền. Ông Iohannis cho rằng bình luận của ông Dincu là “thiếu hiểu biết”, nhấn mạnh chỉ người Ukraine mới có thể quyết định thời điểm và nội dung đàm phán nếu có. (Reuters)
* Hungary sẵn sàng phê chuẩn tư cách thành viên NATO cho Thụy Điển, Phần Lan: Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 22/10, Chánh văn phòng chính phủ Hungary Gergely Gulyás cho biết Quốc hội nước này đã sẵn sàng phê chuẩn tư cách thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) với Thụy Điển và Phần Lan. Theo ông Gulyás, Quốc hội Hungary sẽ là thông qua luật có các cam kết phù hợp với thỏa thuận với Ủy ban châu Âu. Hiện quá trình này đã kết thúc và việc xem xét quy chế thành viên NATO có thể được đưa ra thảo luận trong phiên họp cuối năm.
Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ hiện là các quốc gia thành viên NATO duy nhất chưa phê chuẩn cho Thụy Điển và Phần Lan gia nhập liên minh. Trước đó, Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin đã cảnh báo về rủi ro của việc trì hoãn phê chuẩn này. (AFP)
Đông Bắc Á
* Bộ trưởng Nhật Bản từ chức liên quan Giáo hội Thống nhất: Ngày 24/10, Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Nhật Bản Daishiro Yamagiwa đã từ chức sau khi bị cáo buộc có quan hệ với Giáo hội Thống nhất, tổ chức tôn giáo đang bị theo dõi sát sao sau vụ ám sát cố cựu Thủ tướng Shinzo Abe. Bộ trưởng Yamagiwa nhấn mạnh ông không muốn cáo buộc trên “ảnh hưởng đến cuộc tranh luận của quốc hội”, song không đề cập đến giáo hội này. (AFP)
Đông Nam Á
* Indonesia sẽ tiếp tục ủng hộ Palestine giành độc lập: Ngày 24/10, Tổng thống Indonesia Joko Widodo khẳng định nước này sẽ tiếp tục ủng hộ Palestine trở thành quốc gia độc lập, cũng như cung cấp hỗ trợ kinh tế và nhân đạo.
Phát biểu họp báo chung với Thủ tướng Palestine Mohammad Ishtaye đang thăm cấp nhà nước tới Indonesia, ông Widodo cho biết ngoài hỗ trợ nhân đạo, Jakarta sẽ hỗ trợ xây dựng năng lực cho nền độc lập của Palestine. Nhà lãnh đạo này nhấn mạnh Indonesia sẵn sàng tạo điều kiện hòa giải giữa các đảng phái chính trị ở Palestine tiến tới giành độc lập hoàn toàn cho đất nước, cho rằng đoàn kết là khía cạnh quan trọng nhất để một quốc gia thực hiện nền độc lập của mình.
Theo ông, thế giới hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức bất thường, song thách thức cũ trong việc giải quyết vấn đề độc lập của Palestine vẫn chưa được giải quyết thành công thông qua “giải pháp hòa bình và công bằng”. Ông Widodo nhấn mạnh sự hỗ trợ của Indonesia dành cho Palestine còn đến từ các tổ chức xã hội. Đồng thời, ông cho hay hiện Hội đồng giáo sĩ Hồi giáo Indonesia (MUI) đang tài trợ xây dựng một bệnh viện ở Hebron, Palestine.
Về hợp tác kinh tế, ông Widodo cho hay trao đổi thương mại hai chiều với Palestine đã tiếp tục gia tăng. Trong 7 tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại song phương đã tăng 21,28% so với cùng kỳ năm ngoái. Indonesia vừa ký biên bản ghi nhớ về một thỏa thuận viện trợ mới cho Palestine. Jakarta cũng đang cung cấp viện trợ cho Palestine thông qua Cơ quan cứu trợ và việc làm cho người tị nạn Palestine của Liên hợp quốc (UNRWA) và Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC). (The Jakarta Post)
Trung Đông-châu Phi
* Lebanon lần thứ tư không bầu được tổng thống: Ngày 24/10, Quốc hội Lebanon đã thất bại lần thứ tư trong việc bầu Tổng thống, trong bối cảnh nhiệm kỳ của Tổng thống Michel Aoun kết thúc vào ngày 31/10 tới, đẩy quốc gia này vào tình thế bế tắc thể chế trong bối cảnh khủng hoảng tài chính sâu sắc. Hiện Chủ tịch Quốc hội Nabih Berri đã ấn định phiên họp tiếp theo vào ngày 27/10 để bầu ra lãnh đạo mới của quốc gia Tây Phi này.
Lebanon đã không có một chính phủ hoạt động đầy đủ kể từ tháng 5/2022. Ghế Tổng thống đã bị bỏ trống nhiều lần kể từ sau cuộc nội chiến 1975-1990. Khủng hoảng tài chính của Lebanon đã khiến đồng nội tệ mất giá hơn 90%, gia tăng nghèo đói, làm tê liệt hệ thống tài chính và đóng băng các khoản tiền gửi tiền tiết kiệm của người dân trong giai đoạn tồi tệ nhất kể từ cuộc nội chiến tại nước này. (Reuters)