Hậu Bầu cử Mỹ 2020
Ông Trump dính tranh cãi vì ân xá những nhân vật ‘đình đám’
Tối 23/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông báo 26 lệnh ân xá mới, trong đó có những ân huệ dành cho các đồng minh lâu năm như cựu cố vấn Roger Stone, cựu Chủ tịch chiến dịch tranh cử Paul Manafort và cha của Cố vấn cấp cao Nhà Trắng Jared Kushner là Charles Kushner.
Ông Manafort và ông Stone là hai trong số những cựu cố vấn nổi tiếng nhất của Tổng thống Trump, cũng là những nhân vật bị chỉ trích mạnh mẽ nhất. Cả hai đều đã bị Công tố viên đặc biệt Robert Mueller đưa ra truy tố và bị bồi thẩm đoàn kết tội nhiều tội danh.
Ông Manafort đã phải ngồi tù gần 2 năm vì gian lận ngân hàng và thuế, vận động hành lang bất hợp pháp với nước ngoài và âm mưu giả mạo nhân chứng. Sau đó, do đại dịch Covid-19, ông ta được trả tự do và quản thúc tại gia.
Trong khi đó, bản án của ông Stone vì tội cản trở Quốc hội và đe dọa nhân chứng đã được Tổng thống Trump giảm án vào đầu năm nay.
Theo CNN, mặc dù tất cả các tổng thống Mỹ đều có những lệnh ân xá gây tranh cãi trước khi kết thúc nhiệm kỳ, nhưng ông Trump dường như đang đi với tốc độ nhanh hơn những người tiền nhiệm đối với việc sử dụng một trong những quyền lực mạnh mẽ cuối cùng của mình. (Reuters/CNN)
Nhân viên Nhà Trắng ‘bối rối’ khi nhận thông báo thu dọn
Chính quyền của ông Trump sẽ bắt đầu rời Nhà Trắng trong vòng 2 tuần nữa, bất chấp việc Tổng thống khẳng định, "ông thua cuộc do gian lận bầu cử" và những nỗ lực của các đồng minh đảng Cộng hòa nhằm lật ngược kết quả bầu cử ở các bang chiến địa quan trọng.
Nhân viên Nhà Trắng đã nhận được email từ văn phòng điều hành của Tổng thống vào tối 22/12 (giờ Mỹ), hướng dẫn họ bắt đầu dọn dẹp bàn làm việc và thu dọn đồ dùng khi ông Trump rời đi, bắt đầu từ ngày 4/1. Theo Newsweek, email bao gồm danh sách những việc cần làm như dọn dẹp tủ lạnh và lò vi sóng, trả lại những món quà của tổng thống cho phòng Một, dọn dẹp đồ cá nhân.
Tuy nhiên, vào ngày 23/12, một email từ Văn phòng Quản lý Nhà Trắng hướng dẫn nhân viên của Nhà Trắng "vui lòng bỏ qua" nội dung bản ghi nhớ mà họ nhận được trước đó một ngày. (Politico)
Mỹ-Iran
Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad hứng ‘mưa’ rocket, cáo buộc Iran là thủ phạm
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 23/12 bất ngờ bình luận trên tài khoản Twitter rằng: "Đại sứ quán của chúng ta ở Baghdad hôm 20/12 đã bị tấn công bằng một số quả rocket. Đoán xem chúng từ đâu: IRAN. Giờchúng tôi nghe thấy có những âm mưu nữa nhằm chống lại lực lượng của Mỹ ở Iraq".
Ông Trump cảnh báo: "Một số lời khuyên hữu nghị dành cho Iran đó là: Nếu còn công dân Mỹ nào thiệt mạng, tôi sẽ buộc Iran phải chịu trách nhiệm. Hãy suy nghĩ kỹ".
Dòng bình luận đăng kèm một bức ảnh cho thấy 3 quả rocket cỡ 107mm với ngòi nổ được tháo rời, trên thân có các thông số bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, ông Trump không đưa thêm bất cứ bằng chứng cụ thể nào để cáo buộc Iran đứng sau vụ tấn công. (Sputnik)
Iran bác cáo buộc của Mỹ
Ngày 24/12, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng, Tehran đứng sau vụ tấn công bằng rocket ngày 20/12 nhằm vào trụ sở Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad.
Ông Mohammad Javad Zarif viết trên Twitter: "Đặt công dân của bạn vào mối đe dọa ở nước ngoài sẽ không thể làm chuyển hướng sự chú ý vào những thất bại thê thảm ở trong nước". (Reuters)
Tổng thống Trump tìm cách đáp trả vụ Đại sứ quán bị tấn công
Một nguồn tin thân cận Chính quyền Mỹ mới đây tiết lộ, Tổng thống Donald Trump đã cùng với các nhà quan chức quốc phòng có mặt tại Nhà Trắng hôm 23/12 để thảo luận về các phương án có thể sử dụng nhằm đáp trả vụ đại sứ quán Mỹ ở Iraq bị tấn công vào tối hôm 20/12.
Theo nguồn tin này, cuộc họp có sự tham gia của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Christopher Miller, Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng Robert O’Brien và một số quan chức quốc phòng hàng đầu khác. Những người này đã đưa ra "một loạt lựa chọn" cho Tổng thống Trump để đáp trả các cuộc tấn công bị cho là do lực lượng dân quân thân Iran thực hiện, nhằm vào nhân viên Mỹ. (Reuters)
Mỹ-Nga
Mỹ-Nga khó cải thiện quan hệ dưới thời ông Biden?
Tổng thống Vladimir Putin cho rằng, quan hệ Nga-Mỹ sẽ không thay đổi gì dưới thời ông Joe Biden nắm quyền, còn các quan chức cấp cao khác của Nga lo ngại tình hình sẽ chỉ xấu đi.
"Một số ý kiến cho rằng, sự thay đổi lãnh đạo ở Mỹ sẽ gây khó khăn hơn cho chúng ta. Tôi không nghĩ vậy. Mọi thứ sẽ vẫn như thường lệ thôi", Tổng thống Nga Putin ngày 23/12 nói trong cuộc họp với các quan chức cấp cao Nga, nhắc đến triển vọng quan hệ Nga-Mỹ trong tương lai.
Trong khi đó, một số quan chức Nga đã bày tỏ thái độ hoài nghi về Chính quyền của Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden. Hôm 22/12, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitri Peskov khẳng định, Moscow không nhìn thấy "bất cứ điều tích cực nào" từ phía Mỹ dưới thời ông Biden. (TASS)
Mỹ đếm thiệt hại từ vụ tấn công mạng
Hôm 23/12, Cơ quan An ninh cơ sở hạ tầng và an ninh mạng (CISA) thuộc Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho biết, một chiến dịch gián điệp mạng lan rộng được công bố hồi đầu tháng này đang tiếp tục ảnh hưởng đến chính quyền tiểu bang và doanh nghiệp tại các địa phương.
Các tin tặc được cho là đã theo dõi các thư điện tử và dữ liệu nhạy cảm trong Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ An ninh nội địa và Bộ Thương mại Mỹ.
Trước tình huống trên, Bộ Tư pháp, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cùng Bộ Quốc phòng Mỹ đã chuyển thông tin liên lạc nội bộ vào mạng lưới mật được cho là chưa bị xâm nhập. Dù vậy, dựa vào những gì biết đến lúc này, nhiều khả năng đây là một trong những vụ tấn công mạng lớn nhất lịch sử Mỹ.
Đến thời điểm hiện tại, chính quyền Mỹ vẫn chưa xác định được cụ thể thủ phạm là ai, chỉ biết rằng, đây chắc chắn là một nhóm tin tặc được chính phủ nước ngoài bảo trợ, vì để xâm nhập được các cơ quan Mỹ đòi hỏi phải có nguồn lực lớn, trình độ cao.
Nga và Trung Quốc đang là hai nước trong diện nghi vấn hàng đầu.
Tổng thống đắc cử Joe Biden cũng đã lên tiếng chỉ trích Tổng thống đương nhiệm Donald Trump hạ thấp quy mô vụ tấn công mạng, dù Nga đã bác bỏ liên quan đến vụ việc. Ông cảnh báo sẽ trừng phạt Nga ngay sau khi nắm quyền.
Trong khi đó, phát ngôn viên điện Kremlin - ông Dmitry Peskov ngày 20/12 lên tiếng khẳng định mọi cáo buộc nhằm vào Nga đều vô lý và thể hiện tư tưởng bài Nga. (Washington Post/RT)
Nhật Bản
Cựu Thủ tướng Abe Shinzo có thể lại bị triệu tập
Reuters dẫn nguồn tin chính phủ và đảng cầm quyền Nhật Bản cho biết, quốc hội nước này đang lên lịch triệu tập cựu Thủ tướng Abe Shinzo để các ủy ban chỉ đạo chất vấn vào 25/12. Quốc hội Nhật Bản cũng đang xem xét liệu có nên phát trực tuyến phiên làm việc này hay không.
Theo đó, một trong những thư ký của ông Abe, người đứng đầu nhóm hỗ trợ của ông, được cho là đang bị điều tra vì nghi ngờ vi phạm luật kiểm soát quỹ chính trị. Thư ký trên bị nghi ngờ không báo cáo các khoản thu chi liên quan đến các bữa tiệc hàng năm, tổ chức cho những người ủng hộ ông Abe tại khách sạn ở Tokyo.
Các bữa tiệc được tổ chức trước các sự kiện ngắm hoa anh đào do chính phủ tài trợ khi ông Abe còn đương nhiệm. Tổng chi phí cho các bữa tiệc trên lên tới 190.000 USD trong 5 năm (từ 2014-2019). Phía ông Abe được cho là đã trả ít nhất 77.000 USD khoản chi trên.
Tuy nhiên, nhóm ủng hộ đã không đề cập việc trả tiền cho các bên trong các báo cáo quỹ chính trị của mình. (Reuters)
Hậu Brexit
Ngày 24/12, Ngoại trưởng Ireland Simon Coveney thông báo thỏa thuận lịch sử mà Anh và Liên minh châu Âu (EU) đang đàm phán liên quan tới Brexit sẽ chưa thể công bố sau khi vấp phải “vướng mắc vào phút chót” liên quan vấn đề đánh bắt cá.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Simon Coveney cũng bày tỏ hy vọng thỏa thuận hậu Brexit vẫn có thể được công bố ngay trong ngày 24/12 (giờ địa phương).
Trong khi đó, một nguồn tin của Chính phủ Pháp tiết lộ Anh đã đưa ra những "nhượng bộ lớn" trong đàm phán Brexit, đặc biệt là những điểm rất quan trọng về quyền đánh bắt cá, nhằm tránh viễn cảnh không thỏa thuận. (AFP)