Khung cảnh hỗn loạn tại Paris khi người dân xuống đường phản đối dự luật hưu trí của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. (Nguồn: AP) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga-Ukraine
* Nga không muốn xung đột trực tiếp với NATO: Ngày 24/3, hãng thông tấn Interfax (Nga) dẫn lời Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev cho biết nước này không có kế hoạch tham gia vào xung đột trực tiếp với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Đồng thời, Moscow quan tâm đến giải quyết tình hình Ukraine qua đàm phán. Cựu Tổng thống Nga cũng cho rằng nước này sẽ cần nhiều vũ khí hơn kể cả sau khi cuộc xung đột khép lại: “Tôi nghĩ rằng chúng ta vẫn còn một chặng đường nhất định để đi, chúng ta cần dự trữ cho tương lai. Điều này hoàn toàn rõ ràng. Chúng ta sẽ cần nhiều vũ khí hơn ngay cả sau khi chiến dịch kết thúc.”
Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo bất kỳ nỗ lực nào của Kiev nhằm giành lại quyền kiểm soát bán đảo Crimea, lãnh thổ Moscow tuyên bố sáp nhập năm 2014, sẽ là cơ sở để Nga đáp trả bằng “bất kỳ loại vũ khí nào” trước Kiev. (Reuters/Sputnik)
* Ukraine: Các đợt tấn công của Nga khiến 7 dân thường thiệt mạng: Theo cơ quan tình trạng khẩn cấp Ukraine ngày 24/3, 5 dân thường đã thiệt mạng ở thị trấn Kostiantynivka, Đông Donetsk. Văn phòng Tổng thống Volodymyr Zelensky thông báo 2 người đã thiệt mạng và 7 người bị thương sau trận pháo kích dữ dội vào Bilopillia, miền Bắc Sumy. Hiện các lực lượng Nga đang đẩy mạnh tấn công nhằm giành quyền kiểm soát khu vực công nghiệp Donetsk. (AFP/Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Xung đột Nga-Ukraine: Moscow điểm tên các nước không thể làm 'người hòa giải', đến lúc Mỹ phải đàm phán? |
Mỹ-Trung
* Trung Quốc tuyên bố coi trọng quyền riêng tư, bảo mật dữ liệu: Trả lời họp báo thường kỳ ngày 24/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nhấn mạnh nước này không và sẽ không bao giờ đề nghị bất kỳ doanh nghiệp nào cung cấp dữ liệu hoặc thông tin tình báo đặt ở nước ngoài.
Trước đó một ngày, trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ, Giám đốc điều hành (CEO) Shou Zi của Tiktok khẳng định hoạt động của ứng dụng không khác gì so với các nền tảng mạng xã hội lớn khác ở Mỹ. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Theo chân Mỹ, Đức nói mạng 5G sẽ vận hành không cần đến các thiết bị của Huawei, Trung Quốc |
Đông Nam Á
* Cựu Thủ tướng Thái Lan sẵn sàng về nước chấp hành án phạt tù: Phát biểu ngày 24/3, cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra cho biết ông đang chờ cơ hội để trở lại đất nước trong năm nay. Đề cập đến cuộc sống xa quê hương, ông Thaksin nhấn mạnh: “Tôi đã thụ án 16 năm trong nhà tù lớn (ám chỉ cuộc sống lưu vong) khi bị ngăn cản ở cùng với gia đình. Tôi đã chịu đựng đủ rồi. Nếu tôi phải chịu đựng một lần nữa trong nhà giam nhỏ hơn thì cũng không sao”.
Ông Thaksin, 73 tuổi, từng giữ chức Thủ tướng Thái Lan từ năm 2001-2006, trước khi cuộc đảo chính quân sự năm 2006 buộc ông phải sống lưu vong từ năm 2008. Hiện tại, con gái út của ông Thaksin, cô Paetongtarn Shinawatra, được xem là một trong 3 ứng cử viên thủ tướng của Đảng Pheu Thai, đảng đối lập lớn nhất tại xứ chùa vàng, trong cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra ngày 20/5 tới. (TTXVN)
TIN LIÊN QUAN | |
Bầu cử Thái Lan: Nhà vua ký sắc lệnh, chính thức giải tán Hạ viện |
Đông Bắc Á
* Mỹ tiến hành khóa huấn luyện THAAD đầu tiên tại Hàn Quốc: Ngày 24/3, Các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) cho biết đã triển khai khóa huấn luyện đầu tiên về triển khai bệ phóng “từ xa” của Hệ thống Phòng thủ Khu vực Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc.
Thông cáo nêu: “Việc huấn luyện lực lượng THAAD đã nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị, thế trận phòng thủ kết hợp trong liên minh, thể hiện cam kết sắt đá để hỗ trợ, bảo vệ Hàn Quốc và tăng cường hơn nữa an ninh, ổn định trên Bán đảo Triều Tiên. Việc bình thường hóa hoạt động và năng lực của THAAD giúp USFK sẵn sàng hơn trong bảo đảm nguồn cung cấp liên tục cho đơn vị, tạo cơ hội lớn hơn để sửa đổi thiết kế phòng thủ bằng cách tùy chọn phóng từ xa”.
Quân đội Mỹ cũng đã công bố loạt ảnh khóa huấn luyện diễn ra trong ngày 19/3, vài giờ sau khi truyền thông Triều Tiên đưa tin về các vụ phóng tên lửa của nước này, trong đó sử dụng thiết bị không người lái tấn công hạt nhân dưới nước và tên lửa hành trình. Hiện chính phủ Hàn Quốc đang thúc đẩy “bình thường hóa” hệ thống THAAD ở tỉnh Seongju, cách thủ đô Seoul 217 km về phía Đông Nam, nơi được coi là cơ sở lắp đặt “tạm thời” trong khi chờ đánh giá về môi trường.
Quân đội Mỹ đã thúc đẩy một chương trình nâng cấp được thiết kế để hợp lý hóa và tích hợp các hệ thống THAAD và Patriot thành một chương trình duy nhất, nhằm tăng cường sức mạnh và tăng sự linh hoạt cho hoạt động an ninh. (Yonhap)
TIN LIÊN QUAN | |
Vì sao TikTok là cái ‘gai’ ở nhiều quốc gia? |
Châu Âu
* Nga hối thúc xác định vật thể gần đường ống Dòng chảy phương Bắc: Phát biểu ngày 24/3, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đánh giá việc Đan Mạch mời nhà điều hành đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 do Nga kiểm soát hỗ trợ trục vớt vật thể không xác định gần đường ống này ở Biển Baltic là một dấu hiệu tích cực. Ông cũng nhấn mạnh rằng các bên cần điều tra về các vụ nổ tại những đường ống này tháng 9/2022 một cách hoàn toàn minh bạch. (Reuters)
* Lãnh đạo Pháp, Italy hội đàm: Điện Elysee ngày 23/3 cho biết bên lề hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels (Bỉ), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có hội đàm với Thủ tướng Italy Giorgia Meloni. Theo đó, hai bên đã thảo luận về “các cơ hội hợp tác” trong lĩnh vực nhập cư, công nghiệp và không gian. Ông Macron và bà Meloni cũng trao đổi về “tầm quan trọng của việc tiếp tục hành động vì chủ quyền châu Âu" trong chính sách công nghiệp và khử carbon.
Hai bên cũng khẳng định “quyết tâm hỗ trợ Ukraine trước hành động của Nga và hoan nghênh thỏa thuận đạt được về cung cấp cho Ukraine đạn dược và tên lửa cần thiết nhờ vào ngành công nghiệp châu Âu”. Đây là cuộc gặp song phương thứ hai từ khi bà Meloni nhậm chức Thủ tướng Italy tháng 10/2022. (AFP)
* Tuần hành tại Pháp lan rộng: Phát biểu với kênh CNews (Pháp) sáng 24/3, Bộ trưởng Nội vụ nước này Gerald Darmanin cho biết 457 người đã bị bắt và 441 nhân viên an ninh bị thương ngày 23/3 trong các cuộc tuần hành toàn quốc phản đối cải cách hưu trí của Tổng thống Emmanuel Macron. Quan chức này cũng cho biết đã có 90 vụ đốt phá trên các tuyến phố ở Paris trong ngày tuần hành bạo lực nhất kể từ khi hoạt động này nổ ra hồi tháng 1 vừa qua. Hiện Bộ Nội vụ Pháp đã triển khai 12.000 cảnh sát toàn quốc, trong đó 5.000 cảnh sát ở thủ đô nước này.
Trước đó, bất chấp các ý kiến phản đối dẫn tới tuần hành và đình công liên tiếp, ngày 22/3, Tổng thống Emmanuel Macron đã tuyên bố luật cải cách chế độ hưu trí sẽ có hiệu lực cuối năm nay. Theo luật này, tuổi nghỉ hưu sẽ được nâng từ 62 lên 64 vào năm 2030 với một cơ chế lương hưu tối thiểu. Từ năm 2027, người lao động phải làm việc ít nhất 43 năm để đủ điều kiện hưởng lương hưu đầy đủ. (AFP)
* Pháp thông báo hoãn chuyến thăm của Vua Charles: Điện Elysee ngày 24/3 nêu rõ: “Quyết định này được các chính phủ Pháp và Anh đưa ra sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống và Nhà vua sáng nay. Chuyến thăm cấp nhà nước này sẽ được lên kế hoạch lại sớm nhất có thể”.
Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh làn sóng tuần hành, phản đối luật cải cách hưu trí của Tổng thống Emmanuel Macron đang lan rộng khắp nước Pháp. Trước đó, nghiệp đoàn lớn nhất Pháp CGT đã lên tiếng kêu gọi nhân viên đình công, không chuẩn bị thảm đỏ và các công việc lễ tân khác cho việc tiếp đón vị nguyên thủ Anh tới thăm nước này. (Reuters)
* Estonia trục xuất nhân viên ngoại giao Nga: Ngày 24/3, Bộ Ngoại giao Estonia cho biết đã quyết định trục xuất một nhà ngoại giao tại Đại sứ quán Nga ở Tallinn. Tuyên bố cũng nêu rõ: “Các hoạt động của người này vi phạm Công ước Vienna về Quan hệ ngoại giao và phải rời Estonia trước ngày 29/3. Nhà ngoại giao này đã tham gia trực tiếp và tích cực vào việc phá hoại an ninh và trật tự hiến pháp của Estonia, phát tán thông tin tuyên truyền biện minh cho hành động quân sự của Nga và gây chia rẽ trong xã hội Estonia”.(Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Nga tố UAV trên Biển Đen là dấu hiệu Mỹ trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột ở Ukraine |
Châu Mỹ
* Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Mỹ thấp kỷ lục từ đầu nhiệm kỳ: Theo một cuộc thăm dò của Trung tâm nghiên cứu các vấn đề công cộng của AP-NORC (Mỹ) công bố ngày 23/3, tỷ lệ ủng hộ dành cho ông Joe Biden là 38, sụt giảm đáng kể so với tỷ lệ ủng hộ 45% trong tháng 2/2023 và 41% trong tháng 1/2023. Tỷ lệ ủng hộ thấp nhất của Tổng thống Biden được ghi nhận vào tháng 7/2022: Khi đó, chỉ 36% số người được hỏi ủng hộ cách điều hành công việc của ông chủ Nhà Trắng trong bối cảnh toàn bộ giá nhiên liệu, lương thực, thực phẩm tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhiều hộ gia đình ở Mỹ. Không ít người đang bi quan về triển vọng của nền kinh tế sau các vụ phá sản ngân hàng gần đây, tranh cãi lưỡng đảng về giới hạn trần nợ, khiến nước này đứng trước nguy cơ vỡ nợ. (TTXVN)
* Lãnh đạo Venezuela và Colombia hội đàm: Ngày 23/3, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro đã tiếp người đồng cấp Colombia Gustavo Petro tại Cung Miraflores ở Caracas. Tháp tùng ông Petro là Bộ trưởng Ngoại giao Álvaro Leyva, Chủ nhiệm Văn phòng Tổng thống Laura Sarabia Torres và nhiều quan chức cấp cao khác của Colombia. Trong khi đó, dự hội đàm cùng ông Maduro có Phó Tổng thống Delcy Rodríguez. Đây là cuộc gặp gỡ thứ tư giữa hai nhà lãnh đạo từ khi Venezuela và Colombia tái lập quan hệ tháng 8/2022. (TTXVN)
TIN LIÊN QUAN | |
Tổng thống Venezuela kêu gọi xây dựng thế giới mới đa cực, đa trung tâm |
Trung Đông-Châu Phi
* Thủ tướng Israel thăm Anh: Ngày 24/3, ông Benjamin Netanyahu đã hội kiến người đồng cấp Anh Rishi Sunak ở số 10 Phố Downing. Nhà lãnh đạo Israel cũng đã gặp Bộ trưởng Nội vụ nước chủ nhà Suella Braverman. Đây được coi là một sự kiện quan trọng nhằm thống nhất chính sách của hai nước về Iran.
Theo tờ Jerusalem Post (Israel), trước cuộc gặp trên, ông Benjamin Netanyahu và Rishi Sunak đã hủy kế hoạch ra tuyên bố chung do các cuộc tuần hành bên ngoài Phố Downing. Trước đó, ngay khi đặt chân tới London, nhà lãnh đạo Israel đã phải hứng chịu nhiều lời hò hét và chỉ trích từ hàng trăm người tuần hành, những người phản đối cuộc cải cách tư pháp của chính trị gia này. (Reuters/Jpost)
* Căn cứ ở Syria bị tấn công, Mỹ lập tức đáp trả: Sáng ngày 24/3, kênh truyền hình thân Iran Al-Mayadeen (Lebanon) và một nguồn tin an ninh cho biết căn cứ của Mỹ tại mỏ dầu Al-Omar, Đông Bắc Syria đã bị tấn công tên lửa lúc 11h sáng.
Cùng ngày, Lầu Năm Góc cũng xác nhận thông tin về một vụ tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) nhằm vào căn cứ của liên minh do Mỹ chỉ huy gần Hasakah, Đông Bắc Syria lúc 13h38 phút ngày 23/3. Vụ tấn công đã khiến một nhà thầu Mỹ thiệt mạng, năm binh sĩ cùng một nhà thầu khác bị thương. Cộng đồng tình báo Mỹ đánh giá rằng máy bay không người lái có nguồn gốc từ Iran.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, ngay sau các vụ tấn công trên, quân đội xứ cờ hoa cũng đã lập tức đáp trả với một đợt tấn công các nhóm liên kết với Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC). (Reuters)
| Mỹ 'giáng đòn' không kích ở Syria, tung cảnh cáo cứng Lầu Năm Góc cho biết, quân đội Mỹ đã tiến hành nhiều cuộc không kích ở Syria vào tối 23/3 nhằm vào các nhóm vũ ... |
| Giữa xung đột Nga-Ukraine, giá khí đốt giảm, xuất hiện ‘chồi xanh’ tươi sáng, Ba Lan, Hungary và Czech có thực sự được hưởng lợi? Theo bài viết mới đây trên schroders.com, các tác giả Andrew Rymer và Rollo Roscow nhận định, Ba Lan, Hungary và Czech là những quốc ... |
| 'Bơm' nhiều tỷ USD cho Ukraine, Ngoại trưởng Mỹ trấn an Quốc hội Ngày 23/3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã trấn an các thành viên Quốc hội nước này rằng, Bộ Ngoại giao Mỹ đã triển khai ... |
| Thỏa thuận Saudi Arabia-Iran sẽ sớm 'tan thành bọt biển'? Báo Arab News của Saudi Arabia mới đây đăng bài viết đánh giá về thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Saudi Arabia và ... |
| Philippines và Trung Quốc thảo luận về tình hình Biển Đông, Manila quyết 'không lùi bước'? Cuộc gặp gỡ của các nhà ngoại giao Trung Quốc và Philippines tại Manila lần này là dịp để hai bên cùng thảo luận về ... |