📞

Tin thế giới 24/3: Triều Tiên thử tên lửa, Mỹ ‘ngoảnh mặt làm ngơ’; Ngoại giao ‘ăn miếng trả miếng’ của châu Âu và Trung Quốc; Nga-EU khó hàn gắn

Quang Đào 19:42 | 24/03/2021
TGVN. Căng thẳng giữa Trung Quốc và phương Tây tiếp tục leo thang, Mỹ 'ngó lơ' Triều Tiên, xung đột Donbass, tình hình Myanmar... là những sự kiện quốc tế nổi bật 24h qua.

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Mỹ-Trung Quốc

Trung Quốc công bố báo cáo buộc tội Mỹ vi phạm nhân quyền

Ngày 24/3, Văn phòng Thông tin thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc đã công bố Báo cáo về tình trạng vi phạm nhân quyền ở Mỹ trong năm 2020.

Báo cáo chỉ rõ việc Washington không đủ năng lực trong việc ngăn chặn đại dịch Covid-19 đã dẫn đến những kết cục bi thảm và sự rối loạn dân chủ của Mỹ gây ra hỗn loạn chính trị. Theo báo cáo, các tộc người thiểu số bị phân biệt chủng tộc và sự bất ổn xã hội liên tục đã đe dọa an ninh công cộng ở Mỹ.

Báo cáo cũng tập trung vào sự phân cực ngày càng tăng giữa người giàu và người nghèo làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng xã hội ở Mỹ. Việc Mỹ không tôn trọng các quy tắc quốc tế đã dẫn đến các thảm họa nhân đạo. (THX)

Mỹ cảnh báo khả năng Trung Quốc ‘xâm lược’ Đài Loan

Phát biểu tại một phiên điều trần trước Ủy ban Vũ trang Thượng viện Mỹ, Đô đốc John Aquilino, ứng viên cho vị trí lãnh đạo Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương cho biết, Bắc Kinh sẽ có đủ khả năng "xâm lược" Đài Loan (Trung Quốc) sớm hơn những dự đoán hiện tại, bác bỏ các thời điểm vào năm 2045 của nhiều chuyên gia.

“Mục tiêu của họ là lật đổ vai trò lãnh đạo về mặt an ninh của Mỹ trong khu vực, dù là ở Biển Đông hay ở đường biên giới phía Bắc Ấn Độ…và tạo nên sự thay đổi trong các quy định quốc tế, và cuối cùng là thay đổi các quy định theo hướng có lợi cho Trung Quốc”, ông Aquilino nói về mối đe dọa mà Bắc Kinh đem lại cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. (AP)

Triều Tiên bắn tên lửa, Mỹ không nghĩ là hành động khiêu khích

Ngày 24/3, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, vào ngày 21/3 Triều Tiên đã phóng 2 tên lửa hành trình tầm ngắn ngoài khơi bờ biển Hoàng Hải. Đây được cho là vụ thử vũ khí đầu tiên của Bình Nhưỡng kể từ khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden lên nắm quyền.

Đặc biệt hơn, động thái này của Triều Tiên diễn ra ngay sau khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken có chuyến công du châu Á và đối thoại với quan chức Trung Quốc tại Alaska.

Một nguồn tin cho biết đây là tên lửa hành trình, không phải tên lửa đạn đạo. Không giống tên lửa đạn đạo, việc phóng tên lửa hành trình không thuộc diện cấm trong các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ). Triều Tiên đã dừng thử hạt nhân và tên lửa tầm xa từ cuối năm 2017.

Cùng ngày, các quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, việc Triều Tiên phóng tên lửa tầm ngắn mới đây không vi phạm các nghị quyết của HĐBA LHQ và gọi đây là một phần của sự "thử nghiệm vũ khí thông thường".

Chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng hạ thấp sự nghiêm trọng về đợt thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên, cho rằng, việc này không làm ảnh hưởng đến khả năng đối thoại.

Theo CNN, vụ phóng không gây bất ngờ bởi các quan chức và các chuyên gia từ lâu đã dự đoán nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ cố gắng gửi thông điệp tới chính quyền của Biden về tầm quan trọng của Triều Tiên trong khu vực. (Reuters/CNN)

Căng thẳng châu Âu-Trung Quốc gia tăng, hai bên đồng loạt triệu hồi đại sứ

Trong ngày 23/3, các quốc gia châu Âu như Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Đức và Italy đã đồng loạt triệu tập đại sứ Trung Quốc tại các nước này để phản ánh về việc Bắc Kinh “tung” các lệnh trừng phạt nhằm vào các chính trị gia và thực thể thuộc Liên minh châu Âu.

Bộ Ngoại giao Đức cho biết, nước này đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Berlin Wu Ken để “đàm phán khẩn cấp” với Ngoại trưởng Đức Miguel Berger.

Ông Berger nói rõ quan điểm của chính phủ Đức rằng “các biện pháp trừng phạt của Trung Quốc đối với các nghị sĩ, nhà khoa học và tổ chức chính trị châu Âu cũng như các tổ chức phi chính phủ cho thấy một sự leo thang không phù hợp, làm căng thẳng quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc một cách không cần thiết”.

Theo hãng tin Adnkronos, Italy là quốc gia EU mới nhất đưa ra động thái đối với đặc phái viên Trung Quốc khi triệu tập đại sứ Trung Quốc tại Rome vào ngày 24/3.

"Bộ Ngoại giao lưu ý rằng, đại sứ Trung Quốc tại Rome đã được triệu tập đến Bộ này vào ngày mai liên quan các lệnh trừng phạt của Bắc Kinh đối với EU. Thứ trưởng Ngoại giao Marina Sereni sẽ là người tiếp đón", theo thông báo của Bộ Ngoại giao nước này.

Về phần mình, Trung Quốc ngày 23/3 cho biết, đã triệu tập đại sứ của EU và Anh tại nước này nhằm thể hiện sự phản đối sau khi Mỹ, EU, Canada và Anh cùng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức cấp cao của Trung Quốc với cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. (Reuters/THX)

NATO muốn mở rộng hợp tác với châu Á-Thái Bình Dương để đối phó Trung Quốc

Bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao NATO đang diễn ra tại Brussels, Bỉ, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, khối này muốn mở rộng hợp tác với các nước có chung chí hướng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương để chống lại sự bắt nạt của Trung Quốc.

Ông cũng cho rằng,“Trung Quốc đã cư xử rất tệ với Australia” khi nước này thúc đẩy cuộc điều tra về nguồn gốc của Covid-19. Ông Jen Stoltenberg nhận định, vì lẽ này, NATO muốn mở rộng hợp tác với các nước có cùng chung chí hướng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương để chống lại hành vi “bắt nạt” của Trung Quốc.

Để làm được điều đó, ông Stoltenberg kêu gọi NATO đoàn kết và cùng phối hợp, tổ chức các cuộc họp nhằm tăng cường hợp tác với Australia, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương”. (The Herald)

Ngoại trưởng Nga: EU đã phá hủy hoàn toàn quan hệ với Nga

Ngày 23/3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố EU đã phá hủy hoàn toàn quan hệ với Nga bằng các quyết định đơn phương của mình.

Theo Ngoại trưởng Nga, châu Âu đã "cắt đứt quan hệ này, họ đã phá hủy tất cả các cơ chế được tạo dựng trong nhiều năm và chúng tôi chỉ có các đối tác từ những nước châu Âu riêng lẻ muốn hướng tới lợi ích quốc gia của họ".

“Moscow không có quan hệ với EU như với một tổ chức vì quan hệ đó đã bị Brussels phá hủy gần như hoàn toàn”, Ngoại trưởng Lavrov nói tại buổi họp báo hôm 23/3, sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị. (TASS)

Ukraine ‘hé lộ’ cách chấm dứt xung đột Donbass

Ngày 23/3, Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba khẳng định cách giải quyết cuộc xung đột ở Donbass đã được thảo luận nhiều lần và sẽ ra được giải pháp một khi Nga “bật đèn xanh”.

“Nếu về mặt chính trị Moscow quyết định tuân theo những lời hứa trước đó và họ đã nhiều lần nói rằng, Donbass vẫn nên là một phần của Ukraine, cuộc xung đột có thể được giải quyết dễ dàng và nhanh chóng”, Ngoại trưởng Ukraine nói thêm.

Ngoài ra, Ngoại trưởng Ukraine cho rằng, các phương pháp rút quân, các phương thức tổ chức bầu cử mà không có sự tham gia của Moscow, tất cả những điều này từ lâu đã được nghĩ ra một cách chi tiết.

“Do đó, Ukraine không nên hỏi phải mất bao lâu để kết thúc xung đột, mà là bao lâu để buộc Nga đồng ý. Hãy dừng nó lại. Nếu Nga đồng ý làm điều đó vào ngày mai, xung đột sẽ kết thúc sau một tuần nữa”, ông Kuleba giải thích. (Tyzden)

Tình hình Myanmar: Chính quyền quân sự phóng thích hàng trăm người biểu tình

Ngày 24/3, hàng trăm người bị bắt vì biểu tình phản đối chính biến quân sự ở Myanmar hồi tháng 2, đã được phóng thích khỏi một nhà tù ở thành phố Yangon.

Theo các nhân chứng và truyền thông trong nước tại Myanmar, một số xe buýt chở đầy tù nhân đã rời khỏi nhà tù Insein ở thành phố Yangon trong buổi sáng.

Một nhân chứng khẳng định đã nhìn thấy cảnh những chiếc xe rời khỏi nhà tù và cho rằng, tất cả những người được phóng thích đều là những người bị bắt do biểu tình, bị truy bắt trong đêm hoặc là những người ra ngoài mua đồ.

Chưa có thông tin xác nhận từ phía các cơ quan chức năng về con số chính xác những người được trả tự do.

Biển Đông: Trung Quốc tiếp tục bồi đắp trái phép Đá Subi

Ngày 24/3, ảnh vệ tinh do công ty công nghệ vũ trụ Mỹ Maxar đăng tải cho thấy, Trung Quốc bồi đắp thêm một bãi đất mới trên Đá Subi - bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Vùng mới thêm này nằm ở rìa phía Nam, có diện tích khoảng 2,85 ha.

Vùng mới bồi đắp không xuất hiện trong ảnh vệ tinh chụp Đá Subi ngày 20/2.

Theo ảnh vệ tinh mới của Maxar, một vệt hình tròn ở góc của mảnh đất cho thấy Trung Quốc có thể đã xây trái phép một tòa tháp hoặc vòm che radar ở đó. (SCMP)

Trung Quốc lên kế hoạch mời các quan chức Palestine và Israel đàm phán

Ngày 24/3, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Al-Arabiya của Saudi Arabia có trụ sở tại Dubai, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết, chính phủ Trung Quốc có kế hoạch mời các quan chức Israel và Palestine tổ chức các cuộc hội đàm tại Trung Quốc.

Ông Vương Nghị, người đã bắt đầu chuyến công du Trung Đông trong tuần này, cũng lên tiếng ủng hộ một sáng kiến của Saudi Arabia được công bố hôm 22/3 nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh ở Yemen. (Reuters)