📞

Tin thế giới 24/5: Ukraine 'tung hỏa mù'? Đức 'lực bất tòng tâm' với liên minh hỗ trợ Kiev; Pháp đề cao vai trò của Trung Quốc

Hoàng Hà 19:36 | 24/05/2023
Diễn biến xung đột Nga-Ukraine, Thủ tướng Nga thăm Trung Quốc, Thủ tướng Ấn Độ hội đàm với người đồng cấp Australia, Mỹ tuyên bố không bao giờ vỡ nợ... là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
Thủ tướng Australia Anthony Albanese tiếp đón người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi ở Sydney ngày 24/5. (Nguồn: AFP)

Báo Thế giới & Việt Nam cập nhật một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Nga-Ukraine

* Đức tỏ ra 'lực bất tòng tâm' với liên minh chiến đấu cơ cho Ukraine: Liên minh máy bay chiến đấu dành cho Kiev đang dần hình thành khi Ba Lan, Hà Lan và 2 nước thành viên khác của Liên minh châu Âu (EU) bày tỏ mong muốn huấn luyện cho phi công Ukraine.

Sau huấn luyện, bước thứ 2 có thể tiến hành là gửi chiến đấu cơ tới Ukraine, trong đó có cả F-16, trong bối cảnh Mỹ cũng đã bật đèn xanh cho việc này.

Đức hiện đang xem xét cách thức mà nước này có thể hỗ trợ liên minh máy bay chiến đấu như vậy, song, theo Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius, đóng góp của Berlin sẽ “không đáng kể".

Lý giải điều này, ông Pistorius nói rằng, Đức "không sở hữu chiến đấu cơ F-16 và có lẽ cũng không thể giúp gì nhiều cho công tác huấn luyện phi công”, thay vào đó, Berlin có thể tham gia hỗ trợ hậu cần hoặc tài chính cho liên minh. (TVN 24)

* Nga tuyên bố bắn hạ máy bay Ukraine bằng hệ thống phòng không tự động: Ngày 24/5, RIA Novosti dẫn một nguồn thạo tin cho biết, hệ thống phòng không S-350 Vityaz của Nga đã bắn một số máy bay chiến đấu và máy bay không người lái (UAV) của Ukraine ở chế độ hoàn toàn tự động.

Hệ thống phòng không Vityaz, không có người điều khiển, cũng thực hiện việc phát hiện và theo dõi các mục tiêu trên không. Nga chỉ điều khiển hoạt động của cả hệ thống.

* Nga sẽ đạt được các mục tiêu ở Ukraine bằng mọi giá, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố ngày 24/5.

Khi được hỏi liệu Nga có xem xét khả năng đóng băng cuộc xung đột, ông Peskov đáp: "Nga chỉ đang xem xét việc hoàn thành chiến dịch quân sự đặc biệt: đảm bảo lợi ích của mình, đạt được các mục tiêu của Nga thông qua chiến dịch quân sự đặc biệt hoặc bằng các phương tiện sẵn có khác". (Reuters)

* Ukraine chơi chiêu 'tung hỏa mù' để phản công: Ngày 23/5, Tổng cục tình báo Bộ Quốc phòng Ukraine tuyên bố, chiến dịch phản công của nước này sẽ bắt đầu trong tương lai gần bởi Kiev hiện đã có đủ số vũ khí cần thiết tối thiểu.

Trong khi đó, theo trang mạng quân sự Nga, Kiev không nêu hướng tác chiến cụ thể, song rất có thể cuộc tấn công vào tỉnh biên giới Belgorod - vốn Moscow cáo buộc là do biệt kích Ukraine tiến hành, song Kiev phủ nhận - là nỗ lực nhằm đánh lạc hướng quân đội Nga và làm suy yếu khả năng kiểm soát ở tiền tuyến.

Giới chuyên gia nhận định, Kherson và Zaporizhzhia sẽ trở thành những khu vực mà quân đội Ukraine có khả năng phát động phản công nhất, song không loại trừ khả năng Kiev có thể tận dụng tình trạng Wagner rút quân để tấn công Bakhmut,cũng như các vùng lân cận nhằm tiến quân theo hướng Donetsk.

Gần đây, các lực lượng vũ trang Ukrane cũng đã hoạt động cao độ dọc theo toàn bộ chiến tuyến, khiến việc đánh giá hướng tấn công trở nên rất khó khăn.

Trong khi đó, cùng ngày, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thông báo, nước này sẽ thành lập binh chủng Thủy quân Lục chiến nhằm tăng cường đáng kể tiềm lực của Hải quân quốc gia. (Axar, THX)

Châu Âu

* Pháp đề cao vai trò của Bắc Kinh với hòa bình của châu Âu, sau khi Đặc phái viên Trung Quốc về các vấn đề Á-Âu Lý Huy đến thăm Paris và có cuộc gặp với Vụ trưởng Vụ các vấn đề chính trị-an ninh của Bộ Ngoại giao Pháp Frederic Mondoloni.

Ngày 23/5, Bộ Ngoại giao Pháp ra thông cáo nhấn mạnh: "Vụ trưởng Mondoloni hoan nghênh chuyến thăm của ông Lý Huy tới châu Âu, cũng như việc đổi mới đối thoại giữa Trung Quốc và Ukraine".

Theo ông Mondoloni, Pháp tin rằng, "Trung Quốc có thể đóng vai trò xây dựng trong việc mang lại hòa bình công bằng và có kiểm chứng cho châu Âu trong khuôn khổ của luật pháp quốc tế". (Sputnik)

* Ba Lan tính khởi động chương trình mua tàu ngầm trong năm 2023, với việc chuyển giao các công nghệ cần thiết, theo lời Bộ trưởng Quốc phòng nước này Mariusz Blaszczak, lưu ý rằng cuộc đấu thầu sẽ sớm bắt đầu.

Ba Lan đã tăng chi tiêu quân sự kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra vào tháng 2 năm ngoái, theo đó chính phủ cam kết tăng gấp đôi quy mô quân đội và chi 4% GDP cho quốc phòng vào năm 2023. (Reuters)

* Su-27 Nga xuất kích chặn máy bay ném bom Mỹ trên biển Baltic: Moscow thông báo, ngày 23/5, các phương tiện kiểm soát không lưu của nước này trên biển Baltic đã phát hiện 2 mục tiêu trên không đang tiếp cận biên giới quốc gia.

Một máy bay chiến đấu Su-27 của lực lượng phòng không Hạm đội Baltic Nga đã xuất kích để ngăn hành vi xâm phạm biên giới quốc gia" và xác định đó là 2 máy bay ném bom chiến lược B-1B của Không quân Mỹ.

Theo thông báo, Su-27 đã kiểm soát quá trình 2 máy bay này rời khỏi không phận Nga và "được thực hiện theo đúng các quy tắc quốc tế về sử dụng không phận”. (TASS)

* Mỹ đưa ra đề xuất về vấn đề Armenia-Azerbaijan riêng rẽ cho Baku và Yerevan, theo lời Phó Trợ lý Thứ nhất của Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề châu Âu và Á-Âu Derek Hogan, nhấn mạnh rằng, đã đạt được một số tiến triển trong các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa hai nước.

Ông Hogan nói rõ" "Mỹ đang giải quyết về một số vấn đề gây tranh cãi nhất, bao gồm cả việc giãn cách các lực lượng dọc biên giới, cơ chế giải quyết tranh chấp trong hiệp ước mà chúng tôi đang cố gắng tạo điều kiện thuận lợi, quyền và an ninh của người Armenia ở Nagorno Karabakh".

Nhà ngoại giao Mỹ cho biết, ông đã nói chuyện với các Ngoại trưởng Armenia và Azerbaijan vào tuần trước với nỗ lực tìm ra những lĩnh vực có thể đạt được tiến triển. (TASS)

* Nga cân nhắc cấm xuất khẩu xăng dầu: Hãng Reuters ngày 23/5 dẫn các nguồn tin chính phủ tiết lộ, chính phủ Nga đang cân nhắc ban hành lệnh cấm xuất khẩu xăng dầu để ngăn chặn tình trạng thiếu nhiên liệu ở trong nước.

Biện pháp này dự kiến cũng sẽ ngăn chặn tình trạng tăng giá sau khi Bộ Tài chính Nga quyết định giảm trợ giá nhiên liệu cho các nhà máy lọc dầu.

Theo các nguồn tin, chính phủ Nga cũng có thể tăng khối lượng tối thiểu bắt buộc bán xăng cho ô tô trên sàn giao dịch hàng hóa cũng như giảm một nửa trợ cấp cho các nhà máy lọc dầu từ tháng 7 để bổ sung cho ngân sách.

Châu Á

* Các thủ tướng Ấn Độ, Australia hội đàm: Sáng 24/5, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có cuộc hội đàm trên phạm vi rộng với người đồng cấp Australia Anthony Albanese ở thành phố Sydney, thảo luận phương thức thúc đẩy quan hệ song phương tổng thể, gồm các lĩnh vực thương mại và đầu tư, quốc phòng và năng lượng tái tạo.

Cùng là thành viên của Nhóm Bộ tứ (Quad), gồm cả Nhật Bản và Mỹ, ông Modi phát biểu sau cuộc gặp: "Các nhà lãnh đạo Bộ tứ sát cánh cùng nhau vì một môi trường cởi mở, ổn định, an toàn và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thịnh vượng...".

Ông cho biết thêm, hai nước đã thảo luận việc nâng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Australia-Ấn Độ lên tầm cao mới trong thập kỷ tới.

Về phần mình, Thủ tướng Albanese nhấn mạnh, hai nhà lãnh đạo đã nhắc lại nguyện vọng chung về việc sớm ký kết Hiệp định Hợp tác kinh tế toàn diện Australia-Ấn Độ trong năm nay.

Bên cạnh đó, ông Albanese cũng thông báo về việc mở Tổng Lãnh sự quán Australia tại thành phố Bengaluru (thủ phủ bang Karnataka). (Reuters)

* Nhật Bản khẳng định không có kế hoạch gia nhập NATO: Ngày 24/5, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tuyên bố, Tokyo không có kế hoạch gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) với tư cách là một quốc gia thành viên hay bán thành viên.

Tuy nhiên, ông Kishida thừa nhận NATO có kế hoạch mở một văn phòng liên lạc tại Nhật Bản.

Trong khi đó, cùng ngày, Trung Quốc tuyên bố phản đối việc NATO có kế hoạch mở văn phòng đại diện ở Nhật Bản. (Reuters)

* Trung Quốc sẵn sàng nâng tầm quan hệ với Nga: Ngày 24/5, trong buổi gặp người đồng cấp Nga Mikhail Mishustin đang ở thăm Bắc Kinh, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tuyên bố, nước này sẵn sàng hợp tác với Moscow để đưa quan hệ hợp tác thực chất song phương lên "tầm cao mới".

Theo ông Lý Cường, hợp tác thực chất giữa Nga và Trung Quốc cho thấy một xu hướng phát triển "tốt đẹp", và quy mô đầu tư giữa hai nước cũng không ngừng được nâng cấp.

Về phần mình, Thủ tướng Nga Mishustin khẳng định, các mối quan hệ giữa Moscow và Bắc Kinh hiện đang ở mức "cao chưa từng thấy", thể hiện qua "sự tôn trọng lẫn nhau đối với lợi ích của mỗi nước, ý định chung tay ứng phó với những thách thức mới liên quan sự bất ổn ngày càng tăng trên trường quốc tế và áp lực trừng phạt bất hợp pháp từ phương Tây".

Sau cuộc hội đàm, hai bên đã ký kết một số nghị định thư về kiểm dịch thực vật xuất khẩu từ Nga sang Trung Quốc và các yêu cầu đối với ngũ cốc, cũng như tăng cường đầu tư trong lĩnh vực thương mại. (Reuters)

* Mỹ-Hàn Quốc trừng phạt các tổ chức và cá nhân Triều Tiên bị cáo buộc tham gia các hoạt động trái phép trên không gian mạng nhằm góp phần tài trợ cho các chương trình phát triển vũ khí của Bình Nhưỡng.

Theo đó, ngày 23/5, Mỹ đưa vào danh sách đen 4 tổ chức Triều Tiên là Đại học Tự động hóa Bình Nhưỡng, Cục Trinh sát kỹ thuật, Trung tâm Nghiên cứu 110; Công ty Hợp tác công nghệ thông tin Chinyong.

Cá nhân bị trừng phạt là Kim Sang-man, đại diện của công ty Chinyong tại Vladivostok (Nga), người được cho là làm nhiệm vụ thanh toán tiền lương cho thành viên gia đình các chuyên gia Triều Tiên của doanh nghiệp này ở nước ngoài.

Trong khi đó, phía Hàn Quốc áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương bổ sung 3 tổ chức và 7 cá nhân Triều Tiên, đánh dấu đợt trừng phạt độc lập lần thứ 7 của Seoul đối với Bình Nhưỡng kể từ khi Tổng thống Yoon Suk Yeol nhậm chức. (Yonhap)

Châu Mỹ

* Cuba sẽ tổ chức cuộc họp hội đồng chung với EU tại Havana vào ngày 26/5 để đánh giá tình hình thực hiện Thỏa thuận Đối thoại chính trị và hợp tác (PDCA) ký kết năm 2016 nhằm củng cố và tăng cường mối quan hệ giữa các bên trong lĩnh vực đối thoại chính trị, hợp tác và thương mại.

Hội đồng chung sẽ do Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodríguez và Đại diện cấp cao về chính sách Đối ngoại và an ninh EU Josep Borrell làm đồng chủ tịch.

Bộ Ngoại giao Cuba cho hay, Đại diện cấp cao của EU sẽ thực hiện một chương trình hoạt động phong phú trong thời gian ở Havana, bao gồm các cuộc gặp với chính quyền và đại diện của các lĩnh vực khác nhau của xã hội Cuba, cũng như thăm và xác định tiềm năng của các cơ sở hợp tác song phương. (Prensa Latina)

* Mỹ tuyên bố sẽ không bao giờ lâm vào tình trạng vỡ nợ: Ngày 23/5, bình luận việc Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy chưa thống nhất phương án nâng trần nợ công, thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre: "Chúng tôi vẫn đang thanh toán các hóa đơn, chúng tôi chưa bao giờ lâm vào tình trạng vỡ nợ và sẽ không bao giờ như vậy".

Cùng ngày, ông McCarthy nói rằng, chỉ có Tổng thống Biden phải chịu trách nhiệm về khả năng Mỹ có thể vỡ nợ trong vài ngày tới, lưu ý chỉ còn 9 ngày nữa là đến thời điểm dự kiến Washington không thể trả nợ nếu không có quyết định tăng hạn mức vay.

Trước đó ông Biden đã gặp ông McCarthy tại Nhà Trắng, kết quả sau đàm phán hai bên vẫn không có được giải pháp chung.

Hơn nữa, theo các phương tiện truyền thông Mỹ, trong cuộc trò chuyện kín với các nhân vật cùng đảng, ông McCarthy nói rằng, bộ máy hành pháp và lập pháp không tiến gần hơn chút nào đến chỗ đạt được thỏa thuận. (Reuters)

* Peru tuyên bố Tổng thống Mexico là “nhân vật không được hoan nghênh”: Ngày 23/5, với 11 phiếu thuận, 3 phiếu trắng và 1 phiếu chống, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Peru đã thông qua nghị quyết tuyên bố Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador là “nhân vật không được hoan nghênh”.

Động thái được đưa ra sau những phát biểu của ông Obrador đối với người đồng cấp Peru Dina Boluarte.(TTXVN)