📞

Tin thế giới 25/10: Đức khó hiểu thái độ của Thổ Nhĩ Kỳ; điều sáng suốt nhất EU có thể làm? 'Bom' đảo chính phát nổ ở Sudan

Hoàng Hà 19:55 | 25/10/2021
Căng thẳng Nga-NATO, Thổ Nhĩ Kỳ và 10 nước phương Tây, Sudan nổ ra đảo chính, quan hệ Nhật Bản với Nga và Trung Quốc, tình hình trên bán đảo Triều Tiên, Afghanistan... là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
Người biểu tình phản đối lực lượng quân sự tiếm quyền ở thủ đô Khartoum, Sudan ngày 21/10. (Nguồn: Economic Times)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Đức khó hiểu vụ Thổ Nhĩ Kỳ trục xuất đại sứ 10 nước phương Tây

Ngày 25/10, Đức bày tỏ quan ngại sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan dọa trục xuất Đại sứ Đức tại Ankara, cùng với các đại sứ của Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Hà Lan, New Zealand, Na Uy, Thụy Điển và Mỹ vì họ kêu gọi quốc gia liên lục địa Á-Âu thả nhà hoạt động Osman Kavala.

Trả lời phỏng vấn, người phát ngôn của Thủ tướng Đức Steffen Seibert phát biểu: "Chúng tôi khó hiểu trước những phát biểu của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, chưa có bất kỳ thông báo chính thức nào từ phía Ankara".

Theo ông Seibert, Đức đang tham vấn chặt chẽ với các đối tác bị ảnh hưởng bởi những lời đe dọa tương tự.

Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các đồng minh phương Tây đang trên bờ vực khủng hoảng nghiêm trọng nhất dưới thời của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan trong bối cảnh các thủ đô trên thế giới đã chuẩn bị cho việc Ankara có thể trục xuất các đại sứ. (AFP)

Căng thẳng Ba Lan-EU: Điều sáng suốt nhất EU có thể làm?

Ngày 25/10, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đã cáo buộc Liên minh châu Âu (EU) "ép buộc" Warsaw thay đổi cải cách tư pháp với các đe dọa áp đặt lệnh trừng phạt.

Trả lời phỏng vấn tờ Financial Times, ông Morawiecki đã hối thúc EU hủy quyết định đề nghị Tòa án Công lý châu Âu ra phán quyết phạt Ba Lan liên quan cải cách tư pháp. Cụ thể, ông phát biểu: "Đây là điều sáng suốt nhất họ có thể làm. Bởi vì chúng ta sẽ không nói chuyện với nhau với một khẩu súng hướng vào đầu".

Khi được hỏi về khả năng Ba Lan có thể phủ quyết các quyết định của EU để trả đũa, ông Morawiecki cho biết: "Điều gì sẽ xảy ra nếu Ủy ban châu Âu bắt đầu Thế chiến III? Nếu họ bắt đầu, chúng tôi sẽ bảo vệ lợi ích quốc gia bằng bất kỳ vũ khí nào chúng tôi muốn". (AFP)

'Bom' đảo chính phát nổ ở Sudan

Thủ tướng bị bắt giữ, giải tán chính phủ: Ngày 25/10, Bộ Thông tin Sudan xác nhận nhiều quan chức dân sự cấp cao thuộc Hội đồng cầm quyền nước này bị lực lượng quân sự bắt cùng Thủ tướng Abdalla Hamdok và bị đưa đến một nơi giam giữ bí mật.

Lực lượng quân đội vũ trang hạng nặng cùng các lực lượng bán vũ trang sau đó đã phong tỏa thủ đô cùng sân bay quốc tế Khartoum.

Bộ Thông tin Sudan nhận định, nước này đang phải đối mặt với một cuộc đảo chính quân sự toàn diện, đồng thời hối thúc các lực lượng quân sự trả tự do ngay lập tức cho toàn bộ những người bị bắt giữ.

Người đứng đầu hội đồng cầm quyền Sudan, Tướng Abdel Fattah al-Burhan mới đây đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc, giải tán chính phủ chuyển tiếp cũng như Hội đồng tối cao nước này.

Bên cạnh đó, ông Burhan tuyên bố sẽ thành lập một chính phủ "có thẩm quyền", cam kết "sự chuyển đổi sang một nhà nước dân sự" và tạo ra nhiều thể chế nhà nước như tòa án tối cao. Ngoài ra, tướng quân đội Sudan cũng cho biết, quốc gia Bắc Phi này vẫn kiên định với các thỏa thuận quốc tế mà nước này đã ký kết. (AFP)

Hàng chục nghìn người biểu tình đụng độ quân đội: Thủ tướng Hamdok kiên quyết phản đối đảo chính và kêu gọi người dân xuống đường biểu tình hòa bình phản đối việc quân đội tiếm quyền.

Ngày 25/10, Bộ Thông tin Sudan cho biết, hàng chục nghìn người đã xuống đường hưởng ứng lời kêu gọi này. Đoạn phim trên kênh truyền hình Al-Jazeera Mubasher có trụ sở tại Qatar cho thấy, nhiều người biểu tình vượt qua các chướng ngại vật và tiến vào đường phố xung quanh trụ sở quân sự ở thủ đô Khartoum.

Tuy nhiên, kênh truyền hình Al-Arabiya dẫn lời các nhân chứng cho biết, đụng độ đã xảy ra giữa người biểu tình với các binh sĩ Sudan khi người biểu tình cố gắng tiếp cận các tòa nhà có trụ sở quân đội ở Khartoum.

Ủy ban bác sĩ Sudan thông báo, ít nhất 12 người đã bị thương trong các vụ đụng độ.

Trong khi đó, Bộ Thông tin Sudan thông báo, các binh sĩ đã xông vào trụ sở của đài truyền hình và phát thanh nhà nước Sudan, bắt giữ một số nhân viên. (Reuters)

Dư luận quốc tế: Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi Moussa Faki Mahamat kêu gọi thả các nhà lãnh đạo chính trị của Sudan và tôn trọng nhân quyền ở nước này. Ông Faki cũng kêu gọi nối lại cuộc đàm phán giữa quân đội và phe dân sự của chính phủ chuyển tiếp ở Sudan.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas tuyên bố: "Tin tức về âm mưu đảo chính mới ở Sudan đang gây quan ngại... Tôi kêu gọi tất cả mọi người ở Sudan có trách nhiệm về an ninh và trật tự để tiếp tục thực hiện tiến trình chuyển tiếp sang dân chủ của nước này cũng như tôn trọng ý chí của người dân. Âm mưu lật đổ phải chấm dứt ngay lập tức".

Trong khi đó, đặc phái viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc về Sudan Volker Perthes tuyên bố "quan ngại sâu sắc trước thông tin về một cuộc đảo chính đang diễn ra và âm mưu phá hoại tiến trình chuyển tiếp chính trị tại Sudan".

Ông Volker Perthes nhấn mạnh: "Việc bắt giam Thủ tướng, các quan chức chính phủ và các chính trị gia là không thể chấp nhận được. Tôi kêu gọi lực lượng an ninh lập tức trả tự do cho những người đang bị giam giữ hoặc quản thúc bất hợp pháp".

Trước đó, Mỹ và EU cũng đã lên tiếng quan ngại trước những diễn biến bất ổn mới nhất ở Sudan. (Reuters, AFP)

Tình hình Afghanistan

Ngoại trưởng Trung Quốc gặp Taliban: Ngày 25/10, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo, Ngoại trưởng nước này Vương Nghị sẽ gặp một phái đoàn của chính quyền do Taliban lập nên ở Afghanistan trong khuôn khổ chuyến công du Qatar từ ngày 25-26/10.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Uông Văn Bân nêu rõ, tại cuộc gặp nói trên, hai bên sẽ trao đổi các quan điểm về tình hình Afghanistan và các chủ đề hai nước cùng quan tâm.

Ông Uông Văn Bân nhấn mạnh, do Afghanistan vừa là quốc gia láng giềng hữu nghị truyền thống vừa là đối tác, nên Trung Quốc luôn chủ trương đối thoại và liên lạc để giúp cải thiện tình hình tại nước này. (Reuters)

Nga sẽ cung cấp viện trợ nhân đạo cho Afghanistan trong vài ngày tới, theo lời của đặc phái viên của Tổng thống Nga về Afghansitan Zamir Kabulov.

Ngoài ra, ông Kabulov cho biết, Pakistan hy vọng sẽ tổ chức một cuộc họp "troika mở rộng" về Afghansitan, gồm Nga, Trung Quốc, Mỹ và Pakistan tại Islamabad vào cuối tháng 11, đồng thời bày tỏ hy vọng rằng Mỹ - quốc gia không tham dự các cuộc đàm phán ở Moscow, sẽ tham gia. (Reuters)

Mỹ quá nhẹ nhàng với cựu Tổng thống Afghanistan Ghani: Ngày 24/10, cựu Đặc phái viên Mỹ về Afghanistan Zalmay Khalilzad cho rằng, Mỹ đã không gây sức ép đủ mạnh đối với cựu Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani để chia sẻ quyền lực với lực lượng Taliban.

Trả lời phỏng vấn đài truyền hình CBS sau khi từ chức, ông Zalmay Khalilzad nói: “Chúng tôi đã nhẹ nhàng với ông ấy. Chúng tôi đã sử dụng ngoại giao. Chúng tôi đã khuyến khích ông ấy". Theo ông Khalilzad, cựu Tổng thống Ghani không bao giờ đồng ý chia sẻ quyền lực với Taliban.

Bên cạnh đó, ông Khalilzad cho rằng, thủ lĩnh của nhóm khủng bố al-Qaeda Ayman al-Zawahiri có thể vẫn ở Afghanistan hoặc ở các vùng lãnh thổ lân cận. Mặc dù vậy, Mỹ đã đạt được phần lớn các mục tiêu chống khủng bố của mình ở quốc gia này. (CBS News)

Nga-Nhật Bản-Trung Quốc:

Nhật Bản hy vọng cải thiện quan hệ với Trung Quốc: Ngày 25/10, Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi Toshimitsu bày tỏ hy vọng quan hệ giữa nước này với Trung Quốc sẽ cải thiện, dù cho rằng, tình hình hiện tại "vẫn trong tình trạng nghiêm trọng và khó khăn", xét tới việc hai nước có giá trị và quy tắc khác biệt.

Trong một thông điệp gửi tới một diễn đàn trực tuyến của giới chuyên gia nghiên cứu về quan hệ hai nước, nhà ngoại giao Nhật Bản cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc liên lạc và đối thoại nhân dân nhằm xây dựng mối quan hệ mang tính xây dựng và ổn định.

Trong khi đó, cũng gửi thông điệp tới diễn đàn trên, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khẳng định, hai nước cần thúc đẩy hoạt động trao đổi lẫn nhau trong nhiều lĩnh vực, song cảnh báo những vấn đề như Đài Loan là "nghiêm trọng và nhạy cảm". (Kyodo)

Nhóm tàu hải quân Nga đi vào Biển Nhật Bản: Ngày 25/10, Bộ Quốc phòng Nhật Bản thông báo, 5 tàu hải quân Nga di chuyển theo hướng Đông Bắc, cách eo biển Tsushima khoảng 140 km về phía Tây Nam, thuộc tỉnh Nagasaki ở Tây Nam Nhật Bản vào khoảng 22h ngày 23/10 và sau đó tiến vào biển Nhật Bản.

Vào khoảng 10h (theo giờ địa phương) ngày 24/10, một trực thăng đã cất cánh và hạ cánh trên một tàu khu trục - 1 trong số 5 tàu Nga - ở khu vực cách Tsushima khoảng 60 km về phía Đông Bắc.

Bộ trên đang phân tích mục đích đằng sau động thái này, trong khi Phó Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihiko Isozaki cho biết chính phủ sẽ theo dõi diễn biến này với "sự quan tâm cao".

Những tàu này trước đó đã lập thành một nhóm với 5 tàu của Trung Quốc cũng di chuyển vòng quanh hầu hết các đảo Nhật Bản vào giữa tháng 10. (Kyodo)

Nga-NATO: Nga không sai khi ngừng quan hệ chính thức với NATO

Ngày 24/10, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố, Nga không sai khi ngừng đối thoại chính thức với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Theo quan chức Nga, nỗ lực đối thoại với NATO của Moscow là vô ích và sẽ chẳng có gì khủng khiếp xảy ra nếu từ bỏ mối quan hệ với một liên minh có "lập trưởng hiếu chiến" luôn tìm cách "kiềm chế mình"

Bình luận về nỗ lực gia nhập NATO của Ukraine, ông Peskov cho biết, Nga không thể ngăn cản song Moscow sẽ làm mọi thứ cần thiết để giảm thiểu hậu quả trong trường hợp Ukraine được kết nạp. (TASS)

Tình hình Bán đảo Triều Tiên

Triều Tiên lên án Canada và Pháp vì điều động các máy bay tuần tra tới gần Bán đảo Triều Tiên để giám sát các hoạt động của Bình Nhưỡng, vi phạm một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Trong một tuyên bố được đăng tải trên trang tin của Bộ Ngoại giao Triều Tiên ngày 25/10 nêu rõ, các hoạt động giám sát này là "sự khiêu khích quân sự", một hành động "khinh suất" sẽ "hủy hoại sự cân bằng an ninh trong khu vực và dẫn tới việc làm trầm trọng thêm tình hình chính trị".

Cáo buộc Washington "kích động" các hoạt động quân sự trong khu vực, Bộ Ngoại giao tuyên bố, những động thái như vậy là một phần của các nỗ lực của Mỹ nhằm giữ Trung Quốc và Nga trong tầm kiểm soát.

Tuyên bố nêu rõ: "Mỹ và các nước phương Tây nên ý thức những hành động khiêu khích quân sự sẽ không chỉ làm hại tới tình hình khu vực mà còn tới an ninh quốc gia của chính họ". (Yonhap)

Hàn Quốc cam kết tiếp tục nỗ lực đối thoại với Triều Tiên: Ngày 25/10, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tuyên bố, cho tới cuối nhiệm kỳ vào tháng 5/2022, chính quyền nước này sẽ tiếp tục theo đuổi hòa bình và thịnh vượng trên Bán đảo Triều Tiên thông qua đàm phán và ngoại giao với Bình Nhưỡng.

Nhà lãnh đạo Hàn Quốc nhắc lại kế hoạch tăng cường liên minh với Mỹ cũng như tăng cường quan hệ với các nước láng giềng, trong khi tăng ngân sách quốc phòng lên 55,2 nghìn tỷ Won (tương đương 47 tỷ USD). (Kyodo)

Chưa phát hiện hoạt động quân sự bất thường của Triều Tiên: Ngày 25/10, người phát ngôn Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân (JCS) Hàn Quốc, Đại tá Kim Jun-rak cho biết, giới tình báo Hàn Quốc và Mỹ đang phối hợp chặt chẽ và tiếp tục giám sát những động thái quân sự của Triều Tiên.

Theo ông Kim, đến nay, Mỹ và Hàn Quốc "chưa phát hiện thấy những hoạt động bất thường" của Triều Tiên.

Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh có Triều Tiên liên tiếp thử tên lửa trong thời gian gần đây, dấy lên những lo ngại về an ninh trong khu vực và các động thái tiếp theo từ Bình Nhưỡng. (Yonhap)