Hậu Bầu cử Mỹ 2020
Ông Trump khuấy đảo chính trường Mỹ
Trước khi bắt đầu kỳ nghỉ lễ ở khu nghỉ dưỡng tại Florida, Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến các nhà làm luật Mỹ phải đau đầu vì phản đối dự luật cứu trợ Covid-19. Chủ nhân Nhà Trắng tuyên bố sẽ không ký thông qua dự luật nếu Quốc hội không nhất trí nâng mức cứu trợ từ 600 USD lên 2.000 USD hoặc 4.000 USD.
Tuy nhiên, các nghị sĩ Cộng hòa ở Hạ viện Mỹ ngày 24/12 đã bác bỏ đề nghị của ông Trump. Bế tắc này đồng nghĩa với việc Chính phủ Mỹ có nguy cơ đóng cửa vào đầu tuần tới, chỉ vài ngày trước cuộc chạy đua gay cấn vào Thượng viện ở bang Georgia.
Trong tuần qua, ông Trump cũng khiến chính trường Mỹ dậy sóng khi công bố hàng loạt lệnh ân xá, giảm án gây tranh cãi cho các đồng minh, trong đó có cựu quản lý chiến dịch tranh cử Paul Manafort, thông gia Charles Kushner.
Trong ngày 25/12, Lầu Năm Góc và các nhà lãnh đạo quân sự Mỹ đều lên tiếng lo lắng và họp mặt với nhau để bàn về những điều Tổng thống Mỹ có thể làm, bao gồm việc thiết quân luật.
Việc lên kế hoạch bí mật này phòng tình huống bất ngờ xảy ra khi các lực lượng vũ trang được triệu tập để duy trì hoặc khôi phục trật tự xã hội trong lễ nhậm chức và quá trình chuyển giao.
Theo một quan chức giấu tên nhận định với Newsweek, Nhà Trắng và các đồng minh trung thành trong Lầu Năm Góc của ông Trump đều không được tiếp cận kế hoạch này do lo ngại nó có thể bị khai tử "từ trong trứng nước". (The Hill/Newsweek)
Chi tiêu vũ khí hạt nhân của Mỹ sẽ giảm mạnh
Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden có kế hoạch giảm bớt vai trò của vũ khí hạt nhân trong chiến lược quốc phòng của Hoa Kỳ và cắt giảm lớn ngân sách được cho là "quá mức" dành cho việc hiện đại hóa loại vũ khí này. Được biết, chương trình hiện đại hoá vũ khí hạt nhân sẽ tiêu tốn 1,2 nghìn tỷ USD ngân sách của Mỹ.
Ông Joe Biden cũng có thể xem xét lại quyết định của Lầu Năm Góc trong việc phát triển một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mặt đất mới, bao gồm cả đầu đạn của nó, tổng chi phí sẽ vượt quá 100 tỷ USD. (AFP/Wall Street Journal)
TIN LIÊN QUAN | |
Tranh chấp thương mại Australia-Trung Quốc và lựa chọn nào cho ông Biden? |
Mỹ-Nga
Tổng thống Trump đẩy mạnh ngăn chặn Dòng chảy phương Bắc 2
Mỹ đang thúc giục các đồng minh châu Âu và các công ty tư nhân ngừng hoạt động xây dựng đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Dòng chảy phương Bắc 2. Đồng thời, chuẩn bị các biện pháp trừng phạt rộng hơn đối với dự án của Nga trong những tuần tới, các quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Trump cho biết.
Một trong những quan chức chính phủ giấu tên nói với Reuters: “Chúng tôi đã nhận được thông tin về lệnh trừng phạt giáng đòn mạnh vào Dòng chảy phương Bắc 2. Và hiện chúng tôi đang tiến hành giáng đòn chí mạng vào dự án này ”.
Các quan chức từ chối xác định những thực thể nào có thể phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt vì thông tin không được tiết lộ trước nhưng cho biết họ không nhắm mục tiêu vào các chính phủ hoặc quan chức chính phủ cụ thể.
Về phần mình, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng các biện pháp trừng phạt hiện có và đang được lên kế hoạch của Mỹ nhằm làm cho việc triển khai dự án trở nên khó khăn nhất có thể. Đồng thời, ông Peskov khẳng định Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án mà châu Âu rất cần về mặt an ninh năng lượng. (Reuters)
Mỹ không được nêu thêm điều kiện nếu quay lại JCPOA
“Mỹ phải trở lại Thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 mà không được đặt ra thêm bất kỳ điều kiện hay yêu cầu nào nữa.” – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova khẳng định.
Bà Zakharova nói rõ rằng, các bên tham gia cuộc họp cấp ngoại trưởng của nhóm nước ký JCPOA (Kế hoạch hành động chung toàn diện), tức Thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, đã xác nhận quan điểm này.
"Chúng tôi bắt đầu từ sự hiểu biết rằng việc Mỹ quay trở lại JCPOA phải không được dính dáng tới bất kỳ điều kiện tiên quyết hoặc yêu cầu bổ sung nào. Chúng tôi tin sẽ đạt được tiến bộ về mặt này. Chúng tôi đã ghi nhận sự xác nhận liên tục của ban lãnh đạo Iran rằng, họ sẵn sàng hành động theo cách này", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga nói. (TASS)
TIN LIÊN QUAN | |
Moscow nói Mỹ hành động khó hiểu, tố chính quyền của ông Trump ngăn cản ông Biden hợp tác với Nga |
Bán đảo Triều Tiên
Máy bay do thám Mỹ lượn sát Triều Tiên
Hãng thông tấn UPI đưa tin, No Callsign - trụ sở ở Hàn Quốc - đăng trên Twitter một số hình ảnh thời gian thực của chiếc EP-3E Aries II, máy bay trinh sát và tác chiến điện tử 4 động cơ.
Dữ liệu cho thấy máy bay này đã bay trong hai ngày 23 và 24/12, hoạt động trên bầu trời thủ đô Seoul và Hoàng Hải, vùng biển nằm giữa bán đảo Triều Tiên và Trung Quốc. Ngày 24/12, EP-3E Aries II di chuyển hướng về phía bắc biên giới Triều Tiên
Cùng ngày, No Callsign cũng công bố dữ liệu về Joint STARS, hệ thống radar tấn công mục tiêu giám sát liên hợp E-8 của không lực Mỹ. Đây là máy bay chỉ huy-kiểm soát và quản lý chiến đấu, giám sát mặt đất. No Callsign mô tả Joint STARS đã bay từ bờ biển phía tây bán đảo ra Hoàng Hải, rồi trở về căn cứ.
UPI chỉ ra rằng, các máy bay do thám Mỹ kể trên hoạt động trên bán đảo trước thềm đại hội đảng Lao động Triều Tiên lần thứ 8.
Hình ảnh vệ tinh gần đây từ trang 38 North (chuyên theo dõi tình hình Triều Tiên) cho thấy chính quyền Chủ tịch Kim Jong-un đang sắp xếp một số thay đổi tại quảng trường chính ở Bình Nhưỡng, trong đó có sự xuất hiện của một "cấu trúc bí ẩn". (UPI)
TIN LIÊN QUAN | |
The Diplomat: Mỹ kéo Iran, Venezuela và Triều Tiên xích lại gần nhau |
Mỹ-Iran
Iran lập hệ thống phòng không chống Mỹ
Theo tờ Al-Qabas, Iran đang xây dựng hệ thống phòng không gần các cơ sở hạt nhân để chống lại khả năng bị Mỹ tấn công bằng tên lửa.
Cụ thể, Iran đã xây dựng hệ thống phòng không và thiết bị định vị radar để bảo vệ các cơ sở thiết yếu phục vụ chương trình hạt nhân, tránh làm gián đoạn quá trình làm giàu uranium.
Đặc biệt, biện pháp phòng ngừa được tăng cường ở tỉnh Isfahan, nơi đặt nhà máy làm giàu uranium Natanz.(Al-Qabas)
Mỹ điều tàu ngầm hạt nhân tới Vịnh Ba Tư
Tàu ngầm Hải quân Mỹ mang tên lửa dẫn đường lớp Ohio USS Georgia đã đi vào Vịnh Ba Tư, tiến gần vùng biển Iran.
Mặc dù hoạt động được mô tả là thường lệ, nhưng đây là lần đầu tiên Hải quân Hoa Kỳ tuyên bố công khai việc triển khai tàu ngầm tên lửa dẫn đường Lớp Ohio đến Vịnh Ba Tư kể từ năm 2012. Các hoạt động của hạm đội tàu ngầm hạt nhân của Mỹ nói chung thường rất bí mật. (Military Watch)
TIN LIÊN QUAN | |
Iran: Bất chấp sự 'ấm lạnh' trên vũ đài quốc tế, Nga vẫn là đối tác chiến lược của Tehran |
Nga
Nga tố NATO có những hành động khiêu khích
Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga, Thứ trưởng Quốc phòng thứ nhất, tướng Valery Gerasimov mới đây cho biết, tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang ngày càng có nhiều hành động khiêu khích ở biên giới Nga.
"Việc tăng cường tiềm lực phòng thủ tên lửa một cách không kiểm soát đang tiếp tục, điều này ảnh hưởng đáng kể đến cán cân lực lượng và mang lại lợi thế cho một bên trong việc sử dụng vũ khí chiến lược. Vai trò của phương tiện tấn công phi hạt nhân với tầm xa, độ chính xác cao và khả năng hủy diệt lớn đang ngày càng gia tăng. Những vũ khí này có khả năng đạt được những mục tiêu mà trong quá khứ có thể chỉ đạt được bằng cách sử dụng vũ khí hạt nhân”, tướng Gerasimov nói.
Cũng tại buổi họp, Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga khằng định Moscow sẽ đẩy mạnh nỗ lực ổn định tình hình ở cấp độ khu vực và toàn cầu vì mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội hòa bình, nhưng sẽ không tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang tốn kém. (TASS)
Nga chặn đứng thành công âm mưu khủng bố
Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) vừa ngăn chặn vụ tấn công khủng bố ở thành phố Tambov, cách thủ đô Moscow hơn 450 km về phía Đông Nam.
Hãng tin RIA Novosti ngày 25/12 dẫn nguồn tin FSB cho biết vụ tấn công khủng bố do một thanh niên người Nga âm mưu thực hiện ở Tambov. Đối tượng - sinh năm 2003, đã bị bắt giữ.
Cũng theo FSB, cảnh sát đã phát hiện và thu giữ thuốc nổ, cũng như các thành phần để chế tạo bom tại căn hộ mà đối tượng thuê. Người này đã tự tạo thiết bị nổ theo hướng dẫn trên mạng Internet.
Cơ quan chức năng đã khởi tố hình sự vụ án, song chưa tiết lộ về động cơ và các chi tiết khác của hành động tội phạm này. (RIA Novosti)
TIN LIÊN QUAN | |
Ông Biden sẽ đẩy quan hệ Nga-Mỹ rơi vào 'thời kỳ lạnh giá'? |
Nhật Bản
Cựu Thủ tướng Shinzo Abe xin lỗi người dân
Ngày 24/12, cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gửi lời xin lỗi vì đã đưa ra những tuyên bố không đúng sự thật về vụ điều tra liên quan tới thư ký của ông. Theo đó, ông Abe từng phủ nhận các cáo buộc cho rằng văn phòng của ông đã vi phạm luật tài trợ bầu cử nghiêm ngặt của Nhật Bản và thừa nhận ông không nắm được những gì các nhân viên đã làm.
Cựu Thủ tướng Nhật Bản cam kết sẽ sửa lại lời khai cho đúng sự thật trước Quốc hội vào ngày 25/12. Đây là một bước ngoặt gây ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh của ông Abe, vị thủ tướng tại nhiệm lâu năm nhất của Nhật Bản.
Ông nói thêm: "Mặc dù tôi được biết trước về các chi tiêu tài chính trên nhưng tôi cảm thấy mình có trách nhiệm về mặt đạo đức. Tôi thật lòng xin lỗi mọi người và sẽ suy ngâm sâu sắc về bản thân mình". (Reuters)
| Thế giới thời ông Joe Biden: Kỳ vọng và hy vọng TGVN. Liệu ông Joe Biden có thể mang lại những thay đổi lớn cho thế giới như nhiều người từng kỳ vọng ở ông hay ... |
| Năm 2020 - Một năm được và mất với châu Á TGVN. Tờ Japan Times mới đây đã đăng tải bài viết nhìn nhận lại những điều được và mất tại châu Á trong suốt một ... |
| Tin thế giới 24/12: Mỹ lên kế hoạch 'đáp trả' trận 'mưa rocket', quan hệ Nga-Mỹ thời ông Biden vẫn thụt lùi, cựu Thủ tướng Abe có thể lại bị triệu tập TGVN. Hậu bầu cử Tổng thống Mỹ 2020, quan hệ Mỹ-Iran, quan hệ Mỹ-Nga, đàm phán Brexit lại bế tắc... là những tin thế giới ... |