📞

Tin thế giới 25/4: Nga tung quyết định mới ở Mariupol; Ukraine tuyên bố kiên quyết một hành động; chiến thắng của Tổng thống Pháp Macron

Hoàng Hà 19:35 | 25/04/2022
Diễn biến xung đột Nga-Ukraine, các lệnh trừng phạt Nga, quan hệ Nga-Nhật Bản, kết quả bầu cử Tổng thống Pháp 2022, căng thẳng ở Trung Đông là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
Tổng thống Pháp Macron đánh bại đối thủ Marine Le Pen để tái đắc cử nhiệm kỳ 2.

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Nga-Ukraine

* Nga ra quyết định mới ở Mariupol: Bộ Quốc phòng Nga cho biết, ngày 25/4, binh sĩ nước này sẽ đơn phương ngừng bắn và rút lui đến một khoảng cách an toàn để đảm bảo sơ tán dân thường tại nhà máy cán thép Azovstal ở thành phố cảng Mariupol, Đông Nam Ukraine, từ 14h00 giờ địa phương (18h00 giờ Hà Nội).

Tất cả dân thường đang mắc kẹt tại nhà máy trên có thể rời đi theo bất cứ con đường nào họ chọn. (Reuters, TASS)

* Hé lộ nội dung thảo luận giữa Nga và LHQ về tình hình Ukraine: Hãng RIA dẫn nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Nga ngày 25/4 cho biết, Moscow dự định thảo luận các vấn đề liên quan đến thành phố Mariupol và nhà máy Azovstal trong cuộc gặp Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres.

Ông Guterres sẽ đến thăm Moscow trong tuần này và gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin, sau đó sẽ tới Ukraine để hội đàm với Tổng thống Volodymyr Zelensky. (Reuters)

* Ukraine thừa nhận lực lượng ở Mariupol bên bờ sụp đổ: Ngày 25/4, ông Oleksiy Arestovych - Cố vấn Tổng thống Ukraine - cho biết, lực lượng phòng thủ tại cảng Mariupol ở Biển Đen của nước này đang trên bờ vực "sụp đổ".

Quan chức này cũng tiết lộ, Kiev đã đề nghị một vòng đàm phán "đặc biệt" với Moscow để thảo luận về số phận của người dân và binh sĩ Ukraine đang bị mắc kẹt tại thành phố này. (AFP, Reuters)

* Ukraine kiên quyết không loại điều khoản gia nhập NATO ra khỏi hiến pháp: Ngày 25/4, Chủ tịch Quốc hội Ukraine Ruslan Stefanchuk khẳng định, nước này sẽ không loại bỏ điều khoản gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong hiến pháp của mình.

Trả lời phỏng vấn tờ Ukrayinska Pravda, ông Stefanchuk nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ không làm điều đó. Thay đổi hiến pháp không phải và sẽ không bao giờ là một mục tiêu của Ukraine".

* Các quan chức cấp cao Mỹ thăm Ukraine: Ngày 24/4, Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin của Mỹ có chuyến thăm chính thức tới Ukraine lần đầu tiên sau 2 tháng Nga phát động chiến dịch quân sự ở quốc gia Đông Âu.

Trong chuyến thăm, các quan chức cấp cao Mỹ cam kết khoản viện trợ quân sự mới trị giá hơn 700 triệu USD thông qua các hình thức trực tiếp và gián tiếp cho Ukraine, đồng thời thông báo bổ nhiệm Đại sứ mới của Washington tại Kiev sau nhiều năm để trống.

Ngày 25/4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuyên bố, nước này muốn làm suy yếu năng lực quân sự của Nga, đến mức Moscow không thể làm được những việc tương tự như ở Ukraine.

Ông cũng cho rằng, Ukraine có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến với Nga nếu Kiev có trang thiết bị phù hợp. (AFP)

* Nga cảnh báo Mỹ dừng gửi thêm vũ khí cho Ukraine: Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Rossiya 24 mới đây, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cảnh báo Washington: "Chúng tôi nhấn mạnh không thể chấp nhận được tình huống này khi Mỹ 'bơm' vũ khí cho Ukraine và chúng tôi yêu cầu chấm dứt hành động này".

Đại sứ Antonov cho biết đã gửi công hàm phản đối chính thức tới Washington để bày tỏ quan ngại của Nga. (Reuters)

* Italy xem xét hỗ trợ vũ khí hạng nặng hơn cho Ukraine theo một sắc lệnh, tờ Corriere della Sera ngày 24/4 đưa tin. Nếu được thông qua, đây sẽ là sắc lệnh thứ ba do chính phủ Italy đưa ra nhằm cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Các chuyên gia quân sự đánh giá, gói thầu này sẽ liên quan các phương tiện vận chuyển quân, chẳng hạn như M113, với tên lửa phòng không Sidam-25 và PzH2000, mặc dù chủ đề cung cấp vũ khí đang được coi là thông tin mật.

* Tình báo Anh nói Nga chỉ đạt được bước tiến nhỏ tại Ukraine: Trong bản tin thường kỳ ngày 25/4, Bộ Quốc phòng Anh cho biết, Nga chỉ đạt được những bước tiến nhỏ trong một số khu vực kể từ khi chuyển trọng tâm sang chiếm đóng hoàn toàn Donbass, miền Đông Ukraine.

Bộ này cho hay: "Nếu không có đầy đủ các thiết bị hỗ trợ hậu cần và chiến đấu, Nga vẫn chưa đạt được bước đột phá đáng kể".

Cơ quan tình báo Anh nói rằng, nỗ lực phòng thủ ở Mariupol của Ukraine cũng đã khiến nhiều đơn vị Nga kiệt quệ và giảm hiệu quả chiến đấu. (Reuters)

* Nga hạ 2 máy bay không người lái Ukraine: Trên kênh Telegram cá nhân, Thống đốc khu vực Kursk của Nga Roman Starovoyt cho biết, lực lượng phòng không nước này đã bắn hạ 2 máy bay không người lái của Ukraine tại khu vực này giáp biên giới với Ukraine. Không có thương vong trong vụ việc. (TASS)

Bầu cử Tổng thống Pháp 2022

* Tổng thống Macron tái đắc cử: Ngày 24/4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã giành chiến thắng trong vòng hai của cuộc bầu cử Tổng thống với 58,55% số phiếu bầu, trong khi đối thủ của ông, ứng cử viên Tổng thống cực hữu Marine Le Pen được 41,45%.

Ông Macron là tổng thống đầu tiên của Pháp trong vòng hai thập kỷ qua giành chiến thắng nhiệm kỳ thứ 2 và bắt đầu các nỗ lực đoàn kết một quốc gia bị chia rẽ sâu sắc sau cuộc chạy đua chứng kiến phe cánh hữu tiến gần nhất tới chiếc ghế tổng thống.

Nhiều quốc gia và các lãnh đạo trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Anh... đã gửi lời chúc mừng ông Macron.

* AU chúc mừng ông Macron tái đắc cử Tổng thống Pháp: Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) Moussa Faki Mahamat chúc mừng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tái đắc cử.

Trên trang Twitter, ông Mahamat bày tỏ kỳ vọng tiếp tục xây dựng "mối quan hệ cùng có lợi giữa châu Phi và Pháp". (AFP)

Trừng phạt Nga

* EU chưa đạt thỏa thuận về lệnh cấm năng lượng của Nga: Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cho biết, không có đủ sự ủng hộ từ các thành viên về lệnh cấm vận hoàn toàn hay áp đặt thuế trừng phạt hoạt động nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga.

Ông Borrell cho hay: "Vào thời điểm này, chúng tôi ở EU không có lập trường nhất quán về vấn đề đó. Đề xuất cuối cùng về một lệnh cấm vận dầu mỏ-khí đốt vẫn chưa đặt trên bàn. Đến một lúc nào đó điều này sẽ xảy ra và sau đó Nga sẽ cảm thấy đau đớn vì đang mất đi doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt".

Tờ Die Welt đưa tin, Ủy ban EU có thể sẽ đưa ra đề xuất về gói trừng phạt thứ 6 với những nước thành viên trong tuần này. (Reuters)

* Nga tìm cách 'giảm đau' kinh tế: Quan chức ngoại giao Nga Denis Gonchar cho biết, nước này đã thực hiện các biện pháp kịp thời để giảm rủi ro kinh tế từ các hành động trừng phạt "vô nguyên tắc" của phương Tây.

Ông đồng thời cho biết thêm, Nga là đối tác kinh tế hàng đầu của Azerbaijan và khoảng 30% tổng kim ngạch thương mại Nga-Azerbaijan được thực hiện bằng đồng Ruble.

Nga cũng đang tìm cách mở rộng hợp tác với Armenia và Yerevan đã bắt đầu thanh toán tiền mua khí đốt của Nga bằng đồng Ruble. (Sputnik)

Nga

* Nga tuyên bố tập trung cho phát triển trên quần đảo Nam Kuril: Ngày 25/4, hãng TASS dẫn lời Phó Thủ tướng Nga Yuri Trutnev tuyên bố, Moscow sẽ phát triển và đầu tư đầy đủ vào quần đảo Kuril.

Tuyên bố này chắc chắn sẽ làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ giữa Nga với Nhật Bản, nước cũng tuyên bố chủ quyền với quần đảo này và gọi là Vùng lãnh thổ Phương Bắc.

* giúp đảm bảo an ninh cho các nhà ngoại giao Nga.

Theo ông Antonov, tình hình của Đại sứ quán cũng như các nhân viên ngoại giao Nga ở Mỹ "rất phức tạp", khi có nhiều cuộc biểu tình và hành động phá hoại, thậm chí, văn phòng lãnh sự và nhà ở của các nhà ngoại giao Nga "bị phá hoại bằng sơn".

Mỹ-Anh bắt đầu đàm phán thương mại

Ngày 25/4, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh Anne-Marie Trevelyan và Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai đã bắt đầu hai ngày đàm phán với hy vọng đạt được tiến bộ để đảm bảo một thỏa thuận thương mại tự do hậu Brexit.

Trước đó, hồi cuối tháng 3, hai quan chức gặp nhau ở Baltimore và công bố việc chấm dứt thuế quan đối với mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu do Mỹ áp đặt dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Trước cuộc hội đàm, bà Trevelyan không đề cập một thỏa thuận thương mại tự do, thay vào đó đánh giá cuộc đàm phán là "đối thoại xuyên Đại Tây Dương lần thứ hai" tập trung vào "các lĩnh vực ưu tiên đã được thỏa thuận".

Các lĩnh vực ưu tiên này bao gồm các lĩnh vực kỹ thuật số và đổi mới, thương mại bền vững, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng. (AFP)

Trung Đông:

* Israel-Lebanon căng thẳng: Ngày 25/4, quân đội Israel cho biết, một đầu đạn đã được bắn từ Lebanon vào Israel trong cùng ngày, rơi xuống một khu đất trống.

Trên mạng xã hội Twitter, quân đội Israel cho biết, không có tín hiệu từ còi báo động, do vậy, hệ thống phòng thủ tên lửa có thể không đánh chặn nếu các đầu đạn rơi vào khu vực không có dân cư.

Vài giờ sau đó, các lực lượng Phòng vệ (IDF) của Israel tuyên bố: "Để đối phó với vụ phóng từ Lebanon vào miền Bắc Israel, lực lượng Pháo binh IDF hiện đang nhắm vào vị trí phóng ở Lebanon".

Quân đội Lebanon cho biết, các lực lượng Israel đã phóng 50 quả đạn pháo vào một số thị trấn của Lebanon gần biên giới phía Nam với Israel.

Chỉ huy lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở Lebanon Aroldo Lázaro đã đăng trên Twitter kêu gọi các bên "bình tĩnh và kiềm chế". (Reuters, AFP)

* Tổng thống Mỹ Joe Biden nhận lời mời thăm Israel: Văn phòng Thủ tướng Israel ngày 24/4 thông báo, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhận lời mời của Thủ tướng Israel Naftali Bennett đến thăm nước này và dự kiến sẽ tiến hành trong những tháng tới. (Reuters)

* Lãnh đạo Ai Cập, Jordan và UAE thảo luận tiến trình hòa bình Trung Đông: Ngày 24/4, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi, Quốc vương Jordan Abdullah II và Thái tử Abu Dhabi của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) Mohammed bin Zayed Al-Nahyan ngày 24/4 đã thảo luận về những diễn biến mới nhất liên quan tiến trình hòa bình Trung Đông.

Tại cuộc gặp ở thủ đô Cairo, 3 nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng nguyên trạng pháp lý và lịch sử tại Đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa ở Đông Jerusalem, kêu gọi các nỗ lực duy trì sự ổn định trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở khu vực này.

Lãnh đạo 3 nước cũng kêu gọi chấm dứt các động thái có thể hủy hoại giải pháp hai nhà nước, khuyến khích nối lại cuộc đàm phán nghiêm túc và hiệu quả để giải quyết căng thẳng Israel-Palestine trên cơ sở luật pháp quốc tế. (Times of Israel)