Ông Vương Nghị được bầu làm Ngoại trưởng mới của Trung Quốc. (Nguồn: AFP) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga-Ukraine
* Nga đẩy lùi cuộc tấn công bằng UAV của Ukraine ở Biển Đen: Ngày 25/7, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, “Các lực lượng vũ trang của Ukraine đã thực hiện một cuộc tấn công bất thành trong đêm bằng máy bay không người lái (UAV) của hải quân nhằm vào tàu tuần tra Sergei Kotov”. Tàu này sau đó đã khai hỏa và phá hủy hai UAV của Ukraine. (AFP/Reuters)
* Nga: NATO bị lôi kéo vào hành động nguy hiểm tại Ukraine: Ngày 25/7, phát biểu với báo giới bên lề Hội nghị của Liên hợp quốc về các hệ thống lương thực tại Rome (Italy), Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Vershinin cho biết: “Chúng tôi biết rằng có kế hoạch triệu tập một hội đồng Ukraine-NATO vào ngày 26/7. Chúng tôi đang theo dõi sát diễn biến của các sự kiện.
Chúng tôi tin rằng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang công khai tham gia một cuộc đối đầu quân sự ở Ukraine với Nga, và đã là một bên tham gia trực tiếp vào những hành động này. Ở đây có thể đề cập việc khối quân sự NATO đang mở rộng can dự một cách nguy hiểm vào những hành động gây thêm nhiều căng thẳng khu vực. Chúng tôi coi những điều như vậy là không thể chấp nhận được”.
Trước đó, ngày 23/7, người phát ngôn NATO Oana Lungescu thông báo, Hội đồng Ukraine-NATO sẽ nhóm họp cấp đại sứ tại Brussels vào ngày 26/7 để thảo luận về việc chấm dứt thỏa thuận ngũ cốc và các kịch bản tiềm năng liên quan vấn đề Ukraine tiếp tục cung cấp ngũ cốc qua Biển Đen. (Reuters)
* IAEA phát hiện mìn sát thương bên ngoài nhà máy Zaporizhzhia: Ngày 24/7, Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi cho biết, khi thị sát khu vực nhà máy Zaporizhzhia hôm 23/7, các chuyên gia của IAEA đã thấy một số mìn nằm trong vùng đệm giữa hàng rào vành đai bên trong và bên ngoài của nhà máy. Theo đó, mìn nằm trong khu vực hạn chế nhân viên nhà máy không thể tiếp cận và không phát hiện mìn bên trong nhà máy.
Theo ông, “việc cài chất nổ như vậy tại khu vực nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia là không phù hợp với các tiêu chuẩn an toàn và hướng dẫn an ninh hạt nhân của IAEA”.
Tuy nhiên, ông cũng kết luận rằng “bất kỳ vụ nổ nào từ những quả mìn đó sẽ không ảnh hưởng đến hệ thống an ninh và an toàn hạt nhân của nhà máy này”. (TASS)
* Đức và Ba Lan đạt thỏa thuận bảo trì xe tăng Leopard cho Ukraine: Ngày 24/7, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Đức Mitko Müller thông báo, Đức và Ba Lan đã đạt được thỏa thuận sửa chữa xe tăng Leopard 2 cho VSU.
Ông Müller cho biết: “Chúng tôi rất vui vì giờ đây xe tăng Leopard 2А4 của Ukraine có thể được sửa chữa ở Ba Lan”. Hiện 2 chiếc xe tăng đầu tiên của Ukraine đã đến trung tâm bảo dưỡng Bumar-Łąbędy tại Ba Lan.
Dù không thông báo chi phí hay năng lực đóng góp, nhưng Bộ trưởng Müller gọi nỗ lực của cả Đức và Ba Lan là thành công.
Trước đó, ngày 22/7, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak cho biết, trung tâm sửa chữa và bảo trì xe tăng Leopard 2 đã bắt đầu hoạt động tại Gliwice. Tháng 4/2023, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đã công bố dự án thành lập trung tâm sửa chữa xe tăng Leopard ở Ba Lan, dự kiến bắt đầu hoạt động vào cuối tháng Năm. Chính phủ Đức sẽ đứng ra chi trả các chi phí.
Tuy nhiên, đầu tháng này, Đức cho biết dự thảo thỏa thuận hợp đồng đầu tiên giữa nước này và Ba Lan đã không thể thống nhất do Warsaw đưa ra mức giá không thực tế cho các dịch vụ sửa chữa. Cụ thể, công ty của Ba Lan yêu cầu hơn 100.000 Euro (110.000 USD) để bảo dưỡng xe tăng, trong khi ở Đức chỉ mất 12.000 Euro.
Trước đó, ngày 12/7, Đức đã hủy bỏ kế hoạch thành lập trung tâm bảo trì xe tăng chung ở Ba Lan sau khi đàm phán thất bại, đồng thời cho biết những xe tăng Leopard 2 hiện đại bị hư hại tại Ukraine sẽ được sửa chữa ở Đức. (Ukrinform)
* Mỹ chuyển 32 xe bọc thép Stryker cho Ukraine: AP dẫn nguồn tin gói viện trợ quân sự mới của Mỹ dành cho Ukraine, trị giá 400 triệu USD, bao gồm 32 xe chiến đấu bọc thép Stryker.
Bên cạnh đó, Washington cũng sẽ chuyển cho Kiev các loại đạn pháo, tên lửa Hydra-70, máy bay không người lái giám sát Hornet, các tên lửa HIMARS, NASAMS, Stingers và Javelin. Tuy nhiên, trong số này không có bom chùm và đạn chùm gây tranh cãi mà Mỹ đã viện trợ lần trước.
Dự kiến, Mỹ có thể công bố gói viện trợ quân sự mới này vào ngày 25/7. (AP/Reuters)
Đông Nam Á
* Quốc hội Thái Lan hoãn họp bầu thủ tướng: Ngày 25/7, Chủ tịch Quốc hội Wan Muhamad Noor Matha đã hoãn phiên họp lưỡng viện, dự kiến diễn ra ngày 27/7 tới để bầu thủ tướng. Trước đó, Thượng nghị sĩ Somchai Sawaengkarn, người cũng là cố vấn của Thượng viện tại Quốc hội Thái Lan, cho biết các thượng nghị sĩ không phản đối việc hoãn bỏ phiếu bầu thủ tướng.
Trước đó, Văn phòng Thanh tra của Thái Lan ngày 24/7 đã đề nghị Toà án Hiến pháp nước này yêu cầu Quốc hội hoãn cuộc bỏ phiếu bầu thủ tướng dự kiến vào ngày 27/7, đồng thời ra phán quyết về tính hợp hiến về nghị quyết Quốc hội không cho phép ông Pita Limjaroenrat, ứng cử viên thủ tướng của đảng Tiến bước (MFP), được tái đề cử vị trí này.
Ngoài ra, ông Somchai cho rằng lịch bỏ phiếu ban đầu vào ngày 27/7 có thể gây khó khăn cho một số nghị sĩ và thượng nghị sĩ vì họ sẽ phải tham dự các sự kiện kỷ niệm sinh nhật Nhà vua Thái Lan vào ngày 28/7 tại các tỉnh mà các nghị sĩ đại diện. Như vậy, dự kiến cuộc họp tiếp theo của Quốc hội Thái Lan để bầu thủ tướng mới có thể sẽ phải diễn ra sau ngày 2/8, bởi Thái Lan chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ lễ kéo dài 6 ngày (từ ngày 28/7-2/8). (Bangkok Post)
* Tổng thống Philippines lên đường thăm Malaysia: Ngày 25/7, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã lên đường thăm Malaysia trong khuôn khổ chuyến công du 3 ngày.
Phát biểu tại một căn cứ không quân ở Manila trước khi khởi hành, nhà lãnh đạo này bày tỏ: “Tôi tin rằng đây là một thời điểm thích hợp để khai thác tiềm năng của mối quan hệ đã hồi sinh giữa Philippines và Malaysia”.
Dự kiến, tại Kuala Lumpur, ông Marcos sẽ yết kiến Quốc vương Malaysia, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim và gặp gỡ lãnh đạo doanh nghiệp địa phương để giới thiệu các cơ hội thương mại và đầu tư.
Tổng thống Marcos cho biết, chuyến thăm sẽ tập trung vào các lĩnh vực như nông nghiệp, an ninh lương thực, kinh tế kỹ thuật số, du lịch và giao lưu nhân dân, cũng như khám phá những con đường hợp tác mới. (Tân Hoa xã)
* Tổng thống Indonesia sắp thăm Trung Quốc: Ngày 25/7, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho biết: “Tổng thống Joko Widodo sẽ tới Thành Đô (Trung Quốc) từ ngày 27-28/7 để thảo luận với Chủ tịch nước chủ nhà Tập Cận Bình các vấn đề trọng tâm nhằm thúc đẩy quan hệ song phương”.
Ngoài cuộc gặp với ông Tập, nhà lãnh đạo Indonesia sẽ dự họp với một số doanh nghiệp lớn ở Trung Quốc. Bên cạnh đó, ông sẽ cùng với một số nguyên thủ quốc gia tham dự lễ khai mạc Đại hội thể thao các trường đại học thế giới năm 2023 diễn ra tại Thành Đô.
Indonesia và Trung Quốc có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ. Theo Bộ Thương mại Indonesia, tổng kim ngạch thương mại giữa nước này với Trung Quốc đạt 133,5 tỷ USD vào năm 2022. Trong 5 năm qua, tăng trưởng kim ngạch thương mại song phương đạt 17,69%. (TTXVN)
Đông Bắc Á
* Trung Quốc bầu ông Vương Nghị làm Ngoại trưởng: Ngày 25/7, Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc đã bầu ông Vương Nghị làm Ngoại trưởng và ông Phan Công Thắng làm Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc.
Tại phiên họp thứ tư của Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc lần thứ 14, ông Tần Cương đã được miễn nhiệm chức ngoại trưởng, còn ông Dịch Cương thôi làm Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ký sắc lệnh ban hành quyết định. (Tân Hoa xã)
* Hạm đội hải quân Trung Quốc thăm hữu nghị cảng Nga: Ngày 25/7, CCTV (Trung Quốc) đưa tin, Hạm đội hải quân Trung Quốc đã thăm hữu nghị cảng Vladivostok (Nga) hôm 24/7.
Trước đó, Hạm đội hải quân Trung Quốc đã tham gia cuộc tập trận chung giữa Nga-Trung Quốc mang tên “Phương Bắc-Tương tác 2023”, diễn ra từ ngày 20-23/7.
Phía Trung Quốc cho hay, mục đích chính của cuộc tập trận là tăng cường hợp tác hải quân giữa Nga và Trung Quốc, cũng như duy trì ổn định và hòa bình ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. (Reuters)
* Bộ trưởng Quốc phòng Nga sắp thăm Triều Tiên: Ngày 25/7, KCNA (Triều Tiên) cho biết, trong tuần này, Triều Tiên sẽ chào đón Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và phái đoàn cấp cao Trung Quốc tới Bình Nhưỡng dự lễ kỷ niệm 70 năm “Ngày Chiến thắng” trong Chiến tranh Triều Tiên.
Đây là dấu hiệu cho thấy Triều Tiên có thể đang mở lại biên giới cho du khách cấp cao sau một thời gian dài đóng cửa vì dịch Covid-19.
Trong một tuyên bố, Bộ Quốc phòng Nga nói: “Chuyến thăm này sẽ góp phần tăng cường quan hệ quân sự Nga-Triều và sẽ là một bước quan trọng trong sự phát triển hợp tác giữa hai nước”. (AFP/Reuters)
Châu Âu
* Italy có thể rút khỏi BRI? Ngày 27/7, tờ Repubblica (Italy) cho biết, trong chuyến thăm Mỹ ngày 27/7, Thủ tướng Giorgia Meloni sẽ thông báo với Tổng thống nước chủ nhà Joe Biden về quyết định không gia hạn thỏa thuận Sáng kiến Vành đai và con đường (BRI) sắp hết hạn với Trung Quốc.
Trước đó, hồi tháng Năm, bà Meloni đã gặp Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy và nêu ý định này. Cuối tháng Sáu, Thủ tướng Italy cũng khẳng định nước này và Trung Quốc có thể có quan hệ tốt đẹp, ngay cả khi không có BRI.
Hiện Italy vẫn là thành viên Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đầu tiên và duy nhất ký Bản ghi nhớ BRI với Trung Quốc, dự kiến hết hạn vào tháng 3/2024. Chính phủ Italy cần đưa ra quyết định về việc có nên gia hạn hay không vào cuối năm 2023.
Thỏa thuận được ký vào năm 2019 đã không dẫn đến những bước phát triển lớn. Do đó, việc không gia hạn thỏa thuận BRI có thể không dẫn đến những thay đổi đáng kể về mặt phát triển dự án. (Repubblica)
Trung Đông-Châu Phi
* Nga giải thích về mối quan hệ với châu Phi: Ngày 25/7, trả lời phỏng vấn Sputnik, Đại sứ lưu động của Bộ Ngoại giao Nga Oleg Ozerov nói: “Chúng tôi đối xử bình đẳng với các đối tác châu Phi theo nguyên tắc bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia, chứ không phải như nhiều nước phương Tây có kiểu đối xử như thầy giáo với học sinh. Kiểu đối xử như vậy không nên có trong quan hệ quốc tế.
Nếu các nước cần sự giúp đỡ từ Nga, kể cả trong lĩnh vực an ninh, Nga sẵn sàng cung cấp sự hỗ trợ này. Sự hợp tác của chúng tôi khác với phương Tây ở chỗ nó mang tính phi phe khối và không nhằm vào các nước thứ ba”.
Nhà ngoại giao này cho biết, châu Phi “phát triển quan hệ với chúng tôi theo cách tương tự như với Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và EU. Mục tiêu chính của họ là đáp ứng lợi ích quốc gia của mình. Chúng tôi hoan nghênh điều này”.
Nhận định về Hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi sắp tới, ông Ozerov khẳng định, lãnh đạo châu Phi mong muốn xây dựng một nền tảng chung và tăng cường quan hệ với Nga về chính trị, kinh tế và mọi khía cạnh khác, từ đó giải quyết các vấn đề phát triển hội nhập”.
Hội nghị dự kiến diễn ra vào ngày 27-28/7 tại St. Petersburg (Nga). (Sputnik)