📞

Tin thế giới 25/8: Nga mở chiến dịch khẩn cấp ở Afghanistan; Taliban bị tạt gáo nước lạnh; nỗi lo của Trung Quốc và đáp trả về nguồn gốc Covid-19

Hoàng Hà 19:46 | 25/08/2021
Tình hình Afghanistan, hành động của Nga, G7, Taliban, quan hệ Mỹ-Trung Quốc và vấn đề nguồn gốc Covid-19, tình hình Bán đảo Triều Tiên, Algeria cắt quan hệ ngoại giao với Morocco, căng thẳng ở Trung Đông... là một số tin quốc tế nổi bật 24 giờ qua.
Người Afghanistan vẫn tiếp tục tìm kiếm những cơ hội cuối cùng để trốn thoát khỏi 'quê hương', trong bối cảnh thời hạn chót mà Mỹ đặt ra đang ngày càng đến gần. (Nguồn: TASS)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Tổng thống Putin ra chỉ thị điều máy bay vận tải quân sự đến Kabul

Hãng Interfax đưa tin, theo chỉ thị của Tổng thống Vladimir Putin, ngày 25/8, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu đã tổ chức chiến dịch sơ tán bằng máy bay vận tải quân sự đối với 500 công dân Nga, công dân các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO) và Ukraine, khỏi Afghanistan.

Hiện nhiều nước cũng đang gấp rút sơ tán công dân và nhân viên đại sứ quán của họ khỏi Afghanistan trước thời hạn 31/8 tới. Nhà Trắng cho biết, kể từ ngày 14/8, Mỹ đã sơ tán hoặc tạo điều kiện cho việc sơ tán khoảng 58.700 người.

Trước đó, ngày 24/8, Tổng thống Putin cho hay, Nga đang theo dõi sát tình hình ở Afghanistan song sẽ không triển khai các lực lượng vũ trang tới Kabul để tham gia một cuộc xung đột.

Trong khi đó, ngày 25/8, Sputnik đưa tin, những kẻ không rõ danh tính đã cướp phá chiếc máy bay trực thăng MI-8MTV của Nga đang đậu tại sân bay Kabul.

Taliban bổ nhiệm quyền "Bộ trưởng Quốc phòng"

Ngày 24/8, Hãng tin Al Jazeera dẫn một nguồn tin từ phong trào Taliban cho biết, lực lượng Hồi giáo này tại Afghanistan đã bổ nhiệm giáo sĩ Hồi giáo Abdul Qayyum Zakir làm quyền "Bộ trưởng Quốc phòng".

Ông Zakir là một trong số các chỉ huy Taliban tiến vào chiếm quyền kiểm soát thủ đô Kabul hôm 15/8 trong bối cảnh Mỹ đang rút quân. Cho tới khi được bổ nhiệm làm "Bộ trưởng Quốc phòng", ông Zakir làm cấp phó cho Tổng tư lệnh của Taliban Mullah Yaqoob.

Ông Zakir từng bị giam giữ tại nhà tù quân sự Guantanamo của Mỹ và đã được phóng thích vào năm 2007, mặc dù bị đồn là nhân vật thân cận với thủ lĩnh tinh thần Taliban, giáo sĩ Mohammed Omar.

Taliban tự tin trong đàm phán với lực lượng Panjshir

Ngày 25/8, người phát ngôn Talbian Zabihullah Mujahid cho biết, phong trào này đang liên lạc với những người "lớn tuổi, có ảnh hưởng" chỉ huy lực lượng chống đối ở tỉnh Panjshir, đồng thời bày tỏ tự tin sẽ đạt được thỏa thuận hòa bình trong tương lai gần.

Trong khi đó, người phát ngôn cho Văn phòng chính trị của Taliban ở Qatar Sohail Shahin cho rằng, ảnh hưởng của Nga có thể giúp giải quyết tình hình ở Panjshir.

Tuy nhiên, cùng ngày, trong một cuộc phỏng vấn do Paris Match công bố, thủ lĩnh của phong trào kháng chiến chống Taliban Ahmad Massoud tuyên bố: "Tôi thà chết còn hơn đầu hàng. Đầu hàng không tồn tại trong từ vựng của tôi".

Mặc dù vậy, ông Massoud để ngỏ khả năng hội đàm với Taliban, song đề ra những điểm chính của một thỏa thuận khả thi như tôn trọng các quyền của phụ nữ, của người thiểu số, dân chủ, những nguyên tắc của một xã hội rộng mở. (Sputnik, AFP)

Lãnh đạo G7 khẳng định cam kết với Afghanistan

Ngày 24/8, trong Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến, lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) khẳng định cam kết "thông qua một nỗ lực nhân đạo mới của cộng đồng quốc tế" để hỗ trợ người tị nạn Afghanistan và các nước tiếp nhận người tị nạn.

Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, các nhà lãnh đạo G7 đã nhất trí một "lộ trình cho sự can dự trong tương lai với Taliban", song khẳng định, điều kiện hàng đầu đối với Taliban là đảm bảo "lối đi an toàn" cho những người Afghanistan muốn rời khỏi đất nước sau ngày 31/8.

Hội nghị Thượng đỉnh G7 kết thúc mà không đạt được đồng thuận về việc kéo dài thời hạn do Tổng thống Mỹ Joe Biden đặt ra để các nước rút quân khỏi Afghanistan vào ngày 31/8. (Reuters, AFP)

Algeria cắt quan hệ ngoại giao với Morocco

Ngày 24/8, Algeria tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Morocco do "những hành động thù địch chưa bao giờ ngừng" của quốc gia láng giềng.

Đáp lại, Bộ Ngoại giao Morocco cho biết, quyết định của Algeria "hoàn toàn không hợp lý", đồng thời cho rằng, quyết định này dựa trên "những cái cớ sai lầm, thậm chí ngớ ngẩn".

Liên đoàn Arab đã lên tiếng kêu gọi hai nước kiềm chế và tránh leo thang căng thẳng. (AFP, THX)

Trung Quốc lo ngại các hành động quân sự hóa của Mỹ ở không gian vũ trụ

Ngày 25/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết, các nhà chức trách nước này lo ngại chiến lược quân sự hóa không gian vũ trụ của Mỹ, trong bối cảnh tình hình ở không gian gần Trái đất đang trở nên phức tạp hơn bao giờ hết.

Bên cạnh đó, ông Uông cho hay: "Chúng tôi luôn hối thúc sử dụng không gian bên ngoài một cách hòa bình và ngăn chặn quá trình quân sự hóa nó".

Quan chức ngoại giao này cho biết thêm, trong nhiều năm, Trung Quốc cùng với Nga đã đóng góp một cách hữu hình vào việc xúc tiến các cuộc đàm phán quốc tế liên quan việc không phổ biến vũ khí trong không gian vũ trụ. (TASS)

Nguồn gốc Covid-19: Bản báo cáo của tình báo Mỹ và phản ứng của Trung Quốc

Ngày 24/8, báo Wall Street Journal dẫn nguồn tin từ 2 quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, đánh giá mới của cơ quan tình báo nước này về nguồn gốc virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 đã được chuyển tới Nhà Trắng ngày 24/8.

Theo đó, báo cáo không đưa ra kết luận một cách chắc chắn về việc liệu nguồn gốc virus là từ thiên nhiên hay do sự cố rò rỉ từ phòng thí nghiệm. Lý do một phần là do không thể thu thập được các thông tin chi tiết từ nơi dịch bệnh xuất hiện đầu tiên.

Báo cáo đánh giá được thực hiện theo chỉ thị của Tổng thống Mỹ Joe Biden cách đây 90 ngày.

Cùng ngày, THX đưa tin, Đại sứ Trung Quốc tại Văn phòng Liên hợp quốc ở Geneava Trần Húc đã gửi thư cho Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nói rằng, giả thuyết SARS-CoV-2 rò rỉ từ phòng thí nghiệm ở Viện Virus học Vũ Hán là "vô cùng bất khả thi".

Nhà ngoại giao này cho rằng, các phòng thí nghiệm của Fort Detrick và Đại học Bắc Carolina ở Mỹ nên là đối tượng của "cuộc điều tra minh bạch với sự tiếp cận đầy đủ" về nguồn gốc Covid-19.

Hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên là mục tiêu sống còn trong quan hệ Mỹ-Triều

Trong một văn kiện liên quan tới các mối quan hệ với Triều Tiên, được Bộ Ngoại giao Mỹ công bố mới đây, bộ này cho biết đang làm việc chặt chẽ với các đồng minh và đối tác để mang lại "nền hòa bình và an ninh tốt đẹp hơn trong khu vực".

Văn kiện nêu rõ, Mỹ từng cung cấp viện trợ lương thực và mặt hàng khác cho Triều Tiên vào thời kỳ đói nghèo và hứng chịu thảm họa thiên tai trong quá khứ theo đề nghị, lưu ý rằng, hiện Mỹ không cung cấp bất kỳ viện trợ nào cho Bình Nhưỡng. (Yonhap)

Vùng Vịnh: Iraq tìm cách hạ nhiệt căng thẳng giữa Saudi Arabia và Iran

Iraq đã mời Iran và những "kẻ thù Arab" ở vùng Vịnh của Tehran tới một cuộc họp cấp cao tại Baghdad, dự kiến vào ngày 28/8, nhằm xoa dịu căng thẳng vốn đã đẩy khu vực này đến bờ vực xung đột trong những năm gần đây.

Cuộc họp dự kiến cũng sẽ thảo luận về cuộc chiến ở Yemen, sự sụp đổ của Lebanon và cuộc khủng hoảng nước ở khu vực.

Giới chức Iraq hy vọng, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi và các bộ trưởng đến từ những quốc gia vùng Vịnh, trong đó có Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), sẽ tham dự để tìm kiếm cơ hội tiến một bước hướng tới mục tiêu tái thiết quan hệ Saudi Arabia-Iran.

Một chính trị gia thân cận với Thủ tướng Iraq, chủ trì các cuộc họp riêng rẽ trước đó trong năm nay giữa Saudi Arabia và Iran, cho biết đã nhận được "những tín hiệu tích cực" từ Tehran và các nước Arab vùng Vịnh rằng họ sẵn sàng tham dự thêm các cuộc đối thoại trực tiếp.

Ngoài ra, Kuwait là quốc gia vùng Vịnh duy nhất xác nhận tham dự cuộc họp sắp tới với đại diện là Thủ tướng.

Ai Cập và Jordan, hai đồng minh của các nền dân chủ vùng Vịnh, đã được mời tham dự cuộc họp ở Baghdad cùng với Thổ Nhĩ Kỳ và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. (Reuters)

Israel muốn liên minh với các nước Arab chống lại ảnh hưởng của Iran

Trong cuộc phỏng vấn với báo The New York Times (Mỹ) đăng ngày 24/8, Thủ tướng Israel Naftali Bennett cho biết: “Điều chúng tôi cần làm và những gì chúng tôi đang làm là thành lập một liên minh khu vực gồm các quốc gia Arab phù hợp, cùng với chúng tôi, sẽ chống lại và ngăn chặn sự bành trướng và tham vọng thống trị của Iran”.

Ông Bennett cũng hé lộ tầm nhìn chiến lược mới của Israel về Iran, bao gồm việc tăng cường quan hệ với các quốc gia Arab phản đối ảnh hưởng khu vực và tham vọng hạt nhân của Tehran.

Chiến lược mới này cũng sẽ thực hiện các biện pháp ngoại giao và kinh tế chống lại Iran, cũng như tiếp tục các cuộc tấn công bí mật vào nước này.

Ngoài ra, nhà lãnh đạo Israel sẽ đề nghị Tổng thống Mỹ Joe Biden không khôi phục lại Thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Tehran. (Sputnik)