Lần đầu tiên trong lịch sử, Molodva có quyết định từ bỏ khí đốt Nga. (Nguồn: RIA Novosti) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Nga-NATO: 'Làm gì có quan hệ mà gọi là thảm họa!'
Moldova quay lưng với Nga, tuyên bố mua khí đốt từ Ba Lan
Ngày 25/10, lần đầu tiên Moldova quyết định ký kết với một nhà cung cấp khí đốt khác ngoài Nga, trong bối cảnh Chisinau và Moscow đang bất đồng liên quan khủng hoảng nguồn năng lượng này.
Cụ thể, chính quyền Moldova tuyên bố, nước này đã ký một thỏa thuận với công ty quốc doanh PGNiG của Ba Lan về việc "mua thử nghiệm" 1 triệu m3 khí đốt cho công ty tiện ích Energocom của Moldova.
Trong một tuyên bố, chính quyền Moldova nêu rõ: "Đây là thương vụ mua khí đốt đầu tiên từ các nguồn thay thế trong lịch sử Moldova". Về phần mình, PGNiG cho biết, cuộc đấu thầu "được tổ chức khẩn cấp do Gazprom quyết định giảm nguồn cung khí đốt cho Moldova".
Ngày 26/10, TASS đưa tin, Energocom tiếp tục đăng tin gói thầu mới về việc mua 1 triệu m3 khí đốt tự nhiên qua các trạm kiểm soát Alekseyevka (Ukraine) và Todiresht (Romania). (AFP, TASS)
Khủng hoảng năng lượng châu Âu: Pháp khuyên EU cải cách thị trường
Ngày 26/10, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết, thị trường năng lượng châu Âu cần được cải cách, trong bối cảnh các nước trong khu vực đang phải chiến đấu với tình trạng giá năng lượng tăng.
Các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang bị chia rẽ sâu sắc trước cuộc họp khẩn cấp bộ trưởng về phản ứng của khối về tình hình giá năng lượng tăng đột biến, khi một số quốc gia muốn điều chỉnh lại toàn diện trong khi số khác phản đối.
Các quốc gia đang đàm phán để đạt được thỏa thuận về một kế hoạch dài hạn nhằm kiểm soát sự biến động giá nhiên liệu hóa thạch mà Tây Ban Nha, Pháp, Czech và Hy Lạp cho rằng, sẽ là một sự cải tổ lớn đối với cách thức hoạt động của thị trường năng lượng EU.
Cùng ngày, tại một cuộc họp của các Bộ trưởng năng lượng EU tại Luxembourg, Bộ trưởng Năng lượng Tây Ban Nha Sara Aagesen phát biểu: "Chúng tôi đề xuất thêm lựa chọn là EU mua gom các hợp đồng… Điều này có thể được kích hoạt khi tình hình an ninh nguồn cung năng lượng gặp rủi ro". (Reuters)
Italy ngăn công ty Trung Quốc mua lại công ty sản xuất hạt giống rau
Theo các quan chức chính phủ Italy, nước này đã ngăn chặn việc tập đoàn Syngenta thuộc sở hữu của Trung Quốc mua lại công ty sản xuất hạt giống rau Verisem, nhấn mạnh cam kết của Thủ tướng Mario Draghi trong việc bảo vệ các tài sản quan trọng khỏi các cuộc đấu thầu nước ngoài không mong muốn.
Quyết định được đưa ra tại cuộc họp nội các ngày 19/10 vừa qua nhưng chưa được công bố công khai, đánh dấu lần đầu tiên Italy phủ quyết một vụ mua lại trong lĩnh vực nông sản.
Rome sử dụng quy định "quyền lực vàng" của mình để chặn các chủ thầu không mong muốn trong các ngành được coi là có tầm quan trọng chiến lược, chẳng hạn như viễn thông, ngân hàng và y tế.
Theo một nguồn tin thứ ba, Syngenta đã đề nghị mua Verisem với giá khoảng 200 triệu Euro (232,76 triệu USD). Verisem, công ty được quỹ Paine Schwarts and Partners của Mỹ đưa ra bán, tự mô tả là một nhà sản xuất hạt giống toàn cầu với các cơ sở sản xuất đặt tại Italy, Pháp và Bắc Mỹ. (Reuters)
Tổng Thư ký LHQ bổ nhiệm đặc phái viên mới về vấn đề Myanmar
Ngày 25/10, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã bổ nhiệm bà Noeleen Heyzer, người Singapore, làm đặc phái viên mới về vấn đề Myanmar thay thế bà Christine Schraner Burgener - sẽ kết thúc công việc vào cuối tuần này sau hơn ba năm đảm nhiệm chức vụ.
Thông báo từ Văn phòng báo chí của Tổng Thư ký LHQ cho biết, bà Heyzer là thành viên của Ban cố vấn cấp cao về hòa giải của Tổng Thư ký LHQ.
Trong giai đoạn 2008-2009, bà đã hợp tác chặt chẽ với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), chính phủ Myanmar và LHQ trong các nỗ lực phục hồi sau cơn bão Nargis và phụ trách nhóm công tác của LHQ đối thoại với các nhà lãnh đạo Myanmar về phát triển và xóa đói giảm nghèo. (UN)
Israel-Palestine: EU yêu cầu Israel ngừng xây nhà định cư, Palestine hoan nghênh
Ngày 25/10, EU ra tuyên bố chỉ trích thông báo của Israel về kế hoạch xây dựng 1.300 căn hộ mới tại các khu định cư ở Bờ Tây: “Các khu định cư là bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế và gây ra trở ngại lớn đối với mục tiêu đạt được giải pháp 2 nhà nước và một nền hoà bình công bằng, lâu dài và toàn diện giữa hai bên".
EU thường xuyên nêu rõ quan điểm không công nhận bất cứ thay đổi nào đối với đường biên giới trước năm 1967, trong đó có Jerusalem, nếu không được sự đồng thuận của cả hai bên.
Ngoài ra, EU cũng yêu cầu chính phủ Israel ngừng xây dựng các khu định cư và không triển khai các kế hoạch mới như đã thông báo.
Thủ tướng Palestine Mohammed Ishtaye cùng ngày đã hoan nghênh quan điểm của EU, đồng thời kêu gọi cả châu Âu và Mỹ "đưa ra những quan điểm cứng rắn để ngăn chặn Israel mở rộng khu định cư ở các lãnh thổ của Palesstine và bảo vệ nguyên tắc của giải pháp hai nhà nước".
Ông Ishtaye nói thêm: "Sức ì của quốc tế trong việc giải quyết nghiêm túc những vi phạm luật quốc tế của Israel sẽ khuyến khích Israel thực hiện nhiều hành vi chiếm đoạt đất đai, nhà ở và tài sản của Palestine nhiều hơn". (Times of Israel, THX)
Đảo chính Sudan: Chưa ngã ngũ, Nga lên tiếng
Ngày 25/10, Bộ Thông tin Sudan tuyên bố, chính phủ dân sự do Thủ tướng Abdalla Hamdok lãnh đạo vẫn là cơ quan cầm quyền chuyển tiếp hợp pháp tại đất nước này và phủ nhận việc giải tán Nội các.
Theo thông báo của bộ trên, hiến pháp trao cho duy nhất Thủ tướng quyền tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại quốc gia châu Phi này và không cấp quyền giải tán các cơ quan chuyển tiếp cho bất cứ bên nào ngoài Hội đồng Lập pháp.
Bộ trên còn đề nghị các lãnh đạo quân đội Sudan phóng thích Thủ tướng và các quan chức bị bắt giữ khác.
Ngày 26/10, kênh truyền hình Dubai-based al-Hadath của Saudi Arabia đưa tin, tất cả thông tin liên lạc tại Sudan đều bị cắt. Tuy nhiên, vẫn chưa có xác nhận chính thức về việc bị mất liên lạc này.
Tiếp tục thông tin về dư luận quốc tế, ngày 26/10, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Nga quan ngại về tình hình ở Sudan và hối thúc tất cả các bên kiềm chế.
Phát biểu họp báo, ông Peskov nói: "Người dân Sudan phải tự giải quyết tình hình trong nước. Chúng tôi mong muốn điều này diễn ra càng nhanh càng tốt và không có bất kỳ thiệt hại nào về người".
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Italy cho biết, nước này bày tỏ quan ngại về những diễn biến mới ở Sudan và hy vọng quá trình chuyển đổi dân chủ tại quốc gia châu Phi này quay lại sớm nhất có thể.
Theo các nguồn tin ngoại giao, Hội đồng bảo an LHQ có thể sẽ họp kín trong ngày 26/10 để thảo luận về tình hình Sudan, sau khi Anh, Ireland, Na Uy, Mỹ, Estonia và Pháp yêu cầu tổ chức một cuộc họp.
Trước đó, Mỹ cho hay vẫn chưa thể tiếp cận được với Thủ tướng Hamdock, đồng thời tuyên bố ngừng khoản viện trợ khẩn cáp trị giá 700 triệu USD cho Sudan vì vụ đảo chính. (THX, Reuters, Sputnik)
Một số tin quốc tế nổi bật trong ngày khác:
Nhật Bản 'nóng mắt' vì hành động của Nga-Trung Quốc: Ngày 25/10, Bộ Quốc phòng Nga thông báo triệu tập tùy viên quân sự Đức và trao công hàm phản đối liên quan phát ngôn của Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer về khả năng răn đe hạt nhân của Nga. (Kyodo)
Nga-Đức 'hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại': Ngày 25/10, Bộ Quốc phòng Nga triệu tập tùy viên quân sự Đức và trao công hàm phản đối liên quan phát ngôn của Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer về khả năng răn đe hạt nhân của Nga, cho rằng, những tuyên bố như vậy "làm gia tăng căng thẳng ở châu Âu và không đóng góp cho nỗ lực bình thường hóa". (Sputnik)
Quan hệ Nga-Anh hiện tạikhông phải điều London mong muốn: Ngày 25/10, Cơ quan báo chí Điện Kremlin thông báo, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã điện đàm với Thủ tướng Anh Boris Johnson. Trong cuộc điện đàm, Thủ tướng Anh khẳng định, mối quan hệ hiện tại của Anh với Nga không phải là điều mà London mong muốn. (Spunik)
Thổ Nhĩ Kỳ-phương Tây 'xuống thang': Căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và 10 nước phương Tây có dấu hiệu hạ nhiệt sau khi đại sứ quán của những quốc gia liên quan tại Ankara thông báo cam kết "luôn tuân thủ Điều 41 Công ước Vienna về quan hệ Ngoại giao" là không can thiệp vào công việc nội bộ nước sở tại. Thổ Nhĩ Kỳ hoan nghênh và rút lại đe dọa trục xuất ngoại giao với 10 đại sứ của các nước này. (Reuters, AFP)