Báo Thế giới & và Việt Nam điểm một số tin thế giới nổi bật trong ngày:
Mỹ bất ngờ không kích Syria: Iran-Syria họp khẩn, ra tuyên bố
Ngày 26/2, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif và người đồng cấp Syria Faisal Mekdad đã điện đàm, vài tiếng sau cuộc không kích của Mỹ nhằm vào các cơ sở mà Lầu Năm Góc cho là do Iran hậu thuẫn ở Đông Syria làm 17 người thiệt mạng.
Hai ngoại trưởng lên tiếng kêu gọi các nước phương Tây tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về Syria.
Nga và Trung Quốc cũng đã chỉ trích cuộc không kích của Mỹ vào Syria là vi phạm luật pháp quốc tế, kêu gọi tất cả các bên liên quan tôn trọng chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Syria, đồng thời tránh làm phức tạp thêm tình hình ở quốc gia Trung Đông này. (Reuters)
Mỹ đồng ý để Hàn Quốc chuyển một phần trong khoản tiền bị đóng băng của Iran
Ngày 25/2, một quan chức Bộ Ngoại giao Hàn Quốc tiết lộ với báo giới rằng, phía Mỹ đã đồng ý về mặt nguyên tắc trong việc giải quyết khoản tiền 7 tỷ USD của Iran bị đóng băng tại ngân hàng ở Hàn Quốc do các lệnh trừng phạt, song cần thảo luận thêm về phương thức chuyển tiền.
Theo vị quan chức này, Washington đã đồng ý với phương án chuyển một phần trong số tiền đóng băng trên cho Tehran thông qua "kênh thương mại nhân đạo Thụy Sỹ" (SHTA) và dự kiến sẽ tiến hành chuyển tiền sau khi hoàn tất các vấn đề về kỹ thuật. (KBS)
Iran cảnh báo việc Israel mở rộng cơ sở hạt nhân tại Dimona
Đại sứ thường trực của Iran tại văn phòng Liên hợp quốc ở Geneva Esmaeil Baghaei Hamaneh đã cảnh báo việc Israel âm thầm mở rộng cơ sở hạt nhân Dimona bí mật của họ ở sa mạc Negev, cho rằng những nỗ lực của Israel nhằm mở rộng các cơ sở chế tạo bom hạt nhân là một mối đe dọa lớn đối với hòa bình và an ninh khu vực và quốc tế.
Tuyên bố của ông được đưa ra sau khi các hình ảnh vệ tinh mới được công bố, trong đó cho thấy, Israel - nước sở hữu vũ khí hạt nhân duy nhất ở Trung Đông - đang tiến hành thêm các hoạt động xây dựng tại cơ sở hạt nhân Dimona.
Dimona, được cho là cơ sở chủ chốt phục vụ chương trình sản xuất vũ khí hạt nhân của Israel, được xây dựng với sự hỗ trợ bí mật của chính phủ Pháp và bắt đầu hoạt động trong giai đoạn từ năm 1962-1964. (Press TV)
Venezuela xét xử công dân Mỹ phạm tội khủng bố
Ngày 25/2, cơ quan chức năng Venezuela đã ra quyết định mở phiên tòa xét xử công dân Mỹ Matthew John Heath với tội danh khủng bố sau khi đối tượng này bị bắt giữ hồi tháng 9/2020 vì bị cho là đang thực hiện nhiệm vụ gián điệp cho Washington.
Ngoài tội danh khủng bố, công dân Heath, 39 tuổi, còn bị truy tố về hành vi vận chuyển vũ khí trái phép. Tuy vậy, luật sư của ông Heath đã bác bỏ mọi cáo buộc của Caracas và tuyên bố thân chủ của mình vô tội.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price đã viết trên Twitter kêu gọi các nhà chức trách Venezuela "đảm bảo ông Heath nhận được một phiên xét xử minh bạch, công bằng và công khai, tôn trọng tất cả các đảm bảo xét xử công bằng". (Aljazeera)
Tình hình Myanmar: Hủy kết quả bầu cử năm 2020, Anh trừng phạt tướng quân đội
Mạng truyền hình toàn cầu Trung Quốc (CGTN) dẫn nguồn truyền thông sở tại ở Myanmar đưa tin, Ủy ban bầu cử mới của quốc gia Đông Nam Á ngày 26/2 đã chính thức hủy bỏ kết quả bầu cử năm 2020.
Trước đó, ngày 25/2, Anh đã áp đặt các lệnh trừng phạt với 6 thành viên trong hội đồng quân sự của Myanmar, trong đó có Tổng Tư lệnh, Tướng Min Aung Hlaing, vì vai trò trong cuộc chính biến hôm 1/2. (CGTN, AFP)
Nguy cơ đảo chính Armenia: Thủ tướng đề nghị đàm phán, Nga-Mỹ-Thổ lên tiếng
Ngày 25/2, sau khi quân đội Armenia kêu gọi Thủ tướng Nikol Pashinyan và chính phủ từ chức, khiến nhà lãnh đạo này cảnh báo về âm mưu đảo chính quân sự, ông Pashinyan đã kêu gọi phe đối lập chấm dứt biểu tình và đề nghị lực lượng này đàm phán để thảo luận về cuộc khủng hoảng chính trị.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, trong khi Mỹ cảnh cáo lực lượng vũ trang Armenia không được can thiệp vào nền chính trị nội bộ.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglulên án mạnh mẽ cái ông gọi là một âm mưu đảo chính chống lại Thủ tướng Pashinyan và cho rằng, không thể chấp nhận được khi quân đội kêu gọi một lãnh đạo được bầu chọn một cách dân chủ từ chức. (Reuters)
Mỹ chưa quyết định tham dự Olympics mùa Đông 2022 tại Trung Quốc
Ngày 25/2, Nhà Trắng thông báo, chính quyền Mỹ chưa đưa ra quyết định cuối cùng về khả năng tham dự Olympics mùa Đông 2022 được tổ chức ở Bắc Kinh, Trung Quốc.
Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh các nghị sĩ của đảng Cộng hòa kêu gọi Mỹ rút khỏi Olympics mùa Đông 2022 nếu như sự kiện này không được tổ chức ở quốc gia khác. (Reuters)
Đài Loan sẽ tiếp tục hợp tác với Mỹ giữa lúc lo ngại về chuỗi cung ứng
Ngày 25/2, Đài Loan (Trung Quốc) cho biết sẽ tiếp tục hợp tác và phối hợp với Mỹ trong các vấn đề chuỗi cung ứng, khẳng định hai bên là những đối tác thương mại quan trọng và sự hợp tác giữa hai bên về các vấn đề chuỗi cung ứng luôn chặt chẽ.
Trước đó một ngày, Tổng thống Joe Biden đã ký một sắc lệnh hành pháp kêu gọi xem xét lại trong 100 ngày đối với các chuỗi cung ứng quan trọng nhằm tăng cường sản xuất chất bán dẫn, dược phẩm và các công nghệ tiên tiến hàng đầu khác của Mỹ.
Lệnh này yêu cầu xem xét lại 4 lĩnh vực chuỗi cung ứng quan trọng: chip bán dẫn, vật liệu đất hiếm, dược phẩm và pin công suất lớn. (Taiwan News)
Trung Quốc đề nghị tiếp tục phát triển quan hệ hợp tác với Pháp
Trong cuộc điện đàm ngày 25/2 với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề nghị Bắc Kinh và Paris cần tích cực thúc đẩy tiến triển liên tiếp trong các lĩnh vực hợp tác thực chất cũng như khuyến khích những động lực phát triển mới dành cho hợp tác song phương.
Cũng trong cuộc điện đàm trên, ông Tập Cận Bình cho rằng, Trung Quốc và Pháp cần củng cố sự tin tưởng lẫn nhau, nghiêm túc tôn trọng và chú trọng đến những lợi ích cốt lõi và các mối quan ngại lớn của nhau, đồng thời thực thi một cách hiệu quả những thỏa thuận hợp tác song phương quan trọng. (THX)
Ấn Độ-Trung Quốc: Bắc Kinh kêu gọi tin tưởng, không chệch hướng vào nghi kỵ
Ngày 25/2, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đã có cuộc điện đàm kéo dài 75 phút.
Ông Vương Nghị kêu gọi hai bên kiên định đi theo con đường đúng đắn của sự tin tưởng lẫn nhau và hợp tác giữa 2 nước láng giềng quan trọng, không chệch hướng vào con đường nghi kỵ và mất niềm tin hoặc lại rơi vào tình trạng quan hệ song phương xấu đi.
Nhà ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh, Bắc Kinh và New Delhi cần duy trì những sự đồng thuận chiến lược mà lãnh đạo 2 nước đã đạt được, xử lý thích đáng vấn đề biên giới ở phía Tây dãy Himalaya.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Jaishankar đã đề nghị các bên "nên nhanh chóng giải quyết các vấn đề còn tồn đọng". (THX, AFP)
Yemen: Houthi bắn tên lửa đạn đạo vào khu dân cư ở Marib
Ngày 25/2, báo chí Yemen đưa tin, nhóm phiến quân Houthi được Iran hậu thuẫn đã bắn tên lửa đạn đạo vào thành phố Marib, khu vực đang là điểm nóng tranh chấp giữa nhóm này với các lực lượng chính phủ.
Tin cho biết, quả tên lửa đạn đạo được phóng đi cùng ngày đã rơi xuống khu vực dân cư ở Marib. Vụ việc xảy ra trong bối cảnh Houthi đang đẩy mạnh những cuộc tấn công trên bộ tại chiến trường phía Nam thành phố Marib.
Đây là diễn biến mới nhất giữa lúc Mỹ và Liên hợp quốc đang nối lại các nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt cuộc chiến đã kéo dài 6 năm ở Yemen. (Reuters)
Thủ tướng Libya sẽ lựa chọn thành viên chính phủ chuyển tiếp
Ngày 25/2, Thủ tướng được chỉ định của Libya Abdul Hamid Dbeibah cho biết sẽ bổ nhiệm các thành viên của chính phủ chuyển tiếp, có nhiệm vụ thống nhất đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh và chuẩn bị tiến hành cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào tháng 12/2021.
Ông Dbeibeh nói: “Đó sẽ là một chính phủ bao gồm các nhà kỹ trị đại diện cho toàn thể nhân dân Libya”, đồng thời cho biết ông đã cố gắng “sắp xếp một cách công bằng” các vị trí giữa miền Tây, miền Đông và miền Nam của quốc gia Bắc Phi này.
Chính phủ chuyển tiếp sẽ thay thế chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA) - được Liên hợp quốc công nhận, có trụ sở tại Tripoli và một nội các ở miền Đông Libya được sự hậu thuẫn của Tướng Khalifa Haftar và Quốc hội. (Reuters)