Thủ tướng Italy Giorgia Meloni (phải) tiếp người đồng cấp Ukraine Denys Shmyhal tại Hội nghị song phương về tái thiết Ukraine ngày 26/4 tại Rome. (Nguồn: AP) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Nga-Ukraine
* Ukraine tung 'kế hoạch hành động' mới siết trừng phạt Nga: Ngày 25/4, Văn phòng Tổng thống Ukraine công bố Kế hoạch hành động 2.0, dài 35 trang, bao gồm các khuyến nghị gửi tới những đồng minh phương Tây về việc siết chặt trừng phạt nhằm vào Nga.
Kế hoạch do một nhóm chuyên gia, đứng đầu là Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Andrey Yermak và cựu đại sứ Mỹ tại Nga Michael McFaul, phát triển.
Tài liệu đề xuất 12 mục cần thắt chặt trừng phạt, trong đó có nhằm vào cá nhân, năng lượng, quân sự, công nghệ và tài chính của Moscow, tịch thu tài sản của Nga, rút doanh nghiệp nước ngoài khỏi lãnh thổ Nga và mở rộng 'liên minh trừng phạt'...
Bản kế hoạch đề xuất biện pháp cụ thể với cá nhân như cấm người Nga nhập cảnh qua thị thực du lịch hoặc áp dụng một khoản phí tái thiết Ukraine cho tất cả người Nga muốn xin thị thực vào các quốc gia trong liên minh trừng phạt.
Trong lĩnh vực năng lượng, kế hoạch đề xuất việc ngừng cung cấp khí đốt trực tiếp của Nga cho Liên minh châu Âu (EU), chỉ giao hàng qua Ukraine, tạo ra một vùng đệm dự trữ khí đốt ở Ukraine.
Tài liệu cũng ám chỉ siết trừng phạt đối với các công ty dầu khí của Nga, bao gồm Gazprom, Rosneft, Lukoil, Tatneft, cũng như Rosatom và Gazprombank. (TASS)
* Ukraine lên kế hoạch xây dựng lại hoàn toàn 6 thị trấn bị tàn phá trong cuộc xung đột với Nga theo chương trình tái thiết do Thủ tướng Denys Shmyhal công bố ngày 25/4.
Các thị trấn trên bao gồm Borodianka và Moshchun ở ngoại ô thủ đô Kiev, Yahidine ở miền Bắc, Trostianets và Tsyrkuny ở miền Đông và Posad-Pokrovske ở miền Nam.
Ukraine sẽ xây dựng lại "mọi thứ, với cách tiếp cận hệ thống, quy hoạch mới và chuyển đổi hoàn toàn các điểm dân cư này”. (Ukraine Pravda)
* Italy tổ chức hội nghị song phương về tái thiết Ukraine tại thủ đô Rome trong ngày 26/4, với sự tham gia Thủ tướng Giorgia Meloni, người đồng cấp Ukraine Denys Shmyhal, cùng hơn 700 quan chức và đại diện của các hiệp hội doanh nghiệp và các tổ chức tài chính quốc tế chính.
Mục đích của hội nghị là trực tiếp tìm hiểu nhu cầu tái thiết của chính quyền Ukraine để cho phép chính phủ, các cơ quan và doanh nghiệp Italy đưa ra các đề xuất cụ thể cho cả sáng kiến phục hồi nhanh và các dự án trung và dài hạn.
Phát biểu với đài Rai, Bộ trưởng Doanh nghiệp và sản xuất tại Italy Adolfo Urso nói: "Cần phải tiến hành kế hoạch quan trọng, có ý nghĩa của EU và cộng đồng phương Tây nhằm tổ chức tái thiết Ukraine, bắt đầu từ bây giờ".
* Trung Quốc kêu gọi xoa dịu tình hình ở Ukraine thay vì đổ thêm dầu vào lửa, theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này Mao Ning ngày 26/4.
Khi được yêu cầu bình luận việc Anh sẽ cung cấp đạn chứa uranium nghèo cho Ukraine, bà Mao Ninh nói rõ: "Đối với cuộc khủng hoảng Ukraine, các bên quan tâm nên... thúc đẩy một giải pháp ngoại giao thay vì làm leo thang tình hình hơn nữa". (TASS)
TIN LIÊN QUAN | |
Tên lửa ATACMS của Mỹ và tên lửa ALCM của Anh: Vũ khí nào sẽ 'về đội' Ukraine? |
Châu Âu
* Armenia kiện Azerbaijan ra tòa án Liên hợp quốc vì thiết lập trạm kiểm soát trên hành lang Lachin, người phát ngôn của Văn phòng đại diện Armenia về các vấn đề pháp lý quốc tế Hasmik Samvelyan cho biết ngày 26/4.
Cùng ngày, Điện Kremlin thông báo, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cũng đã điện đàm thảo luận về Hành lang Lachin.
Hôm 23/4, Azerbaijan đã thiết lập một trạm kiểm soát trên Lachin-Khankendi, tuyến đường bộ duy nhất giữa Armenia và các khu định cư của người Armenia ở vùng Nagorno-Karabakh.
Armenia coi việc thiết lập trạm kiểm soát này là sự vi phạm thỏa thuận ngừng bắn năm 2020 do Nga làm trung gian giữa hai bên.
Bộ Ngoại giao Nga sau đó đã kêu gọi Armenia và Azerbaijan tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn năm 2020, đồng thời bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về tình hình căng thẳng leo thang liên quan khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh. (TASS, Reuters)
* Phần Lan đăng cai tổ chức diễn đàn an ninh Bắc Cực ở thành phố Turku từ ngày 25-27/4. Tham gia diễn đàn có các quan chức quân sự cấp cao từ 10 quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Thụy Điển.
Diễn đàn, được thành lập vào năm 2010 nhằm tăng cường hợp tác quân sự đa phương ở khu vực Bắc Cực, sẽ do các thành viên sáng lập là Mỹ và Na Uy đồng chủ trì. Các quốc gia khác tham gia diễn đàn bao gồm Canada, Thụy Điển, Đan Mạch, Iceland, Vương quốc Anh, Pháp, Đức và Hà Lan. (Sputnik)
* Không quân Đức chặn máy bay quân sự Nga trên biển Baltic: Ngày 26/4, Không quân Đức thông báo, 3 máy bay quân sự của Nga hoạt động mà không phát đi tín hiệu đã bị chặn lại ở khu vực không phận quốc tế trên biển Baltic.
Theo thông tin của Không quân Đức đăng tải trên Twitter, các lực lượng của nước này và Anh đã triển khai và xác định đó là 2 chiến đấu cơ Sukhoi Su-27 và 1 máy bay quân sự Ilyushin Il-20. (Reuters)
* Nga huấn luyện quân nhân Belarus sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật, theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Nga ngày 26/4.
Bộ trên nêu rõ: “Bắt đầu từ ngày 3/4, các đơn vị của sư đoàn tên lửa đặc biệt được trang bị hệ thống tên lửa chiến dịch-chiến thuật Iskander-M thuộc Các lực lượng vũ trang Belarus đã được huấn luyện tại một trong những căn cứ của Quân khu miền Nam".
Các nội dung đào tạo chú trọng nâng cao hơn nữa những kỹ năng thực hành trong công tác chuẩn bị sử dụng và triển khai hệ thống tên lửa, cũng như tiến hành các hoạt động huấn luyện chiến đấu. Ngoài ra, còn có công tác bảo dưỡng, sử dụng đạn đặc chủng chiến thuật dành cho hệ thống phòng thủ tên lửa Iskander-M. (TASS)
TIN LIÊN QUAN | |
Nga đưa vũ khí hạt nhân tới Belarus: Moscow chẳng quan tâm phương Tây nghĩ gì, xác nhận một hành động |
Châu Á
* Trung Quốc-Nga bắt tay thực thi luật hàng hải: Ngày 26/4, truyền thông Trung Quốc đưa tin, Hải cảnh Trung Quốc và Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) đã ký Bản ghi nhớ (MoU) tăng cường hợp tác thực thi luật hàng hải tại thành phố Murmansk của Nga.
Hai bên nhấn mạnh cam kết chung nhằm giải quyết một loạt hoạt động bất hợp pháp và các mối đe dọa an ninh trong các khu vực biển chung, bao gồm công tác phòng chống khủng bố, di cư bất hợp pháp, buôn ma túy và vũ khí, cũng như ngăn chặn đánh bắt cá trái phép. (The Standard)
* Trung Quốc tập trận bắn đạn thật trên Biển Hoa Đông: Cục Hải sự Trung Quốc (MSA) mới đây thông báo, quân đội nước này tiến hành tập trận bắn đạn thật tại một số khu vực ở Biển Hoa Đông từ 11h00-18h30 ngày 26/4 (10h00-17h30 cùng ngày theo giờ Hà Nội). (Reuters)
* Hàn Quốc tính thành lập Bộ Chỉ huy các chiến dịch UAV vào nửa cuối năm 2023 nhằm đối phó với những mối đe dọa quân sự từ Triều Tiên và tăng cường sử dụng các khí tài không người lái, theo thông báo của Bộ Quốc phòng nước này, ngày 26/4.
Đơn vị mới sẽ thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau bằng máy bay không người lái (UAV), bao gồm giám sát và trinh sát, chiến tranh tâm lý, chiến tranh điện từ và các hoạt động tấn công.
Nhấn mạnh sứ cần thiết phải thành lập đơn vị mới, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc hy vọng, đơn vị này sẽ giúp thực hiện các nhiệm vụ chiến lược và tác chiến “một cách có hệ thống và hiệu quả” trên chiến trường. (Yonhap)
* Liên minh Mỹ-Hàn Quốc không bị ảnh hưởng sau các cáo buộc nghe lén trong những tài liệu của Lầu Năm Góc bị rò rỉ gần đây, theo lời Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol.
Trả lời phỏng vấn với NBC News trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước tới Washington. Tổng thống Yoon nêu rõ: “Chẳng có lý do gì để vấn đề này làm lung lay lòng tin sắt đá chống đỡ liên minh Mỹ-Hàn, bởi vì nó dựa trên các giá trị chung như tự do… Khi bạn có niềm tin đó, bạn sẽ không bị lung lay".
Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo bày tỏ hy vọng tăng cường hợp tác giữa Hàn Quốc với Mỹ trong lĩnh vực không gian, nói rằng ông hình dung về một "liên minh không gian" thực hiện các chương trình nghiên cứu và phát triển chung. (Yonhap)
* Giáo sĩ quyền lực Iran Abbasali Soleimani bị sát hại: Hãng thông tấn IRNA ngày 26/4 đưa tin, ông Soleimani đã bị sát hại trong một cuộc tấn công vũ trang tại thành phố Babolsar thuộc tỉnh miền Bắc Mazandaran. Kẻ tấn công cũng đã bị bắt.
Ông Soleimani, 75 tuổi - trước đây là đại diện của Lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei - hiện là thành viên của Hội đồng chuyên gia gồm 88 thành viên có nhiệm vụ giám sát, miễn nhiệm và bầu chọn Lãnh đạo tối cao.
* Nga-Palestine thảo luận về tình hình Trung Đông: Ngày 25/4, Bộ Ngoại giao cho hay, Ngoại trưởng nước này Sergei Lavrov đã gặp người đồng cấp Palestine Riyad al-Maliki tại New York để thảo luận về tình hình căng thẳng Palestine-Israel.
Theo thông báo, hai nhà ngoại giao đã có sự trao đổi về tình hình ở khu vực Trung Đông, trong đó nhấn mạnh đến tình trạng của các vấn đề trong các khu định cư.
Phía Nga tái khẳng định sự sẵn sàng kiên định tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực hiện thực hóa quyền chính đáng của người dân Palestine được thành lập nhà nước độc lập tồn tại hòa bình và an ninh với Israel
Trước đó, tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ ngày 24/4, Ngoại trưởng Lavrov cáo buộc các hành động đơn phương của Mỹ và EU liên quan vấn đề Palestine đang gây tổn hại cho quan hệ hợp tác bốn bên về Trung Đông, còn được gọi là Bộ tứ Trung Đông (gồm LHQ, EU, Mỹ và Nga).
Trong khi đó, tại cuộc gặp Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres ngày 25/4, Ngoại trưởng Palestine al-Malki đã kêu gọi quan chức này thực thi các nghị quyết quốc tế liên quan Palestine.
Ông Guterres bày tỏ ủng hộ các quyền không thể tách rời của người Palestine, trước hết là quyền tự quyết, quyền sống an toàn và an ninh trong nhà nước độc lập thực sự tồn tại, trên cơ sở các nghị quyết của LHQ và luật pháp quốc tế. (TASS, Wafa)
* Đàm phán với Taliban là cần thiết, theo lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, bởi phong trào này là "một thực tế", đã thành lập chính quyền để kiểm soát Afghanistan.
Bên cạnh đó, nhà ngoại giao Nga cũng khẳng định, Moscow "sẽ không công nhận chính phủ của Taliban trừ khi họ thực hiện các nghĩa vụ được quốc tế công nhận", trong đó có các quyền cơ bản của con người, bao gồm quyền của trẻ em gái và phụ nữ.
Cũng theo ông Lavrov, phương Tây không nên né tránh các cuộc thảo luận về chủ đề Afghanistan "bởi vì họ đã ở lại quốc gia Trung Á 20 năm và không làm gì để thúc đẩy nền kinh tế của nước này theo bất kỳ cách nào".
Đồng thời, Nga khẳng định ủng hộ sáng kiến tổ chức cuộc họp của các đại diện đặc biệt về các vấn đề Afghanistan tại Doha (Qatar) vào ngày 1/5 do Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đề xuất. (TASS)
TIN LIÊN QUAN | |
Thế khó cho Thủ tướng Israel |
Châu Mỹ
* Chính phủ Venezuela ủng hộ hòa đàm với phe đối lập và duy trì “xu hướng đối thoại” cũng như “luôn tìm kiếm” một thỏa thuận hướng tới mục tiêu phục hồi và thịnh vượng cho người dân, theo thông tin mà Tổng thống nước này Nicolas Maduro đăng tải trên Twitter.
Tuy nhiên, ông Maduro cũng nhấn mạnh, để đạt được tiến bộ hướng tới đối thoại với phe đối lập, cần phải “dỡ bỏ mọi biện pháp trừng phạt của Mỹ” áp đặt với Venezuela.
Phát biểu trên được đưa ra trong bối cảnh đại diện của 19 quốc gia - trong đó có Mỹ, Tây Ban Nha, Anh, Argentina và Brazil - cùng EU nhóm họp tại thủ đô Bogota của Colombia nhằm tìm cách thúc đẩy đối thoại giữa chính phủ của ông Maduro và các nhóm đối lập ở Venezuela.
Hội nghị do Tổng thống Colombia Gustavo Petro chủ trì. Ông Petro cho biết, các bên liên quan sẽ được thông báo về kết quả hội nghị.
Tuy nhiên, chính trị gia đối lập người Venezuela Juan Guaidó không được mời tham dự Hội nghị quốc tế trên. (THX)
TIN LIÊN QUAN | |
Giữa vòng vây trừng phạt của Mỹ và châu Âu, Nga-Venezuela thắt chặt hợp tác dầu khí |
Châu Phi
* Tình hình Sudan: Ngày 26/4, Bộ Nội vụ Sudan xác nhận, Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF) đã tấn công 5 nhà tù, trong đó có nhà tù Kober là nơi giam giữ cựu Tổng thống bị lật đổ Omar Hassan Al-Bashir và các quan chức hàng đầu khác trong khoảng thời gian từ ngày 21-24/4 và thả tất cả người bị giam giữ.
Cùng ngày, quân đội Sudan tuyên bố, cựu Tổng thống Bashir đang bị cảnh sát giam giữ tại một bệnh viện quân sự.
Trong khi đó, ngày 25/4, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi các bên liên quan tuân thủ lệnh ngừng bắn trên toàn quốc trong 72 giờ, tiến tới thiết lập lệnh ngừng bắn vĩnh viễn và ngồi vào bàn đàm phán.
LHQ cũng cảnh báo xung đột đã khiến tình trạng thiếu hụt nhu yếu phẩm như lương thực, nước, thuốc men và nhiên liệu ở Sudan trở nên trầm trọng, đồng thời giá của các mặt hàng thiết yếu cũng như phương tiện đi lại tăng chóng mặt. (Reuters)
* Nga bắn tín hiệu sẵn sàng hỗ trợ Sudan giải quyết khủng hoảng và khôi phục hòa bình, theo lời phó Đại diện thường trực Nga tại LHQ Anna Yevstigneyeva ngày 25/4.
Bà Yevstigneyeva nói rõ: “Chúng tôi muốn tái khẳng định sự sẵn sàng của Nga trong việc hỗ trợ quốc gia Sudan thân thiện bất cứ lúc nào để vượt qua những khó khăn hiện tại, quay trở lại con đường hòa bình và phát triển bền vững".
* Mali-Burkina Faso phát động chiến dịch quy mô lớn có tên "Kapidgou 2", nhằm kết hợp nỗ lực của hai nước để khắc phục tình trạng mất an ninh đang ảnh hưởng nặng nề đến dân thường và cơ sở hạ tầng quân sự yếu ớt.
Đồng thời, chiến dịch nhằm tăng áp lực lên các nhóm vũ trang khủng bố đang hoành hành dọc biên giới Mali-Burkina Faso kéo dài hơn 1.000km, phá hủy căn cứ của chúng, tạo điều kiện cho người dân, cũng như chính quyền quay trở lại và thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của khu vực.
| Tin thế giới 25/4: Nga cử T-14 tới Ukraine; ông Biden ra tranh cử; tình hình Sudan có khởi sắc? Moscow bi quan về khả năng có hiệp ước thay thế New START, Tổng thống Hàn Quốc thăm Mỹ… là một số tin quốc tế ... |
| Điểm tin thế giới sáng 26/4: Hội nghị Ngoại trưởng Trung Quốc-Trung Á, Tiktok vào 'tầm ngắm' của EU, nguy cơ thảm họa sinh học tại Sudan Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin tức thế giới đáng chú ý sáng nay, 26/4. |
| Ngũ cốc Ukraine gặp nguy ngay tại EU, 4 nước châu Âu dọa hành động Ngày 25/4, nhóm Visegrad (còn gọi là Nhóm V4, gồm Czech, Ba Lan, Slovakia và Hungary) đã ra lời kêu gọi Ủy ban châu Âu ... |
| Tổng thống Mỹ Joe Biden bận rộn với những chuyến công du trong tháng 5 Ngày 25/4, Nhà Trắng thông báo kế hoạch một số hoạt động đối ngoại của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong tháng 5. |
| Vụ nổ đường ống Nord Stream: Lý do danh tính thủ phạm không thể tiết lộ, châu Âu có động thái mới “Chúng tôi biết rằng, cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng của chúng tôi đang bị đe dọa”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu ... |