Nga-Nhật Bản tiếp tục vướng tranh chấp ở quần đảo Nam Kuril mà Tokyo gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc. (Nguồn: Voices from Russia) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Nga-Nhật Bản:
Nga tin tưởng giải quyết hòa bình tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản
Ngày 26/7, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov bày tỏ tin tưởng rằng, vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở quần đảo Nam Kuril mà Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc có thể kết thúc bằng một hiệp ước hòa bình, đồng thời bày tỏ coi trọng sự hợp tác với Tokyo.
Phát biểu với báo giới, ông Peskov nêu rõ: “Các bạn biết rằng một hiệp ước hòa bình có thể giải quyết vấn đề này. Trong nhiều năm qua, chúng tôi, trong đó có Tổng thống Nga Vladimir Putin, đã có những nỗ lực đáng kể để đạt được hiệp ước hòa bình này”.
Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh cùng ngày, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin đang tới thăm một hòn đảo Iturup (phía Nhật Bản gọi là Etorufu) thuộc quần đảo tranh chấp trên, làm dấy lên phản ứng gay gắt từ Nhật Bản. (TASS)
Nhật Bản phản ứng liên tục với động thái của Nga
Trước khi diễn ra chuyến thăm của Thủ tướng Nga Mishustin đến hòn đảo Iturup/Etorufu, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato đã kêu gọi Moscow dừng hành động này.
Sau khi Nga tuyên bố về chuyến đi của ông Mishustin, Nhật Bản đã lập tức triệu Đại sứ Nga Mikhail Galuzin tới để trao công hàm phản đối.
Đại sứ Galuzin cho rằng, việc Nhật Bản phản ứng về việc Thủ tướng Mishustin đến thăm Iturup/Etorufu là không thể chấp nhận được. (TASS, Sputnik)
Nga trao công hàm phản đối Nhật Bản liên quan đảo tranh chấp
Sau các động thái của Nhật Bản về việc Thủ tướng Nga đến thăm hòn đảo Iturup/Etorufu, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov đã trao công hàm cho Đại sứ Nhật Bản Kozuki Toyohisa phản đối những hành động của Tokyo mà Moscow cho là thiếu thân thiện gần đây liên quan các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ: “Chúng tôi hối thúc mạnh mẽ các đối tác không có thái độ hủy hoại quan hệ song phương".
Bộ trên kêu gọi Nhật Bản quay lại thực hiện các thỏa thuận mà lãnh đạo hai bên đã nhất trí nhằm đưa quan hệ song phương "tới một tầm cao mới một cách có chất lượng, thông qua việc phát triển toàn diện hợp tác kinh tế và thương mại, thiết lập các biện pháp xây dựng lòng tin trong lĩnh vực an ninh và tái lập quan điểm về các vấn đề quốc tế”. (Sputnik)
Mỹ-Trung Quốc: Thứ trưởng Ngoại giao hai nước hội đàm
Ngày 26/7, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong và người đồng cấp Mỹ Wendy Sherman, đang ở thăm Trung Quốc, đã có cuộc hội đàm tại thành phố Thiên Tân.
Thông báo về nội dung cuộc hội đàm, Bộ Ngoại giao Trung Quốc mô tả các mối quan hệ với Mỹ đang "bế tắc" và đối mặt với "những khó khăn nghiêm trọng", đồng thời hối thúc Mỹ thay đổi quan điểm và chính sách với Trung Quốc.
Phía Trung Quốc cũng đưa ra cho Mỹ hai danh sách về những vụ việc khiến Bắc Kinh lo ngại cũng như các hành động mà Washington cần chấm dứt.
Các quan Mỹ cho hay, Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman đã "rất mạnh mẽ" trong việc thể hiện cho Trung Quốc biết rằng, Washington có thể chứng minh bất cứ điều gì, từ việc Bắc Kinh bị cáo buộc tấn công mạng đến vấn đề Hong Kong.
Khủng hoảng Tunisia: Nguy cơ bạo lực, Đức quan ngại, Nga theo dõi chặt
Ngày 25/7, Tổng thống Tunisia Kais Saied tuyên bố cách chức Thủ tướng Hicham Mechichi, giải tán Quốc hội. Biểu tình nổ ra giữa hai phe ủng hộ và phản đối đảng cầm quyền của Tổng thống Saied dẫn tới nguy cơ xảy ra đụng độ.
Quân đội Tunisia đã tiến vào thủ đô Tunis, bao vây trụ sở Quốc hội, ngăn cản không cho Chủ tịch Quốc hội Rached Ghannouchi, người chỉ trích động thái của Tổng thống Saied là "cuộc đảo chính chống lại Cách mạng và Hiến pháp", tiến vào.
Lực lượng vũ trang của Tunisia cũng triển khai quân tới văn phòng chính phủ tại quảng trường Kasbah ở trung tâm thủ đô Tunis và ngăn cản các viên chức nhà nước đi vào tòa nhà.
Về phía Thủ tướng Tunisia bị cách chức, một số nguồn tin cho biết, ông Mechichi đang ở nhà riêng và không bị bắt giữ.
Cùng ngày, kênh truyền hình Al-Jazeera cho biết, cảnh sát Tunisia đã ập vào trụ sở của kênh truyền hình này ở thủ đô Tunis và yêu cầu toàn bộ nhân viên ra khỏi tòa nhà.
Phản ứng trước tình hình tại Tunisia, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức Maria Adebahr bày tỏ quan ngại, đồng thời kêu gọi đưa nước này trở về đúng trật tự theo hiến pháp.
Bà Adebahr khẳng định, Đức không coi những vụ việc xảy ra tại Tunisia là “một cuộc đảo chính”.
Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmtry Peskov cho biết, Nga đang theo dõi các diễn biến tại Tunisia và hy vọng không có điều gì ảnh hưởng tới sự an toàn và ổn định của người dân.(Reuters, AFP, Sputnik)
Taliban thảo luận với EU về tiến trình hòa bình Afghanistan
Ngày 25/7, người phát ngôn văn phòng chính trị của phong trào Taliban Mohammad Naeem cho biết, Trưởng ban liên lạc với các nước châu Âu của Taliban Abdul Haq Wassik đã dẫn đầu một phái đoàn gặp Đặc phái viên của Liên minh châu Âu (EU) về Afghanistan Thomas Nicholson.
Trong cuộc gặp, phái đoàn Taliban nêu rõ, phong trào này “cam kết bảo vệ quyền con người dựa trên các giá trị Hồi giáo và các lợi ích quốc gia”.
Cùng ngày, Tướng Kenneth McKenzie, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm (CENTCOM) của quân đội Mỹ cho hay, nước này sẽ tiếp tục thực hiện những cuộc không kích nhằm hỗ trợ cho quân đội Afghanistan đối phó với lực lượng Taliban. (Sputnik)
Dải Gaza: Tái diễn tình trạng thả bóng bay gây cháy, Hamas cảnh báo Israel
Lực lượng cứu hỏa Israel cho biết, trong ngày 25/7, đã xảy ra nhiều vụ thả bóng bay gây cháy từ Dải Gaza vào miền Nam nước này, gây ra một số vụ hỏa hoạn. Các xe cứu hỏa đã được điều tới dập lửa tại “3 địa điểm trong một khu vực nhỏ ở vùng Eshkol”.
Báo chí Israel đưa tin, các chiến đấu cơ và máy bay không người lái của Israel sau đó đã phóng tên lửa vào một số vị trí đóng quân và cơ sở của Hamas ở Dải Gaza nhằm đáp trả hành vi thả bóng bay trên.
Trong khi đó, cùng ngày, phong trào Kháng chiến Hồi giáo Hamas cảnh báo, chính sách siết chặt phong tỏa của Israel đối với Dải Gaza sẽ chỉ dẫn đến tình trạng gia tăng căng thẳng.
Người phát ngôn Hamas Gaza Abdulatif al-Qanou'a nêu rõ: “Thêm nhiều biện pháp hạn chế và siết chặt phong tỏa của Israel sẽ chỉ kích hoạt một sự bùng nổ, bất chấp kẻ chiếm đóng".
Người phát ngôn trên yêu cầu Israel chấm dứt vòng vây phong tỏa đối với vùng lãnh thổ của Palestine suốt 15 năm qua và tôn trọng những nhận thức chung trước đó mà Ai Cập đã đứng ra làm trung gian giữa Israel với các phe phái của Palestine, trong đó có Hamas. (Times of Isreal)
Iran: Tổng thống Rouhani cáo buộc Quốc hội cản trở dỡ bỏ trừng phạt
Ngày 25/7, Hãng thông tấn Tasnim đưa tin, Đoàn Chủ tịch Quốc hội Iran đang xem xét dự luật hạn chế tiến hành đàm phán trực tiếp giữa chính phủ Iran và Mỹ.
Theo dự luật được đề xuất, chính phủ có nghĩa vụ xin ý kiến Quốc hội về chủ đề đàm phán và tiến hành sau khi được cấp phép.
Tại cuộc họp của Ngân hàng trung ương Iran cùng ngày, Tổng thống Iran sắp mãn nhiệm Hassan Rouhani nói: "Nếu muốn thực hiện bước đi nào đó để dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt do ê-kip chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt, thì quyết định về việc này cần phải do toàn bộ hệ thống chính quyền thông qua".
Theo ông Rouhani, một mình chính phủ không thể làm, "còn quyết định của Quốc hội Iran thì cản trở việc dỡ bỏ trừng phạt". (Sputnik)