Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thăm binh sĩ IDF tại Dải Gaza ngày 26/11. (Nguồn: GPO) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga-Ukraine
* Nga chuyển S-400 từ Kaliningrad tới Ukraine? Ngày 26/11, đăng tải trên mạng xã hội X, Bộ Quốc phòng Anh nhận định Nga có thể đã điều chuyển các hệ thống phòng không S-400 từ Kaliningrad tới Ukraine nhằm bù đắp tổn thất. Động thái trên diễn ra sau sự gia tăng tổn thất của các hệ thống phòng không S-400 (SA21) trên các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát ở Ukraine cuối tháng 10/2023.
Trước đó, Ukrinform (Ukraine) dẫn bình luận từ các nhà điều tra của trang tình báo Bellingcat giữa tháng 11 cũng nhận định Nga có thể đã chuyển các hệ thống phòng không S-400 từ Kaliningrad tới Rostov. Hoạt động này trùng hợp với sự gia tăng số lượng chuyến bay bằng máy bay vận tải quân sự An-124 và Il-76 từ Kaliningrad qua Biển Baltic tới đất liền của Nga. Đồng thời, khi bay qua Nga, các phi công sẽ tắt bộ tiếp sóng cho phép theo dõi lộ trình và điểm đến cuối cùng.
Hôm 26/10, truyền thông Nga đưa tin 3 hệ thống S-400 của nước này đã bị phá hủy ở Lugansk. Nguồn tin của Ukraine còn bổ sung thông tin về thiệt hại đối với năng lực phòng không của Nga ở Crimea. (Ukrinform)
* Nga vô hiệu hóa nhiều UAV Ukraine: Ngày 26/11, viết trên Telegram, Thống đốc tỉnh Oryol Andrei Klychkov cho biết: “Tối nay, với sự hỗ trợ của hệ thống tác chiến điện tử, chúng ta đã vô hiệu hóa 1 máy bay không người lái (UAV) khác của Ukraine. Thiết bị này rơi xuống khu công nghiệp của Livny. Không có thương vong. Hiện các cơ quan thực thi pháp luật đang thực hiện các biện pháp cần thiết”.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga thông báo về việc đẩy lùi một đợt tấn công lớn bằng UAV của Ukraine. Các hệ thống phòng không đã hoạt động ở Moscow, Tula, Bryansk, Smolensk và Kaluga và đánh chặn 24 UAV. Một trong số đó đã đâm vào tòa nhà chung cư ở Tula, khiến một người trong đó thương nhẹ. (TASS)
* Ukraine khó nhận thêm viện trợ Mỹ năm nay: Ngày 26/11, trả lời phỏng vấn kênh NBC News (Mỹ) Chủ tịch Hội đồng đặc biệt phụ trách tình báo thuộc Hạ viện Mile Turner chia sẻ: “Tôi cho rằng sẽ khó thực hiện kế hoạch này (cung cấp gói viện trợ mới cho Kiev) đến cuối năm nay. Trở ngại hiện nay là chính sách của Nhà Trắng ở biên giới phía Nam. Quốc hội sẽ yêu cầu thay đổi một số luật để bảo đảm rằng biên giới trở lại trạng thái cũ nhằm bảo vệ khu vực biên giới phía Nam”.
Trước đó, Bloomberg (Mỹ) dẫn lời các nhà lập pháp nước này được khảo sát nhận định Kiev sẽ không nhận thêm hỗ trợ từ Washington đến giữa tháng 12/2023, thậm chí là sang năm 2024. Theo Bloomberg, sự ủng hộ rộng rãi dành cho Kiev hiện không còn vì chiến dịch phản công của quân đội Ukraine đã đi vào ngõ cụt.
Trong khi đó, theo Điều phối viên phụ trách truyền thông chiến lược tại Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby, nước này đã chi khoảng 96% số tiền được phân bổ để hỗ trợ Ukraine. Ông nhấn mạnh tình trạng không có thêm sự hỗ trợ lớn từ Washington sẽ gây tác động bất lợi cho năng lực phòng thủ của Kiev.
Hồi tháng 10, Nhà Trắng đã gửi yêu cầu tới Quốc hội về việc phân bổ ngân sách lớn hơn trong năm tài chính mới để hỗ trợ Ukraine và Israel, cũng như đối phó Trung Quốc và Nga ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tổng cộng, chính quyền của Tổng thống Joe Biden mong muốn nhận được khoảng 106 tỷ USD cho những mục đích này. Một số nghị sĩ Đảng Cộng hòa gần đây đã lên tiếng công khai phản đối chính sách tiếp tục cung cấp thêm hỗ trợ tài chính cho Kiev. (NBC News)
* Hungary kêu gọi EU có “kế hoạch B” về Ukraine: Ngày 27/11, nói về tình hình hiện nay tại Ukraine, Thủ tướng Hungary Viktor Orban nhận định “Ở vị trí hiện tại của chúng ta, rõ ràng là người Ukraine sẽ không giành chiến thắng trên thực địa”. Thủ tướng Orban tuyên bố: “Không có giải pháp nào trên thực địa. Người Nga sẽ không thua. Sẽ không có thay đổi chính trị ở Moscow. Đây là sự thật... Nga sẽ không thua và sẽ không có gì thay đổi trong chính sách của họ. Vì vậy, chúng ta phải đối mặt với thực tế. Chúng ta phải chuyển sang Kế hoạch B”. Tuy nhiên, theo ông, hiện Liên minh châu Âu (EU) chưa có kế hoạch như vậy.
Tuần trước, Thủ tướng Orban được cho là đã yêu cầu EU xem xét lại chiến lược của minh. Ông cảnh báo sẽ phản đối bất kỳ khoản viện trợ bổ sung nào trừ khi các nhà lãnh đạo khối bảo đảm “có thể đạt được các mục tiêu trên thực tế” mà không cần hỗ trợ từ Mỹ. Theo Politico, trong thư gửi Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Thủ tướng Orban viết: “Hội đồng châu Âu phải thảo luận thẳng thắn và cởi mở về tính khả thi của mục tiêu chiến lược của EU ở Ukraine”. (RT)
Israel-Hamas
* Thủ tướng Israel khẳng định sẽ “xóa sổ” Hamas, nói về lệnh ngừng bắn: Ngày 26/11, ông Benjamin Netanyahu đã thị sát đường hầm ở dải Gaza do Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) giành được. Tháp tùng ông là Tổng Tham mưu trưởng IDF Tzachi Braverman, Giám đốc Hội đồng An ninh quốc gia Tzachi Hanegbi, Trợ lý Thủ tướng phụ trách quân sự Avi Gil và Phó Tổng Tham mưu IDF Amir Baram.
Phát biểu trước các binh sĩ, Thủ tướng Netanyahu khẳng định: “Chúng ta đang ở đây, tại Dải Gaza, cùng với những người lính anh hùng. Chúng ta đang nỗ lực hết sức để giải thoát các con tin và sẽ giải thoát tất cả. Chúng ta có 3 mục tiêu trong chiến dịch này: Xóa sổ Hamas, giải phóng tất cả các con tin và đảm bảo Gaza sẽ không trở thành mối đe dọa đối với Nhà nước Israel… Chúng ta sẽ tiếp tục đến cùng, cho đến khi giành chiến thắng. Không gì có thể ngăn cản được chúng ta”.
Chuyến thị sát của ông Netanyahu diễn ra vào ngày thứ 3 của lệnh ngừng bắn tạm thời. Dự kiến, lệnh ngừng bắn sẽ kéo dài 4 ngày, đổi lại Hamas sẽ trao trả 50 con tin và Israel phóng thích 150 tù nhân người Palestine.
Trong một tin liên quan, cùng ngày, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Thông cáo Nhà Trắng cho biết hai bên nhất trí “tiếp tục nỗ lực để tất cả các con tin đều được trả tự do”.
Về phần mình, Thủ tướng Netanyahu tuyên bố Israel sẽ nối lại toàn bộ chiến dịch quân sự ngay khi lệnh ngừng bắn tạm thời kết thúc. Tuy nhiên, ông sẽ “hoan nghênh” việc kéo dài lệnh ngừng bắn: Nếu cứ có thêm 10 con tin được trả tự do so với giao ước ban đầu là 50 người, lệnh ngừng bắn sẽ được kéo dài thêm 1 ngày.
Cùng ngày, Hamas đã trả tự do cho nhóm con tin thứ 3 để đổi lấy các tù nhân Palestine trong thời gian ngừng bắn hiện nay, bắt đầu từ hôm 24/11. Một nguồn tin thân cận với Hamas tiết lộ họ sẵn sàng kéo dài lệnh ngừng bắn thêm 4 ngày so với thời hạn được nêu trong thỏa thuận trước đó. Israel tuyên bố sẽ tiếp tục xung đột sau khi lệnh ngừng bắn hết hạn. (Reuters/Tân hoa xã/Times of Israel)
* Nhiều nước kêu gọi kéo dài thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza: Ngày 27/11, phát biểu tại họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này Nasser Kanani nêu rõ: “Với tư cách là Cộng hòa Hồi giáo Iran, chúng tôi mong muốn và chờ đợi ... rằng hành vi của chính quyền Do Thái với người Palestine sẽ chấm dứt hoàn toàn”. Ông nhấn mạnh Iran đang “theo dõi” việc gia hạn thỏa thuận ngừng bắn “với bên thuộc khu vực hoạt động trong lĩnh vực này, nhà nước Qatar”.
Cùng ngày, hàng chục nghìn người Morocco đã tổ chức tuần hành tại thủ đô thương mại Casablanca. Vẫy cơ Palestine, họ đã kêu gọi ngừng bắn vĩnh viễn ở Dải Gaza và đình chỉ quan hệ với Rabat đình chỉ quan hệ với Nhà nước Do Thái.
Nghị sĩ Nabila Mounib của Đảng Xã hội Thống nhất (PSU) tuyên bố: “Chúng tôi không cần một thỏa thuận ngừng bắn mà là một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn để tạo cơ hội cho hòa bình, thành lập Nhà nước Palestine có chủ quyền, với thủ đô là Jerusalem”. Bà hy vọng sẽ được chứng kiến “tất cả những người tha hương trong cộng đồng người Palestine ở hải ngoại trở lại” và tù nhân Palestine được tự do. Những năm gần đây, số lượng các cuộc tuần hành ủng hộ Palestine ở Morocco đã giảm đi, nhưng đã tăng mạnh trở lại kể từ khi nổ ra xung đột Israel-Hamas.
Ngày 26/11, phát biểu trên mạng truyền hình BFMTV (Pháp), Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna nêu rõ: “Chúng tôi yêu cầu trả tự do cho con tin của chúng tôi và tất cả các con tin. Sẽ là điều tốt, hữu ích và cần thiết nếu lệnh ngừng bắn được kéo dài đến kết cục này”. Đến nay vẫn chưa có bất cứ con tin người Pháp nào được trả tự do, song bà “hy vọng lớn” rằng thực tế đó sẽ thay đổi. Quan chức này giải thích thêm: “Có những danh sách được lập ra trong tiến trình đàm phán thông qua Qatar,” nhưng “Hamas đưa ra lựa chọn của họ trong những danh sách này”.
Cùng ngày, phát biểu tại họp báo cùng với người đồng cấp Tây Ban Nha Jose Manuel Albares trong Diễn đàn Liên minh Địa Trung Hải ở Barcelona, Ngoại trưởng Chính quyền Palestine Riyad Al-Maliki cho biết Qatar, Ai Cập, Mỹ, EU và Tây Ban Nha đang nỗ lực để gia hạn lệnh ngừng bắn tạm thời ở Dải Gaza.
Ông cho hay lệnh ngừng bắn hiện tại có thể được gia hạn thêm “1, 2, 3... ngày”, song không ai biết sẽ kéo dài trong bao lâu. Trước đó, nhà ngoại giao này đã kêu gọi các bên thực hiện lệnh ngừng bắn lâu dài để tránh gia tăng số dân thường thiệt mạng ở Gaza.
Ngày 27/111, phát biểu với báo giới, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg kêu gọi gia hạn lệnh ngừng bắn trên. Ông cũng nói rằng Iran nên kiềm chế “các lực lượng ủy nhiệm” của nước này. (FP/Reuters)
Đông Nam Á
* Thái Lan thông tin về 3 công dân được trả tự do từ dải Gaza: Ngày 27/11, viết trên mạng xã hội X, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin cho biết, ông rất hạnh phúc 3 con tin người Thái được trả tự do ở dải Gaza. Ông thêm rằng 3 con tin trong tình trạng sức khỏe tốt và không cần chăm sóc y tế khẩn cấp. Các con tin trên nằm trong đợt trao đổi con tin thứ 3 từ Hamas với phía Israel. Sau 3 đợt, Hamas đã trả tự do cho 17 con tin Thái Lan. Đợt trao đổi con tin thứ 4 dự kiến diễn ra hôm nay, ngày cuối cùng của thỏa thuận ngừng bắn. (Reuters)
Đông Bắc Á
* Bắc Kinh muốn thúc đẩy quan hệ với Seoul: Ngày 27/11: Đại sứ Trung Quốc tại Hàn Quốc Hình Hải Minh nhấn mạnh: “Trung Quốc và Hàn Quốc là nước láng giềng không thể tách rời và là đối tác hợp tác trong mối quan hệ cùng có lợi”.
Ông tuyên bố, hai bên “phải phát triển tốt” mối quan hệ song phương, xét tới sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế và ràng buộc về mặt địa chính trị, đồng thời khẳng định đây “không phải là vấn đề lựa chọn”. Quan chức này nói thêm, chính quyền Bắc Kinh sẽ tìm cách tăng cường liên lạc và hợp tác với Seoul để hai nước có thể liên tục đạt được “những bước phát triển mới”, đồng thời “loại bỏ sự can thiệp”.
Đại sứ Hình Hải Minh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc làm sâu sắc thêm mối quan hệ với Mỹ, cho rằng thành công của hai nước là cơ hội cho nhau. Ông chia sẻ: “Hai bên cần tăng cường đoàn kết và hợp tác để cùng nhau giải quyết các thách thức toàn cầu... Đây không chỉ là nghĩa vụ đối với Trung Quốc và Mỹ mà còn là nghĩa vụ với tất cả các quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc và Hàn Quốc”.
Tuyên bố này được đưa ra một ngày sau khi Ngoại trưởng Trung-Nhật-Hàn hội đàm ba bên lần đầu tiên sau gần 4 năm. Theo đó, ba nhà ngoại giao nhất trí đẩy nhanh việc chuẩn bị để nối lại thượng đỉnh ba bên, vốn bị đình trệ từ lâu. (Yonhap)
* Triều Tiên đưa vũ khí hạng nặng tới biên giới với Hàn Quốc: Ngày 27/11, Bộ Quốc phòng Triều Tiên cho biết, Bình Nhưỡng bắt đầu tái thiết các trạm gác và đưa vũ khí hạng nặng tới dọc biên giới với Hàn Quốc. Các bức ảnh được công bố cho thấy binh sĩ nước này đã dựng trạm gác tạm thời, mang súng cũng như đứng gác ban đêm trong Khu vực Phi quân sự (DMZ) phân chia hai miền.
Tuần trước, Triều Tiên thông báo sẽ khôi phục tất cả các biện pháp quân sự bị tạm dừng trước đó theo thỏa thuận giảm căng thẳng năm 2018 với Hàn Quốc. Trước đó, chính quyền Hàn Quốc đình chỉ một phần của thỏa thuận nhằm phản đối vụ phóng thành công một vệ tinh do thám quân sự của Triều Tiên. (Yonhap)
Châu Âu
* Ngoại trưởng Nga có thể dự Hội nghị OSCE: Ngày 27/11, ông Sergei Lavrov cho biết sẽ dự hội nghị ngoại trưởng các nước thành viên Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) ở Bắc Macedonia nếu Bulgaria mở không phận. Phát biểu tại hội thảo Primakov Readings ở Moscow, ông Sergei Lavrov nói: “Có vẻ Bulgaria đã hứa với Macedonia rằng họ sẽ mở không phận. Nếu điều đó xảy ra, chúng tôi sẽ có mặt ở đó”.
Đề cập cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại G20 năm ngoái, Ngoại trưởng Nga cũng lưu ý: “Đã có một số đề nghị gặp mặt tôi - bao gồm cả từ các đại diện phương Tây”. Ông Lavrov nói thêm: “Nếu ai đó tiếp cận chúng tôi, chúng tôi không bao giờ bỏ chạy hoặc trốn tranh”.
Dự kiến, các ngoại trưởng OSCE sẽ nhóm họp tại Skopje từ ngày 30/11 - 1/12. Nhóm sẽ thảo luận nỗ lực để ngăn chặn xung đột và khủng hoảng an ninh. ulgaria đã đóng cửa không phận với máy bay Nga như một phần lệnh trừng phạt của EU áp đặt nhằm đáp trả hoạt động quân sự của xứ bạch dương tại Ukraine. (Reuters)
* EU, Phần Lan phối hợp đối phó khủng hoảng ở biên giới với Nga: Ngày 27/11, phát biểu trước thềm Hội nghị ngoại trưởng NATO ở Brussels (Bỉ), Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói: “Tôi thực sự tin tưởng chính quyền Phần Lan có thể tự mình giải quyết tình huống này với sự hỗ trợ nhận được từ Cơ quan Bảo vệ biên giới và bờ biển của Liên minh châu Âu (Frontex). Đến nay, vẫn chưa có yêu cầu nào về việc NATO gia tăng can dự vào tình huống này”. (Sputnik)
* Thổ Nhĩ Kỳ bắt gần 100 người bị cáo buộc liên hệ với PKK: Ngày 27/11, Bộ Nội vụ nước này cho biết cảnh sát đã bắt giữ 98 nghi phạm vì bị cáo buộc có liên hệ với nhóm Đảng Công nhân người Kurd (PKK). Tuyên bố cho biết các nghi phạm đã bị cảnh sát bắt giữ trong các chiến dịch đồng thời trên khắp 18 tỉnh. Trong đó hầu hết các vụ bắt giữ đều diễn ra ở các khu vực miền Đông Nam.
PKK đã tham gia đụng độ vũ trang với các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ hơn 3 thập kỷ qua. Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và EU đều coi PKK là một tổ chức khủng bố. Ankara thường xuyên thực hiện các cuộc không kích và hoạt động xuyên biên giới chống lại PKK, lực lượng có căn cứ ở vùng núi miền Bắc Iraq. (Reuters)
Châu Mỹ
* Tổng thống Mỹ không dự COP28: Ngày 27/11 một quan chức Mỹ thông báo ông Joe Biden sẽ không dự hội nghị biến đổi khí hậu COP28 tuần này tại Dubai. Theo lịch trình do Nhà Trắng công bố ngày 30/11, nhà lãnh đạo xứ cờ hoa sẽ hội đàm song phương với người đồng cấp Angola João Manuel Gonçalves Lourenço và dự lễ thắp sáng cây quốc gia.
Tổng thống Joe Biden đã tham dự cả hai hội nghị COP kể từ khi nhậm chức năm 2021. Dự kiến tại COP28, hàng chục quốc gia có kế hoạch thúc đẩy thỏa thuận đầu tiên của thế giới nhằm loại bỏ dần than, dầu, khí đốt phát thải CO2. (Reuters)
Trung Đông-châu Phi
* Tunisia triệt phá mạng lưới buôn người di cư: Ngày 26/11, Trong tuyên bố đăng tải trên Facebook, Lực lượng vệ binh quốc gia Tunisia (TNG) nêu rõ: “Các đơn vị an ninh ở tỉnh Sidi Bouzid, miền Trung, đã triệt phá một mạng lưới tội phạm vận chuyển trái phép người di cư thuộc các quốc tịch châu Phi khác nhau. Mạng lưới vận chuyển những người này đến tỉnh Sfax phía Đông Nam (Tunisia) nhằm nhập cư bất hợp pháp vào Italy”.
Chiến dịch trên diễn ra trong lúc Sfax trở thành điểm khởi hành quan trọng của người di cư bất hợp pháp cố gắng tìm đường đến đảo Lampedusa của Italy. Nằm cách bờ biển Tunisia chỉ 80 km, đảo Lampedusa là điểm dừng chân đầu tiên được người di cư trái phép lựa chọn cho hành trình trên biển tới Italy. (Tân hoa xã)