Quốc hội Hàn Quốc bỏ phiếu luận tội quyền Tổng thống Han Duck-soo ngày 27/12. (Nguồn: Yonhap) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Châu Á – Thái Bình Dương
*Hàn Quốc bắt đầu tiến trình xét xử luận tội Tổng thống: Ngày 27/12, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc đã bắt đầu phiên điều trần chuẩn bị đầu tiên trong phiên tòa xem xét tính hợp lệ của việc Quốc hội luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol liên quan đến việc ông này ban hành thiết quân luật trong thời gian ngắn.
Tòa án có 180 ngày kể từ ngày 14/12 để quyết định. Nếu việc luận tội được duy trì, Tổng thống Yoon sẽ bị cách chức và sẽ phải tổ chức bầu cử tổng thống đột xuất trong vòng 60 ngày. Nếu bị bác bỏ, ông Yoon sẽ được phục chức.
Phiên điều trần sẽ mở cửa cho công chúng nhưng không được phát sóng trực tiếp. (Yonhap)
Tin liên quan |
Tin thế giới 26/12: Trung Quốc xây đập thủy điện lớn nhất thế giới, Nga phá vỡ nhiều âm mưu ám sát quan chức, rơi máy bay tại Kazakhstan |
*Nhật Bản thông qua ngân sách kỷ lục trước các mối đe dọa an ninh: Chính phủ Nhật Bản ngày 27/12 đã thông qua ngân sách kỷ lục 115.500 tỷ yên (730 tỷ USD) cho năm tài khóa tới, trong đó tăng cường chi tiêu cho phúc lợi xã hội và quốc phòng để đối phó với các mối đe dọa trong khu vực.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản nhấn mạnh nước này đang đối mặt với "môi trường an ninh khó khăn và phức tạp nhất" kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai, một cảnh báo trước đó đã được Thủ tướng Ishiba Shigeru đưa ra. (AFP)
*Trung Quốc hạ thủy tàu đổ bộ tấn công thế hệ mới: Ngày 27/12, Trung Quốc đã hạ thủy tàu đổ bộ tấn công thế hệ mới Type 076 đầu tiên mang tên Tứ Xuyên tại Thượng Hải.
Tàu Tứ Xuyên có lượng giãn nước đầy tải hơn 40.000 tấn và có cấu trúc kiên cố, cùng sàn đáp trải dài toàn thân tàu. Tàu được tích hợp công nghệ phóng máy bay bằng điện từ và hệ thống hãm hiện đại, cho phép vận hành máy bay cánh cố định, trực thăng và thiết bị đổ bộ.
Sau khi hạ thủy, tàu sẽ trải qua một loạt cuộc thử nghiệm theo kế hoạch, bao gồm kiểm tra thiết bị, thử nghiệm neo đậu và thử nghiệm trên biển. (THX)
*Cảnh sát Hàn Quốc khám xét nhà an toàn của Tổng thống Yoon: Ngày 27/12, Đội Điều tra Đặc biệt thuộc Cục Điều tra Quốc gia của Cảnh sát Hàn Quốc tiến hành khám xét nhà an toàn của Tổng thống Yoon Suk Yeol tại khu Samcheong-dong, Seoul trong quá trình điều tra về vụ việc thiết quân luật ngày 3/12.
Cảnh sát cho biết: "Chúng tôi đã bắt đầu cuộc khám xét để thu thập dữ liệu camera giám sát tại nhà an toàn".
Trước đó, cảnh sát đã đệ trình lệnh khám xét để thu thập dữ liệu camera giám sát của nhà an toàn nhưng đã bị tòa án bác bỏ một lần. Sau đó, họ đã nộp đơn lại và được chấp thuận vào ngày 19/12. (Yonhap)
*Ngoại trưởng Trung-Nhật nhất trí duy trì hợp tác song phương: Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết các Ngoại trưởng Trung Quốc và Nhật Bản đã nhất trí duy trì hợp tác ở mọi cấp độ và thông qua mọi kênh.
Phát biểu này được đưa ra khi bà được hỏi về thông tin từ hãng tin Kyodo rằng Ngoại trưởng Vương Nghị có thể sẽ thăm Nhật Bản vào tháng 2 tới. (Reuters)
*Quốc hội Hàn Quốc luận tội quyền Tổng thống: Quốc hội Hàn Quốc ngày 27/12 đã bỏ phiếu luận tội quyền Tổng thống Han Duck Soo, chưa đầy hai tuần sau khi ông lên nắm quyền thay Tổng thống Yoon Suk Yeol - người bị luận tội vì việc áp đặt thiết quân luật một cách thiếu sót.
Kiến nghị luận tội ông Han Duck Soo đã được thông qua với số phiếu nhất trí 192-0, đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử một quyền Tổng thống bị Quốc hội luận tội.
Cùng ngày, theo thông báo từ văn phòng Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Choi Sang Mok, ông bắt đầu nhiệm vụ quyền Tổng thống ngày 27/12. (Yonhap)
*Chủ tịch Trung Quốc thăm Nga trong năm 2025: Hãng tin RIA của Nga ngày 27/12 dẫn lời Đại sứ Nga tại Bắc Kinh Igor Morgulov cho biết Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm Nga trong năm 2025.
Trong một phát biểu, Đại sứ Igor Morgulov nói: "Về các hoạt động song phương cụ thể, tôi có thể nói rằng các kế hoạch thích hợp đang được tích cực vạch ra… Điều không còn là bí mật và được ưu tiên là chúng tôi đang chờ đón Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tới thăm Nga vào năm tới". (RIA)
Châu Âu
*Nga xem xét nhiều phương án thử nghiệm hạt nhân: Ngày 27/12, trong một cuộc phỏng vấn nhanh với Kommersant, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết Nga đang xem xét tất cả các phương án liên quan đến khả năng nối lại các vụ thử hạt nhân.
Ông Ryabkov lưu ý rằng Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của mình, đã có lập trường cứng rắn đối với Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT).
Thứ trưởng Ngoại giao Nga giải thích: "Liên quan đến vấn đề này, tôi chỉ muốn nói rằng tình hình quốc tế hiện nay cực kỳ phức tạp, chính sách của Mỹ ở nhiều khía cạnh khác nhau cho đến nay vẫn cực kỳ thù địch với chúng tôi. (Reuters)
*Ukraine lần đầu bắt sống binh sĩ Triều Tiên: Tin tức từ Ukraine cho biết lực lượng Ukraine có thể đã bắt được một binh sĩ Triều Tiên, trong bối cảnh lính Triều Tiên đang tham gia chiến đấu cùng các binh sĩ Nga chống lại Ukraine.
Trang tin chuyên về quân sự Militarnyi ngày 26/12 đưa tin lực lượng đặc nhiệm Ukraine đã bắt được binh sĩ này trong các chiến dịch ở khu vực tiền tuyến tại tỉnh Kursk, phía Tây nước Nga, nhưng không nêu rõ thời điểm xảy ra vụ việc.
Theo các quan chức Hàn Quốc, khoảng 11.000 binh sĩ Triều Tiên đã được điều đến Nga. Đầu tuần này, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết hơn 3.000 lính Triều Tiên đã bị thương vong tại Kursk. (Yonhap)
*EU dọa trừng phạt thêm tàu Nga sau vụ cáp điện: Ngày 26/12, EU đe dọa sẽ áp đặt thêm lệnh trừng phạt đối với tàu Nga sau khi Phần Lan cho biết nước này đang điều tra một tàu chở dầu từ cảng Nga về hành vi "phá hoại" cáp điện nối liền nước này với Estonia.
Trong tuyên bố chung, Ủy ban châu Âu và Đại diện cấp cao của EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Kaja Kallas cho biết: "Con tàu bị tình nghi thuộc hạm đội bí mật của Nga, đe dọa an ninh và môi trường, đồng thời mang lại tiền cho ngân sách phục vụ chiến tranh của Nga. Chúng tôi sẽ đề xuất các biện pháp bổ sung, bao gồm trừng phạt, nhằm vào đội tàu này". (AFP)
*Tổng thống Đức giải tán Quốc hội, ấn định bầu cử: Ngày 27/12, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đã giải tán Quốc hội và xác nhận ngày tổ chức tổng tuyển cử sớm, sau khi chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz sụp đổ hồi tháng trước.
Khi xác nhận việc tổ chức bầu cử vào ngày 23/2 năm sau, Tổng thống Steinmeier nhấn mạnh yêu cầu về "sự ổn định chính trị" và kêu gọi chiến dịch tranh cử phải được "tiến hành với sự tôn trọng và đúng mực". Ông Scholz sẽ tiếp tục đảm nhiệm cương vị quyền Thủ tướng cho đến khi chính phủ mới được thành lập, quá trình này có thể kéo dài vài tháng. (AFP)
*Nga tuyên bố sẽ hoàn thành mọi mục tiêu ở Ukraine trong năm 2025: Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 26/12 cho biết Nga sẽ tiếp tục đạt được tất cả mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine trong năm 2025, đồng thời gọi đây là nhiệm vụ hàng đầu.
Phát biểu họp báo, ông Putin nhấn mạnh: "Tất nhiên, chúng tôi cho rằng Nga sẽ đạt được tất cả mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt. Nhìn chung, đây là nhiệm vụ số 1".
Ông Putin lưu ý rằng Nga có thể sử dụng hệ thống tên lửa Oreshnik nếu cần thiết, nhưng nhấn mạnh quyết định sẽ không vội vã, vì hệ thống này rất mạnh và được thiết kế để giải quyết các vấn đề cụ thể. (AFP)
*Belarus sẵn sàng triển khai tên lửa Oreshnik của Nga: Ngày 26/12, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cho biết nước này đã sẵn sàng triển khai khoảng 12 hệ thống tên lửa Oreshnik mới nhất của Nga trên lãnh thổ nước này trong giai đoạn đầu.
Trả lời báo giới, ông Lukashenko nói: "Tôi nghĩ hiện tại sẽ là khoảng 12 hệ thống tên lửa, sau đó chúng tôi sẽ xem xét tiếp. Nếu phía Nga muốn triển khai thêm, thì chúng tôi sẽ làm điều đó. (Sputniknews)
Trung Đông – châu Phi
*Chỉ huy quân đội Israel thiệt mạng tại Gaza: Ngày 26/12, quân đội Israel thông báo chỉ huy quân sự Amit Levi của nước này đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh tại Dải Gaza.
Trong thông báo, quân đội Israel cho hay ông Levi, 35 tuổi, chỉ huy tiểu đội thuộc tiểu đoàn tuần tra của lữ đoàn bộ binh - dù tinh nhuệ "Mũi tên Lửa", "đã hy sinh trong giao tranh tại trung tâm Gaza".
Cái chết của ông Levi nâng tổng số sĩ quan và binh sĩ Israel thiệt mạng lên thành 822 người kể từ khi Israel phát động cuộc chiến tranh trên nhiều mặt trận vào tháng 10 năm ngoái. (Al Jazeera)
*Iran bác bỏ cáo buộc can thiệp vào Syria: Bộ Ngoại giao Iran ngày 26/12 đã bác bỏ cáo buộc cho rằng Tehran can thiệp vào Syria, sau khi tân Ngoại trưởng Syria yêu cầu nước Cộng hòa Hồi giáo này không gây rối loạn ở đất nước của ông.
Truyền thông nhà nước Syria dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Esmaeil Baghaei nhấn mạnh: "Chúng tôi bác bỏ những cáo buộc vô căn cứ trên một số phương tiện truyền thông... về việc Iran can thiệp vào công việc nội bộ của Syria".
Ông nói thêm: "Điều cần thiết là ngăn chặn sự lan rộng bất ổn và bạo lực... và đảm bảo an ninh cho người dân Syria". (Reuters)
*Iran bắt giữ một cá nhân bị tình nghi làm gián điệp cho nước ngoài: Ngày 26/12, hãng thông tấn bán chính thức Tasnim đưa tin Lực lượng tình báo Iran đã bắt giữ một cá nhân bị cáo buộc làm gián điệp cho nước ngoài ở tỉnh Ardabil, thuộc vùng Tây Bắc.
Thông báo cho biết cá nhân này đã bị đơn vị tình báo cấp tỉnh của Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) bắt giữ trong một hoạt động tình báo. Nguồn tin nói thêm rằng người bị bắt đã làm gián điệp cho cơ quan tình báo của một “nước láng giềng”, nhưng không nêu rõ là quốc gia nào. Sau đó, nghi phạm đã được bàn giao cho các cơ quan tư pháp Iran. (Al Jazeera)
*Mỹ tiêu diệt thủ lĩnh khủng bố Shebab tại Somalia: Quân đội Mỹ hôm 26/12 thông báo đã tiêu diệt 2 thành viên nhóm Hồi giáo cực đoan Shebab trong một cuộc tấn công diễn ra ngày 24/12 ở miền Nam Somalia.
Trong thông cáo báo chí, Bộ Chỉ huy của Mỹ ở châu Phi (AFRICOM) khẳng định cuộc tấn công này được thực hiện với sự phối hợp của Chính phủ liên bang Somalia và theo đánh giá ban đầu không có thường dân nào bị thương.
Về phần mình, Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Somalia cũng đã thông báo về cái chết của kẻ đứng đầu mạng lưới khủng bố Mohamed Mire Jama, còn được gọi là Abu Abdirahman, trong một chiến dịch được các lực lượng quốc gia nước này lên kế hoạch và thực hiện với sự phối hợp của các đối tác quốc tế. (AFP)
*AU bày tỏ quan ngại về bạo lực hậu bầu cử tại Mozambique: Ngày 26/12, Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) Moussa Faki Mahamat đã bày tỏ quan ngại về bạo lực hậu bầu cử tại Mozambique.
Trong một tuyên bố, người đứng đầu AU kêu gọi giải quyết hòa bình tình trạng bạo lực hậu bầu cử leo thang tại Mozambique, đặc biệt sau khi Hội đồng Hiến pháp nước này công bố kết quả Bày tỏ lời chia buồn với các gia đình nạn nhân, ông kêu gọi bình tĩnh và thúc giục các lực lượng an ninh của nước này kiềm chế trong bối cảnh bạo lực và duy trì luật pháp cũng như trật tự. Ông cũng kêu gọi Chính phủ Mozambique và tất cả các bên ở nước này tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng hiện tại để tránh thêm thương vong và tài sản bị hủy hoại. (Al Jazeera)
*Tổng thống Iran sẽ thăm Nga: Truyền thông Iran đưa tin Tổng thống nước này Masoud Pezeshkian sẽ gặp người đồng cấp Vladimir Putin tại Nga vào ngày 17/1 để ký thỏa thuận hợp tác.
Hãng thông tấn Tasnim dẫn lời Đại sứ Iran tại Moskva Kazem Jalali cho biết: "Tổng thống Pezeshkian sẽ thăm Nga ngày 17/1 và thỏa thuận hợp tác giữa hai nước sẽ được ký trong chuyến thăm này".
Nga và Iran đều đang chịu các lệnh trừng phạt quốc tế và hạn chế thương mại, nhưng hai nước đã xây dựng quan hệ chặt chẽ trong nhiều lĩnh vực, bao gồm hợp tác quân sự. (AFP)
Châu Mỹ - Mỹ Latinh
*Tàu sân bay Mỹ Carl Vinson hoạt động ở Biển Đông: Theo hình ảnh do Lầu Năm Góc công bố, nhóm tác chiến tàu sân bay Carl Vinson (CSG) hiện đang hoạt động ở Biển Đông, trong khi một số tàu của Hải quân Mỹ đã cập cảng Singapore trong kỳ nghỉ Giáng sinh.
Nhóm tác chiến tàu sân bay trên dự kiến sẽ sớm ghé cảng Đông Nam Á, song chưa rõ cảng nước nào. Các chuyến ghé cảng của tàu sân bay rất được các đại sứ quán Mỹ chờ đợi vì chúng giúp thúc đẩy các hoạt động giao lưu với các nước thông qua các hoạt động với tàu sân bay đang neo đậu. (USNI News)
*Nổ súng và đâm dao tại sân bay quốc tế ở Mỹ: Ngày 26/12, giới chức Mỹ cho biết 3 người đã bị bắn và 1 người bị đâm dao vào đêm Giáng sinh 24/12 tại một sân bay quốc tế ở thành phố Phoenix, bang Arizona của nước này.
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 26/12, người phát ngôn cảnh sát Phoenix cho biết họ đã tiếp nhận tin báo về một vụ nổ súng xảy ra vào khoảng 21h45 tối tại một nhà hàng bên ngoài trạm kiểm soát an ninh ở Nhà ga số 4 của Phoenix Sky Harbor, sân bay lớn nhất thành phố này.
Tại hiện trường, cảnh sát đã tìm thấy 3 người bị thương do trúng đạn và người thứ tư bị đâm tại bãi đỗ xe của sân bay. Cả 4 người đã được đưa tới bệnh viên, trong đó 1 nạn nhân nữ nguy kịch, 3 nạn nhân nam sức khỏe ổn định. (Reuters)
*Peru ban bố tình trạng khẩn cấp do tràn dầu: Ngày 26/12, Peru đã ban bố tình trạng khẩn cấp về môi trường nhằm xử lý vụ tràn dầu tại khu vực bờ biển miền Bắc nước này, vốn được nhiều du khách ưa chuộng. Biện pháp khẩn cấp sẽ có hiệu lực trong 90 ngày, theo đó nhà chức trách sẽ tiến hành công tác phục hồi và khắc phục hậu quả.
Sự cố tràn dầu được phát hiện ngày 20/12 trên bãi biển Las Capullanas, khi dầu thô chuẩn bị được đưa lên tàu chở dầu tại một nhà ga của nhà máy lọc dầu Talara, song nguyên nhân và lượng dầu bị rò rỉ vẫn chưa được công bố. Cơ quan Đánh giá và Giám sát Môi trường của chính phủ cho biết dầu tràn đã lan rộng khoảng 10.000 m2.
Hôm 22/12, Văn phòng công tố viên đã mở cuộc điều tra đối với Petroperu về tội gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến vùng biển và bờ biển dọc theo bờ Thái Bình Dương của quốc gia Nam Mỹ này. (AFP)
| Đếm ngược thời điểm Ukraine 'buông tay' Nga, Tổng thống Putin nói 'không còn thời gian' Ngày 26/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, không còn thời gian trong năm nay để ký một thỏa thuận vận chuyển khí đốt ... |
| Xung đột Ukraine: Nga gật đầu với một nước EU về đàm phán, thẳng thừng gạt bỏ thỏa thuận ngừng bắn, tuyên bố nhiệm vụ hàng đầu Nga khẳng định sẵn sàng chấp nhận đề xuất của Slovakia về việc đăng cai tổ chức cuộc đàm phán hòa bình với Ukraine để ... |
| Bức tranh 2024 và phác thảo thế giới 2025 Thế giới trải qua một năm đầy biến động, thách thức, đan xen những mảng màu sáng tối trên các lĩnh vực. |
| Tình hình bán đảo Triều Tiên: Thông điệp từ ICBM Mới đây, Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) ra khu vực vùng biển phía Đông Bán đảo Triều ... |
| Tổng thống Hàn Quốc kêu gọi Chủ tịch Trung Quốc giúp ngăn chặn hợp tác quân sự Nga - Triều Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã gặp thượng đỉnh với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Diễn đàn Hợp tác ... |