📞

Tin thế giới 27/6: Czech chuyển lô đạn pháo đầu tiên cho Ukraine, Israel chuẩn bị chiến tranh với Hezbollah, Nga xem xét hạ cấp quan hệ với phương Tây

Nhất Phong 21:51 | 27/06/2024
Mỹ-Nhật-Hàn tập trận ở Biển Hoa Đông, Czech chuyển lô đạn pháo đầu tiên cho Ukraine, Nga lên án mạnh mẽ âm mưu đảo chính ở Bolivia, Triều Tiên thử thành công tên lửa mang nhiều đầu đạn, Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc bị khai trừ đảng… là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
Đảo chính ở Bolivia: Tướng quân đội cầm đầu, Tổng thống Luis Ace hiệu triệu người dân hành động, bổ nhiệm tư lệnh mới. (Nguồn: Getty Images)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Châu Á-Thái Bình Dương

*Hàn Quốc áp đặt trừng phạt các thực thể Triều Tiên và Nga: Ngày 27/6, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thông báo nước này đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với 5 thực thể (trong đó có Cơ quan quản lý tên lửa Triều Tiên), 8 người Triều Tiên, chịu trách nhiệm về vụ phóng tên lửa mới nhất ngày 26/6 và 4 tàu Nga vì tham gia buôn bán vũ khí, nhiên liệu cũng như liên quan tới những hoạt động khác vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nhấn mạnh rằng động thái này nhằm đáp lại Hiệp ước Đối tác chiến lược toàn diện Nga - Triều Tiên được ký kết ngày 19/6, trong đó bao gồm các điều khoản về phòng thủ chung. (Yonhap)

*Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc bị khai trừ đảng: Tân hoa xã (THX) ngày 27/6 đưa tin cựu Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc do vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng và pháp luật.

Theo THX, ông Ngụy Phượng Hòa nhận tiền, quà biếu trái quy định và lợi dụng chức vụ để trục lợi cho người khác, nhận lại tiền và đồ có giá trị.

Quân ủy trung ương Trung Quốc đã mở cuộc điều tra ông Ngụy Phượng Hòa vào tháng 9 năm ngoái. (THX)

*Mỹ-Nhật-Hàn tập trận chung ở Biển Hoa Đông: Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ xác nhận, cuộc tập trận chung ba bên đầu tiên giữa Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc mang tên Freedom Edge đã bắt đầu ở Biển Hoa Đông trong ngày 27/6 và sẽ kéo dài ba ngày.

Tổng cộng có 7 tàu chiến, trong đó có tàu sân bay Mỹ Theodore Roosevelt, cũng như máy bay chiến đấu và tuần tra sẽ tham gia cuộc tập trận kéo dài 3 ngày. Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cho biết cuộc tập trận sẽ thực hành đẩy lùi các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo, tấn công tàu ngầm và tấn công mạng.

Cuộc tập trận ba bên trước đó giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc được tổ chức vào tháng 4 ở đảo Jeju, Hàn Quốc. Cuộc tập trận được tiến hành nhằm đối phó với các mối đe dọa từ tàu ngầm Triều Tiên, bao gồm cả khả năng phóng tên lửa đạn đạo. (Yonhap)

*Philippines sẽ hành động cứng rắn hơn với Trung Quốc ở Biển Đông: Ngày 27/6, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. cho biết sự cố xảy ra hôm 17/6 tại Bãi Cỏ Mây (Bãi cạn Second Thomas) tranh chấp ở Biển Đông không phải là một "cuộc tấn công vũ trang" của Trung Quốc nhằm vào các tàu và thủy thủ Philippines, nhưng Manila cần phải "làm nhiều hơn" thay vì chỉ phản đối hành động của Bắc Kinh ở vùng biển này.

Phát biểu với báo giới, ông Marcos nêu rõ: "Chúng tôi đã đệ trình hơn một trăm công hàm phản đối và cũng thực hiện một số lượng tương tự các biện pháp ngoại giao không chính thức. Chúng tôi phải làm nhiều hơn thế".

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, bao gồm các vùng biển do Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei tuyên bố chủ quyền. (Reuters)

*Triều Tiên thử thành công tên lửa mang nhiều đầu đạn: Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 27/6 cho biết nước này đã thử thành công tên lửa mang nhiều đầu đạn.

Theo KCNA, Triều Tiên "đã tiến hành thành công cuộc thử nghiệm phân tách, điều khiển và dẫn đường từng đầu đạn riêng lẻ vào ngày 26/6", đồng thời cho biết thêm "các đầu đạn riêng biệt đã được dẫn đường chính xác tới 3 mục tiêu".

Trong khi đó, phía Hàn Quốc nói vụ thử nghiệm tên lửa mang nhiều đầu đạn của Triều Tiên đã không thành công. (AFP)

*Cựu Tổng thống Myanmar có chuyến thăm hiếm hoi tới Trung Quốc: Đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar cho biết cựu Tổng thống Myanmar Thein Sein thăm chính thức Trung Quốc trong ngày 27/6. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Thein Sein kể từ khi quân đội Myanmar lên nắm quyền 3 năm trước.

Cựu Đại tướng Thein Sein, 79 tuổi, cầm quyền Myanmar từ năm 2011 đến năm 2016 trước khi nhường lại quyền lực cho bà Aung San Suu Kyi sau cuộc bầu cử mang tính bước ngoặt.

Mối quan hệ giữa chính quyền quân sự và Bắc Kinh - một đồng minh và nhà cung cấp vũ khí lớn - đã rạn nứt vào năm ngoái do chính quyền quân sự không trấn áp được các hoạt động lừa đảo trực tuyến ở vùng biên giới của Myanmar.

Người đứng đầu chế độ quân sự hiện nay Min Aung Hlaing đã không đến thăm Trung Quốc kể từ cuộc đảo chính năm 2021.

Myanmar là một phần quan trọng trong Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc. Nhưng sự tiến bộ ở Myanmar đã bị cản trở bởi cuộc xung đột kể từ cuộc đảo chính quân sự. (THX)

Châu Âu

*Czech chuyển lô đạn pháo đầu tiên cho Ukraine: Ngày 27/6, Thủ tướng Czech Petr Fiala thông báo lô đạn pháo đầu tiên được mua theo sáng kiến của nước này đã được chuyển giao cho Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Czech Jana Cernochova xác nhận số lượng là 50.000 quả đạn.

Phát biểu họp báo tại Praha, Thủ tướng Fiala cho biết Czech đã góp hơn 37 triệu USD cho sáng kiến cung cấp đạn pháo cho Ukraine. Số tiền này được Czech phân bổ để mua đạn pháo từ công ty STV Group của nước này.

Đây là lô đầu tiên trong tổng số 180.000 quả đạn được mua với sự tài trợ của Đức. Đến nay đã có 18 quốc gia tham gia sáng kiến của Czech nhằm mua đạn pháo cung cấp cho Ukraine, trong đó 15 quốc gia đã cam kết tài trợ.

Bộ trưởng Quốc phòng Czech nhấn mạnh, mục tiêu là cung cấp 500.000 quả đạn pháo cho Ukraine cho đến cuối năm nay và hiện đã mục tiêu này đã được đảm bảo về tài chính. (Reuters)

*Nga xem xét hạ cấp quan hệ ngoại giao với phương Tây: Điện Kremlin ngày 27/6 cho biết Nga đang xem xét khả năng hạ cấp quan hệ ngoại giao với phương Tây do sự can thiệp sâu hơn của Mỹ và đồng minh vào cuộc chiến ở Ukraine.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố "vấn đề hạ cấp quan hệ ngoại giao là một thông lệ tiêu chuẩn cho các quốc gia phải đối mặt với những biểu hiện không thân thiện hoặc thù địch".

Theo ông Peskov, do sự can dự ngày càng tăng của phương Tây vào cuộc xung đột ở Ukraine, Nga "không thể không xem xét hàng loạt sự lựa chọn khác nhau để đáp trả sự can thiệp thù địch như vậy của phương Tây vào cuộc khủng hoảng Ukraine". Ông Peskov cũng cho biết chưa có quyết định nào về vấn đề này và Nga đang xem xét những cách thức khác nhau để đáp trả phương Tây. (Sputnikews)

*Nga điều tàu tuần dương mang tên lửa Varyag tập trận ở Địa Trung Hải: Hãng thông tấn TASS ngày 27/6 dẫn nguồn Bộ Tư lệnh Hải quân Nga cho hay tàu tuần dương mang tên lửa Varyag của Hải quân Nga đã tiến hành cuộc tập trận ở Địa Trung Hải.

Bộ Tư lệnh Hải quân Nga nhấn mạnh cuộc tập trận tập trung vào việc đẩy lùi một cuộc tấn công bằng thiết bị không người lái trên biển và cũng bao gồm các cuộc giao tranh mô phỏng với tàu chiến và tàu ngầm của đối phương. (Reuters)

*Ukraine thành lập lực lượng sử dụng thiết bị không người lái: Ngày 26/6, thông báo của Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine cho hay Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyđã ký sắc lệnh thi hành quyết định của Hội đồng An ninh và Quốc phòng quốc gia về việc thành lập lực lượng mới phụ trách tác chiến bằng máy bay không người lái.

Theo Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine, đơn vị mới, Lực lượng Hệ thống không người lái, sẽ là một nhánh của Lực lượng vũ trang Ukraine.

Trước đó, ngày 25/6, Hội đồng An ninh và Quốc phòng Quốc gia đã ủng hộ đề xuất của Chính phủ về việc thành lập Lực lượng Hệ thống Không người lái, khẳng định động thái này nhằm tăng cường khả năng của quân đội Ukraine trong bối cảnh xung đột với Nga.

Theo các quan chức Ukraine, năm nay, nước này có kế hoạch sản xuất từ 1 triệu đến 2 triệu thiết bị bay không người lái góc nhìn thứ nhất (FPV), cũng như khoảng 10.000 máy bay không người lái tấn công tầm trung và hơn 1.000 máy bay không người lái tấn công tầm xa. (AFP)

Trung Đông-châu Phi

*Lebanon và Iran không muốn đối đầu trực tiếp với Israel: Đại sứ Nga tại Liban Alexander Rudkov ngày 27/6 cho biết Lebanon và Iran ủng hộ việc tránh leo thang xung đột Israel-Palestine và ngăn chặn một cuộc xung đột trực tiếp với Israel.

Phát biểu trên kênh truyền hình Rossiya-24, Đại sứ Nga cho biết: “Iran, Lebanon hay bất kỳ nơi nào khác ở Trung Đông đều không muốn tiếp tục hoặc mở rộng phạm vi xung đột... Cả Tehran và Beirut đều ủng hộ việc ngăn chặn xung đột trực tiếp với Israel”. Đồng thời, ông Rudakov nhấn mạnh rằng các nước trong khu vực đang nỗ lực tối đa về ngoại giao và chính trị để giúp chấm dứt xung đột ở Dải Gaza và ngăn chặn cuộc chiến này leo thang.

Trước đó, báo chí Israel đưa tin quân đội nước này đã phê duyệt kế hoạch tác chiến cho một cuộc tấn công Lebanon vào giữa tháng 6. Theo đó, sau chiến dịch chống lại Hamas ở Dải Gaza, quân đội Israel dự kiến sẽ đồng thời tấn công nhóm Hezbollah ở Lebanon. Hezbollah, giống như Hamas, phản đối Israel và thường xuyên pháo kích vào lãnh thổ nước này từ phía Bắc.(Reuters)

*Israel chuẩn bị cho chiến tranh với Hezbollah: Trong chuyến thăm Washington, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant tuyên bố Israel không muốn xảy ra chiến tranh với phong trào Hezbollah ở Lebanon, nhưng đang chuẩn bị cho mọi diễn biến tình huống.

Tờ Jerusalem Post dẫn lời ông Gallant nêu rõ: "Chúng tôi không muốn chiến tranh, nhưng Hezbollah đang chơi một trò chơi nguy hiểm và chúng tôi sẽ không tha thứ”.

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) ngày 18/6 thông báo phê duyệt kế hoạch tác chiến cho cuộc tấn công vào Lebanon. Sau đó, Bộ trưởng Ngoại giao Israel, ông Israel Katz, đe dọa sẽ tiêu diệt Hezbollah và gây thiệt hại nghiêm trọng cho Lebanon trong trường hợp xảy ra chiến tranh toàn diện, đồng thời nói thêm rằng Israel sắp đưa ra quyết định thay đổi các nguyên tắc ở mặt trận phía Bắc.

Ngược lại, thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrullah tuyên bố phong trào này có thể tiến quân vào miền Bắc Israel trong trường hợp gia tăng đối đầu căng thẳng. (Al Jazeera)

Châu Mỹ-Mỹ Latinh

*Hợp tác công nghệ Nga-Ấn khiến Mỹ lo lắng: Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Kurt Campbell ngày 26/6 cho biết Mỹ “có chút lo lắng” về các thỏa thuận quân sự và công nghệ giữa Ấn Độ với Nga.

Ấn Độ và Nga có mối quan hệ đối tác hàng thế kỷ trong lĩnh vực quân sự và công nghệ. Mối quan hệ này được xây dựng dựa trên mối quan hệ lịch sử, lợi ích chiến lược chung và một loạt thỏa thuận cấp cao.

Với tình hình hiện nay, có nhiều thông tin cho rằng Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi có thể thăm Nga vào đầu tháng 7 tới để hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin. (AFP)

*Đảo chính ở Bolivia, Nga và nhiều nước lên án: Bộ Ngoại giao Nga ngày 27/6 tuyên bố Moscow lên án mạnh mẽ âm mưu đảo chính quân sự ở Bolivia, đồng thời cảnh báo chống lại bất cứ sự can thiệp phá hoại nào của nước ngoài vào công việc nội bộ của Bolivia và các quốc gia khác.

Trước đó một ngày, truyền thông địa phương đưa tin về sự hiện diện của quân đội tại quảng trường Murillo ở trung tâm thủ đô La Paz của Bolivia, nơi có các tòa nhà của chính phủ.

Tổng thống nước này, Luis Arce đã kêu gọi tôn trọng nền dân chủ và gọi các sự kiện ở La Paz là một cuộc đảo chính. Nhà lãnh đạo Bolivia cũng bổ nhiệm người đứng đầu mới của quân đội, không quân và hải quân Bolivia trước nỗ lực đảo chính của cựu Tổng Tư lệnh Juan Jose Zuniga. (AFP)