Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-17 trong lễ duyệt binh tại Bình Nhưỡng ngày 26/4. (Nguồn: KCNA) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm tin quốc tế đáng chú ý ngày 28/9.
Nga-Ukraine
* Nga thông báo thương vong của Ukraine ở Lyman: Ngày 28/9, Bộ Quốc phòng Nga cho biết cuộc tấn công của Ukraine vào thị trấn Lyman do Nga kiểm soát ở vùng Donetsk đã thất bại và 70 binh sĩ Ukraine thiệt mạng. Tuy nhiên, Reuters chưa xác minh được báo cáo về thông tin trên.
Lyman, thị trấn có dân số khoảng 20.000 người trước khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, đã trở thành điểm nóng giao tranh kể từ khi Ukraine triển khai các đợt phản công chớp nhoáng hồi đầu tháng. (Reuters)
* Điện Kremlin nêu kế hoạch kiểm soát toàn bộ Donetsk: Ngày 28/9, phát biểu với các phóng viên qua điện thoại, người phát ngôn Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho biết “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine sẽ tiếp tục “ít nhất” cho đến khi Nga kiểm soát hoàn toàn khu vực Donetsk ở miền Đông Ukraine. (Reuters)
* Nga không cấp hộ chiếu cho người được gọi nhập ngũ: Một cổng thông tin của chính phủ Nga ngày 28/9 cho biết, Moscow sẽ không cấp hộ chiếu cho những người được gọi nhập ngũ. Thông tin nêu rõ: “Nếu công dân được triệu tập đi nghĩa vụ quân sự hoặc nhận được giấy triệu tập (điều động) thì sẽ bị từ chối cấp hộ chiếu”.
Tuyên bố này xuất hiện trong lúc có ý kiến quan ngại Moscow có thể hạn chế hoạt động đi lại của người dân và những người rời nước này sau lệnh động viên một phần vừa qua. (AFP)
TIN LIÊN QUAN | |
Xung đột Nga-Ukraine: Kiev ra tuyên bố đanh thép, khẳng định không chấp nhận tối hậu thư |
Châu Âu
* Nga bác cáo buộc tấn công Dòng chảy phương Bắc, muốn Đan Mạch cung cấp thông tin: Ngày 28/9, người phát ngôn Tổng thống Nga Dmitry Peskov đã gọi cáo buộc Nga tấn công đường ống Dòng chảy phương Bắc là “ngớ ngẩn”. Ông cho rằng, sự cố trên cần được điều tra và thời gian sửa chữa các đường ống bị hư hỏng chưa được công bố.
Theo Moscow, dường như các tập đoàn năng lượng Mỹ đang “bỏ túi đáng kể” khi cấp khí đốt cho châu Âu.
Đại sứ quán Nga tại Đan Mạch cũng cho biết, Moscow đã yêu cầu Copenhagen cung cấp thông tin về thiệt hại đối với đường ống Dòng chảy phương Bắc.
Cùng ngày, một quan chức phương Tây cho biết: “Rõ ràng, trên đường ống, điều này trông rất nghiêm trọng. Nhiều vụ nổ cùng một lúc - nó rất nghiêm trọng và sẽ phải được điều tra. Vụ nổ rất đáng ngờ, song tôi nghĩ chúng ta cần thu thập các sự kiện trước khi đưa ra kết luận”.
Trước đó, Cơ quan Hàng hải Thụy Điển ngày 27/9 đã phát cảnh báo về 2 vụ rò rỉ trên tuyến đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 1, đoạn chạy qua các vùng đặc quyền kinh tế của Thụy Điển và Đan Mạch, ngay sau khi sự cố rò rỉ trên tuyến đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 đoạn cũng chạy qua vùng đặc quyền kinh tế của Đan Mạch được phát hiện.
Cả 3 đoạn đường ống xảy ra sự cố đều không hoạt động nhưng đã được bơm khí đốt.
Nord Stream AG, công ty vận hành các tuyến đường ống dẫn khí đốt trên nêu rõ, đây là các vụ việc “chưa từng có” và hiện chưa thể ước tính được thời gian khắc phục. (Reuters)
* EU “gia cố” an ninh năng lượng sau sự cố Dòng chảy phương Bắc: Ngày 28/9, Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cho biết EU sẽ tăng cường bảo vệ cơ sở hạ tầng năng lượng sau các sự cố gây rò rỉ trên các tuyến đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc.
Ông nói: “Tất cả thông tin sẵn có đều chỉ ra rằng các vụ rò rỉ là do hành vi cố ý”. EU sẽ ủng hộ mọi cuộc điều tra làm rõ vụ việc và tiếp tục áp dụng các biện pháp nhằm tăng khả năng phục hồi trong lĩnh vực an ninh năng lượng.
Trên Twitter, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel viết rằng “dường như hành động phá hoại là nhằm tiếp tục gây bất ổn nguồn cung năng lượng cho EU”, đồng thời nhấn mạnh những kẻ gây ra vụ việc sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. (AFP)
TIN LIÊN QUAN | |
Sự cố hai Dòng chảy phương Bắc 1 và 2 là vụ 'tấn công có chủ đích'? |
Đông Bắc Á
* Hàn Quốc nói Triều Tiên “phóng 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn”: Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân (JCS) Hàn Quốc ngày 28/9 thông báo Triều Tiên phóng “2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn” ra vùng biển phía Đông nước này.
JCS nêu rõ đã phát hiện các vụ phóng từ khu vực Sunan ở Bình Nhưỡng trong khoảng thời gian từ 18h10 - 18h20 giờ địa phương.
Trong thông báo bằng văn bản gửi đến báo giới, JSC cho hay, "trong khi đang tăng cường cảnh giác và giám sát, quân đội của chúng tôi đang duy trì tình trạng sẵn sàng cao và hợp tác chặt chẽ với Mỹ".
Chính phủ Nhật Bản cũng xác nhận Bình Nhưỡng đã phóng một vật thể dường như là tên lửa đạn đạo.
Vụ phóng diễn ra chỉ ba ngày sau khi Triều Tiên phóng một tên lửa đạn đạo tầm ngắn ra vùng biển phía Đông, ít ngày trước chuyến thăm Hàn Quốc của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris. Bà Harris có thể tới Khu phi quân sự (DMZ) nằm ở biên giới liên Triều. (Yonhap)
* Hàn Quốc có thể không dùng tên lửa Nga trong các vụ phóng vệ tinh tới: Ngày 28/9, Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin-truyền thông Hàn Quốc đã trình văn bản lên Quốc hội nước này đề nghị hủy các kế hoạch phóng vệ tinh sử dụng tên lửa của Nga cuối năm nay.
Trước đó, Hàn Quốc lên kế hoạch phóng Vệ tinh đa năng Arirang 6, sử dụng tên lửa đẩy Angara 1.2 của Nga cuối năm 2022 từ Sân bay vũ trụ Plesetsk, Nga và một vệ tinh quan sát mặt đất tầm trung thế hệ mới sử dụng tên lửa Soyuz từ Sân bay vũ trụ Baikonur, Kazakhstan.
Bộ trên đánh giá, việc tiến hành các vụ phóng vệ tinh bằng tên lửa của Nga đã trở nên “khó khăn” do trừng phạt của cộng đồng quốc tế nhắm vào Nga; đồng thời, đề nghị Quốc hội bổ sung ngân sách, dự kiến lên tới 88,1 tỷ Won (61,1 triệu USD) để tiếp tục thực hiện các kế hoạch phóng vệ tinh.
Nếu đề nghị trên được Quốc hội chấp thuận, Seoul sẽ hủy bỏ các thỏa thuận với Moscow và tìm kiếm các nhà cung cấp mới, với SpaceX và Cơ quan Vũ trụ châu Âu là các đối tác tiềm năng. (Yonhap)
* Hàn Quốc, Anh đối thoại chiến lược cấp ngoại trưởng: Ngày 28/9, trong khuôn khổ đối thoại chiến lược cấp ngoại trưởng lần thứ 7, Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin và người đồng cấp Anh James Cleverly đã hội đàm tại Seoul về hợp tác trong giải quyết thách thức khu vực và toàn cầu, bao gồm an ninh kinh tế và biến đổi khí hậu.
Ông Park nhấn mạnh hai nước là “đối tác hàng đầu” trong hợp tác giải quyết các vấn đề quốc tế. Về phần mình, ông Cleverly coi Hàn Quốc là “người bạn rất thân thiết”, tin tưởng rằng mối quan hệ giữa hai nước sẽ “đi lên từ sức mạnh”.
TIN LIÊN QUAN | |
Nhật Bản-Hàn Quốc trong tiến trình khôi phục 'quan hệ lành mạnh' |
Châu Mỹ
* Mỹ nêu điều chỉnh mới trong chiến lược với Thái Bình Dương: Ngày 28/9, chính quyền Tổng thống Joe Biden cam kết tăng cường quan hệ với các quốc đảo Thái Bình Dương thông qua tăng cường hiện diện ngoại giao và hỗ trợ đối phó khủng hoảng khí hậu như một phần của chiến lược đầu tiên đặc biệt tập trung vào khu vực.
Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh các bên đang dự Thượng đỉnh giữa Mỹ và các quốc đảo Thái Bình Dương tại Washington D.C., Mỹ ngày 28-29/9. Lãnh đạo từ Fiji, quần đảo Marshall, Micronesia, Palau và quần đảo Solomon cùng một số các quốc đảo khác tại khu vực Thái Bình Dương tham dự sự kiện này. (Kyodo)
| Trung Quốc nêu quan điểm về các cuộc trưng cầu dân ý sáp nhập Nga ở miền Đông Ukraine Trưởng phái đoàn thường trực của Trung Quốc tại Liên hợp quốc khẳng định quan điểm của nước này về vấn đề tôn trọng chủ ... |
| Tổng thống Ukraine: ‘Không còn chủ đề’ để đàm phán với Nga Kiev khẳng định sẽ không đàm phán với Moscow sau khi Nga ‘trưng cầu ý dân’ ở lãnh thổ đang kiểm soát tại Ukraine. |
| Mỹ: Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ là khu vực quan trọng nhất Mỹ sẽ tiếp tục khẳng định cam kết với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương qua Thượng đỉnh với các quốc đảo Thái Bình Dương trong ... |
| Hàn Quốc chi 'khủng' cho quốc phòng, Phó Tổng thống Mỹ sẽ thăm Khu phi quân sự liên Triều Hàn Quốc dự kiến chi khoảng 120 tỷ Won để thành lập quỹ hỗ trợ các doanh nghiệp quốc phòng vừa và nhỏ có công ... |
| Khủng hoảng năng lượng: Các biểu tượng ‘đốt’ tiền điện ở châu Âu có còn rực sáng? Trong một cuộc khủng hoảng năng lượng, không phải là thời điểm để “đốt” tiền điện, dù đó là những công trình mang tính biểu ... |