Bầu cử Mỹ 2020
Bầu cử năm 2020 tốn kém nhất lịch sử Mỹ
Trong một thông cáo phát đi ngày 28/10, Open Secrets, nhóm chuyên theo dõi dòng tiền chảy trong hệ thống chính trị Mỹ ước tính chi phí cho cuộc bầu cử tổng thống và bầu cử quốc hội năm nay ở Mỹ có thể lên tới 14 tỷ USD.
Open Secrets nhận định, chiến dịch tranh cử của ông Biden và ông Trump sẽ chi khoảng 6,6 tỷ USD, cao hơn so với mức chi tiêu 2,4 tỷ USD của hai ứng viên tổng thống Mỹ năm 2016.
Theo đó, ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden sẽ trở thành ứng viên đầu tiên trong lịch sử Mỹ vận động quyên góp được hơn 1 tỷ USD. Tính đến ngày 14/10, chiến dịch của ông Biden đã quyên được 938 triệu USD, trong khi Tổng thống Donald Trump quyên được 596 triệu USD. (CNBC)
Số lượng cử tri bỏ phiếu sớm cao kỷ lục
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 74 triệu cử tri Mỹ bỏ phiếu sớm trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020. Đây là con số cao kỷ lục từ trước đến nay. Trong đó, ông Joe Biden đã đi bỏ phiếu sớm tại bang quê nhà Delaware vào ngày 28/10.
Việc đông đảo cử tri Mỹ đi bỏ phiếu sớm cho thấy cử tri ngày càng quan tâm đến cuộc cạnh tranh giữa đương kim Tổng thống Donald Trump của đảng Cộng hòa và ứng cử viên Joe Biden của đảng Dân chủ.
Nhiều bang ở Mỹ đã mở rộng áp dụng hình thức bỏ phiếu sớm, cả trực tiếp và bỏ phiếu qua bưu điện, trước ngày bầu cử 3/11, để đảm bảo cử tri có thể tham gia bỏ phiếu một cách an toàn trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 vẫn đang hoành hành. (Reuters)
Xung đột Armenia-Azerbaijan
Armenia-Azerbaijan lại khẩu chiến
Ngày 28/10, Azerbaijan và Armenia đã cáo buộc lẫn nhau thực hiện các vụ tấn công vào các địa điểm trong và xung quanh khu vực Nagorno-Karabakh, gây thương vong cho dân thường.
Văn phòng Tổng công tố Azerbaijan cho biết, 21 dân thường nước này đã thiệt mạng và 70 người bị thương trong ngày 28/10 sau khi Armenia không kích thành phố Barda. Bộ Quốc phòng Armenia đã ngay lập tức bác bỏ cáo buộc trên.
Trong khi đó, Armenia lại cáo buộc quân đội Azerbaijan đã đánh bom thành phố Stepanakert và thị trấn Shushi ở khu vực Nagorno-Karabakh, gây thương vong lớn.
Cùng ngày, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev tuyên bố, các lực lượng Azerbaijan đã chiếm quyền kiểm soát thêm ít nhất 13 khu định cư tại các quận Zangilan, Fuzuli, Jabrayil và Qubadli thuộc vùng Nagorno-Karabakh từ tay lực lượng thân Armenia. (TASS)
Liên hợp quốc lên tiếng về vấn đề nhân đạo ở Nagorno-Karabakh
Ngày 28/10, người phát ngôn của Tổng Thư ký LHQ Stephane Dujarric đã kêu gọi các bên liên quan lưu ý tới tác động của cuộc xung đột tại khu vực Nagorno-Karabakh đối với vấn đề nhân đạo trong bối cảnh căng thẳng tái diễn tại đây đã bước sang tháng thứ hai, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản.
Trong một cuộc họp báo, ông Dujarric cho hay, theo thống kê của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), kể từ khi một đợt bạo lực mới giữa các lực lượng của Azerbaijan và Armenia bùng phát từ ngày 27/9, trên 130.000 người đã phải rời bỏ nhà cửa, 76 trường học và mẫu giáo bị phá hủy và một bệnh viện phụ sản bị hư hại nghiêm trọng.
Quan chức LHQ nhấn mạnh, các cuộc tấn công bằng tên lửa và rocket hằng ngày nhằm vào nhiều khu dân cư tại Nagorno-Karabakh đã ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của người dân, đặc biệt là trẻ em. Ông Dujarric nhắc lại lời kêu gọi của TTK LHQ đối với các bên liên quan trong việc thực thi ngay lập tức lệnh ngừng bắn nhân đạo nhằm bảo vệ dân thường và hệ thống cơ sở hạ tầng dân sự. Theo ông, các hành động thù địch đang diễn ra là không thể chấp nhận và các bên phải chấm dứt tình trạng này. (AFP)
Mỹ-Trung Quốc
Mỹ tiếp tục gây sức ép tới Trung Quốc
Ngày 28/10, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, Washington đã xác định Hiệp hội Thống nhất Hòa bình Trung Quốc (NACPU) do Ban Công tác Mặt trận Thống nhất Trung ương Trung Quốc quản lý là phái bộ nước ngoài. Cơ quan này được cho là có nhiệm vụ mở rộng ảnh hưởng và tuyên truyền cho Trung Quốc ở nước ngoài.
“Mục đích của động thái này nhằm làm sáng tỏ tổ chức (của Trung Quốc) và để mọi người hiểu rằng, những thông điệp của họ đều đến từ Bắc Kinh”, thông báo của Ngoại trưởng Mỹ cho biết.
Theo thông báo của Ngoại trưởng Mỹ, Washington cũng rút khỏi một thỏa thuận giữa chính phủ Mỹ và Trung Quốc hồi năm 2011, liên quan đến việc thành lập một Diễn đàn Lãnh đạo Mỹ-Trung nhằm thúc đẩy hợp tác cấp địa phương.
Thông báo cho biết, kể từ khi ký kết biên bản ghi nhớ, Hiệp hội Hữu nghị Đối ngoại Nhân dân Trung Quốc (CPAFFC) đã “tìm cách gây ảnh hưởng trực tiếp với ý đồ xấu” lên các nhà lãnh đạo địa phương và tiểu bang của Mỹ nhằm thúc đẩy ảnh hưởng toàn cầu của Bắc Kinh. (Reuters)
Mỹ kiên quyết bán tên lửa cho Đài Loan, Trung Quốc ‘nóng mặt’
Việc Mỹ ngày 26/10 phê chuẩn kế hoạch bán các hệ thống tên lửa Harpoon trị giá 2,37 tỷ USD cho Đài Loan khiến người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường lên tiếng và yêu cầu Washington dừng các thỏa thuận vũ khí với hòn đảo này. Đồng thời, Bắc Kinh yêu cầu Mỹ dừng liên lạc quân sự với Đài Loan ngay lập tức. (RT)
Biển Đông
Mỹ bác yêu sách của Trung Quốc, đẩy mạnh hợp tác với Indonesia
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 29/10 cho biết, Washington sẽ tìm ra những cách thức mới để hợp tác với Indonesia ở biển Đông, trong khi bác bỏ các tuyên bố trái phép của Trung Quốc tại khu vực này.
Trong một cuộc họp báo chung với người đồng cấp Indonesia Retno Marsudi, ông Pompeo ca ngợi hành động của Jakarta nhằm bảo vệ chủ quyền của mình ở vùng biển gần quần đảo Natuna, nơi Trung Quốc cũng tuyên bố là lãnh thổ của mình.
Về phía Ngoại trưởng Retno, bà cho biết, Indonesia muốn nhìn thấy một biển Đông "hòa bình và ổn định", nơi luật pháp quốc tế được tôn trọng. (Reuters)
Tàu sân bay mới của Trung Quốc sẽ hoạt động trên Biển Đông?
Chia sẻ với tờ Thời báo Hoàn Cầu hôm 28/10, chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh, ông Li Jie nhận định, hình ảnh video mới được công bố cho thấy Sơn Đông, tàu sân bay thứ hai nhưng là tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc, đã có được những năng lực cơ bản và sẵn sàng được triển khai ra những vùng biển rộng lớn hơn để cải thiện khả năng chiến đấu thông qua tập trận.
Theo ông Li, tàu sân bay Sơn Đông đã thu được năng lực chiến đấu cơ bản chỉ sau chưa đầy 1 năm được biên chế vào lực lượng hải quân Trung Quốc, nhanh hơn bình thường.
Ngoài ra, theo ông Li, việc tàu Sơn Đông được biên chế hoạt động ở thành phố Tam Á đồng nghĩa với việc con tàu này sẽ phục vụ trong lực lượng Chiến khu Nam Bộ, đơn vị phụ trách mọi hoạt động ở Biển Đông. (CCTV)
Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ
Mỹ cảnh báo trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì lo ngại S-400
Quan chức hàng đầu phụ trách các thương vụ vũ khí của Bộ Ngoại giao Mỹ, ông R. Clarke Cooper ngày 28/10 cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ - đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị trừng phạt nếu thử nghiệm hệ thống phòng không S-400 do Nga chế tạo.
Phát biểu trước báo giới, ông Cooper nhấn mạnh: “Nguy cơ đó là rất rõ ràng bởi họ tiếp tục mua S-400. Và tất nhiên với hoạt động thử nghiệm hệ thống này, các lệnh trừng phạt sẽ rất có thể được cân nhắc”.
Theo ông Cooper, Washington đã đặt ra giới hạn đỏ nhằm ngăn chặn Ankara kích hoạt S-400. Quan chức Mỹ hy vọng, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không đưa hệ thống phòng không do Nga chế tạo vào hoạt động. (AFP)
New START
Mỹ tiết lộ điều kiện gia hạn New START với Nga
Ngày 28/10, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O'Brien cho biết, Nga và Mỹ sẽ gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) nếu hai bên có thể giải quyết các vấn đề liên quan đến thủ tục xác minh.
"Washington đã đề nghị nên thay mới hoặc gia hạn hiệp ước New START thêm một năm, đồng thời cả hai bên đồng ý khống chế sản lượng vũ khí trong một năm đó và xem liệu điều đó có cho chúng tôi thời gian để đàm phán một thỏa thuận kiểm soát vũ khí dài hạn mới với người Nga không".
"Chúng tôi đã đưa ra lời đề nghị trên với Nga và tôi cho rằng, chúng tôi đang có tiến triển trong việc đàm phán về việc này. Tôi đã đến Geneva, gặp người đồng cấp Nga, Tướng Patrushev, để thảo luận về tương lai của hiệp ước New START” - ông O'Brien cho hay. (TASS)
WTO
Quá trình tìm kiếm lãnh đạo WTO gặp trắc trở
Sau nhiều tuần tham vấn, trong một cuộc họp kín tại Geneva, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã nhất trí lựa chọn cựu Bộ trưởng Tài chính Nigeria Ngozi Okonjo-Iweala làm Tổng Giám đốc mới của WTO.
Tuy nhiên, cùng ngày, Mỹ tuyên bố sẽ ủng hộ bà Yoo Myung-hee trở thành tân Tổng Giám đốc của WTO chứ không phải bà Ngozi Okonjo-Iweala. Việc Mỹ phản đối đã gây ra cản trở cho tiến trình tìm kiếm lãnh đạo cơ quan quốc tế này, bởi chỉ khi tất cả 164 thành viên của WTO chấp thuận lựa chọn trên thì tiến trình bổ nhiệm mới được bắt đầu.
WTO đã lên lịch triệu tập cuộc họp vào ngày 9/11 tới, hy vọng nhận được sự đồng thuận từ tất cả các thành viên đối với lựa chọn ứng cử viên người Nigeria. (Reuters)
| Bí ẩn mỏ vàng lớn nhất thế giới của Nga tại Siberia TGVN. Nhà sản xuất vàng lớn nhất nước Nga Polyus PJSC vừa công bố về một ước tính mới đối với mỏ vàng Sukhoi Log ... |
| Kinh tế thế giới nổi bật tuần qua (23-29/10): Tin vui bất ngờ từ Thỏa thuận Mỹ-Trung Quốc giai đoạn 1, Italy dùng quyền phủ quyết đặc biệt với Huawei TGVN. Lần đầu tiên Italy phủ quyết một thỏa thuận với Huawei, kết quả thực hiện Thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung Quốc có tiến bộ ... |
| Tin thế giới 28/10: Nga không đặt cược ở bầu cử Mỹ; 'Giới hạn đỏ' ở Belarus và 'tâm tư' của Philippines giữa căng thẳng Mỹ-Trung Quốc TGVN. Tình hình Belarus, quan hệ Mỹ-Trung Quốc, Philippines, biển Hoa Đông, xung đột Armenia-Azerbaijan, quan hệ Nga-Mỹ trước bầu cử Mỹ 2020 và căng ... |