📞

Tin thế giới 29/11: Ukraine chỉ trích ‘đối tác không đáng tin’, Nga nói về ‘liên minh khí đốt’

Minh Vương 20:28 | 29/11/2022
Italy phủ nhận bất đồng với Pháp, hợp tác năng lượng Nga-Trung, Hàn Quốc muốn tăng cường lòng tin trong quan hệ liên Triều...là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.
Thủ tướng Italy Giorgia Meloni và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 24/10. (Nguồn: Reuters)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Nga-Ukraine

* Ukraine phàn nàn việc một số nước từ chối bán vũ khí cho Kiev: Trả lời báo Politico (Mỹ), Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nhấn mạnh: “Phải thừa nhận rằng có những quốc gia trên thế giới có thứ Ukraine cần, nhưng họ không định bán vũ khí theo số lượng yêu cầu vì lý do chính trị”. Theo ông, người Ukraine cần chấm dứt lệ thuộc vào “những đối tác không đáng tin cậy”. Nhà ngoại giao này nói thêm: “Chúng ta không nên lệ thuộc vào tính khí thất thường của các nước thứ ba, những nơi có hàng dự trữ trong kho nhưng lại không muốn chia sẻ”. (Sputnik)

* Italy đóng góp thêm 2 triệu euro cho sáng kiến ngũ cốc của Ukraine: Ngày 28/11, phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani cho biết Rome đã dành thêm 2 triệu euro cho sáng kiến “Ngũ cốc từ Ukraine” nhằm phân phối ngũ cốc của Ukraine xuất khẩu qua Biển Đen cho các nước nghèo nhất thế giới đang thiếu lương thực, trong đó có Ethiopia, Somalia, Sudan và Yemen. Ông khẳng định: “Bất chấp những khó khăn liên quan đến chiến tranh, Ukraine tự coi mình là nhân vật chính để giúp đỡ hàng triệu người đang sống trong tình trạng khẩn cấp về lương thực. Italy không thể không sát cánh bên họ”. (TTXVN)

Nga-Trung

* Trung Quốc sẵn sàng tăng cường hợp tác năng lượng với Nga: Ngày 29/11, trong lá thư chúc mừng gửi tới Diễn đàn Kinh doanh Năng lượng Trung-Nga lần thứ 4, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh hợp tác năng lượng là nền tảng quan trọng của hợp tác thiết thực giữa hai nước và động lực tích cực để duy trì an ninh năng lượng toàn cầu. Ông cho rằng đối mặt với rủi ro và thách thức từ bên ngoài, hai nước đã tăng cường liên lạc, hợp tác, cũng như thúc đẩy các dự án hợp tác chính.

Chủ tịch Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh sẵn sàng cùng Moscow thúc đẩy phát triển năng lượng xanh và sạch, bảo vệ an ninh năng lượng quốc tế và sự ổn định của các chuỗi cung ứng và công nghiệp, qua đó có đóng góp mới cho sự phát triển lâu dài, lành mạnh và bền vững của thị trường năng lượng toàn cầu. Cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng gửi thư chúc mừng diễn đàn. (Tân Hoa xã)

Châu Âu

* Italy phủ nhận bất đồng với Pháp về vấn đề di cư: Ngày 29/11, trả lời phỏng vấn Corriere della Sera (Italy), Thủ tướng Italy Giorgia Meloni nói: “Tôi chưa bao giờ có vấn đề gì với Pháp và hôm nay cũng không có vấn đề (người di cư)”. Về tình hình Ukraine, Thủ tướng Meloni cho hay Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn chưa thể hiện thiện chí đàm phán để chấm dứt xung đột. Bà cho rằng Rome và phần còn lại của châu Âu nên tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Kiev. (TTXVN)

Đông Bắc Á

* Hàn Quốc hy vọng khôi phục lòng tin trong quan hệ liên Triều: Ngày 29/11, phát biểu trong chuyến thăm đầu tiên tới làng đình chiến Panmunjom, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Kwon Young Se hy vọng “một làn gió ấm” sẽ giúp mối quan hệ liên Triều tan băng: “Chúng tôi hy vọng sẽ ngồi xuống (với Triều Tiên) ngay tại đây để sớm bắt đầu thảo luận về các vấn đề liên Triều... Chúng tôi hy vọng Triều Tiên sẽ đáp lại lời đề nghị. Cách duy nhất để giải quyết vấn đề là khôi phục lòng tin đã bị phá vỡ thông qua đối thoại ổn định”. Nhấn mạnh Seoul “không có ý định thù địch” đối với Bình Nhưỡng, song ông cũng cảnh báo Hàn Quốc sẽ không dung thứ bất kỳ hành động khiêu khích quân sự hay mối đe dọa hạt nhân nào từ Triều Tiên. (Yonhap)

Trung Á

* Nga tính lập liên minh khí đốt với Kazakhstan và Uzbekistan: Ngày 29/11, Interfax (Nga) dẫn lời Phó Thủ tướng nước này Alexander Novak cho biết Nga đang thảo luận về “liên minh khí đốt” với Kazakhstan và Uzbekistan để hỗ trợ vận chuyển mặt hàng này giữa 3 nước, cũng như xuất khẩu sang các thị trường khác, bao gồm Trung Quốc.

Đồng thời, phát biểu tại diễn đàn kinh doanh năng lượng Nga-Trung lần thứ 4, ông cũng nhấn mạnh Moscow và Bắc Kinh có ý định tham gia dự án phát triển thiết bị dầu khí có thể được sử dụng ở cả hai nước này.

Cùng ngày, người phát ngôn Tổng thống Kazakhstan cũng thông báo Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề xuất ý tưởng trên trong cuộc gặp với ông Tokayev trước đó một ngày, song không nêu thêm chi tiết về quy mô hay lộ trình thực hiện. (Reuters/Sputnik)

Đông Nam Á

* Philippines lên kế hoạch mua thêm 15 pháo hạm của Israel: Ngày 28/11, Philippines đã tổ chức lễ thượng cờ 2 trong số 9 tàu chiến đặt của Israel tại trụ sở Hải quân Philippines Jose Andrada ở Metro Manila. Được bàn giao hồi tháng 10/2022, 2 tàu chiến BRP Nestor Acero và BRP Lolinato To-Ong đều mang tên lửa FAIC-M được Bộ Quốc phòng Philippines đặt hàng theo chương trình hiện đại hóa quân đội với chi phí 10 tỷ peso (176,6 triệu USD).

Đặc biệt, Tư lệnh Hải quân Philippines, Chuẩn Đô đốc Toribio Adaci Jr. cho biết: “Ngoài 9 tàu chiến này, chúng tôi đang có kế hoạch nhận thêm 15 pháo hạm lớp Acero nhằm đáp ứng yêu cầu tuần tra vùng biển chủ quyền”. Hiện Philippines vẫn đang thảo luận về địa điểm để triển khai các pháo hạm này. Tuy nhiên, rất có thể sẽ ưu tiên ở khu vực phía Đông của Biển Đông và miền Nam Philippines.

Hiện Hải quân Philippines đã mua 2 tàu tuần duyên đã qua sử dụng của Mỹ. Manila cũng ký hợp đồng 12 máy bay chiến đấu đa năng F/A-50 của Hàn Quốc. (TTXVN)

Trung Đông-châu Phi

* Người Kurd yêu cầu Nga giúp bảo vệ lãnh thổ ở Syria: Ngày 29/11, phát biểu với kênh truyền hình Al-Hadath (Saudi Arabia), người phát ngôn “Lực lượng dân chủ Syria” (SDS) cho biết: “Chúng tôi đã đề nghị người Nga khởi xướng thỏa thuận phối hợp hành động với Damascus để bảo vệ lãnh thổ của chúng tôi”. Theo ông, tại một cuộc họp với đại diện liên minh người Kurd, đại diện Nga, đã chuyển cho ông điều kiện của Thổ Nhĩ Kỳ, tuy nhiên chúng “đã bị bác bỏ”. (Sputnik)

* Palestine lo ngại căng thẳng ở Bờ Tây sau khi Israel lập Chính phủ cực hữu: Theo tuyên bố chính thức ngày 28/11, tại cuộc họp hằng tuần của Nội các Palestine, Thủ tướng Palestine Mohammed Istaye nêu rõ: “Chính phủ tiếp theo của Israel có thể lập ra một nhóm dân quân dưới sự bảo vệ của quân đội Israel. Điều này sẽ góp phần làm leo thang hơn nữa căng thẳng hiện nay ở khu Bờ Tây”.

Ông cũng cảnh báo Chính phủ mới của Israel sẽ bảo vệ nhóm này về mặt pháp lý, chính trị và hỗ trợ về mặt vật chất, đồng thời tái khẳng định các khu định cư (của người Do Thái) là “phạm pháp và vi phạm luật pháp quốc tế”. (Tân Hoa xã)

* Thêm quan chức cấp cao của IRGC bị ám sát, Iran dọa ‘mạnh tay’ với Israel: Ngày 28/11, Tehran cho biết, ông Reza Dastani thuộc Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) vừa bị ám sát ở Isfahan khi đang trên đường tới cơ quan. Hiện cảnh sát đang nỗ lực điều tra, truy bắt thủ phạm. Trước đó một sỹ quan cấp cao khác của IRGC, Đại tá Davoud Jafari cũng thiệt mạng trong một vụ đánh bom đường phố gần Damascus. Theo Iran, Israel đứng sau các vụ việc này.

Cùng ngày, đài Al Mayadeen (Lebanon) thân Hezbollah ngày 28/11 đã công bố một sanh sách các vị trí “nhạy cảm” ở Israel có thể bị Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) tấn công nếu xảy ra chiến tranh. Cùng ngày, Tasnim (Iran) cũng đã dẫn lại bản tin của Al Mayadeen và danh sách các mục tiêu tại Israel, bao gồm Quốc hội (Knesset), Văn phòng Thủ tướng, Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng, các cơ sở hạt nhân, các kho tàng, hệ thống phòng thủ hiện đại của hãng Rafael ở Haifa, Viện Khoa học Weizmann và Viện công nghệ Technion. Bản danh sách cũng bao gồm các sân bay, căn cứ quân sự và tình báo của Israel.

Giới an ninh Israel nhận định đây chỉ thuần túy là hành động đe dọa và phi thực tế, song nó cũng cho thấy đối đầu Iran - Israel đang bước vào giai đoạn chiến lược. Tehran muốn cấp cho các nhóm ủy nhiệm các loại vũ khí hiện đại hơn, có thể nhắm mục tiêu vào các địa điểm được liệt kê ở trên. (TTXVN)