Cuộc họp các Ngoại trưởng nhóm Bộ Tứ (Ấn Độ, Nhật Bản, Australia, Mỹ) ra tuyên bố chung về tình hình Biển Đông. (Nguồn: EPA) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Châu Á – Thái Bình Dương
*Nhật Bản cam kết tăng cường liên minh với Mỹ: Theo hãng tin Kyodo, Thủ tướng Kishida Fumio ngày 29/7 cam kết tăng cường hơn nữa khả năng răn đe và ứng phó của liên minh an ninh Nhật Bản-Mỹ. Tuyên bố này được đưa ra trong cuộc gặp các nhà lãnh đạo quốc phòng và đối ngoại Mỹ tại Tokyo.
Tại cuộc gặp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, ông Kishida bày tỏ hy vọng sẽ có "các cuộc thảo luận và hợp tác cụ thể ở nhiều cấp độ và khuôn khổ khác nhau", bao gồm cả cấp lãnh đạo và cấp bộ trưởng, để tăng cường hơn nữa khả năng răn đe.
Về phần mình, ông Austin tuyên bố: "Chúng tôi vẫn hoàn toàn cam kết bảo vệ Nhật Bản”. Trong khi đó, Ngoại trưởng Blinken nói thêm: "Tôi nghĩ có thể khẳng định chắc chắn rằng liên minh của chúng ta đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết". (Kyodo)
Tin liên quan |
Ngoại trưởng Mỹ thăm Nhật Bản dự họp 2+2 và Bộ tứ, cam kết bảo vệ đồng minh thân thiết |
*Trung Quốc hợp tác với Italy trong các vấn đề toàn cầu: Ngày 29/7 tại thủ đô Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hội đàm với Thủ tướng Italy Giorgia Meloni, kêu gọi hai nước xem xét quan hệ song phương theo góc độ dài hạn và hợp tác trong các vấn đề quốc tế.
Thủ tướng Meloni bày tỏ tin tưởng rằng Italy có thể đóng vai trò quan trọng trong mối quan hệ giữa Trung Quốc với Liên minh châu Âu (EU) trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang giữa khối 27 nước và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Thủ tướng Meloni đang ở Bắc Kinh trong chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên kể từ khi nhậm chức cách đây gần hai năm, cam kết "khởi động lại" mối quan hệ căng thẳng do nước này rời khỏi Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). (AFP)
*Hàn Quốc cảnh báo thời điểm Triều Tiên thử hạt nhân: Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Shin Won-sik cho biết Triều Tiên có thể tiến hành một vụ thử hạt nhân vào khoảng thời gian diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 để thể hiện thế thượng phong trước Mỹ.
Trả lời Bloomberg trong dịp gặp những người đồng cấp Mỹ và Nhật Bản tại Tokyo ngày 28/7, ông Shin dự báo: “Triều Tiên đã hoàn tất việc chuẩn bị để tiến hành thử hạt nhân... Chúng tôi không loại trừ khả năng thời điểm diễn ra vụ thử rơi vào trước hoặc sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ nhằm nâng cao tinh thần chống Washington ở trong nước”.
Triều Tiên tuyên bố có kho vũ khí hạt nhân vào năm 2005. Bình Nhưỡng đã tiến hành vụ thử vũ khí hạt nhân mới nhất vào tháng 3 năm nay. Hồi tháng 5, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho biết nước này phải nâng cao năng lực sẵn sàng đánh chặn hạt nhân sau khi Mỹ tiến hành một thí nghiệm hạt nhân cận tới giới hạn khác tại vùng an ninh quốc gia Nevada. (Sputniknews)
*Bộ Tứ "vô cùng quan ngại" về tình hình Biển Đông: Ngoại trưởng Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ ngày 29/7 đã bày tỏ lập trường "vô cùng quan ngại" về tình hình Biển Đông.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và những người đồng cấp trong nhóm Bộ Tứ (Quad) đã ra tuyên bố chung kêu gọi thiết lập một khu vực Thái Bình Dương "tự do và rộng mở" sau các cuộc đối thoại tại Tokyo.
Tuyên bố chung nhấn mạnh: "Chúng tôi vô cùng quan ngại về tình hình ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, đồng thời tái khẳng định lập trường phản đối mạnh mẽ của chúng tôi đối với bất kỳ hành động đơn phương nào tìm cách thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực". Bộ Tứ cũng lên án các vụ phóng tên lửa "gây bất ổn" của Triều Tiên. (AFP/Reuters)
Châu Âu
*Một số nước NATO có thể từ chối giúp đỡ Ukraine: Tờ Politico nhận định một số đồng minh NATO của Mỹ có thể từ chối hỗ trợ Ukraine nếu cựu Tổng thống Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới.
Politico nhấn mạnh: “Nếu ông Trump trở lại Nhà Trắng, Vương quốc Anh và các thành viên NATO ở châu Âu khác có thể phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn: Chấp nhận một giải pháp bắt buộc có lợi cho Nga hoặc ủng hộ Tổng thống Zelensky bằng cách từ chối một thỏa thuận như vậy”.
Tờ Politico cho rằng diễn biến tình hình như vậy “sẽ gây chia rẽ và làm suy yếu NATO”. Về vấn đề này, “một số đồng minh có thể từ bỏ sự đối đầu với Tổng thống Nga Vladimir Putin và ngừng hỗ trợ Ukraine”. (Sputnik)
*Ba Lan đề nghị Hungary rời khỏi EU và NATO: Ngày 28/7, Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Wladyslav Teofil Bartoszewski đã bày tỏ hoài nghi về tư cách thành viên của Hungary trong Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Truyền thông châu Âu dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan nói: "Tôi thực sự không hiểu tại sao Hungary lại muốn tiếp tục là thành viên của các tổ chức mà họ không thích lắm và bị cáo buộc là đối xử tệ bạc với họ. Tại sao ông ấy không tạo ra một liên minh với ông Putin và một số quốc gia như vậy?”.
Theo Thứ trưởng Bartoszewski, không giống như Hungary, Ba Lan đã ngừng giao thương với Nga kể từ khi nổ ra cuộc chiến ở Ukraine. Ông Bartoszewski gọi đây là “một cuộc tấn công vào cả Ba Lan, Mỹ, EU và NATO". (Politico)
*Nga bác bỏ cáo buộc đứng sau vụ phá hoại đường sắt ở Pháp: Điện Kremlin ngày 29/7 đã bác bỏ đồn đoán của truyền thông phương Tây rằng Nga đứng đằng sau hàng loạt vụ tấn công nhằm vào hệ thống đường sắt của Pháp, đồng thời tuyên bố truyền thông phương Tây thường cố đổ lỗi cho Moscow về mọi thứ mà không có bằng chứng.
Những kẻ phá hoại đã tấn công mạng lưới đường sắt của Pháp trong một loạt vụ tấn công vào rạng sáng 26/7 trên khắp đất nước, gây ra sự hỗn loạn về giao thông chỉ vài giờ trước lễ khai mạc Thế vận hội Paris.
Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin hôm 27/7 cho biết không thể loại trừ sự liên quan của nước ngoài trong vụ tấn công phá hoại các trạm tín hiệu và dây cáp trên mạng lưới đường sắt tốc độ cao của Pháp, trong khi một số phương tiện truyền thông phương Tây đổ lỗi cho Nga. (AFP)
*Ukraine tuyên bố chuẩn bị kế hoạch hòa bình: Ngày 28/7, truyền thông châu Âu dẫn trả lời phỏng vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố một kế hoạch hành động để đạt được hòa bình tại Ukraine sẽ sẵn sàng vào cuối tháng 11.
Trả lời phỏng vấn NHK, Tổng thống Ukraine nói: "Kiên nhẫn, ủng hộ và gây sức ép ngoại giao là 3 yếu tố để chấm dứt chiến tranh một cách công bằng…”
Theo Tổng thống Zelensky, Kiev sẽ bắt đầu các cuộc thảo luận chi tiết với các quốc gia có liên quan về toàn vẹn lãnh thổ và các vấn đề khác. Ông Zelensky cho biết thêm các quan chức Ukraine đã liên lạc với nhóm vận động tranh cử tổng thống của ứng cử viên Donald Trump và Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris. (Reuters)
*Quân đội Nga phân tích việc thành lập Bộ chỉ huy quân đội Mỹ mới ở Nhật Bản: Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 29/7 cho biết quân đội Nga sẽ tiến hành việc phân tích cần thiết về quyết định của Washington và Tokyo nhằm thành lập một cấu trúc mới của Bộ chỉ huy quân đội chung của Mỹ và Nhật Bản.
Theo tuyên bố chung của Ủy ban Tham vấn an ninh Washington-Tokyo được Bộ Quốc phòng Mỹ công bố hôm 28/7, Mỹ và Nhật Bản sẽ thành lập Bộ Tư lệnh tác chiến chung nhằm tăng cường hợp quân sự. Sáng kiến này đã được Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cùng những người đồng cấp Nhật Bản tương ứng là Yoko Kamikawa và Minoru Kihara nhất trí.
Ông Peskov nhấn mạnh công việc trên "không hẳn" là chủ đề của Điện Kremlin mà là một chủ đề để quân đội Nga phân tích, đồng thời khẳng định "việc phân tích cần thiết sẽ được tiến hành". (TASS)
TIN LIÊN QUAN | |
Mỹ hoan nghênh giải pháp ngoại giao về Biển Đông, Nga cảnh báo có yếu tố làm gia tăng lo ngại an ninh ở khu vực |
*Nga-Belarus nhất trí giải quyết các vấn đề còn tồn đọng: Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko ngày 29/7 tuyên bố ông đã nhất trí với người đồng cấp Nga Vladimir Putin về việc giải quyết tất cả các vấn đề còn tồn đọng vào mùa Thu này, bao gồm cả vấn đề an ninh và chương trình nghị sự của chính phủ.
Minsk sẽ tổ chức một cuộc họp của Hội đồng bộ trưởng Nhà nước liên minh và một phiên họp của Hội đồng Nhà nước Tối cao vào mùa Thu để kỷ niệm 25 năm Hiệp ước Nhà nước liên minh, vốn lập nên liên minh siêu quốc gia vào năm 1999. Tổng thống Lukashenko hy vọng rằng đến thời điểm đó tất cả các vấn đề còn tồn đọng sẽ được giải quyết. (Sputniknews)
*Các cơ sở viễn thông bị phá hoại tại Pháp: Ngày 29/7, tờ Le Parisien và kênh truyền hình BFM TV dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết các cơ sở viễn thông thuộc về các công ty SFR và Bouygues Telecom của Pháp đã bị phá hoại.
Trước đó, ngày 26/7, những kẻ phá hoại đã nhắm vào mạng lưới đường sắt cao tốc của Pháp với các cuộc tấn công trước bình minh vào các trạm biến áp tín hiệu và cáp điện, gây ra tình trạng hỗn loạn giao thông vài giờ trước lễ khai mạc Thế vận hội Paris. Giao thông chỉ trở lại bình thường vào sáng 29/7, sau khi khoảng 800.000 người phải đối mặt với tình trạng gián đoạn, bao gồm 100.000 người có chuyến tàu phải hủy hoàn toàn.
Các thông tin của Le Parisien và BFM TV không nêu rõ có bất kỳ mối liên hệ nào giữa hành vi phá hoại các cơ sở viễn thông và hành vi phá hoại trước đó trên mạng lưới đường sắt hay không. (AFP)
Trung Đông-châu Phi
*Mỹ, Anh và Canada cảnh báo công dân về an ninh ở Nigeria: Mỹ, Anh và Canada đã đưa ra cảnh báo an ninh cho công dân của ba nước này ở Nigeria trong bối cảnh quốc gia Tây Phi sắp đối mặt với làn sóng biểu tình theo kế hoạch do khó khăn kinh tế.
Bộ Ngoại giao Anh đã cảnh báo khả năng xảy ra nguy cơ bất ổn từ ngày 29/7-10/8 và lưu ý "các cuộc biểu tình trước đây đã trở nên bạo lực mà không có mấy cảnh báo".
Cuối tuần trước, Đại sứ quán Mỹ cũng đã khuyên công dân Mỹ tránh xa đám đông và các cuộc biểu tình, trong khi Canada cảnh báo các cuộc biểu tình theo kế hoạch "có thể trở nên bạo lực bất cứ lúc nào" trong một khuyến cáo tương tự công bố sau đó 1 ngày.
Đông đảo người dân Nigeria, trong đó phần đông là thanh niên, đã kêu gọi tiến hành các cuộc biểu tình theo mô hình Kenya từ ngày 1/8 vì chi phí tăng cao. (AFP)
*Quốc tế tìm cách ngăn xung đột tại Trung Đông: Theo Reuters ngày 29/7, Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani đã thảo luận với những người đồng cấp Israel Katz của Israel và Bou Habib của Lebanon về việc ngăn chặn chiến tranh nổ ra.
Ngoại trưởng Antonio Tajani tuyên bố: “Có thể phá vỡ vòng xoáy bạo lực”. Ông cho biết Chính phủ Italy cam kết duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực, thể hiện qua sự hiện diện của Italy trong Lực lượng lâm thời của Liên hợp quốc tại Lebanon (UNIFIL).
Trong khi đó, một người phát ngôn Chính phủ Đức đã kêu gọi tất cả các bên trong cuộc xung đột Trung Đông, đặc biệt là Iran, ngăn chặn sự leo thang sau khi một cuộc tấn công bằng tên lửa vào Cao nguyên Golan do Israel kiểm soát ngày 27/7 đã làm 12 trẻ em và thanh thiếu niên thiệt mạng. (Al Jazeera)
*Nga kêu gọi Israel ngừng bắn: Hãng tin TASS ngày 29/7 đưa tin, Nga đang nhấn mạnh nhu cầu ngừng bắn với giới lãnh đạo Israel. Đại sứ Nga tại Israel Anatoly Viktorov tuyên bố: “Điều quan trọng là phải ngừng bắn ngay lập tức. Chúng tôi đang gửi tín hiệu liên quan tới giới lãnh đạo Israel. Chúng tôi cũng bày tỏ đánh giá của mình rằng Liban và các lực lượng khác trong khu vực không có ý định bắt đầu một cuộc chiến tranh quy mô lớn ở Israel. Chúng tôi hy vọng rằng những đánh giá của chúng tôi sẽ được lắng nghe”.
Đại sứ Viktorov cũng kêu gọi các bên liên quan kiềm chế và cho biết: “Tôi biết rằng giới lãnh đạo Israel từ chối bất kỳ lời kêu gọi kiềm chế nào, viện dẫn thực tế là thường dân Israel đang bị tấn công. Tuy nhiên, vòng luẩn quẩn này phải bị phá vỡ, nếu không sẽ có một thảm họa, lớn hơn nhiều so với những gì hiện đang xảy ra". (Arab News)
*Israel không muốn chiến tranh toàn diện với Hezbollah: Hãng tin Reuters ngày 29/7 dẫn lời một quan chức quốc phòng cấp cao của Israel cho rằng nước này muốn tấn công Hezbollah nhưng không muốn kéo khu vực vào một cuộc chiến tranh toàn diện.
Trong khi đó, hai quan chức Israel khác cho biết đất nước đang chuẩn bị cho khả năng xảy ra giao tranh trong vài ngày với Hezbollah.
Các tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã triệu tập các cuộc đánh giá an ninh và nội các an ninh Israel vào cuối ngày 28/7, một ngày sau một cuộc không kích nhằm vào khu vực Cao nguyên Golan do Israel kiểm soát khiến 12 trẻ em và thanh thiếu niên thiệt mạng. (Al Jazeera)
*Israel cảnh báo Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ: Ngày 29/7, Ngoại trưởng Israel, ông Israel Katz, đã cảnh báo Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan có thể sẽ đi theo con đường giống như Saddam Hussein, nhà lãnh đạo Iraq bị lật đổ, nếu tìm cách can thiệp vào cuộc chiến ở Gaza.
Lãnh đạo phe đối lập Israel Yair Lapid cũng chỉ trích Tổng thống Erdogan, gọi ông là “mối nguy hiểm đối với Trung Đông”. Ông Lapid khẳng định: “Thế giới, và đặc biệt là các thành viên NATO, phải lên án mạnh mẽ những lời đe dọa vô lý của ông ta đối với Israel và buộc ông ta phải chấm dứt sự ủng hộ đối với Hamas”.
Trước đó, ngày 28/7, phát biểu tại một cuộc biểu tình ở thị trấn Rize của Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Erdogan cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể “tiến vào” Israel để giúp đỡ người Palestine. Ông Erdogan tuyên bố: “Chúng ta phải rất mạnh mẽ để Israel không thể làm những điều vô lý này với Palestine”. (Al Jazeera)
*Mỹ cảnh báo hậu quả nếu Israel tấn công trả đũa Hezbollah: Cổng thông tin Axios dẫn nguồn các quan chức Mỹ và Israel giấu tên đưa tin Mỹ đã cảnh báo Israel rằng ý định của Israel tấn công các mục tiêu của phong trào Hezbollah ở thủ đô Beirut của Liban nhằm đáp trả cuộc tấn công vào Cao nguyên Golan có thể dẫn đến tình huống vượt khỏi tầm kiểm soát.
Theo một quan chức Israel, Cố vấn cấp cao của Tổng thống Mỹ - ông Amos Hochstein bày tỏ lo ngại trong cuộc trò chuyện với Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant rằng nếu Israel trả đũa Beirut, Hezbollah có thể tấn công lãnh thổ Israel bằng tên lửa tầm xa. Điều này có thể dẫn đến căng thẳng nghiêm trọng hơn nữa.
Một quan chức Mỹ giấu tên cũng nói với cổng thông tin rằng Washington tin rằng một cuộc tấn công của quân đội Israel nhằm vào các mục tiêu ở Beirut “là một ranh giới đỏ tiềm tàng đối với Hezbollah”. (Al Jazeera)
Châu Mỹ - Mỹ Latinh
*Nga có kế hoạch phát triển toàn diện quan hệ với Venezuela: Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 29/7 tuyên bố Nga có kế hoạch phát triển toàn diện quan hệ với Venezuela, bao gồm cả trong các lĩnh vực nhạy cảm, điều này vì lợi ích của cả hai nước.
Phát biểu với báo giới, ông Peskov nhấn mạnh: "Chúng tôi đang phát triển quan hệ với Venezuela trong mọi lĩnh vực, bao gồm cả những lĩnh vực nhạy cảm. Và tất nhiên, chúng tôi rất chú ý ... Chúng tôi biết về các kế hoạch chung từ phía lãnh đạo Venezuela. Chính sách hợp tác như vậy vì lợi ích của cả người dân Venezuela và Nga. Do đó, chúng tôi sẽ phát triển toàn diện quan hệ với Venezuela". (Sputniknews)
*Venezuela thông báo kết quả bầu cử Tổng thống: Cơ quan bầu cử Venezuela ngày 29/7 thông báo đương kim Tổng thống Nicolas Maduro đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử diễn ra ngày hôm trước. Đây là nhiệm kỳ thứ ba của ông Maduro.
Kết quả cuộc bầu cử được đưa ra trong bối cảnh một số cuộc thăm dò dư luận cho thấy ứng cử viên phe đối lập sẽ đắc cử. (Reuters)
| Bầu cử Mỹ 2024: Cú ‘quay xe’ bất ngờ của ứng viên Donald Trump - Bitcoin ‘nóng hầm hập’ Ông Donald Trump bất ngờ tuyên bố sẽ biến Bitcoin thành một loại tiền tệ dự trữ chiến lược của nền kinh tế số 1 ... |
| Khuyên Hungary rời EU và NATO, Ba Lan thắc mắc: Đã không thích lắm sao còn là thành viên? Ngày 28/7, Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Wladyslav Teofil Bartoszewski đã bày tỏ hoài nghi về tư cách thành viên của Hungary trong Liên ... |
| Xung đột ở Ukraine: Tổng thống Zelensky tiết lộ kế hoạch tới hòa bình, các ngoại trưởng Mỹ và Ấn Độ họp bàn nước đi Ngày 28/7, truyền thông châu Âu dẫn trả lời phỏng vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố, vào cuối tháng 11, ông sẽ ... |
| Đồn đoán việc Nhật Bản thúc đẩy đăng cai hội nghị Ngoại trưởng nhóm Bộ tứ Nhật Bản có thể đăng cai hội nghị Ngoại trưởng nhóm Bộ tứ (Quad - gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ) vào cuối ... |
| Ngoại trưởng Mỹ thăm Nhật Bản dự họp 2+2 và Bộ tứ, cam kết bảo vệ đồng minh thân thiết Ngày 28/7, tiếp tục chuyến công du châu Á-Thái Bình Dương, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đến Nhật Bản để tham dự các cuộc ... |