📞

Tin thế giới 30/12: Trung Quốc có Ngoại trưởng mới, Ba Lan cảnh báo về nguy cơ Thế chiến III, Italy ưu tiên chế độ tổng thống

Minh Vương 20:43 | 30/12/2022
Trung Quốc có Ngoại trưởng mới, Ukraine bắn hạ UAV "cảm tử" của Nga, Lào bầu Thủ tướng mới…là một số tin thế giới đáng chú ý 24 giờ qua.
Ông Tần Cương được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng Trung Quốc thay ông Vương Nghị. (Nguồn: Tân Hoa xã)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Nga-Ukraine

* Ukraine bắn hạ UAV cảm tử của Nga: Sáng 30/12, Không quân Ukraine cho biết Nga đã triển khai 16 máy bay không người lái (UAV) “cảm tử” vào đêm qua. Tuy nhiên, các lực lượng phòng không Ukraine đã bắn hạ toàn bộ số UAV này.

Cùng ngày, Andrey Marochko, quan chức của nước Cộng hòa Nhân dân Luhansk (LPR) tự xưng cho biết các chỉ huy quân sự của Ukraine đã ra lệnh triển khai lính đánh thuê nước ngoài, trang bị vũ khí NATO, tới các khu vực Artyomovsk và Soledar ở Cộng hòa Donetsk (DPR) tự xưng. (Reuters/TASS)

* Minsk hoài nghi về vụ tên lửa Ukraine rơi ở Belarus: Trong video đăng tải trên kênh Telegram của Bộ Quốc phòng Belarus, Tư lệnh lực lượng tên lửa phòng không nước này Kirill Kazantsev nói: “Có nhiều câu hỏi về vụ việc này.

Chúng tôi đang xem xét hai kịch bản: phóng tên lửa dẫn đường phòng không không chủ ý do trình độ kém hoặc một sự cố tên lửa, nhưng cũng không loại trừ khả năng đó là một hành động khiêu khích có chủ ý từ phía lực lượng vũ trang Ukraine”.

Trước đó, ngày 29/12, Bộ Quốc phòng Belarus thông báo phòng không nước này đã bắn trúng một tên lửa, các mảnh vỡ rơi xuống khu vực Brest cho thấy đó là tên lửa dẫn đường phòng không S-300 bắn từ lãnh thổ Ukraine.

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã ngay lập tức được thông báo về vụ việc, trong khi một nhóm chuyên gia trong số các nhân viên Ủy ban Điều tra và Bộ Quốc phòng đã xác định nguyên nhân vụ rơi. Không có báo cáo về thương vong. (Sputnik)

* Tổng Thư ký NATO kêu gọi viện trợ thêm vũ khí cho Ukraine: Trả lời phỏng vấn dpa (Đức) ngày 30/12, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho biết: “Tôi kêu gọi các đồng minh hành động nhiều hơn. Bảo đảm Ukraine chiếm ưu thế và Tổng thống Nga Vladimir Putin không thắng là toàn bộ lợi ích an ninh của chúng ta”.

Ông lưu ý điều còn quan trọng hơn là Ukraine nhận đủ đạn dược cho các hệ thống sẵn có, đồng thời nhấn mạnh rằng nhu cầu về đạn dược và phụ tùng thay thế là “khổng lồ”. Tổng Thư ký NATO cũng nhận định rằng hỗ trợ quân sự cho Ukraine là con đường nhanh nhất để tạo lợi thế cho Ukraine một khi đàm phán, từ đó dẫn đến hòa bình. (Reuters)

Nga-Trung

* Trung Quốc khẳng định quan hệ với Nga trước tình hình quốc tế khó khăn, mập mờ”: Ngày 30/12, phát biểu trong buổi hội đàm trực tuyến với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu rõ: “Trước tình hình quốc tế khó khăn, mập mờ, chúng ta sẵn sàng xây dựng quan hệ hợp tác chiến lược, tạo cơ hội cho nhau cùng phát triển, là đối tác toàn cầu vì lợi ích của nhân dân các nước và vì lợi ích ổn định của cả thế giới”.

Về phần mình, ca ngợi tầm quan trọng của quan hệ Trung-Nga, Tổng thống Vladimir Putin bày tỏ mong muốn Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ thăm cấp nhà nước xứ bạch dương vào mùa Xuân năm sau. Theo ông, chuyến thăm sẽ chứng minh sức mạnh của quan hệ trong các vấn đề trọng yếu, đồng thời sẽ là sự kiện chính trị quan trọng của năm trong quan hệ song phương.

Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Nga cũng mong muốn thúc đẩy hợp tác quốc phòng và ca ngợi nỗ lực của hai nước nhằm chống lại ảnh hưởng của phương Tây. Ông nói: “Chúng ta đặt mục tiêu củng cố hợp tác giữa lực lượng vũ trang Nga và Trung Quốc”, để chống lại “áp lực và sự gây hấn chưa từng có của phương Tây”. (AFP/Reuters/Sputnik)

Đông Nam Á

* Quốc hội Lào bầu Thủ tướng mới: Chiều 30/12, trong ngày họp cuối cùng của Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa IX, Quốc hội Lào đã thông qua đề xuất của Chủ tịch nước Thongloun Sisoulth, cho phép ông Phankham Viphavanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Lào, nghỉ hưu vì lý do sức khỏe yếu. Đồng thời, với tỷ lệ bỏ phiếu 151/149, Quốc hội Lào đã bầu ông Sonexay Siphandone, Phó Thủ tướng, làm Thủ tướng Chính phủ Lào thay thế ông Phankham Viphavanh.

Phát biểu trước Quốc hội, tân Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone cam kết sẽ lãnh đạo Chính phủ nỗ lực đưa đất nước vượt qua các khó khăn, thách thức hiện tại để đưa nền kinh tế tiếp tục phát triển.

Ông Sonexay Siphandone, 56 tuổi, nguyên quán tỉnh Champasak, từng giữ các chức vụ Chủ nhiệm Văn phòng Thủ tướng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, Phó Thủ tướng phụ trách mảng kinh tế (2022). (TTXVN)

Đông Bắc Á

* Trung Quốc bổ nhiệm Ngoại trưởng mới: Ngày 30/12, Đài phát thanh quốc gia CCTV (Trung Quốc) đưa tin nước này đã bổ nhiệm ông Tần Cương làm Ngoại trưởng mới. Ông Tần Cương, hiện giữ chức Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, sẽ thay thế Ngoại trưởng đương nhiệm Vương Nghị. (Reuters)

* Trung Quốc yêu cầu Mỹ ngừng bán vũ khí cho Đài Loan (Trung Quốc): Ngày 30/12, phát biểu tại họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nhấn mạnh: “Trung Quốc yêu cầu Mỹ tuân thủ nguyên tắc một Trung Quốc và ba thông cáo chung Trung-Mỹ...ngừng bán vũ khí và quan hệ quân sự với Đài Loan, ngừng tạo căng thẳng mới ở eo biển Đài Loan”. Ông khẳng định nước này sẽ thực hiện các biện pháp hiệu quả để kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích an ninh quốc gia.

Trước đó, Lầu Năm Góc thông báo Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông qua thương vụ bán hệ thống rải mìn chống tăng Volcano cho Đài Loan (Trung Quốc) trị giá 180 triệu USD. (Sputnik)

* Hàn-Nhật tiếp tục nỗ lực cải thiện quan hệ song phương: Ngày 30/12, theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, Ngoại trưởng nước này Park Jin đã gặp ông Natsuo Yamaguchi, Chủ tịch đảng Komeito thuộc liên minh cầm quyền Nhật Bản.

Trong cuộc gặp cùng ngày tại Seoul, ông Park đánh giá các hội nghị thượng đỉnh hai nước hồi tháng 9 và tháng 11, là bước ngoặt trong việc cải thiện quan hệ và giải quyết những vấn đề song phương còn tồn đọng. Hoan nghênh nỗ lực của đảng Komeito nhằm củng cố các mối quan hệ song phương, ông cũng kêu gọi đảng này đóng vai trò tích cực để phát triển hơn nữa các mối quan hệ trong tương lai.

Cuộc gặp trên diễn ra trong bối cảnh các chính phủ của Hàn Quốc và Nhật Bản đã tiến hành vòng tham vấn cấp chuyên viên khác trong tuần về cách thức giải quyết vấn đề nhức nhối liên quan tới việc bồi thường cho các nạn nhân Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động trong Thế chiến thứ 2. Tuy nhiên, bộ trên không cho biết rằng vấn đề nêu trên, điểm nóng lâu nay trong quan hệ Hàn-Nhật, có được nêu trong cuộc gặp giữa ông Park và ông Yamaguchi hay không. (Yonhap)

Châu Âu

* Cựu Tổng thống Ba Lan cảnh báo về nguy cơ Thế chiến III: Trả lời phỏng vấn đài Polsat (Ba Lan) ngày 29/12, cựu Tổng thống Ba Lan Aleksander Kwasniewski nêu rõ: “Kể từ khi bắt đầu xung đột tại Ukraine, thế giới đã thay đổi đáng kể. Đó là sự kết thúc của một kỷ nguyên và bắt đầu một thời đại mới chưa đoán định”.

Các yếu tố khác có thể phá hủy trật tự thế giới cũ là việc ông Joe Biden được bầu làm Tổng thống Mỹ, cũng như vấn đề eo biển Đài Loan. Theo Cựu Tổng thống Ba Lan, bất kỳ một xung đột nhỏ nào, nếu không được kiểm soát hiệu quả, có thể bùng phát thành xung đột toàn cầu. Ông lưu ý: “Thế chiến III là điều thật kinh khủng, tuy nhiên nguy cơ đó đang tiềm ẩn”. (Sputnik)

* Thủ tướng Italy khẳng định ưu tiên chế độ tổng thống: Ngày 29/12, phát biểu trong cuộc họp báo cuối năm, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni khẳng định: “Tôi xác nhận rằng chế độ tổng thống là ưu tiên của tôi, tôi muốn làm như vậy trong cơ quan lập pháp này. Điều này chỉ có thể tốt cho Italy và đảm bảo sự ổn định”.

Theo bà, “thể chế của Pháp là hệ thống được chia sẻ nhiều nhất và nghĩ tới một cải cách chia sẻ”. Thủ tướng Meloni cho biết trong tháng 1/2023, bà có thể đàm phán giữa Bộ trưởng Cải cách thể chế và Đơn giản hóa các điều khoản Maria Elisabetta Alberti Casellati với phe đối lập về vấn đề này.

Cũng trong cuộc họp, Thủ tướng Italy cũng đưa ra quan điểm về một loạt các vấn đề từ luật ngân sách 2023, kinh tế, việc làm đến dịch Covid-10 và các vấn đề quốc tế. Về việc Quốc hội vừa thông qua luật ngân sách 2023, bà Giorgia Meloni đã khẳng định luật ngân sách được soạn thảo trong thời gian ngắn và việc thông qua không dễ dàng, song đã được thông qua sớm hơn 1 ngày (trước thời hạn 31/12).

Về biện pháp chống dịch, bà nhấn mạnh việc xét nghiệm Covid-19 với du khách từ Trung Quốc đã được triển khai lập tức và tình hình đang được kiểm soát. Tuy nhiên, Thủ tướng Meloni cho biết “sẽ hiệu quả nếu được triển khai trên toàn Liên minh châu Âu (EU)” và đã yêu cầu khối này hành động tương tự Italy. (TTXVN)

Trung Đông-châu Phi

* Iran tập trận ở vùng Vịnh: Ngày 30/12, truyền thông Iran đưa tin đêm ngày 29/12, nước này đã tổ chức cuộc tập trận Zolfaghar-1401 về phối hợp trên biển, trên không và trên bộ tại phía Đông eo biển chiến lược Hormuz thuộc vịnh Oman.

Hãng thông tấn IRNA (Iran) dẫn lời Đô đốc Habibollah Sayyari cho biết cuộc tập trận có sự tham gia của các tàu ngầm và máy bay không người lái “diễn tập các hoạt động thu thập thông tin chống lại các lực lượng tấn công, cũng như các hoạt động trinh sát”.

Trong khi đó, kênh truyền hình Press TV (Iran) dẫn lời Đô đốc Sayyari cho biết các lực lượng nước ngoài phải rời khỏi eo biển Hormuz “để các nước trong khu vực có thể thiết lập sự ổn định và hòa bình tại các vùng lân cận”.

Iran đã nhiều lần phản đối sự hiện diện của Mỹ và phương Tây ở eo biển Hormuz và đã tổ chức tập trận hàng năm tại khu vực này. Đây là tuyến đường vận chuyển 30% tổng lượng dầu thô được giao dịch bằng đường biển trên toàn cầu. (Reuters)

* Syria: Tấn công gần mỏ dầu ở Deir Ezzor, 14 người thuơng vong: Ngày 30/12, hãng thông tấn SANA (Syria) dẫn lời Bộ trưởng Dầu mỏ nước này cho biết ít nhất 10 công nhân thiệt mạng và 4 người khác bị thương sau vụ tấn công cùng ngày nhằm vào 3 phương tiện gần mỏ dầu dầu al-Taim ở tỉnh Deir Ezzor, miền Đông Syria.

Các thiết bị nổ đã được kích hoạt khi xe buýt đi qua, tiếp đó các tay súng khủng bố đã nổ súng tấn công. Hiện chưa rõ động cơ hay thủ phạm đứng sau vụ tấn công, song một tổ chức giám sát có trụ sở ở Anh cáo buộc “chi nhánh của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng” gây ra vụ tấn công. (AFP/Reuters)