📞

Tin thế giới 3/10: Nga nói về khả năng dùng vũ khí hạt nhân, Nhật Bản mở lại Đại sứ quán ở Ukraine

Minh Quân 20:20 | 03/10/2022
Lithuania trục xuất Đại biện lâm thời Nga, tình hình Burkina Faso vẫn nóng, Israel-Lebanon căng thẳng về biên giới…là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.
Một tàu hải quân Israel tuần tra tại khu vực biên giới trên biển với Lebanon ngày 4/9. (Nguồn: AFP)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm tin quốc tế nổi bật ngày 3/10:

Nga-Ukraine

* Hạ viện Nga phê chuẩn các thỏa thuận sáp nhập 4 khu vực của Ukraine: Ngày 3/10, Hạ viện Nga đã nhất trí thông qua các văn kiện về việc sáp nhập 4 khu vực, gồm 2 nước Cộng hoà Nhân dân Donetsk và Luhansk tự xưng cùng 2 khu vực Nga đang kiểm soát ở tỉnh Kherson và Zaporizhzhia của Ukraine. Dự kiến, Hội đồng Liên bang Nga sẽ xem xét những văn kiện trên ngày 4/10.

Trước đó, ngày 30/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đứng đầu 4 khu vực nêu trên đã ký các thỏa thuận về sáp nhập những vùng lãnh thổ này vào Nga. (Reuters/Sputnik)

* Nga sẽ “tiếp cận cân bằng” về sử dụng vũ khí hạt nhân: Ngày 3/10, Điện Kremlin cho biết họ ủng hộ “cách tiếp cận cân bằng” đối với vấn đề vũ khí hạt nhân, sau khi một đồng minh chủ chốt của Tổng thống Vladimir Putin cuối tuần qua kêu gọi Nga sử dụng “vũ khí hạt nhân có sức công phá thấp” ở Ukraine.

Khi được hỏi về bình luận của lãnh đạo vùng Chechnya Ramzan Kadyrov, người chỉ trích giới lãnh đạo quân sự của Nga trên thực địa, người phát ngôn Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho biết ông Kadyrov có quyền bày tỏ ý kiến, nhưng cách tiếp cận quân sự của Nga không dựa trên cảm xúc. Ông Peskov khẳng định cơ sở sử dụng vũ khí hạt nhân đều được quy định trong học thuyết hạt nhân của Nga.

Trong một diễn biến khác, Điện Kremlin thông báo Moscow sẽ tham khảo ý kiến của cư dân sống ở 2 trong số 4 khu vực của Ukraine Nga sáp nhập hồi tuần trước - gồm Kherson và Zaporizhzhia - về cách xác định các đường biên giới. (Reuters)

Châu Âu

* Lithuania trục xuất Đại biện lâm thời Nga: Ngày 3/10, Bộ Ngoại giao Lithuania tuyên bố Đại biện lâm thời Nga Sergey Ryabokon là người không được hoan nghênh và yêu cầu ông Ryabokon rời Lithuania trong vòng 5 ngày: “Những hành động, tuyên bố gần đây của ông Sergey Ryabokon không phù hợp với tư cách của một nhà ngoại giao và nên được coi là sự can thiệp vào công việc nội bộ của nước sở tại”. (Reuters)

* Czech kêu gọi công dân rời Nga: Ngày 3/10, Bộ Ngoại giao Czech kêu gọi công dân nước này rời Nga, đồng thời cảnh báo không thực hiện các chuyến đi tới Nga do tình hình an ninh xấu đi với các công dân thuộc Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vì xung đột Nga-Ukraine. Czech kêu gọi những công dân ở lại hoặc sinh sống lâu dài tại Nga đăng ký vào hệ thống du lịch Drozd. Bộ Ngoại giao Czech nhấn mạnh nếu người Czech quyết định ở lại Nga, họ nên thận trọng tối đa, theo dõi các phương tiện truyền thông đáng tin cậy và chuẩn bị sẵn kế hoạch rời Nga trong trường hợp khẩn cấp. (Reuters)

* Ba Lan tiếp tục yêu cầu Đức bồi thường chiến tranh: Ngày 3/10, Ngoại trưởng Ba Lan Zbigniew Rau đã ký công hàm ngoại giao gửi Đức yêu cầu bồi thường thiệt hại liên quan đến Thế chiến II. Tháng trước, đảng Luật pháp và Công lý (PiS) cầm quyền của Ba Lan đã cho biết Đức nợ nước này 6,200 tỷ zloty (1,260 tỷ USD). Trong khi đó Đức, đối tác thương mại lớn nhất của Ba Lan, tuyên bố tất cả các yêu cầu về tài chính liên quan đến cuộc chiến đã được giải quyết. (Reuters)

Đông Bắc Á

* Nhật Bản chuẩn bị mở lại Đại sứ quán tại Kiev: Ngày 3/10, các nguồn tin ngoại giao cho biết Nhật Bản có kế hoạch mở lại Đại sứ quán ở Kiev vào cuối tháng 10, trong bối cảnh các thành viên khác trong Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã khôi phục hoạt động ngoại giao ở Ukraine. Việc Nhật Bản mở lại Đại sứ quán sẽ thể hiện sự đoàn kết trong G7, vốn đang nỗ lực gây sức ép với Nga thông qua các biện pháp trừng phạt chính trị và kinh tế. (Kyodo)

Đông Nam Á

* Campuchia bỏ một số biện pháp phòng dịch Covid-19 với người nhập cảnh: Từ ngày 3/10, Bộ Y tế Campuchia cho biết người nước ngoài nhập cảnh sẽ không phải khai báo y tế và xuất trình giấy chứng nhận tiêm vaccine Covid-19 như trước. Quyết định trên sẽ áp dụng tại các cửa khẩu đường bộ, đường thủy và hàng không.

Tuy nhiên, Bộ Y tế Campuchia cũng yêu cầu duy trì các máy đo thân nhiệt, lực lượng kiểm dịch, cách ly y tế ở các cửa khẩu để tư vấn cho những hành khách có triệu chứng hoặc người bệnh trong trường hợp cần thiết. Bên cạnh đó, ngành chức năng Campuchia cũng kêu gọi người dân và người nhập cảnh chưa tiêm vaccine Covid-19 liều cơ bản cũng như liều tăng cường đến tiêm ngừa miễn phí tại các địa điểm quy định trên toàn quốc. Người dân được khuyến cáo thận trọng, tự theo dõi sức khỏe, thực hiện biện pháp “3 phòng, 3 không”, để phòng tránh Covid-19.

Quyết định dỡ bỏ một số biện pháp hạn chế y tế được đưa ra trong bối cảnh nước này kiểm soát khá tốt dịch bệnh Covid-19 với chỉ vài ca nhiễm được ghi nhận trong những ngày qua. Campuchia cũng là nước có tỷ lệ bao phủ vaccine cao và đã sớm tái khởi động các hoạt động kinh tế-xã hội từ cuối năm 2021. Đến đầu tháng 10, gần 15,2/17 triệu người Campuchia đã tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19, hơn 10,1 triệu người tiêm mũi 3, hơn 4,3 triệu người tiêm mũi 4 và hơn 875.000 người tiêm mũi 5. (Khmer Times)

Châu Phi

* Nga kêu gọi khôi phục trật tự ở Burkina Faso: Ngày 3/10, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã kêu gọi khôi phục trật tự ở Burkina Faso. Ông Peskov nêu: “Chúng tôi mong tình hình Burkina Faso sớm trở lại bình thường để đảm bảo trật tự hoàn toàn trong nước và trở lại khuôn khổ hợp pháp càng sớm càng tốt”.

Tuyên bố trên được đưa ra ít lâu sau khi lãnh đạo chính quyền quân sự nước này Paul-Henri Sandaogo Damiba từ chức vì vụ đảo chính quân sự thứ hai trong chưa đầy 9 tháng. Các nguồn tin ngoại giao trong khu vực ngày 2/10 cho biết ông Damiba đã sang thủ đô Lome, Togo. Trước đó, những người đứng đầu tôn giáo và cộng đồng Burkina Faso cho biết ông Damiba đã đồng ý từ chức, 2 ngày sau khi các sĩ quan quân đội thông báo ông đã bị phế truất trong một cuộc đảo chính. (AFP)

* Israel thảo luận khai thác khí đốt tại khu vực tranh chấp với Lebanon: Ngày 3/10, Tổng vụ trưởng Bộ Năng lượng Israel Lior Schillat đã tới Pháp để thảo luận với tập đoàn năng lượng TotalEnergies SE về dự án khai thác mỏ khí đốt tự nhiên Qana thuộc khu vực đang tranh chấp trên biển với Lebanon. Đây là mỏ khí thuộc khu vực tranh chấp lâu nay giữa Israel và Lebanon. Tuy nhiên, trong tuần qua, về cơ bản, hai bên đã nhất trí một dự thảo thỏa thuận do đặc phái viên trung gian của Mỹ đề xuất, nhằm giúp 2 quốc gia Trung Đông này chia sẻ lợi ích tài nguyên. (Reuters)

* Lebanon sẽ không có quan hệ đối tác với Israel: Ngày 3/10, Tổng thống Lebanon Michel Aoun cho biết Beirut sẽ quyết định về phân định ranh giới trên biển của đặc phái viên Mỹ Amos Hochstein sau khi tham vấn với Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội Lebanon. Ông cũng khẳng định sẽ không có “quan hệ đối tác” giữa Lebanon với Israel. Trước đó, tuần qua, Lebanon và Israel về cơ bản đã nhất trí với một dự thảo thỏa thuận do đặc phái viên trung gian của Mỹ đề xuất về chia sẻ lợi ích tài nguyên. (Reuters)

* Danh tính công dân Italy bị giam giữ tại Iran: Ngày 3/10, nhật báo Il Messaggero (Italy) đưa tin Alessia Piperno, 30 tuổi, đến từ Rome và đang đi du lịch Iran, hiện đang bị giữ tại Tehran, vài ngày sau khi nước Cộng hòa Hồi giáo cho biết 9 người nước ngoài bị bắt sau biểu tình toàn quốc. Cha mẹ của Piperno cho biết đã mất liên lạc sau khi nói chuyện với con gái ngày 28/9, nhưng sau đó nhận được một cuộc điện thoại vào sáng 2/10 thông báo Piperno đang ở trong tù. Tờ báo Italy cho biết Piperno đã nói với bố mẹ rằng cô đã bị bắt giam trong nhà tù ở Tehran. Cô cho biết hiện tại mình vẫn ổn và kêu gọi giúp đỡ.

Iran đã cáo buộc các thế lực bên ngoài kích động biểu tình, nhất là Mỹ và các đồng minh. Ngày 30/9, Cơ quan tình báo Iran cho biết 9 công dân nước ngoài, trong đó có những người đến từ Pháp, Đức, Italy, Hà Lan và Ba Lan, đã bị bắt giữ. (AFP)