📞

Tin thế giới 3/10: Nga thu 300 triệu USD của Mỹ, Israel nói sẽ không tấn công cơ sở hạt nhân Iran, Campuchia dời 10.000 hộ để làm kênh Funan Techo?

Nhất Phong 20:45 | 03/10/2024
Trung Quốc và Nga cam kết ủng hộ nhau về an ninh, Nga sử dụng bom lượn FAB-3000 ở tỉnh Kursk, Ukraine muốn được phương Tây "đối xử" như với Israel, CIA tuyển mộ người cung cấp thông tin từ Trung Quốc, Iran và Triều Tiên … là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
Nữ Tổng thống đầu tiên trong lịch sử Mexico nhậm chức, tuyên bố: 'Giờ là thời đại của phụ nữ'. (Nguồn: Reuters)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Châu Á-Thái Bình Dương

*Tổng thống Hàn Quốc sắp công du ba nước Đông Nam Á: Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc thông báo Tổng thống Yoon Suk Yeol sẽ thăm Philippines, Singapore và Lào trong tuần tới để tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN và có các cuộc hội đàm song phương.

Theo Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Kim Tae-hyo, chuyến công du 6 ngày của Tổng thống Yoon sẽ bắt đầu từ Chủ nhật (8/10). Lịch trình bao gồm hội đàm song phương tại Philippines và Singapore, cũng như tham dự các cuộc họp liên quan đến ASEAN tại Lào.

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN, Hàn Quốc sẽ nâng cấp quan hệ với ASEAN lên Đối tác chiến lược toàn diện. Tổng thống Yoon cũng sẽ tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN+3 và có 8 cuộc gặp song phương, bao gồm với lãnh đạo Lào, Việt Nam và Thái Lan.

Ngoài ra, đang có các cuộc tham vấn để sắp xếp cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Yoon và Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba bên lề Hội nghị ASEAN tại Lào. (Yonhap)

*Đấu súng giữa lực lượng an ninh Ấn Độ với khủng bố ở khu vực tranh chấp Jammu & Kashmir: Ngày 3/10, một vụ nổ súng đã xảy ra giữa lực lượng an ninh Ấn Độ và những phần tử khủng bố ở quận Kishtwar của Jammu & Kashmir (J&K).

Vụ chạm trán xảy ra khi lực lượng an ninh tiến hành chiến dịch truy tìm ở khu vực Chatroo sau khi nhận được thông tin tình báo cụ thể về sự hiện diện của những phần tử khủng bố có vũ trang trong khu rừng rậm.

Các nguồn tin cho biết thêm, tình trạng phiến quân gia tăng và việc những kẻ khủng bố sử dụng vũ khí tinh vi cho thấy mức độ đe dọa đang leo thang đáng kể. Các vụ tấn công thường xuyên đã làm dấy lên những chỉ trích chính trị, kêu gọi các biện pháp an ninh mạnh mẽ hơn và làm tăng thêm mối lo ngại của công chúng. (Al Jazeera)

*Trung Quốc và Nga cam kết ủng hộ lẫn nhau về an ninh: Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố Bắc Kinh và Moscow sẽ kiên quyết ủng hộ lẫn nhau trong các vấn đề liên quan đến chủ quyền, an ninh và phát triển.

Trong bài viết trên Nhân dân Nhật báo nhân kỷ niệm 75 năm quan hệ song phương, ông Vương Nghị nêu rõ: "Hai bên sẽ triển khai đầy đủ các đồng thuận quan trọng mà lãnh đạo hai nước đã đạt được; kiên quyết ủng hộ lẫn nhau trong các vấn đề liên quan đến chủ quyền, an ninh, phát triển và các lợi ích cốt lõi khác".

Ngoại trưởng Vương Nghị tuyên bố Trung Quốc và Nga sẽ tiếp tục tăng cường các cơ chế hợp tác ở mọi cấp độ và mọi lĩnh vực, qua đó "nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của quan hệ Trung-Nga và làm phong phú thêm hợp tác song phương". (TASS)

*Campuchia bác thông tin di dời 10.000 gia đình để xây kênh đào Funan Techo: Theo tờ Khmer Times ngày 2/10, Bộ Công chính và Vận tải Campuchia đã bác bỏ thông tin di dời 10.000 gia đình để tạo điều kiện cho dự án kênh đào Funan Techo.

Bộ Công chính và Vận tải hôm 1/10 đã phủ nhận các thông tin cho rằng để xây dựng dự án kênh đào Funan Techo cần phải di tản khoảng 10.000 hộ gia đình và lấy đất nông nghiệp dọc theo kênh đào. Bộ này còn tuyên bố rằng thông tin nói trên trái ngược với sự thật và không có cơ sở rõ ràng, được đưa ra nhằm gây hiểu lầm, phóng đại để kích động mọi người về việc xây dựng kênh đào Funan Techo trên mạng xã hội.

Bộ Công chính và Vận tải Campuchia cho hay, cho đến nay, chính phủ vẫn chưa thu hồi đất đai cho dự án, trong khi Bộ Kinh tế và Tài chính đang chuẩn bị các kế hoạch và thủ tục chi tiết để đánh giá và giải quyết tác động. (Khmer Times)

Trung Đông - châu Phi

*Iran triệu Đại sứ Đức, Áo để đáp trả: Ngày 3/10, Bộ Ngoại giao Iran đã triệu Đại sứ hai nước Đức và Áo tại Tehran, sau khi Berlin và Vienna có hành động tương tự đối với các đại diện của Tehran ở nước sở tại để phản đối cuộc tấn công của Iran vào Israel.

Thông tin này được công bố trên phương tiện truyền thông nhà nước Iran.

Trước đó, hôm 2/10, cả Đức và Áo đều triệu Đại sứ Iran liên quan đến vụ tấn công bằng tên lửa của Tehran vào Israel tối 1/10. (Reuters)

*Israel tuyên bố đã sát hại một số thủ lĩnh cấp cao của Hamas ở Gaza: Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) ngày 3/10 tuyên bố đã tiêu diệt thủ lĩnh Hamas Rawhi Mushtaha, người đóng vai trò "Thủ tướng" của chính quyền Hamas ở Dải Gaza và được coi là “cánh tay phải” của thủ lĩnh phong trào này Yahya Sinwar.

Thông báo trên mạng xã hội Telegram của IDF nêu rõ: "IDF và ISA (Cơ quan an ninh nội địa Israel) thông báo rằng khoảng ba tháng trước, trong một cuộc không kích chung của IDF và ISA ở Dải Gaza đã tiêu diệt: Rawhi Mushtaha, người đứng đầu chính quyền Hamas ở Dải Gaza; Sameh al-Siraj, người giữ chức vụ an ninh trong văn phòng chính trị của Hamas và Ủy ban Lao động của Hamas; và Sami Oudeh, Chỉ huy Cơ chế An ninh Chung của Hamas".

Theo IDF, cuộc tấn công, được thực hiện bởi máy bay chiến đấu, nhắm vào các thủ lĩnh Hamas khi họ đang ẩn náu trong một đường hầm ở phía Bắc Dải Gaza. Hiện tại, Hamas vẫn chưa đưa ra bình luận về thông tin này. (Al Jazeera)

*Israel sẽ không tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran: Tờ Financial Times của Anh ngày 3/10 đưa tin Israel không cân nhắc tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran và Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng phản đối một cuộc tấn công như vậy.

Theo Financial Times, Israel đang cân nhắc một số phương án đáp trả để trả đũa Iran, bao gồm các cuộc tấn công vào bệ phóng tên lửa hoặc cơ sở hạ tầng dầu mỏ. Một số quan chức Israel đã kêu gọi tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran song nguồn tin cho hay điều này không xảy ra. Nguồn tin cũng cho biết Mỹ và các đồng minh phương Tây đã khuyến nghị Israel tập trung vào các mục tiêu quân sự.

Vào ngày 30/9, tờ Wall Street Journal đưa tin, Israel đã cảnh báo Iran rằng Tel Aviv sẽ đáp trả bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào lãnh thổ Israel, bất kể quy mô, và nếu Iran tấn công, Israel sẽ tiến hành tấn công trực tiếp vào cơ sở hạ tầng hạt nhân và dầu mỏ của Iran. (FT)

*45 người di cư thiệt mạng do chìm tàu trên Biển Đỏ: Cơ quan di trú Liên hợp quốc (LHQ) ngày 3/10 cho biết hai tàu chở người di cư từ châu Phi đã bị chìm trên Biển Đỏ, ngoài khơi Djibouti, khiến 45 người thiệt mạng. Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) cho biết hai chiếc tàu này chở 310 người đã khởi hành từ Yemen.

Cơ quan LHQ, đơn vị đang hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn, cho biết trên nền tảng mạng xã hội X rằng 32 người đã được cứu. Lực lượng bảo vệ bờ biển Djibouti trong một tuyên bố cho biết thảm kịch xảy ra cách một bãi biển gần khu vực Tây Bắc Khor Angar. Theo lực lượng này, 115 người sống sót đã được cứu.

Hàng nghìn người di cư từ các nước châu Phi, Trung Đông và Nam Á, với mong muốn tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn ở châu Âu, đã tìm cách di cư bất hợp pháp mỗi năm. Những kẻ buôn người nhồi nhét những con tàu chật cứng người tuyệt vọng, sẵn sàng liều mạng để đến lục địa châu Âu. (AP)

Châu Âu

*Tình báo Thụy Điển: Khả năng Iran liên quan đến vụ tấn công đại sứ quán Israel ở Bắc Âu: Ngày 3/10, cơ quan tình báo Thụy Điển Sapo cho hay Iran có thể đã liên quan đến các vụ nổ và xả súng xung quanh đại sứ quán Israel ở Thụy Điển và Đan Mạch trong tuần này.

Phát biểu tại cuộc họp báo khi được hỏi về thông tin cho rằng Iran dính líu tới những vụ tấn công này, quan chức Sapo Fredrik Hallstrom nói: "Có một số dấu hiệu có thể chỉ ra điều đó. Một phần là do cách chọn mục tiêu và phương thức hoạt động, nhưng đây mới chỉ là giả định chứ chưa phải là thông tin chắc chắn". (AFP)

*Ukraine muốn được phương Tây "đối xử" như với Israel: Ngày 3/10, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã cáo buộc các nước phương Tây trì hoãn việc cung cấp tên lửa tầm xa, loại vũ khí mà ông cho là rất quan trọng trong cuộc xung đột đang diễn ra với Nga.

Phát biểu với các phóng viên tại Kiev, bên cạnh tân Tổng thư ký NATO Mark Rutte, ông Zelensky nhấn mạnh: "Chúng tôi cần đủ số lượng và chất lượng vũ khí, bao gồm cả vũ khí tầm xa, mà theo tôi, các đối tác của chúng tôi đang trì hoãn".

Ông Zelensky đã thảo luận về tình hình chiến trường và "kế hoạch chiến thắng" của Ukraine với ông Rutte trong chuyến thăm đầu tiên tới Kiev sau khi nhậm chức Tổng thư ký NATO. Ông Zelensky bày tỏ mong muốn thấy các đồng minh bắn hạ tên lửa và thiết bị bay không người lái của Iran tấn công vào Ukraine, giống như họ đã làm trong các cuộc tấn công nhắm vào Israel. (AFP)

*Nga sử dụng bom lượn FAB-3000 ở tỉnh Kursk: Lực lượng không quân Vũ trụ (VKS) LB Nga đã bắt đầu thả bom FAB-3000 gắn bộ cánh lượn vào các vị trí của Các Lực lượng vũ trang Ukraine (VSU) ở tỉnh Kursk. Đoạn video tương ứng đã được nhóm Aida thuộc lực lượng đặc nhiệm Akhmat của CH Chechnya đăng trên kênh Telegram của mình.

Tập đoàn công nghệ khổng lồ của Nga Rostec trước đó đã giải thích, FAB-3000 có lượng thuốc nổ khoảng một tấn rưỡi và sóng xung kích của nó có thể phá hủy các mục tiêu như điểm cố thủ cỡ trung đội với các công sự lộ thiên trên mặt đất. Các chuyên gia cũng lưu ý rằng sau cuộc tấn công bằng FAB-3000 vào một đại đội hoặc một căn cứ, hầu như không còn gì. Một điểm đáng chú ý nữa là nay loại bom tấn này đã được sử dụng trên lãnh thổ Nga, mà cụ thể là tỉnh Kursk. (Sputniknews)

*Nga thu giữ hơn 300 triệu USD của hai ngân hàng Mỹ: Tòa án Nga mới đây đã ra phán quyết phong tỏa tài khoản của các Ngân hàng Bank of New York Mellon và Ngân hàng JP Morgan Chase của Mỹ với tổng số tiền là 372 triệu USD.

Biện pháp trên được thực hiện theo đơn kiện của Văn phòng Tổng công tố Nga chống lại Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine, Ngân hàng Quốc gia Ukraine, Quỹ đầu tư quốc gia Ukraine và hai ngân hàng Mỹ này.

Một nguồn thạo tin cho biết nguyên đơn cáo buộc hành động tịch thu tài sản của Ngân hàng Dự trữ quốc tế (MRB), trước đây là công ty con ở Ukraine của ngân hàng Sberbank (Nga) là vi phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của Nga. Con số 372 triệu USD là số tiền trong tài khoản vãng lai của MRB tại các Ngân hàng New York Mellon và Ngân hàng JP Morgan Chase. (Reuters)

Châu Mỹ-Mỹ Latinh

*Argentina hủy quy chế tị nạn của cựu Tổng thống Bolivia Evo Morales: Ngày 2/10, Chính phủ Argentina đã quyết định hủy quy chế tị nạn của cựu Tổng thống Bolivia Evo Morales (cầm quyền từ năm 2006-2019) được Chính phủ của Tổng thống Alberto Fernández (2019-2023) cấp cuối năm 2019.

Trên tài khoản mạng xã hội, người phát ngôn Phủ Tổng thống Manuel Adorni thông báo: “Quy chế tị nạn của Juan Evo Morales Ayma đã bị đình chỉ”. Ông Morales đã sống 11 tháng ở Buenos Aires sau khi nhận được quy chế tị nạn vào tháng 12/2019, sau cuộc đảo chính ngày 10/11/2019 buộc vị Tổng thống cánh tả này xin tị nạn ở Mexico và sau đó ở Argentina. Ông Morales rời Argentina vào tháng 11/2020 để trở về Bolivia khi ông Luis Arce, Tổng thống đương nhiệm, nhậm chức.

Hiện tại, ông Arce và ông Morales, đều thuộc đảng Phong trào tiến lên chủ nghĩa xã hội (MAS), đang có mâu thuẫn trầm trọng liên quan tới việc ông Morales có ý định tái tranh cử Tổng thống, dự kiến diễn ra vào năm tới. (AFP)

*CIA tăng cường tuyển mộ người cung cấp thông tin trực tuyến từ Trung Quốc, Iran và Triều Tiên: Ngày 2/10, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA)đã phát động một chiến dịch mới nhằm tuyển mộ người cung cấp thông tin từ Trung Quốc, Iran và Triều Tiên, bổ sung cho nỗ lực mà họ cho là thành công trong việc tuyển mộ người Nga.

Theo Phát ngôn viên của CIA, cơ quan tình báo hàng đầu của Mỹ này đã đăng tải hướng dẫn bằng tiếng Trung, tiếng Farsi và tiếng Hàn trên các tài khoản mạng xã hội X, Facebook, Instagram, Telegram, LinkedInDark Web về cách liên hệ an toàn với họ.

Nhu cầu thông tin tình báo của CIA đã tăng lên khi Trung Quốc mở rộng hợp tác với Nga và Iran, đồng thời tăng cường sức mạnh quân sự trong khu vực. Cộng đồng tình báo Mỹ coi Nga, Trung Quốc, Iran và Triều Tiên là "mục tiêu khó" và là những quốc gia có Chính phủ khó xâm nhập. (Reuters)