📞

Tin thế giới 3/11: Trung Quốc nói kháy Mỹ về vấn đề khí hậu; tên lửa Nga xối hàng loạt xuống Biển Đen; lửa không kích đỏ góc trời thủ đô Syria

Hoàng Hà 20:02 | 03/11/2021
Mỹ-Trung lời qua tiếng lại liên quan Thượng đỉnh COP26, động tĩnh lớn ở Biển Đen, quan hệ Nga-Mỹ, Nga-Ukraine, Belarus-Ukraine, tình hình Syria, thỏa thuận hạt nhân Iran, đảo chính Sudan là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu qua video tại Thượng đỉnh G20 (31/10) và Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trực tiếp tại Thượng đỉnh COP26 (1/11). (Nguồn: Reuters)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Trung Quốc phản bác chỉ trích của Mỹ liên quan hội nghị COP26

Ngày 2/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã mắc "sai lầm lớn" khi không tham dự các Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 được tổ chức tại Glasgow, Anh, từ 30/10-2/11 và "đánh mất khả năng gây ảnh hưởng".

Ngày 3/11, tại họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân lên tiếng phản bác tuyên bố của Tổng thống Biden.

Ông Uông khẳng định: "Hành động có giá trị hơn lời nói. Điều chúng ta cần để đối phó biến đổi khí hậu là hành động cụ thể thay vì những lời nói sáo rỗng. Hành động của Trung Quốc trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu là thực chất".

Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn chỉ trích việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu dưới thời Tổng thống tiền nhiệm Donald Trump - động thái mà tại COP26, ông Biden đã thừa nhận sai lầm và xin lỗi - đã làm tổn hại tới hoạt động quản trị khí hậu toàn cầu cũng như việc thực thi thỏa thuận. (AFP)

Mỹ-EU liên thủ, cấm cửa mặt hàng kim loại Trung Quốc?

Ngày 2/11, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai cho rằng, thỏa thuận thương mại thép mới đạt được giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) sẽ giúp giải quyết tình trạng dư thừa kim loại từ Trung Quốc bằng cách ngăn chặn sự “rò rỉ” thép và nhôm của quốc gia này vào thị trường Mỹ.

Phát biểu trước các nhà điều hành ngành thép trong một cuộc gặp tại thủ đô Washington, bà Tai cho biết: "Trong tương lai, Mỹ và EU sẽ phân tích khối lượng nhập khẩu thép và nhôm từ EU mỗi năm, chia sẻ thông tin và các hoạt động hiệu quả về các biện pháp phòng vệ thương mại và đảm bảo rằng, các sản phẩm từ các nền kinh tế phi thị trường không được hưởng lợi từ thỏa thuận này".

Trước đó, Mỹ và EU đã đạt được thỏa thuận giải quyết những tranh chấp kéo dài giữa hai bên liên quan tới thuế nhôm và thép. (Reuters)

Nga xối loạt tên lửa trong cuộc tập trận ở Biển Đen

Ngày 3/11, Hạm đội Biển Đen Nga thông báo:

Trước đó, hãng tin Interfax cũng cho hay, Hạm đội Biển Đen của Nga đã phá hủy các mục tiêu trên không của một kẻ địch giả định bằng các vũ khí tên lửa phòng không và pháo binh.

Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh

tàu chỉ huy USS Mount Whitney đã tới Istanbul và sẽ sớm gia nhập lực lượng cùng các tàu khác của NATO ở Biển Đen.

Moscow từng lên tiếng cảnh báo các quốc gia phương Tây về việc điều tàu chiến tới Biển Đen và tiếp cận bờ biển Bán đảo Crimea, khu vực được sáp nhập với Nga hồi năm 2014. Nga coi Crimea là một phần lãnh thổ của mình, song Ukraine, Mỹ và các nước phương Tây phản đối.

Ngày 1/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, các lực lượng của Moscow có thể quan sát tàu chỉ huy USS Mount Whitney của Mỹ "bằng ống nhòm hoặc các hệ thống phòng thủ", đồng thời chỉ trích về hoạt động của NATO gần biên giới Nga. (TASS)

Nga-Mỹ: Lãnh đạo tình báo Mỹ thăm Nga

Ngày 2/11, Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) William Burns đã có chuyến thăm hi hữu tới Moscow theo yêu cầu của Tổng thống Biden, nhằm thảo luận với phía Nga về loạt các vấn đề song phương.

Đây là động thái mới nhất của giới chức hai nước trong hàng loạt tiếp xúc cấp cao gần đây, cho thấy khả năng tiếp tục đối thoại, mặc dù còn tồn tại một số bất đồng trong quan hệ hai nước.

Trong khi đó, Hội đồng An ninh Nga thông báo, ông Burns, người từng là Đại sứ Mỹ tại Nga, đã có cuộc gặp với ông Nikolai Patrushev, Thư ký hội đồng, cựu Giám đốc Cơ quan An ninh LB Nga (FSB).

Trước đó, cùng ngày, tại phiên khai mạc diễn đàn Đối thoại Fort Ross thường niên lần thứ 10 ở Washington, Đại sứ Nga tại Washington Anatoly Antonov cho biết, quan hệ Nga-Mỹ trong năm qua đã có những chuyển biến tuy nhỏ song tích cực. (Reuters)

Vũ khí hạt nhân: Mỹ tính kế hoạch thay đổi chính sách, Nga yêu cầu Mỹ cụ thể hóa

Báo Washington Post dẫn các nguồn tin riêng cho biết, chính quyền Mỹ sẽ tiến hành hàng loạt cuộc gặp theo định dạng kín nhằm tập trung thảo luận việc thay đổi chính sách hạt nhân hiện hành. Cụ thể, các quan chức Mỹ sẽ thảo luận việc chuyển đổi sang nguyên tắc để Mỹ không làm bên chủ động sử dụng vũ khí hạt nhân.

Các cuộc tham vấn bắt đầu vào tháng 11 này sẽ là một phần trong chiến lược của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm hoạch định chính sách mới về vũ khí hạt nhân của Washington.

Chính giới Mỹ đã tính đến việc không tấn công hạt nhân trước trong trường hợp nguy hiểm, hoặc Washington nên tuân thủ chính sách kiềm chế mang tính răn đe. Bản thân Tổng thống Biden cũng ủng hộ ý tưởng đổi mới chiến lược vũ khí hạt nhân của Mỹ.

Trong khi đó, ngày 2/11, phát biểu tại diễn đàn trực tuyến Fort Ross, Thứ tưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết, Moscow mong đợi "bất kỳ bước đi nào" của Mỹ nhằm cụ thể hóa vấn đề sử dụng vũ khí hạt nhân.

Theo quan chức ngoại giao Nga, Moscow sẵn sàng thảo luận khả năng đàm phán về chủ đề nêu trên với các đại diện của chính quyền Washington ở cấp liên chính phủ trong khuôn khổ đối thoại chiến lược Nga-Mỹ. (Sputnik)

Israel không kích các mục tiêu quân sự của Syria

Ngày 3/11, một cơ quan giám sát tình hình tại Syria cho biết, Israel đã tiến hành các cuộc không kích bằng tên lửa nhằm vào các mục tiêu quân sự của chính phủ Syria và các đồng minh thân Iran gần Damascus.

Hãng thông tấn nhà nước SANA của Syria xác nhận thông tin trên, đồng thời cho biết, các vụ tấn công chỉ gây thiệt hại vật chất. Theo SANA, khu vực bị tấn công là thị trấn Zakia, ngoại ô phía Tây thủ đô Damascus.

Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cho biết, các mục tiêu là các vị trí đóng quân và kho vũ khí của lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn. Tuần trước, các vụ tấn công tương tự đã khiến ít nhất 5 dân quân thiệt mạng. (AFP)

Mỹ-Iran: Iran cảnh báo nguy cơ đàm phán hạt nhân thất bại

Ngày 3/11, Hội đồng An ninh quốc gia tối cao Iran cho biết, các cuộc đàm phán hồi sinh thỏa thuận hạt nhân 2015 hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) giữa nước này và các cường quốc sẽ thất bại trừ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đảm bảo Washington không rút khỏi thỏa thuận này một lần nữa.

Trước đó, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir Abdollahian đã chỉ trích việc Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại Tehran trong khi vẫn kêu gọi đàm phán, đồng thời nhấn mạnh, các cuộc đàm phán nhằm hồi sinh JCPOA phải dựa trên "các quyền và lợi ích của các bên".

Nhà ngoại giao hàng đầu của Iran nói thêm: "Chúng tôi đang xem xét cẩn thận các động thái của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Mục đích của các cuộc đàm phán là phải đạt được các kết quả hữu hình trên cơ sở tôn trọng các lợi ích chung".

Theo Ngoại trưởng Iran, các thành viên còn lại tham gia ký JCPOA nên sẵn sàng cho các cuộc đàm phán dựa trên các quyền và lợi ích của các bên.

Trong diễn biến khác, cùng ngày, Press TV đưa tin, các lực lượng Mỹ đã sử dụng các máy bay trực thăng và tàu chiến nhằm ngăn chặn một tàu chở dầu của nước Cộng hòa Hồi giáo tại Biển Oman.

Đài truyền hình nhà nước Iran đã miêu tả vụ việc này là một âm mưu bất thành nhằm "ăn cắp" dầu. Tuy nhiên, nguồn tin này không nêu cụ thể vụ việc đã xảy ra ở đâu. Phía Mỹ chưa lên tiếng về vụ việc. (Reuters)

Đảo chính tại Sudan: Thủ tướng Hamdok đồng ý trở lại lãnh đạo chính phủ

Ngày 3/11, Đài truyền hình al Arabiya của Saudi Arabia dẫn một số nguồn tin dấu tên cho biết, Thủ tướng Sudan Abdalla Hamdok đã đồng ý trở lại lãnh đạo chính phủ với điều kiện lực lượng quân đội Sudan phải trả tự do cho những chính trị gia bị bắt giữ trong cuộc đảo chính hồi cuối tháng trước.

Trước đó, ngày 1/11, Đặc phái viên Liên hợp quốc về Sudan Volker Perthes cho biết, các nỗ lực hòa giải ở Sudan và nước ngoài đang được tiến hành để tìm ra giải pháp khả thi cho quốc gia Bắc Phi này, đồng thời kêu gọi Sudan quay lại quá trình chuyển đổi chính trị như trong giai đoạn trước thời điển diễn ra đảo chính.

Theo thông báo từ Bộ Thông tin Sudan, Thủ tướng Hamdok cho biết, việc khôi phục chính phủ của ông có thể mở đường cho một giải pháp tại Sudan, đồng thời từ chối đàm phán với các nhà cầm quyền quân sự. (Reuters)

Một số tin quốc tế nổi bật trong ngày khác:

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky công bố 4 sắc lệnh thi hành các biện pháp trừng phạt mới đối với 140 cá nhân và 50 pháp nhân ở Nga; gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden thảo luận tình hình xung đột ở khu vực miền Đông Ukraine, cũng như chương trình cải cách của quốc gia Đông Âu này; Kiev tuyên bố sẵn sàng phản công ở Donbass. (TASS, Reuters)

Quan chức cấp cao thứ 3 trong nội các Ukraine từ chức, điều gì đang diễn ra?: Trong 2 ngày từ 1-2/11, liên tiếp có các quan chức cấp cao thuộc chính phủ của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đệ đơn từ chức. (Reuters)

Thủ tướng Anh nói gì khi được hỏi về khả năng hàn gắn với Nga?: Ngày 2/11, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Anh Boris Johnson đã né tránh trả lời phóng viên về khả năng hàn gắn quan hệ giữa London và Moscow. (TASS)

Hậu AUKUS, Ngoại trưởng Australia chuẩn bị công du Đông Nam Á: Ngày 3/11, truyền thông Australia đưa tin, Ngoại trưởng Marise Payne sắp có chuyến thăm một số quốc gia Đông Nam Á nhằm xây dựng và củng cố hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược mới giữa Australia và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). (ABC News)

Ukraine khẩn cấp tìm đến Belarus, Mỹ tỏ ra là chỗ dựa vững chãi: Ngày 2/11, Bộ Năng lượng Belarus cho biết, nước này đã cung cấp điện cho hệ thống năng lượng Ukraine theo yêu cầu của Kiev từ 14-21h cùng ngày (18h ngày 2/11 đến 1h ngày 3/11 giờ Hà Nội) với công suất 500 MW. (Sputnik)

Trung Quốc khuyên Mỹ 'nghiêm túc tôn trọng chủ quyền' nước khác: Ngày 2/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân "khuyên" mỹ nên "rút ra bài học xương máu" khi ông này bình luận các thông tin Ngoại trưởng Nga đưa ra một ngày trước đó rằng, Mỹ từng tiếp cận Ấn Độ, Pakistan, Uzbekistan và Kyrgyzstan nhằm thiết lập một căn cứ quân sự mới ở Trung Á. (Sputnik)