Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha (trái) gặp các nhà lãnh đạo chính quyền lâm thời Syria tại Damascus, ngày 30/12. (Nguồn: Kyiv Independent) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Châu Á – Thái Bình Dương
*Tòa án Hàn Quốc ra lệnh bắt giữ Tổng thống Yoon Suk Yeol: Ngày 31/12, một tòa án ở Seoul đã chấp thuận yêu cầu của cơ quan thực thi pháp luật về việc bắt giữ Tổng thống Yoon Suk Yeol bị luận tội liên quan đến việc áp đặt thiết quân luật, khiến ông trở thành tổng thống đương nhiệm đầu tiên của Hàn Quốc đối mặt với lệnh bắt giữ.
Mặc dù ông Yoon Suk Yeol được hưởng quyền miễn trừ truy tố hình sự với tư cách Tổng thống, nhưng đặc quyền này không áp dụng cho các cáo buộc nổi loạn hoặc phản quốc.
Ông Yoon đã bị đình chỉ công việc sau khi Quốc hội do phe đối lập kiểm soát bỏ phiếu luận tội ông vào ngày 14/12. Tòa án Hiến pháp đã bắt đầu tiến hành xem xét để quyết định liệu có cách chức ông Yoon hay khôi phục chức vụ cho ông. Tòa án có 180 ngày kể từ ngày 14/12 để đưa ra phán quyết. (Yonhap)
Tin liên quan |
Nga, Ukraine cáo buộc nhau cản trở trao đổi tù binh |
*Thủ tướng Nhật Bản lên kế hoạch thăm Mỹ: Một quan chức Chính phủ Nhật Bản ngày 31/12 cho biết, Thủ tướng nước này Ishiba Shigeru đang lên kế hoạch thăm Mỹ để gặp ông Donald Trump sau lễ nhậm chức Tổng thống vào ngày 20/1/2025.
Tổng thống đắc cử Mỹ Trump đã bày tỏ sẵn sàng hội đàm với ông Ishiba trong cuộc họp báo ngày 16/12, và theo một nguồn tin từ Chính phủ Nhật Bản, ông Trump đã thông báo với Tokyo về ý định này, có thể là vào giữa tháng 1 trước khi ông trở lại Nhà Trắng.
Tuy nhiên, các quan chức cho biết ông Ishiba cho rằng sẽ tốt hơn nếu hai bên tổ chức hội nghị thượng đỉnh song phương chính thức đầu tiên khi ông thăm Mỹ vào tháng 2 hoặc muộn hơn. (Kyodo)
*Triều Tiên đóng tàu chiến trang bị hệ thống phóng thẳng: Quân đội Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã bắt đầu đóng một tàu được cho là khinh hạm 4.000 tấn được trang bị hệ thống phóng thẳng, trong bối cảnh Bình Nhưỡng đang tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa.
Đánh giá này được đưa ra một ngày sau khi truyền thông nhà nước Triều Tiên công bố những bức ảnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un thị sát một nhà máy đóng tàu, nơi con tàu mới đang được đóng, trong khi đưa tin về hội nghị toàn thể cuối năm của đảng.
Cho đến nay, tàu lớn nhất của Triều Tiên là khinh hạm 1.500 tấn được trang bị tên lửa chống hạm. Tàu này không có hệ thống phóng thẳng. (Yonhap)
*Nhật Bản lại phát hiện tàu Trung Quốc gần đảo tranh chấp: Ngày 31/12, Nhật Bản lại phát hiện các tàu hải cảnh Trung Quốc gần quần đảo Senkaku ở biển Hoa Đông (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư), đánh dấu ngày thứ 355 trong năm 2024 ghi nhận hoạt động như vậy. Đây cũng là năm ghi nhận kỷ lục về số ngày tàu Trung Quốc xuất hiện trong khu vực kể từ khi chính phủ Nhật Bản đưa các đảo nhỏ này vào kiểm soát của nhà nước năm 2012.
Theo Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản, 4 tàu Hải cảnh Trung Quốc được phát hiện đi lại ngay bên ngoài vùng lãnh hải của Nhật Bản quanh quần đảo Senkaku, nơi Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư. Đây là ngày thứ 43 liên tiếp có sự hiện diện của tàu Trung Quốc trong khu vực. Cả 4 tàu đều được trang bị các thiết bị có vẻ là pháo tự động. Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản đã cảnh báo các tàu này không được đi vào lãnh hải Nhật Bản. (Kyodo)
*Hàn Quốc: Lao xe vào đám đông khiến nhiều người bị thương: Cảnh sát Hàn Quốc cho biết ít nhất 8 người đã bị thương khi một chiếc ô tô do một người đàn ông hơn 70 tuổi điều khiển đâm vào một nhóm người tại chợ truyền thống ở Seoul trong chiều 31/12.
Vụ việc xảy ra vào khoảng 16:18 tại chợ Mokdong Kkaebi, Tây Nam Seoul. Cảnh sát cho biết cho đến nay chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Các cơ quan chức năng đang điều tra nguyên nhân vụ tai nạn và để đánh giá mức độ thiệt hại. (Yonhap)
Châu Âu
*Nga chỉ trích gói viện trợ bổ sung của Mỹ dành cho Ukraine: Đại sứ quán Nga tại Washington cho rằng gói viện trợ mới nhất của Mỹ dành cho Kiev là một "món quà đẫm máu" đối với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, vốn làm rỗng túi của những người nộp thuế Mỹ, và sẽ không mang lại chiến thắng cho Kiev.
Thông cáo của phái bộ ngoại giao Nga nêu rõ: "Với ngày ra đi đang đến gần, Chính quyền (của Tổng thống Mỹ Joe Biden) đang tìm cách làm rỗng túi của người nộp thuế Mỹ hơn nữa để ủng hộ một dự án rõ ràng là thua lỗ của Ukraine. Hơn nữa, Chính quyền Washington đã công bố quyết định của họ một cách đầy hoài nghi - cụ thể là chờ đến đêm giao thừa...".
Trước đó, Chính quyền Biden đã công bố gói viện trợ bổ sung trị giá gần 5,9 tỷ USD cho Ukraine, bao gồm vật tư quân sự và hỗ trợ ngân sách trực tiếp. (Sputniknews)
*Ukraine kêu gọi EU cấm nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Nga: Ngày 30/12, truyền thông Ukraine dẫn lời Ngoại trưởng nước này Andrii Sybiha kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) cấm nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga, thay thế bằng nguồn cung từ Mỹ và các đối tác khác.
Tuyên bố của ông Sybiha được cho là nhằm phản ứng trước tin gần đây trên Financial Times rằng nhập khẩu LNG của Nga vào EU "đã đạt mức cao kỷ lục" năm 2024. Theo Financial Times, tính đến giữa tháng 12, EU đã nhập khẩu kỷ lục 16,5 triệu tấn LNG của Nga, vượt qua con số 15,18 triệu tấn năm ngoái.
Ngoại trưởng Sybiha gọi việc nhập khẩu này là "không thể chấp nhận được. Ngày 27/12, Ukraine đã nhận lô LNG đầu tiên của Mỹ được chuyển đến qua một kho cảng ở Hy Lạp. (Reuters)
*Lithuania phủ nhận can thiệp vào chính trị nội bộ của Georgia: Ngoại trưởng Kestutis Budrys ngày 30/12 tuyên bố việc Lithuania ủng hộ Georgia và trừng phạt các chính trị gia Georgia không nhằm mục đích can thiệp vào chính trị nội bộ của quốc gia vùng Nam Kavkaz này.
Phát biểu với truyền thông, Ngoại trưởng Budrys khẳng định: “Đây không phải là vấn đề chính trị trong nước hay ủng hộ bất kì nhóm chính trị cụ thể nào. Đây là lời hứa của Georgia, được đưa ra cách đây một năm nhưng chưa thực hiện, về việc tổ chức các cuộc bầu cử tự do và công bằng, một điều kiện để Gruzia phát triển hơn nữa mối quan hệ với Liên minh châu Âu (EU) và thực hiện tư cách ứng viên EU của nước này”.
Trước đó ngày 29/12, cựu cầu thủ bóng đá và là thành viên cực hữu trong đảng “Giấc mơ Georgia” cầm quyền Mikheil Kavelashvili đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống mới của nước này. (Sputniknews)
*Nga, Ukraine trao đổi hơn 300 tù binh trước thềm năm mới: Các quan chức của Nga và Ukraine ngày 30/12 cho biết hai nước đã trao đổi hơn 300 tù binh trong một thỏa thuận do Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) làm trung gian trước thềm năm mới.
Hai bên đã trao đổi hàng trăm tù binh kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022. Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ: "Ngày 30/12, kết quả của quá trình đàm phán là 150 quân nhân Nga đã được đưa trở về từ lãnh thổ do chính quyền Kiev kiểm soát. Đổi lại, 150 tù binh của quân đội Ukraine đã được trao trả".
Về phần mình, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố Kiev đã nhận về 189 người trong thỏa thuận này. Ông Zelensky nói: "Chúng tôi đang nỗ lực giải thoát tất cả những người đang bị Nga giam giữ. Đây là mục tiêu của chúng tôi. Chúng tôi không quên bất kỳ ai". Cùng ngày, Ukraine thông báo Moscow đã thả tổng cộng 3.956 người - bao gồm binh sĩ và thường dân - trong các thỏa thuận với Kiev kể từ khi xung đột bắt đầu. (AFP)
Trung Đông-châu Phi
*Phái đoàn Ukraine tới Damascus: Theo Kyiv Independent, trong ngày 30/12, Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha đã có cuộc gặp với ông Ahmad Al-Sharaa, lãnh đạo lực lượng đối lập HTS, và các thành viên khác của chính phủ lâm thời Syria.
Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết, "Phái đoàn Ukraine đã thông báo cho chính quyền Damascus về lập trường của Kiev liên quan đến vấn đề hiện diện quân sự của Nga tại Syria. Các đối tác Syria cũng đưa ra quan điểm tương đồng về vấn đề này".
Phía Ukraine không tiết lộ cụ thể về vấn đề hiện diện quân sự của Nga, nhưng thông báo rằng hai bên đã thảo luận về việc xây dựng "quan hệ đối tác chiến lược" trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội và khoa học. (Kyiv Independent)
*Houthi tấn công tên lửa vào Israel: Ngày 31/12, phiến quân Houthi ở Yemen được Iran hậu thuẫn cho biết họ đã phóng hai tên lửa vào Israel, vài giờ sau khi quân đội Israel thông báo đã đánh chặn một vật thể được phóng từ quốc gia này.
Một tuyên bố quân sự của Houthi nêu rõ: "Vụ tấn công đầu tiên nhắm vào sân bay Ben Gurion" ở Tel Aviv, và vụ thứ hai nhắm vào một nhà máy điện phía Nam Jerusalem. (AFP)
*Syria đưa các chiến binh nước ngoài vào hàng ngũ quân đội: Theo Reuters ngày 30/12, những nhà lãnh đạo mới của Syria đã đưa một số chiến binh nước ngoài bao gồm những người Duy Ngô Nhĩ, một người Jordan và một người Thổ Nhĩ Kỳ vào thành phần lực lượng vũ trang của nước này. Các nguồn tin cho biết, trong tổng số gần 50 vị trí được Bộ Quốc phòng công bố vào ngày 30/12, ít nhất 6 vị trí đã được trao cho người nước ngoài.
Tuy nhiên, giới nghiên cứu nhận định, động thái trao các vai trò chính thức cho các chiến binh thánh chiến có thể khiến một số chính phủ nước ngoài và công dân Syria lo ngại về ý định của chính quyền mới.
Hàng ngàn người Hồi giáo dòng Sunni nước ngoài đã tham gia hàng ngũ lực lượng đối lập ở Syria trong cuộc nội chiến kéo dài 13 năm chống lại chế độ cai trị của cựu Tổng thống Bashar al-Assad. (Al Jazeera)
*Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ 30 nghi phạm liên quan đến IS: Theo hãng tin nhà nước Anadolu, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ ngày 30/12 đã bắt giữ 30 nghi phạm có liên quan đến tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Istanbul, ngăn chặn các vụ tấn công khủng bố mà nhóm này đang lên kế hoạch.
Theo hãng tin trên, chiến dịch này được tiến hành sau khi Văn phòng Trưởng Công tố Istanbul ban hành lệnh bắt giữ 46 nghi phạm có liên quan đến IS bị cho là có khả năng thực hiện các vụ tấn công khủng bố tại Thổ Nhĩ Kỳ. Trong chiến dịch, nhiều tài liệu kỹ thuật số đã bị tịch thu và những nỗ lực bắt giữ những nghi phạm còn lại vẫn đang tiếp tục.
Thổ Nhĩ Kỳ đã liệt IS vào danh sách tổ chức khủng bố từ năm 2013 và đã bị nhóm này nhắm mục tiêu trong nhiều vụ tấn công. Ankara đã tiến hành các chiến dịch chống khủng bố cả trong nước và ở nước ngoài để đáp trả. (THX)
*Houthi chuẩn bị đối đầu lâu dài với Israel và Mỹ: Báo The National News của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) ngày 30/12 dẫn các nguồn tin cho biết lực lượng Houthi ở Yemen đang chuẩn bị cho một cuộc đối đầu lâu dài với Israel và Mỹ, ngay cả khi một lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza được các bên liên quan chấp thuận.
Một nguồn tin chính trị từ Yemen nói rằng phạm vi xung đột giữa Israel và Houthi sẽ mở rộng trong những tuần tới, đặc biệt với việc Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump lên nắm quyền vào ngày 20/1/2025. Cho đến nay, Israel đã ném bom sân bay Sanaa, các cảng dọc bờ biển phía Tây và các cơ sở dân sự khác, trong khi Mỹ và Anh đã nhắm mục tiêu vào các bệ phóng tên lửa và thiết bị bay không người lái cũng như các kho vũ khí của Houthi. (Al Jazeera)
Châu Mỹ - Mỹ Latinh
*Mỹ hồi hương tù nhân từ Vịnh Guantanamo về Tunisia: Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 30/12 thông báo tù nhân Ridah Bin Saleh Al-Yazidi đã được hồi hương từ Nhà tù Vịnh Guantanamo về Tunisia.
Bộ Quốc phòng Mỹ này cho biết hiện còn 26 tù nhân tại cơ sở giảm giữ này, trong đó 14 người đủ điều kiện được điều chuyển. (Reuters)
*Mỹ cáo buộc Trung Quốc tấn công mạng Bộ Tài chính: Ngày 30/12 (giờ địa phương), tờ New York Times (NYT) đưa tin Bộ Tài chính Mỹ cho biết tin tặc có liên hệ với Trung Quốc đã xâm nhập hệ thống điện tử của họ.
Bộ Tài chính cho biết họ đang hợp tác với FBI để điều tra vụ việc. Đây không phải là lần đầu tiên Washington đưa ra cáo buộc về các cuộc tấn công của tin tặc có liên hệ với Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng Mỹ.
Trước đó, Washington cho biết tin tặc Trung Quốc bị cáo buộc đã tham gia vào việc chặn các cuộc gọi điện thoại của các chính trị gia Mỹ, bao gồm một trong những cố vấn của ông Donald Trump. Theo báo cáo, sự cố đó là do nhóm Salt Typhoon thực hiện, được cho là có liên hệ với Chính phủ Trung Quốc. (NYT/TASS)
*Argentina ra lệnh bắt giữ Tổng thống Nicaragoa Daniel Ortega: Ngày 30/12, Cơ quan Tư pháp Argentina đã ra lệnh bắt giữ Tổng thống Nicaragoa Daniel Ortega và vợ ông, Phó Tổng thống Rosario Murillo, vì "tội ác chống lại loài người".
Thẩm phán liên bang Argentina Ariel Lijo đã yêu cầu Interpol truy nã quốc tế và bắt giữ ông Ortega và bà Murillo vì vi phạm nhân quyền, cùng một số quan chức cấp cao trong chính quyền Nicaragoa. Lệnh truy nã được gửi tới Interpol sau khi Công tố viên Argentina Eduardo Taiano mở một cuộc điều tra từ tháng 10 năm ngoái đối với Tổng thống và Phó Tổng thống Nicaragoa với cáo buộc phạm tội chống lại loài người như giam giữ người trái phép, hành quyết không xét xử, thủ tiêu và tra tấn bất hợp pháp. (AFP)
*Ngoại trưởng Mỹ điện đàm với “tổng thống đắc cử” Venezuela: Ngày 31/12, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã điện đàm với ông Edmundo Gonzalez Urrutia, người mà Washington cho là đã đánh bại ông Nicolas Maduro trong cuộc bầu cử tổng thống tại Venezuela hồi tháng 7 vừa qua.
Cuộc điện đàm diễn ra chưa đầy 2 tuần trước thời điểm bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống mới (ngày 10/1) của Venezuela. Hiện chỉ một số ít nước, trong đó có Nga, công nhận chiến thắng của đương kim Tổng thống Nicolas Maduro trong cuộc bầu cử hồi tháng 7.
Phản ứng trước động thái này, Ngoại trưởng Venezuela Yvan Gil chỉ trích đây là phát ngôn từ một "chính phủ sắp mãn nhiệm và thất bại", đồng thời cáo buộc Washington "ủng hộ một cách tuyệt vọng đối với phe đối lập tồi tệ nhất trong 25 năm qua". (AFP)
*Mỹ cung cấp cho Ukraine 15 tỷ USD thông qua WB: Ngày 30/12, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal tuyên bố rằng Kiev và Ngân hàng Thế giới (WB) đã ký thỏa thuận, theo đó Mỹ sẽ cung cấp 15 tỷ USD cho Ukraine thông qua WB và số tiền này sẽ được đảm bảo bằng nguồn thu từ tài sản đóng băng của Nga. Đây là một phần trong khoản đóng góp 20 tỷ USD của Washington cho sáng kiến cho vay của nhóm G7 đối với Ukraine.
Trong khi đó, Bộ Tài chính Ukraine cho biết khoản hỗ trợ ngân sách trực tiếp của Mỹ cho Ukraine trong giai đoạn 2022-2024 đã vượt 30 tỷ USD.
Tuần trước, Thủ tướng Shmyhal thông báo Kiev đã nhận được 1 tỷ USD từ các tài sản bị đóng băng của Nga. Nhiều quốc gia phương Tây đã đóng băng tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga trên lãnh thổ của mình sau khi nổ ra xung đột năm 2022. Số tài sản này có tổng giá trị khoảng 300 tỷ USD. (AFP)
| Công tố viên Hàn Quốc tiết lộ thông tin sốc về quyết định thiết quân luật của Tổng thống Yoon Suk Yeol Theo báo cáo của công tố viên ngày 28/12, Tổng thống Hàn Quốc bị đình chỉ chức vụ Yoon Suk Yeol đã cho phép quân ... |
| NÓNG! Toà án Hàn Quốc ra lệnh bắt giữ Tổng thống Yoon Suk Yeol Ngày 31/12, một tòa án ở Seoul đã chấp thuận yêu cầu của cơ quan thực thi pháp luật về việc bắt giữ Tổng thống ... |
| Ngoại trưởng Ukraine đến Syria, nói lời 'gan ruột' tỏ thành ý Ngày 30/12, Ngoại trưởng Ukraine Andriy Sybiga đã có chuyến thăm bất ngờ tới Damascus và gặp gỡ lãnh đạo trên thực tế của chính ... |
| Đếm ngược thời khắc 'chốt hạ' thỏa thuận Nga-Ukraine, EU đã chuẩn bị tốt, một nước Đông Âu chọn cách đối đầu Hôm nay (31/12), thỏa thuận vận chuyển khí đốt hiện tại giữa Nga-Ukraine sẽ hết hạn. Gần đây, Tổng thống Vladimir Putin đã tuyên bố ... |
| Tình hình Syria: Lộ diện Thủ tướng lâm thời, phe đối lập rút quân giữa lúc Israel oanh tạc mạnh Giữa lúc Syria đang nỗ lực ổn định lại tình hình đất nước sau sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, Israel ... |