📞

Tin thế giới 31/3: Nga tiết lộ nguyên nhân xung đột với Ukraine; Trung Quốc trừng phạt trả đũa Mỹ; Lãnh đạo Armenia-Azerbaijan sẽ hội đàm trực tiếp

Duy Quang 19:45 | 31/03/2022
Nga nêu nguyên nhân xung đột với Ukraine, Trung Quốc trả đũa đòn trừng phạt của Mỹ, Thủ tướng Campuchia sẽ tái ứng cử... là những sự kiện quốc tế nổi bật 24 giờ qua.
Khả năng Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba sẽ gặp mặt trực tiếp. (Nguồn: AP)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Nga-Ukraine:

Khả năng ngoại trưởng Nga-Ukraine gặp nhau

Bộ Ngoại giao Nga ngày 31/3 cho biết Moscow sẽ không từ chối một cuộc họp giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba nhưng bất kỳ cuộc đàm phán nào giữa hai nhà ngoại giao này cần phải diễn ra thực chất.

Trước đó cùng ngày, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu khẳng định nước này đang nỗ lực để đưa những người đồng cấp Ukraine và Nga tiếp tục ngồi vào bàn đàm phán sau cuộc gặp vừa qua tại Istanbul và cuộc gặp tiếp theo có thể diễn ra trong vòng 2 tuần tới. (TASS)

Nga nêu nguyên nhân cuộc khủng hoảng ở Ukraine

Tại hội nghị Bộ trưởng các nước láng giềng của Afghanistan lần thứ ba, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov ngày 31/3 tuyên bố rằng, nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng Ukraine là do chính sách của Mỹ và NATO.

Theo ông Lavrov, nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng ở Ukraine là chính sách theo đuổi trong nhiều thập kỷ của NATO dưới sự lãnh đạo của Mỹ. Sau khi Liên Xô tan rã, NATO đã thúc đẩy mạnh cơ sở hạ tầng quân sự xa hơn về phía đông, cung cấp vũ khí cho Ukraine và xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự tại nước này.

Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, điều này đe dọa an ninh của Nga và là sự vi phạm nghiêm trọng các quyết định được đưa ra trong OSCE và trong khuôn khổ quan hệ Nga - NATO. Đó là không củng cố an ninh của mình bằng cách đánh đổi an ninh của nước khác. (Sputnik)

Ukraine: Nga "phá tan" ngành công nghiệp quốc phòng

Ngày 31/3, Cố vấn của tổng thống Ukraine, ông Oleksiy Arestovych, cho biết Nga đã phá hủy gần như toàn bộ ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine.

Mặt khác, ông Arestovych hoan nghênh các điều khoản trong bản đề xuất thỏa thuận hòa bình với Nga như một chiến thắng dành cho Ukraine. Theo ông, với thỏa thuận hòa bình đã thảo luận với Nga trong ngày 29/3 vừa qua, Ukraine sẽ được bảo vệ khỏi các mối đe dọa bằng các đảm bảo an ninh quốc tế mà Nga sẽ không thể bác bỏ.

Ông Arestovych nhấn mạnh: "Đây là một thỏa thuận lý tưởng giúp nâng vị thế của chúng ta lên nhiều lần một cách cơ bản". (Reuters)

Ukraine kêu gọi tăng cường trừng phạt Nga

Phát biểu trước Quốc hội Australia ngày 31/3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng cần áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mới và mạnh mẽ hơn nhằm vào Nga để gia tăng sức ép lên Moscow.

Cùng ngày, trong thông báo mới nhất, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết, vào ngày mai (1/4), Australia sẽ ra thông báo chính thức về việc rút lại quyền được hưởng quy chế tối huệ quốc đang áp dụng đối với hàng hóa của Nga và Belarus.

Quyết định mới sẽ có hiệu lực bắt đầu từ ngày 25/4 tới và cũng từ thời điểm này Australia sẽ áp mức thuế 35% đối với tất cả các loại hàng hóa nhập khẩu từ Nga và Belarus.

Trong khi đó, Chính phủ Anh thông báo nước này đã bổ sung 14 đối tượng vào danh sách trừng phạt liên quan đến việc Nga xâm lược Ukraine.

Ngoại trưởng Anh Liz Truss cho biết vòng bổ sung trừng phạt mới nhất nhằm đối phó với những đối tượng thúc đẩy tuyên truyền cho Chính phủ Nga.

Trong danh sách trừng phạt mới nhất có Đại tướng Mikhail Mizintsev - người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát quốc phòng Nga, Giám đốc điều hành Gazprom-Media Alexander Zharov, Giám đốc điều hành RT Alexei Nikolov và người đứng đầu kênh Sputnik International Anton Anisimov.

Trước đó, ngày 30/3, Người phát ngôn Nhà Trắng Kate Bedingfield cho biết Mỹ đang xem xét các phương án mở rộng trừng phạt đối với Nga và sẽ thông báo chi tiết trong những ngày tới. (Reuters/AFP)

Trả đũa, Trung Quốc hạn chế cấp thị thực cho các quan chức Mỹ

Trung Quốc chiều 31/3 tuyên bố sẽ hạn chế thị thực của các quan chức Mỹ, nhằm đáp trả các động thái tương tự của Washington.

Quyết định hạn chế thị thực đối với các quan chức Mỹ vừa được Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân công bố kèm theo lời chỉ trích Washington “ngụy tạo những lời nói dối tồi tệ khi viện cớ các vấn đề nhân quyền và lấy đó làm lý do can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc”.

Ông tuyên bố: “Căn cứ các quy định liên quan trong Luật chống trừng phạt của nước ngoài, Trung Quốc quyết định áp dụng các biện pháp hạn chế thị thực đối đẳng đối với các quan chức Mỹ, những người ngụy tạo những lời nói dối về vấn đề nhân quyền liên quan đến Trung Quốc, thúc đẩy các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc và gây tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc”. (THX)

Trung Quốc hy vọng Mỹ áp dụng chính sách thương mại thực tế và hợp lý

Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 31/3 bày tỏ hy vọng Mỹ có thể áp dụng một chính sách thương mại thực tế và hợp lý đối với Trung Quốc.

Tuyên bố được đưa ra sau khi Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai cho biết Washington sẽ bảo vệ các lợi ích kinh tế của mình trước những tác động tiêu cực do chính sách kinh tế của Bắc Kinh.

Phát biểu họp báo, Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Shu Jueting cho biết hiện các nhóm đàm phán thương mại của Mỹ và Trung Quốc vẫn duy trì liên lạc bình thường. Trung Quốc hy vọng Mỹ có thể thúc đẩy quan hệ thương mại song phương phát triển lành mạnh và ổn định. (Reuters)

Trung Quốc và Quần đảo Solomon đạt thỏa thuận an ninh song phương

Trong tuyên bố ngày 31/3, Văn phòng Thủ tướng Quần đảo Solomon cho biết Honiara và Bắc Kinh đã có được những yếu tố ban đầu để xây dựng Khung Hợp tác an ninh song phương. Hiện thỏa thuận này cần được bộ trưởng ngoại giao hai nước ký kết theo quy định.

Theo bản dự thảo thỏa thuận, khung hợp tác này cho phép Trung Quốc thực hiện các chuyến thăm Quần đảo Solomon bằng tàu thủy, triển khai hậu cần bổ sung và có thể dừng nghỉ hoặc chuyển tiếp ở quốc gia này.

Thỏa thuận cũng cho phép triển khai cảnh sát vũ trang Trung Quốc tại Quần đảo Solomon để đảm bảo trật tự trị an. Các lực lượng này được phép hành động để bảo vệ an toàn cho các nhân viên Trung Quốc và các dự án lớn tại quần đảo này. (THX)

Lãnh đạo Armenia, Azerbaijan lên kế hoạch hội đàm với EU làm trung gian

Lãnh đạo Armenia và Azerbaijan sẽ gặp nhau tuần tới để có các cuộc đàm phán do Liên minh châu Âu (EU) làm trung gian tại Brussels (Bỉ) trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trở lại tại khu vực Nagorny-Karabakh.

Phát biểu tại cuộc họp nội các ngày 31/3, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan thông báo: "Tôi có kế hoạch gặp Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev tại Bỉ vào ngày 6/4 tới”.

Ông cũng bày tỏ hy vọng hai bên có thể “nhất trí về tất cả các vấn đề liên quan đến việc khởi động các cuộc đàm phán hòa bình”. Thủ tướng Pashinyan nhấn mạnh Armenia sẵn sàng ký một thỏa thuận hòa bình với Azerbaijan và khởi động đàm phán ngay lập tức.

Hiện chưa có xác nhận từ phía Azerbaijan, tuy nhiên EU cho biết các quan chức cấp cao của Armenia và Azerbaijan đã gặp nhau tại Brussels ngày 30/3 để chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh nói trên. (AFP)

Iran chỉ trích biện pháp trừng phạt mới của Mỹ

Ngày 31/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran, ông Saeed Khatibzadeh, tuyên bố việc Mỹ áp đặt biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Tehran thể hiện Washington tiếp tục vi phạm nghị quyết của Liên hợp quốc (LHQ) về thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

Trước đó, Bộ Tài chính Mỹ ngày 30/3 thông báo sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với ông Mohammad Ali Hosseini và mạng lưới công ty thu mua vật liệu của ông này vì hỗ trợ chương trình tên lửa đạn đạo của Iran. Các biện pháp trừng phạt cũng nhằm vào công ty Parchin Chemical Industries của Iran.

Theo ông Khatibzadeh, động thái trên cho thấy Mỹ tiếp tục theo đuổi chính sách gây sức ép tối đa đối với Iran. (IRNA)

Tổng thống đắc cử Hàn Quốc thúc đẩy quan hệ với châu Âu

Ngày 31/3, Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã điện đàm với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen. Hai bên nhất trí cố gắng tổ chức một hội nghị thượng đỉnh ở Hàn Quốc trong nửa cuối năm nay.

Người phát ngôn của ông Yoon Suk-yeol, bà Kim Eun-hye, cho biết trong cuộc điện đàm đầu tiên với bà Ursula von der Leyen, Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol khẳng định cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine là "không thể biện minh được", đồng thời nhấn mạnh phản ứng thống nhất của cộng đồng quốc tế vì hòa bình ở Ukraine.

Về phần mình, bà Ursula von der Leyen cảm ơn Hàn Quốc đã tham gia trừng phạt Nga và cung cấp viện trợ nhân đạo cho Ukraine, coi Seoul như một "đối tác chiến lược" của châu Âu.

Hai bên cam kết sẽ hợp tác để giải quyết những thách thức lớn trong khu vực, bao gồm vấn đề Triều Tiên và Ukraine, đồng thời mở rộng quan hệ đối tác trong lĩnh vực y tế, môi trường và chuyển đổi kỹ thuật số. (Yonhap)

Thủ tướng Campuchia Hun Sen sẽ tái ửng cử

Phát biểu tại lễ khánh thành cầu vượt và hầm chui Chom Chao ở thủ đô Phnom Penh ngày 31/3, Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) tuyên bố sẽ tiếp tục là ứng cử viên Thủ tướng trong cuộc bầu cử tiếp theo, dự kiến diễn ra vào năm 2023.

Ông Hun Sen cũng kêu gọi người dân hãy tiếp tục ủng hộ cho đảng CPP. Thủ tướng Campuchia cũng cho biết, con trai ông, Tướng Hun Manet sẽ là ứng cử viên dự bị. (Khmer Times)