Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Nga-EU: Nga sẽ không im lặng chịu đựng
Ngày 31/5, Sputnik dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, tình hình quan hệ giữa Nga với Liên minh châu Âu (EU) rất đáng báo động.
Ngoại trưởng Nga nêu rõ: "Châu Âu đang trải qua một cuộc khủng hoảng niềm tin chưa từng có. Ở châu Âu lại đang có những đường phân chia được dựng lên, chúng di chuyển về phía Đông và ngày càng sâu, về bản chất không khác gì chiến hào".
Theo nhà ngoại giao Nga, các cơ chế hợp tác có cấu trúc liên quan đến Nga giữa EU và NATO đã dần mất đi giá trị.
Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Lavrov khẳng định, Moscow sẵn sàng hợp tác trung thực, nhưng sẽ không im lặng chịu đựng những bước đi không thân thiện mà EU đang chuẩn bị nhằm chống lại Nga.
Ngoại trưởng Nga cho hay: "Chúng tôi biết có rất nhiều người ở châu Âu nhận thức được rằng, đối đầu với Nga là phản tác dụng và chúng tôi hy vọng lẽ thường sẽ thắng, chúng ta sẽ có thể bắt đầu phát triển một mô hình quan hệ cân bằng mới dựa các nguyên tắc của luật pháp quốc tế".
Nga-NATO: Nga thành lập 20 đơn vị quân sự mới nhằm đối phó với NATO
Ngày 31/5, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết, Bộ Quốc phòng nước này sẽ triển khai khoảng 20 đơn vị quân sự mới tại Quân khu miền Tây vào cuối năm nay nhằm đối phó với các động thái của các nước trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Bộ trưởng Shoigu nêu rõ: "Hành động của các nước phương Tây đã phá hủy các hệ thống an ninh toàn cầu và buộc chúng ta phải thực các biện pháp phản ứng tương ứng. Chúng ta liên tục nâng cao khả năng chiến đấu của các binh sĩ".
Bên cạnh đó, ông Shoigu cũng cho biết, các binh sĩ ở Quân khu miền Tây sẽ được trang bị khoảng 2.000 trang thiết bị quân sự.
Ở Bắc Cực, Nga cũng liên tục củng cố nhóm không quân nhằm kiềm chế sự mở rộng của NATO thông qua việc duy trì sự hiện diện không chỉ có máy bay chiến đấu mà còn cả máy bay tiêm kích-ném bom đa năng Su-34. (Sputnik)
Nga-Mỹ: Nga đưa cảnh báo trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh với Mỹ
Ngày 31/5, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết, nước này sẽ gửi tới Mỹ những tín hiệu "không dễ chịu" trong những ngày tới.
Ông Ryabkov đồng thời cho rằng, Washington không sẵn sàng thảo luận tất cả các vấn đề tại cuộc họp thượng đỉnh song phương diễn ra trong tháng 6 tới.
Phát biểu trên được ông Ryabkov đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông sẽ hối thúc người đồng cấp Nga Vladimir Putin tôn trọng nhân quyền trong cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới. (Reuters)
Mỹ và Đan Mạch do thám châu Âu
Ngày 30/5, truyền thông Đan Mạch và châu Âu đưa tin, trong giai đoạn 2012-2014, tình báo Mỹ đã tiến hành do thám các chính trị gia hàng đầu châu Âu, trong đó có Thủ tướng Đức Angela Merkel, với sự hỗ trợ của tình báo Đan Mạch.
Pháp nói "vô cùng nghiêm trọng", Đức tìm cách xác minh
Ngày 31/5, chính phủ Pháp cho rằng, những cáo buộc của truyền thông châu Âu về việc Mỹ do thám các chính trị gia hàng đầu châu Âu với sự hỗ trợ của tình báo Đan Mạch là vấn đề "vô cùng nghiêm trọng" nếu được chứng minh là đúng.
Bộ trưởng các vấn đề châu Âu của Pháp Clement Beaune cho rằng: "Cần xem là các đối tác trong EU, ở đây là Đan Mạch, có phạm sai lầm hoặc lỗi gì không trong hợp tác của họ với các cơ quan của Mỹ".
Bộ trưởng Pháp cho rằng các thông tin trên trước hết phải "được xác minh" và sau đó là "rút ra các kết luận theo những điều khoản hợp tác".
Trong khi đó, người phát ngôn chính phủ Đức Steffen Seibert cho biết, nước này đã ghi nhận thông tin và đang liên lạc với tất cả các cơ quan quốc gia và quốc tế có liên quan để làm rõ. (AFP, Reuters)
Bán đảo Triều Tiên: Triều Tiên chỉ trích Mỹ, cảnh báo 'gieo gió gặt bão'
Ngày 31/5, Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đăng tải bài bình luận cho rằng, quyết định bãi bỏ “những nguyên tắc chỉ đạo về tên lửa” của Mỹ đối với Hàn Quốc là một “lời nhắc nhở rõ ràng” về cách tiếp cận thù địch của Washington đối với Bình Nhưỡng.
Theo tác giả, động thái này nhằm mục đích kích động cuộc chạy đua vũ trang trên Bán đảo Triều Tiên và các nước láng giềng khác.
Bài báo này cũng khẳng định, mục tiêu của Triều Tiên không phải là Hàn Quốc, mà là Mỹ, "quốc gia đang lên kế hoạch sử dụng Seoul để đạt được mục đích bá chủ".
Tuy nhiên, tác giả bài báo cho rằng, Mỹ sẽ chỉ “gieo gì gặt nấy", đồng thời Mỹ và Hàn Quốc "không có quyền bàn luận về việc Triều Tiên tăng cường khả năng quốc phòng hay việc vi phạm các nghị quyết của Liên hợp quốc".
Trong khi đó, ngày 31/5, Hàn Quốc tuyên bố sẽ thúc đẩy phát triển đa dạng nền tảng phóng các phương tiện vào không gian từ trên không và trên biển, sau khi Mỹ dỡ bỏ tất cả hạn chế đối với tên lửa của nước này. (Yonhap, Sputnik)
Hy Lạp-Thổ Nhĩ Kỳ: Tranh cãi về cộng đồng Hồi giáo thiểu số
Ngày 30/5, Hy Lạp đã phản ứng giận dữ trước tuyên bố của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, trong đó mô tả các thành viên của cộng đồng Hồi giáo thiểu số ở khu vực Thrace, miền Bắc Hy Lạp, là người Thổ Nhĩ Kỳ và cho rằng, những người này không được hưởng các quyền dân sự đầy đủ.
Hy Lạp muốn hỏa giải "các bất đồng nghiêm trọng" với Thổ Nhĩ Kỳ
Ngày 31/5, Ngoại trưởng Hy Lạp Nikos Dendias cam kết nỗ lực khắc phục "những bất đồng nghiêm trọng" còn tồn tại với Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc gặp người đồng cấp nước này Mevlut Cavusoglu nhằm cài đặt lại quan hệ sau cuộc tranh cãi công khai giữa hai nước tháng trước.
Ngoại trưởng Dendias cho biết, cuộc hội đàm với người đồng cấp Cavusoglu mang đến cơ hội lên kế hoạch tổ chức cuộc gặp giữa Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan bên lề Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Brussels sắp tới.
Phát biểu họp báo sau cuộc gặp, ông Dendias nói: "Chúng tôi biết rõ sự bất đồng này, và trong một số vấn đề rất nghiêm trọng, ông ấy hoàn toàn phản đối quan điểm mà chúng tôi đưa ra... Mục đích của cuộc gặp hôm nay là cố gắng tiến tới một tiến trình thương lượng ban đầu và nếu có thể, sẽ dần dần bình thường hóa tình hình theo thời gian". (Reuters)
Thổ Nhĩ Kỳ phớt lờ lo ngại của Nga, chuẩn bị khởi công kênh đào Istanbul
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho hay, vào khoảng cuối tháng 6, kênh đào Istanbul bỏ qua eo biển Bosphorus sẽ bắt đầu được đặt "viên gạch khởi công", bỏ qua lo ngại của chính quyền Nga đối với dự án này,
Dự kiến, công trình xây dựng kênh đào rộng khoảng 150m và sâu 25m sẽ hoàn thành vào năm 2023. Hồi năm 2019, Thổ Nhĩ Kỳ công bố tổng chi phí dự án ước tính là 13 tỷ USD. (Sputnik)
Israel: Sự nghiệp Thủ tướng của ông Netanyahu sắp chấm dứt?
Tối 30/5, thủ lĩnh đảng cánh hữu Yamina Naftali Bennett tuyên bố sẽ đàm phán với liên minh đối lập Yesh Atid của ông Yair Lapid, người đang được giao nhiệm vụ thành lập chính phủ mới sau khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thất bại trong nhiệm vụ này.
Nếu thỏa thuận giữa hai thủ lĩnh Bennett và Lapid được các bên thống nhất, chính phủ mới sẽ được thành lập, tránh cho Israel rơi vào tình huống bầu cử lần thứ 5 và sẽ chấm dứt sự nghiệp thủ tướng kéo dài kỷ lục của ông Netanyahu. (The Guardian)
Australia-New Zealand: Thủ tướng hai nước hội đàm
Ngày 31/5, Thủ tướng Australia Scott Morrison và người đồng cấp New Zealand Jacinde Ardern đã có cuộc hội đàm trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của ông Morrison tới Wellington.
Tại cuộc họp báo sau hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã ra tuyên bố chung gồm 51 điểm, trong đó khẳng định, New Zealand và Australia sẽ luôn giữ mối quan hệ "gia đình" thân thiết, cùng hướng tới mục tiêu duy trì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở và hòa bình;
Hai nước "quan ngại nghiêm trọng” đối với những diễn biến ở Biển Đông, "bao gồm cả việc tiếp tục quân sự hóa các địa điểm tranh chấp và tăng cường các hoạt động gây bất ổn biển".
Hai nhà lãnh đạo cũng đề cập một số vấn đề nóng như Hong Kong, Tân Cương và quan hệ với Trung Quốc.
Iran:
Pháp-Iran rơi vào căng thẳng mới
Ngày 30/5, thông tin các công tố viên Iran xác nhận, công dân Pháp Benjamin Briere bị bắt giữ tại nước Cộng hòa Hồi giáo này với cáo buộc cố tiến hành các hoạt động gián điệp và "tuyên truyền chống chính quyền" được tiết lộ.
Phản ứng trước thông tin trên, Bộ Ngoại giao Pháp tuyên bố, những cáo buộc mà Iran đưa ra là “không thể hiểu nổi”. (AFP)
Đàm phán hạt nhân Iran: Còn nhiều vấn đề tồn đọng
Ngày 31/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh cho biết, nước này và 6 cường quốc đã đạt được những tiến triển đáng kể trong các cuộc đàm phán nhằm hồi sinh thỏa thuân hạt nhân năm 2015 song vẫn còn nhiều vấn đề quan trọng cần được giải quyết.
Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Khatibzadeh nêu rõ: "Mỗi vòng đàm phán ở Vienna đều có thể là vòng đàm phán cuối cùng. Chúng ta không nên vội vàng. Chúng tôi đã đạt được những bước tiến đáng kể nhưng vẫn còn những vấn đề quan trọng. Không có điểm bế tắc trong các cuộc đàm phán ở Vienna".
Theo quan chức ngoại giao này: "Tất cả các lệnh trừng phạt cần được dỡ bỏ và sau đó phải được Iran xác nhận, sau đó chúng tôi sẽ đảo ngược các hoạt động hạt nhân". (Reuters)
Bầu cử Iran: Cảnh báo các ứng cử viên tổng thống về “giới hạn đỏ”
Ngày 30/5, Tổng Chưởng lý Iran Ali Alqassi-Mehr cảnh báo: “Các ứng cử viên tổng thống tham gia tranh cử không nên vượt qua những giới hạn đỏ của chế độ trong các chiến dịch và bài phát biểu của họ”.
Theo ông Alqassi-Mehr, những người vi phạm sẽ “cương quyết bị phản đối”, đồng thời cảnh báo nghiêm khắc đối với bất cứ hành vi nào tấn công vào “uy tín” của hệ thống tư pháp Iran.
Tại Iran, hiện tồn tại một số vấn đề được cho là “giới hạn đỏ”, trong đó có hành động đặt ra nghi vấn đối với giáo luật Velayat-e faqih (Quyền giám hộ của Luật gia Hồi giáo) - vốn thiết lập quyền lực tôn giáo đối với chính trị.
Ngày 18/6, người dân Iran sẽ tham gia cuộc bầu cử để lựa chọn người kế nhiệm Tổng thống Hassan Rouhani, trong bối cảnh tình trạng bất bình lan rộng trước cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội trầm trọng ở quốc gia Trung Đông.
Hội đồng Giám hộ Iran đã phê chuẩn 7 ứng cử viên chủ yếu theo đường lối bảo thủ cực đoan chạy đua trong cuộc bầu cử từ danh sách gồm khoảng 600 ứng viên. (AFP)