📞

Tin thế giới 31/7: Nga nói NATO ‘bỏ phí’ nguồn lực, Trung Quốc có thêm đối tác chiến lược từ châu Âu

Minh Vương 20:35 | 31/07/2023
Tác động của bầu cử Mỹ tới xung đột Nga-Ukraine, Hàn Quốc ‘lấy làm tiếc’ khi Triều Tiên duyệt binh… là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.
Ông Tan Kin Lian là người thứ 4 tham gia tranh cử vị trí Tổng thống Singapore. (Nguồn: Getty Images)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Nga-Ukraine

* Nga tăng cường tấn công cơ sở hạ tầng quân sự Ukraine: Ngày 31/7, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho hay: “Trong bối cảnh cái gọi là chiến dịch phản công không thành công, chính quyền Kiev, với sự hỗ trợ của các nhà tài trợ phương Tây, đã tập trung vào việc thực hiện các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào cơ sở hạ tầng dân sự ở các thành phố và thị trấn Nga”.

Ông khẳng định trước tình hình đó, quân đội Nga đã gia tăng cường độ tấn công các cơ sở quân sự của Ukraine, bao gồm cơ sở đứng sau các vụ tấn công khủng bố vào Nga. (AFP/Sputnik)

* Nga: NATO “bỏ phí” nguồn lực khi hỗ trợ chiến dịch phản công của Ukraine: Ngày 31/7, đề cập chiến dịch phản công của Ukraine, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang “bỏ phí” nguồn lực khi viện trợ quân sự cho Ukraine.

Ông nêu rõ: “Kiev không đạt được bất kỳ thành công nào. Hơn nữa, Ukraine đang ở trong một tình thế rất, rất khó khăn. Chiến dịch quân sự đặc biệt vẫn sẽ tiếp tục. Rõ ràng là, cuộc phản công của Ukraine không diễn ra theo đúng cách họ mong muốn”.

Ông cũng cho biết, Nga sẽ áp dụng các biện pháp bổ sung để phòng thủ trước các máy bay không người lái (UAV) Ukraine. Theo ông, Nga và Ukraine chưa thể nhất trí về một giải pháp hòa bình.

Ngoài ra, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay, Nga sẽ tìm hiểu mục đích cuộc thảo luận sắp tới được cho là đã lên kế hoạch ở Saudi Arabia. Trước đó, cuối tuần qua, tờ Wall Street Journal (Mỹ) đưa tin Riyadh sẽ mời các nước phương Tây, đại diện của Kiev và các quốc gia đang phát triển có tiếng nói quan trọng tới dự cuộc thảo luận. Theo tờ này, chính quyền Kiev và các nước phương Tây hy vọng cuộc thảo luận, vốn loại trừ Nga, có thể tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế đối với các điều kiện hòa bình có lợi cho Ukraine. (Reuters/Sputnik)

* Tác động của bầu cử Mỹ tới xung đột Nga-Ukraine: Ngày 31/7, trả lời phỏng vấn trang tin aif.ru (Nga), Phó Chủ tịch Hội đồng Thượng viện Nga Konstantin Kosachev nêu rõ: “Đây là một tình huống nguy hiểm, người Mỹ không ngại sử dụng chính sách đối ngoại trong cuộc cạnh tranh giữa các đảng. Nếu một trong các đảng cảm thấy cần phải leo thang tình hình Ukraine để giành nhiều phiếu hơn tại bầu cử, họ sẽ làm như vậy”.

Theo ông, nguy cơ xung đột quân sự leo thang hơn thông qua các vũ khí hạng nặng có thể làm tăng khả năng sử dụng hạt nhân: “May mắn là chúng ta chưa đạt đến ngưỡng đó. Tuy nhiên, nguy cơ đang cận kề rất cao”.

Theo Chủ tịch Thượng viện Konstantin Kosachev, Washington đã thuyết phục Kiev từ bỏ đàm phán với Moscow vào năm ngoái và sẽ chưa thể trở lại. Ông lưu ý: “Đàm phán đã bắt đầu tháng Ba năm ngoái, nhưng bị cản trở bởi ảnh hưởng bên ngoài tới Ukraine. Sau đó, bằng một sắc lệnh, Tổng thống Zelensky đã cấm chính ông và tất cả các nhà chức trách Ukraine khác tham gia vào các cuộc đàm phán như vậy. Tất nhiên, đây là quyết định do phía Mỹ đưa ra. Họ có thể đảo ngược quyết định, nhưng tôi chưa thấy ý định đó”. (TASS)

Đông Nam Á

* Lộ diện ứng cử viên thứ 4 cho vị trí Tổng thống Singapore: Ngày 31/7, truyền thông Singapore đưa tin, trong một thông báo đưa ra vào cuối ngày 30/7, ông Tan Kin Lian cho biết, ông đã nộp hồ sơ vào ngày 11/7 và sẽ đợi Ủy ban bầu cử Tổng thống (PEC) xác nhận có những ứng cử viên nào đủ tư cách trước khi quyết định có chính thức nộp hồ sơ đề cử vào Ngày đề cử hay không.

Ông Tan Kin Lian, 75 tuổi, từng là Giám đốc Điều hành của NTUC Income từ 1977-2007 và từng ra tranh cử tổng thống năm 2011. Khi đó, ông Tan Kin Lian phải đối mặt với 3 ứng viên khác và chỉ nhận được 4,91% số phiếu bầu. Ứng viên chiến thắng bầu cử 2011 là ông Tony Tan, giành được 35,2% số phiếu .

Cũng trong tuyên bố của mình, ông Tan cho rằng trong số 3 ứng cử viên đã công bố, chỉ có cựu Bộ trưởng cấp cao Tharman Shanmugaratnam có thể đáp ứng được các tiêu chí. Trong khi đó, hai ứng cử viên khác, ông George Goh và ông Ng Kok Song chưa rõ liệu có đáp ứng được các tiêu chí hay không.

Cụ thể, để tranh cử tổng thống tại Singapore, ứng viên phải là công dân Singapore, đủ 45 tuổi tính tới Ngày đề cử. Nếu từ ngạch công, ứng viên phải từng nắm giữ các vị trí cao cấp trong chính quyền. Nếu ứng viên xuất thần từ ngạch tư nhân, họ phải là lãnh đạo của một công ty có vốn cổ đông không dưới 500 triệu SGD (376 triệu USD), kinh doanh có lãi trong 3 năm qua. (TTXVN)

* Chính quyền quân sự Myanmar kéo dài tình trạng khẩn cấp: Ngày 31/7, Hội đồng Quốc phòng và An ninh quốc gia Myanmar nhất trí kéo dài tình trạng khẩn cấp thêm 6 tháng. Theo đài truyền hình quốc gia MRTV (Myanmar), quyền Tổng thống Myint Swe, người đứng đầu Hội đồng, đã công bố quyết định trên. (AFP)

Đông Bắc Á

* Trung Quốc, Georgia nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược: Ngày 31/7, Tân Hoa xã (Trung Quốc) đăng tải tuyên bố chung của chính phủ nước này và Georgia.

Theo đó, từ ngày 26/7 đến ngày 1/8, Thủ tướng Georgia Irakli Garibashvili đã ở thăm Trung Quốc và tham dự lễ khai mạc Đại hội Thể thao các trường đại học thế giới FISU lần thứ 31 tại Thành Đô. Trong chuyến thăm, Thủ tướng Irakli Garibashvili đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Thành Đô và gặp Thủ tướng Lý Cường tại Bắc Kinh. Hai bên đã đi sâu trao đổi về quan hệ song phương và các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm và đạt đồng thuận rộng rãi. Hai bên quyết định nâng quan hệ song phương lên đối tác chiến lược.

Trung Quốc và Georgia chia sẻ quan điểm rằng, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 9/6/1992, hai bên đã đạt nhiều kết quả tốt đẹp trên các lĩnh vực hợp tác. Trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực diễn biến phức tạp, hai bên chia sẻ cam kết mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế và văn hóa, tăng cường hợp tác trong vấn đề quốc tế, làm sâu sắc hơn quan hệ song phương, vì hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và thế giới. (Reuters/Tân hoa xã)

* Hàn Quốc lấy làm tiếc” về cuộc duyệt binh của Triều Tiên: Ngày 31/7, người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc Koo Byoung Sam nêu rõ: “Chúng tôi bày tỏ sự tiếc nuối sâu sắc về cách Triều Tiên tiếp tục phát triển hạt nhân và có thái độ đối đầu thay vì tìm kiếm phi hạt nhân hóa và hòa bình, mặc dù năm nay đánh dấu kỷ niệm 70 năm hiệp định đình chiến”. Lưu ý rằng Triều Tiên đã thực hiện các hành động quân sự, bao gồm cả các vụ phóng thử tên lửa, quan chức này kêu gọi Triều Tiên ngừng phát triển hạt nhân và chọn con đường “đúng đắn”.

Trước đó, tối ngày 27/7, dưới sự chứng kiến của nhà lãnh đạo Kim Jong-un và quan chức cấp cao Trung Quốc và Nga, Triều Tiên đã tiến hành cuộc duyệt binh. Hoạt động này chứng kiến sự xuất hiện của các vũ khí hiện đại nhất như tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-18, máy bay trinh sát và một số UAV. (Yonhap)

Châu Âu

* Nga nêu điều kiện rút vũ khí hạt nhân chiến thuật khỏi Belarus: Ngày 31/7, ông Alexei Polishchuk, Giám đốc Vụ SNG II, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố: “Việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga trên lãnh thổ Belarus là lời đáp trả đối với chính sách hạt nhân gây bất ổn lâu dài của NATO và Washington, cũng như thay đổi cơ bản xảy ra gần đây ngay trong chính vấn đề an ninh châu Âu”.

Nhà ngoại giao này lưu ý rằng, biện pháp ngăn chặn bắt buộc trên là nhằm mục đích bảo đảm an ninh cho Nhà nước Liên minh Nga-Belarus. Do đó, theo ông Polishchuk, phương án rút vũ khí hạt nhân khỏi lãnh thổ Belarus chỉ có thể thực hiện nếu Mỹ và NATO thay đổi chính sách và loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân của Mỹ cũng như cơ sở hạ tầng tương ứng khỏi châu Âu.

Hồi đầu năm nay, Moscow và Minsk đã nhất trí về việc chuyển giao vũ khí hạt nhân chiến thuật cho Belarus. Theo Tổng thống Vladimir Putin, việc xây dựng kho chứa ở Belarus đã hoàn thành vào ngày 1/7. Ông lưu ý, Moscow không vi phạm bất kỳ nghĩa vụ quốc tế nào và đang làm những gì Washington đã làm trong nhiều thập kỷ, đó là triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của mình ở châu Âu.

Vào tháng 4, lực lượng vũ trang Belarus đã tiếp nhận tổ hợp tên lửa chiến thuật Iskander-M có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Ngoài ra, một bộ phận máy bay tấn công mặt đất cũng đã được chuyển đổi để mang vũ khí hạt nhân. (Sputnik)

* Ngoại trưởng Anh hối thúc tăng cường hợp tác với châu Phi: Ngày 31/7, trả lời phỏng vấn tờ Financial Times (Anh), Ngoại trưởng Anh James Cleverly nhấn mạnh: “Nếu các quốc gia (châu Phi) lo ngại về an ninh nội bộ và khả năng tự vệ, chúng ta cần nhận ra điều đó và nên tìm cách đối thoại với họ về các biện pháp an ninh thực sự bền vững”.

Theo đó, ông sẽ xem xét nghiêm túc bất kỳ yêu cầu nào từ các nhà lãnh đạo trong khu vực để “phối hợp nhằm xây dựng năng lực và huấn luyện với các lực lượng vũ trang Anh”. Nhà ngoại giao này khẳng định thêm rằng quân đội Anh có thể “xuất khẩu” sang lục địa này sự chuyên nghiệp và tôn trọng luật pháp quốc tế.

Ông Cleverley đánh giá hiện một số nước châu Phi đã nhận “những lời đề nghị có vẻ hấp dẫn” từ Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên, theo nhà ngoại giao này, hợp tác giữa châu Phi-Nga-Trung Quốc sẽ sớm thay đổi. Ông giải thích: “Về Trung Quốc, tôi đã nói chuyện với các nhà lãnh đạo châu Phi. Có một số người không thoải mái với mức độ mắc nợ của họ, cũng như với việc chính quyền Trung Quốc không tham gia Câu lạc bộ Paris (gồm các quốc gia chủ nợ chủ yếu là phương Tây) chẳng hạn, khi đề cập cách bạn giải quyết nợ quốc gia”.

Dự kiến, trong tuần này, ông sẽ thăm Ghana, Nigeria và Zambia để thảo luận về “quan hệ đối tác hướng tới tương lai, cùng có lợi” giữa Anh và châu Phi. (Financial Times)

Trung Đông-Châu Phi

* Israel sẽ không nhượng bộ về Palestine Saudi Arabia: Ngày 31/7, phát biểu trên đài phát thanh Kan, bà Orit Strook, Bộ trưởng Sứ mệnh Quốc gia của Israel tuyên bố Chính phủ nước này sẽ không nhượng bộ về các vấn đề Palestine trong các cuộc đàm phán thiết lập quan hệ chính thức với Saudi Arabia.

Khi được hỏi liệu Israel có chấp nhận một số nhượng bộ trong chính sách về Palestine để nhận được sự đồng ý thiết lập quan hệ từ Saudi Arabia hay không, quan chức này khẳng định: “Chắc chắn chúng tôi không chấp nhận một điều kiện như vậy. Chúng tôi đã rút người. Chúng tôi đã ngừng xây dựng ở Bờ Tây. Đây là sự đồng thuận trong toàn bộ liên minh cánh hữu”.

Israel đang muốn thiết lập quan hệ với Saudi Arabia. Tuy nhiên, Riyadh đã nhiều lần nói rõ, để có được điều này, trước hết Nhà nước Do Thái phải giải quyết xong các vấn đề về Palestine. (Times of Israel)

* Tình hình Niger: Pháp không công nhận đảo chính, Đức chưa có kế hoạch sơ tán công dân: Ngày 31/7, Bộ Ngoại giao Pháp tuyên bố, chính quyền duy nhất mà Paris công nhận mang tính hợp pháp ở Niger là chính quyền của Tổng thống Mohamed Bazoum. Trong tuyên bố gửi cho hãng Reuters, bộ này nêu rõ: “Ưu tiên của chúng tôi là an ninh của công dân và các cơ sở của chúng tôi, điều không thể bị ảnh hưởng bởi tình hình bạo lực, theo luật pháp quốc tế”.

Tuy nhiên, Bộ này không xác nhận thông tin rằng có thể được chính phủ Niger ủy quyền để tấn công nhằm phóng thích ông Bazoum. Trước đó cùng ngày, chính quyền quân sự Niger cho rằng chính phủ bị lật đổ đã ủy quyền cho Pháp thực hiện cuộc tấn công vào phủ tổng thống hòng tìm cách phóng thích ông Bazoum.

Về phần mình, cùng ngày, một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức cho biết Berlin đã “đình chỉ tất cả các khoản thanh toán hỗ trợ trực tiếp cho chính quyền trung ương của Niger cho đến khi có thông báo mới”. Ngoài ra, Bộ Phát triển Đức cũng quyết định ngừng “hợp tác phát triển song phương” với quốc gia Tây Phi này. Quan chức này cảnh báo Berlin có thể thực hiện thêm các trừng phạt bổ sung.

Đồng thời, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức nêu rõ: “Theo đánh giá của chúng tôi về tình hình hiện nay, kế hoạch sơ tán vẫn chưa cần thiết”. Tuy nhiên, quan chức này khẳng định Berlin sẵn sàng ứng phó trong trường hợp leo thang ở Niger.

Trong phát biểu cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định, tình hình ở Niger “gây quan ngại nghiêm trọng”. Nga kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, và quay trở lại trật tự pháp lý nhanh nhất có thể. Ông Peskov nhấn mạnh: “Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên khôi phục nhanh chóng pháp quyền trong nước và kiềm chế để không gây thêm thương vong” (AFP/Reuters)