Chiếc máy bay vận tải quân sự khổng lồ C-17 của Mỹ đưa những binh lính cuối cùng rời khỏi Afghanistan ngày 31/8. (Nguồn: Sky News) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Mỹ hoàn tất rút quân ở Afghanistan: Thời khắc biểu tượng
Rạng sáng 31/8 (giờ Việt Nam), thời điểm chiếc máy bay C-17 khổng lồ sơ tán những công dân Mỹ cuối cùng rời sân bay gần Kabul, Afghanistan được coi là một dấu mốc mang tính biểu tượng khép lại cuộc chiến ở nước ngoài dài nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Cuộc chiến của Mỹ tại Afghanistan được cựu Tổng thống George Bush phát động 20 năm trước, sau vụ khủng bố 11/9/2001, ký ức đau thương với nhiều người Mỹ.
Qua bốn đời tổng thống, cuộc chiến khiến nước Mỹ tổn thất hàng nghìn tỷ USD, cướp đi sinh mạng của gần 2.500 binh sĩ Mỹ, hơn 1.000 binh sĩ các nước đồng minh phương Tây cùng hàng chục nghìn quân nhân và dân thường Afghanistan.
Mỹ hoàn tất việc rút quân, để lại một Afghanistan đối mặt rất nhiều thách thức như nguy cơ khủng bố, nội chiến... trong bối cảnh Taliban đang cố gắng xây dựng chính phủ mới sau khi giành quyền kiểm soát Kabul.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mới đây khẳng định, nước này không tin tưởng Taliban, song sẵn sàng hợp tác với phong trào này và chính phủ mới của Afghanistan nếu nhận thấy điều đó phù hợp với những lợi ích quốc gia của Washington.
Bên cạnh đó, như nhiều nước đồng minh vẫn chờ đợi hành động từ Taliban với các cam kết về quyền con người, về chống khủng bố..., Mỹ tuyên bố sẽ nhìn vào việc làm của Taliban chứ không phải lời nói.
Trong khi đó, vào thời điểm tiếp quản sân bay quốc tế ở Kabul, Taliban tuyên bố mong muốn xây dựng những "quan hệ tốt đẹp" với Mỹ và toàn thế giới.
Taliban kết thúc cuộc tham vấn về chính phủ mới, phe kháng chiến nêu điều kiện
Ngày 31/8, người phát ngôn Taliban Suhail Shaheen thông báo, cuộc tham vấn về chính phủ mới của Afghanistan đã kết thúc và kết quả sẽ sớm được công bố.
Trước đó, cùng ngày, Ngoại trưởng Pakistan Shah Mehmood Qureshi cũng tiết lộ, khả năng Afghanistan sẽ thành lập một chính quyền trong vài ngày tới.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Heiko Mass nhận định, Taliban dù đã cam kết thành lập chính phủ mới, song phải mất vài ngày và vài tuần nữa mới có thể biết liệu yêu cầu của các nước về việc thành lập một chính phủ toàn diện tại Afghanistan có được đáp ứng hay không.
Ông Mass cho hay, Đức sẽ đợi xem liệu chính phủ mới của Taliban có thực hiện cam kết cho phép người dân rời khỏi Afghanistan trên các chuyến bay từ sân bay ở Kabul hay không.
Trong diễn biến khác, phát biểu trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Foreign Policy được công bố ngày 30/8, thủ lĩnh lực lượng kháng chiến ở tỉnh Panjshir của Afghanistan Ahmad Massoud tuyên bố sẽ từ bỏ cuộc đấu tranh nếu Taliban thành lập một chính phủ đa đại diện và đảm bảo các quyền bình đẳng, tự do cho tất cả người dân quốc gia Tây Nam Á này. (Sputnik, Reuters)
"sử dụng ảnh hưởng của mình đối với Tổng thống Ukraine Vlodymyr Zelensky để thuyết phục nhà lãnh đạo này thực hiện thỏa thuận Minsk
Bầu cử Hạ viện Nga: Tổng thống Nga ghi điểm
Ngày 31/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh yêu cầu thanh toán một lần bằng tiền mặt 15.000 Ruble (200 USD) cho mỗi nhân viên thực thi pháp luật và quân nhân trong bối cảnh ông tìm kiếm sự ủng hộ dành cho đảng Nước Nga Thống nhất của mình trước thềm cuộc bầu cử quốc hội vào tháng tới.
Trước đó, Nga cũng thực hiện chính sách thanh toán một lần cho những người hưu trí 135 USD trước thềm cuộc bầu cử Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga vào tháng 9, trong bối cảnh sự ủng hộ danh cho đảng Nước Nga Thống nhất bị ảnh hưởng bởi giá cả tăng cùng với mức lương giảm.
Liiên quan cuộc bầu cử sắp tới, ông Vasily Piskaryov, Chủ tịch ủy ban đặc biệt của Hạ viện Nga cho hay, các cơ quan phương Tây thường xuyên tìm cách hạ thấp uy tín của Nga trước cuộc bầu cử.
Theo ông Piskaryov, phương Tây "thường xuyên khai thác vấn đề bị cho là vi phạm quyền dân chủ, kêu gọi bãi bỏ luật pháp Nga liên quan công tác chống chủ nghĩa cực đoan, chủ nghĩa khủng bố và cả các tổ chức không mong muốn, cũng như các cơ quan đại diện của nước ngoài”. (AFP, TASS)
Thụy Sỹ thẳng thừng từ chối yêu cầu dẫn độ doanh nhân Nga
Ngày 31/8, trong một email gửi hãng tin AFP, Thụy Sỹ thông báo đã từ chối yêu cầu của Moscow về việc dẫn độ doanh nhân Nga Vladislav Klyushin.
Lý do đưa ra là "những sự việc được miêu tả trong yêu cầu dẫn độ của Nga đều không bị trừng phạt theo luật pháp Thụy Sỹ".
Tuy nhiên, Bộ Tư pháp Thụy Sỹ đồng ý với yêu cầu tương tự của Washington muốn dẫn độ ông Klyushin sang Mỹ "trên cơ sở hiệp ước dẫn độ song phương giữa Berne và Washington".
Ông Klyushin đã phản đối động thái của Bern về việc dẫn độ sang Mỹ và kháng cáo lên tòa án tối cao của Thụy Sỹ.
Ông Klyushin, người bị buộc tội "giao dịch nội gián hàng chục triệu USD cùng với một số đồng phạm", đã bị bắt tại bang Wallis của Thụy Sỹ vào tháng 3.
Theo truyền thông đối lập Nga, doanh nhân này rất thân thiết với quan chức cấp cao của Điện Kremlin Alexey Gromov.
Ông này được cho là đứng đầu một số công ty, bao gồm cả nhóm M13 chuyên về các giải pháp công nghệ thông tin mảng giám sát truyền thông và tư vấn an ninh mạng. (TASS)
Mỹ-Trung Quốc: Trung Quốc đóng cửa Phòng Thương mại Mỹ tại Thành Đô
Ngày 31/8, Phòng Thương mại Mỹ ở thành phố Thành Đô, Tây Nam Trung Quốc, thông báo, giới chức nước sở tại yêu cầu văn phòng này "không thực hiện bất kỳ hoạt động nào nữa dưới tên Phòng Thương mại Mỹ tại Tây Nam Trung Quốc".
Tuy nhiên, thông báo trên không cho biết lý do cụ thể tại sao văn phòng vốn thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa Mỹ và khu vực này lại bị chỉ đạo dừng hoạt động.
Ông Benjamin Wang, người đứng đầu Phòng Thương mại Mỹ tại Thành Đô cho hay, họ đang thảo luận với các quan chức địa phương về sự đăng ký và phương hướng tương lai của phòng.
Theo ông Wang, Bộ Các vấn đề Dân sự Trung Quốc (MCA) dường như thực thi một quy tắc rằng, các nước chỉ duy trì duy nhất 1 phòng thương mại chính thức tại quốc gia này.
Tuy nhiên, MCA vẫn chưa đưa ra bình luận về vấn đề trên.
Phòng Thương mại Thành Đô không thuộc Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc.
Việc đóng cửa phòng thương mại này diễn ra chỉ hơn 1 năm sau khi Trung Quốc đóng cửa Lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô, nhằm đáp trả việc Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston bị đóng cửa một tuần trước đó. (Reuters)
Triều Tiên: Nhà Xanh, Nhà Trắng đồng loạt lên tiếng
Ngày 31/8, Phủ Tổng thống Hàn Quốc (Nhà Xanh) cho biết, những thông tin về việc Triều Tiên tiếp tục hoạt động hạt nhân cho thấy sự cấp thiết phải nối lại đối thoại với Bình Nhưỡng.
Trước đó, Nhà Trắng khẳng định, Mỹ sẽ tiếp tục tìm kiếm đối thoại với Triều Tiên nhằm thảo luận về một loạt vấn đề liên quan đến mục tiêu phi hạt nhân hóa.
Các tuyên bố trên được đưa ra sau khi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) công bố báo cáo hàng năm, trong đó nhận định rằng Triều Tiên dường như đã khởi động lại lò phản ứng hạt nhân sản xuất plutoni tại Yongbyon.
Tuy nhiên, cựu Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Lee Jong-seok nhận định, việc Triều Tiên tái khởi động lò phản ứng hạt nhân chuyên sản xuất plutonium là một "sự khiêu khích mức độ thấp" nhằm gây chú ý với Mỹ. (Yonhap)
Sân bay của Saudi Arabia bị tấn công
Ngày 31/8, liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu chống phiến quân Houthi ở quốc gia láng giềng Yemen cho biết, một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào sân bay Abha của Saudi Arabia đã làm 8 người bị thương, 1 máy bay dân sự bị hỏng.
Trong một tuyên bố trên kênh truyền hình chính thức Al-Ekhbariya, liên quân cho biết, sau cuộc tấn công trên, "một máy bay không người lái thứ 2 đã tìm cách tấn công sân bay quốc tế Abha đã bị đánh chặn và bắn hạ".
Các chuyến bay đã được tạm ngừng "để đảm bảo an toàn cho các chuyến bay đến và khởi hành, cũng như người dân tại sân bay".
Hiện phiến quân Houthi chưa có phản ứng về vụ việc. (AFP)
Khai mạc Hội nghị về Libya tại Algeria
Ngày 30/8, Ngoại trưởng các nước láng giềng của Libya đã bắt đầu nhóm họp tại thủ đô Algiers của Algeria, một phần trong những nỗ lực nhằm hỗ trợ Libya tổ chức tổng tuyển cử vào ngày 24/12 tới.
Hội nghị trên được tổ chức theo hình thức họp kín trong 2 ngày. Các Ngoại trưởng của Algeria, Libya, Ai Cập, Sudan, Niger, Chad và Congo với tư cách là chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Phi (AU) cùng Tổng Thư ký Liên đoàn Arab (AL) Ahmed Aboul Gheit, Ủy viên AU phụ trách các vấn đề chính trị, hòa bình và an ninh Bankole Adeoye và ông Jan Kubis - Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) tại Libya đã tham dự hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Ngoại trưởng Algeria Ramtane Lamamra khẳng định sự cần thiết phải “tiếp tục nỗ lực thống nhất các thể chế nhà nước ở Libya và đạt được mục tiêu hòa giải”, đồng thời tiếp tục vận động “rút lính đánh thuê và các lực lượng nước ngoài ra khỏi lãnh thổ Libya sớm nhất có thể”.
Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry cho rằng, sự tham gia của tất cả các nước láng giềng của Libya tại hội nghị Algiers sẽ góp phần củng cố những mục tiêu trên và cuối cùng sẽ mang lại hòa bình lâu dài ở nước này.
Trong khi đó, Đặc phái viên LHQ Jan Kubis nhấn mạnh, Libya cần phải nhanh chóng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để có thể tổ chức các cuộc bầu cử trong tháng 12 tới. (THX)