📞

Tin thế giới 3/6: Nga ‘bóng gió’ trước lúc Dòng chảy phương Bắc 2 cán đích; Mỹ đi 'nước' mới với Trung Quốc; Australia còn trừng phạt Myanmar?

Hoàng Hà 19:45 | 03/06/2021
Dòng chảy phương Bắc 2 sắp hoàn thành, quan hệ Nga-Mỹ, Mỹ-Trung Quốc, tình hình Myanmar, quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật-Hàn, bán đảo Triều Tiên... là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Dòng chảy phương Bắc 2 sắp cán đích, Nga 'bóng gió' với Mỹ

Ngày 3/6, hãng tin TASS dẫn lời Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết, tuyến đường ống khí đốt ngầm dưới Biển Baltic thuộc dự án Dòng chảy phương Bắc 2 chỉ còn phải xây dựng 100 km nữa là hoàn tất.

Cùng ngày, Đại diện thường trực của Nga tại Liên minh châu Âu Vladimir Chizhov cho biết, Moscow đã chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống Mỹ cố gắng cản trở việc cấp giấy chứng nhận cho Dòng chảy phương Bắc 2.

Ông Vladimir Chizhov chỉ ra rằng, châu Âu cũng cần Dòng chảy phương Bắc 2 không kém gì Nga, và một số công ty năng lượng lớn của châu Âu đang tham gia vào dự án, cùng với Gazprom của Nga. (Sputnik, Reuters)

Nga-Mỹ: Nga rút khỏi thỏa thuận 'vùng đất mở' hậu Chiến tranh Lạnh

Ngày 2/6, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết, nước này sẽ thông báo sớm rút khỏi thỏa thuận "vùng đất mởi" ký với Mỹ hậu Chiến tranh Lạnh.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã đề cập động thái này hồi tháng 4 như một phần của một loạt biện pháp trả đũa của Moscow với Washington sau khi Mỹ trục xuất 10 nhân viên Nga vì cáo buộc can thiệp bầu cử và các hành động ác ý khác.

Biên bản ghi nhớ năm 1992 về "vùng đất mở", được ký kết sau khi Liên Xô tan rã, đồng ý xóa bỏ các khu vực "đóng" trên lãnh thổ của nhau và cho phép các nhà ngoại giao khác đi lại mà không cần xin phép. (Reuters)

Nga, Đức nối lại các chuyến bay sau sự cố không cấp phép bay

Ngày 2/6, phát ngôn viên hãng hàng không Đức Lufthansa cho biết, Nga đã cấp phép cho Lufthansa thực hiện các chuyến bay tới Nga trong cả tháng 6 này, trong khi đó, hai hãng hàng không Nga là Aeroflot và S7 cũng thông báo nối lại các chuyến bay tới Đức trong tháng 6.

Các động thái diễn ra sau tranh cãi giữa hai bên khiến các chuyến bay nối hai nước không thể thực hiện trong nhiều giờ trước đó cùng ngày. (AFP)

Mỹ-Trung Quốc nối lại liên hệ bình thường về kinh tế, thương mại

Ngày 3/6, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, nước này và Mỹ đã nối lại các liên hệ, thảo luận bình thường trong lĩnh vực kinh tế và thương mại, nhất trí các nỗ lực chung nhằm giải quyết một cách thiết thực một số vấn đề đặc biệt.

Người phát ngôn bộ trên Cao Phong cho biết, việc liên lạc giữa hai bên "bắt đầu suôn sẻ, thẳng thắn, chuyên nghiệp, và trên tinh thần xây dựng, trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. (THX)

Ông Biden tính 'nước' mới với Trung Quốc

Bloomberg cho biết, Mỹ sẽ điều chỉnh danh sách các doanh nghiệp Trung Quốc thuộc diện bị trừng phạt tài chính, theo đó, Bộ Tài chính Mỹ sẽ lập ra một danh sách mới gồm phần lớn doanh nghiệp đã bị "điểm mặt" trong danh sách trừng phạt dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, nhưng sẽ bổ sung một số doanh nghiệp khác và thêm tiêu chí mới.

Ngoài ra, chính quyền của ông Biden cũng sẽ thay đổi tiêu chí để liệt một doanh nghiệp nào đó của Trung Quốc vào "danh sách đen" trừng phạt.

Sắc lệnh sửa đổi dự kiến được ông Biden ký trong tuần này.

Nếu chính quyền của ông Trump nhằm vào các doanh nghiệp thuộc quyền sở hữu, kiểm soát hoặc có mối liên hệ với quân đội Trung Quốc, thì sắp tới chính quyền của ông Biden sẽ nhắm đến các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ giám sát và quốc phòng của Trung Quốc.

Czech: Thủ tướng Babis bị điều tra

Văn phòng Công tố châu Âu (EPPO) sẽ tiếp nhận điều tra vụ việc liên quan đến cáo buộc Thủ tướng Czech Andrej Babis có xung đột lợi ích vẫn duy trì ảnh hưởng đối với Tập đoàn Agrofert do ông sáng lập trước đây, thậm chí ngay cả sau khi ông đã chuyển quyền sở hữu đối với tập đoàn này vào các quỹ ủy thác theo quy định của Luật Czech.

Trong khi đó, cảnh sát Czech đã đề xuất điều tra hình sự Thủ tướng nước này Andrej Babiš và quản lý cũ của công ty Agrofert, Jana Mayerová liên quan đến gian lận trợ cấp. (Reuters)

Tình hình Myanmar: Australia nêu lập trường, không áp thêm trừng phạt

Ngày 3/6, Ngoại trưởng Australia Marise Payne tuyên bố, nước này sẽ không áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với giới lãnh đạo quân sự của Myanmar bất chấp lập trường của các đồng minh toàn cầu.

Tại phiên điều trần trước Thượng viện Australia, Ngoại trưởng Payne lập luận rằng, các biện pháp trừng phạt sẽ hạn chế ảnh hưởng của Australia đối với vai trò lãnh đạo quân sự của Myanmar, vốn được thực hiện thông qua Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Bà Payne cho biết thêm, không có quốc gia nào trong khu vực thực hiện các biện pháp trừng phạt đối với chính quyền quân sự ở Myanmar và nhấn mạnh, chính phủ liên bang cam kết hỗ trợ các nỗ lực trong khu vực nhằm cải thiện tình hình ở Myanmar và hướng tới một giải pháp.

Các quan chức của Bộ Ngoại giao Australia cho rằng, sức ép từ nước ngoài không có tác động lớn đến chính quyền quân sự của Myanmar mà cần hành động thông qua các đối tác gần gũi trong khu vực.

Tuy nhiên, các quan chức này cũng nói rằng, việc áp đặt các biện pháp trừng phạt của Australia vẫn đang được "xem xét tích cực" và chưa được "loại trừ". (AAP)

Israel: Phe đối lập đạt thỏa thuận thành lập chính phủ mới

Tối 2/6, lãnh đạo đảng Yesh Atid đối lập Yair Lapid đã chính thức thông báo với Tổng thống và Chủ tịch Quốc hội Israel về việc đạt được thỏa thuận với các đảng phái liên minh để thành lập chính phủ mới, nhằm thay thế cho chính phủ hiện nay của Thủ tướng Benjamin Netanyahu.

Theo thỏa thuận giữa các bên, ông Lapid và lãnh đạo đảng Yamina Naftali Bennett sẽ luân phiên giữ cương vị thủ tướng trong chính phủ mới, được gọi là “chính phủ thay đổi”.

Nếu được Quốc hội Israel thông qua, chính phủ liên minh của 2 đảng Yesh Atid và Yamina sẽ đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp thủ tướng kéo dài kỷ lục 15 năm của ông Netanyahu. (Times of Israel)

Hội nghị thượng đỉnh Nhật-Mỹ-Hàn có thể sẽ diễn ra vào giữa tháng 6

Nhật báo Yomiuri dẫn các nguồn tin cho hay, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in có thể sẽ nhóm họp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7) ở Anh từ 11-13/6 tới.

Nếu diễn ra, đây sẽ là Hội nghị Thượng đỉnh Nhật-Mỹ-Hàn đầu tiên kể từ tháng 9/2017.

Theo báo Yomiuri, Mỹ đi đầu trong việc điều phối cuộc gặp thượng đỉnh ba bên này. Tại cuộc gặp sắp, ba nhà lãnh đạo có thể sẽ khẳng định nỗ lực hợp tác trong các vấn đề như tên lửa và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Ngoài ra, Thủ tướng Suga và Tổng thống Biden có thể sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh song phương bên lề Hội nghị G7. Trong khi đó, vẫn chưa rõ liệu các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc có gặp song phương hay không.

Mỹ-Nhật-Hàn chuẩn bị tập trận chung, truyền thông Triều Tiên lên án

Ngày 3/6, trang mạng tuyên truyền Meari của Triều Tiên đã lên án quyết định của Hàn Quốc tham gia cuộc tập trận Cờ đỏ Alaska (Red Flag-Alaska 21-2) dự kiến diễn ra ở Alaska (Mỹ) vào đầu tuần tới.

Cụ thể, trang mạng Meari cho rằng, quân đội Hàn Quốc đang ở tình trạng “nước sôi lửa bỏng” vì Mỹ "bị ám ảnh bởi kế hoạch xâm lược Triều Tiên" và "hiện thực hóa chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, nhấn mạnh rằng, mục tiêu tăng cường quan hệ an ninh gần đây giữa Seoul, Washington và Tokyo chắc chắn là nhắm tới Triều Tiên.

Trang mạng này cũng chỉ trích Hàn Quốc vì đã tham gia tổng cộng 153 cuộc tập trận chung trong năm 2020 bất chấp đại dịch Covid-19 lây lan phức tạp trên toàn cầu.

Sự kiện sắp tới là cuộc tập trận quân sự chung có quy mô lớn đầu tiên với sự tham gia của ba nước Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden. Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh Mỹ kêu gọi Hàn Quốc và Nhật Bản cải thiện quan hệ an ninh để đối phó tốt hơn với mối đe dọa Triều Tiên và Trung Quốc. (Yonhap)

Anh-EU đạt thỏa thuận về quyền đánh bắt cá năm 2021

Ngày 2/6, Ủy ban châu Âu thông báo, Liên minh châu Âu (EU) và Anh đã đạt được thỏa thuận về quyền đánh bắt cá năm 2021 trong cuộc điện đàm giữa Ủy viên châu Âu phụ trách Môi trường, Đại dương và Ngư nghiệp Virginijus Sinkevicius với Bộ trưởng Môi trường Anh George Eustice.

Thỏa thuận vừa đạt được đảm bảo quyền lợi cho các đội tàu đánh cá của EU và Anh hoạt động trong những vùng biển của EU và Anh cho tới cuối năm 2021.

Sản lượng đánh bắt cá của các đội tàu EU hoạt động trong vùng biển của Anh đạt giá trị khoảng 650 triệu USD mỗi năm. (AFP)

Iran và CH Trung Phi bị tước quyền bỏ phiếu tại Đại hội đồng LHQ

Trong bức thư gửi Chủ tịch ĐHĐ Volkan Bozkir, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres cho biết, hiện có 5 quốc gia thành viên bao gồm CH Trung Phi, Iran, Sao Tome và Principe, Comoros, Somalia chưa thanh toán khoản nợ đóng góp tổ chức này theo Điều 19 Hiến chương LHQ.

Tuy nhiên, ĐHĐ đã quyết định cho Sao Tome và Principe, Comoros, Somalia được quyền bỏ phiếu cho đến khi kết thúc kỳ họp này, trong khi đó, Iran và CH Trung Phi bị đình chỉ cho đến khi trả hết nợ.

Theo nội dung bức thư của ông Guterres, để khôi phục quyền này Iran cần đóng góp 16.251.298 USD, CH Trung Phi phải đóng góp 29.395 USD vào ngân sách của LHQ.

Các khoản đóng góp vào ngân sách thường xuyên của LHQ được tính theo GDP bình quân của quốc gia thành viên trong thời gian 10 năm, bao gồm cả thu nhập bình quân đầu người và nợ nước ngoài của quốc gia thành viên.

ĐHĐ có thể cho phép một quốc gia thành viên tiếp tục tham gia bỏ phiếu “nếu xét thấy sự chậm trễ trong việc đóng góp là do những hoàn cảnh xảy ra ngoài ý muốn của thành viên ấy”. (Sputnik)