Xung đột Nga-Ukraine đã bước sang ngày thứ 100. (Nguồn: Sky News) |
Belarus: Lệnh trừng phạt mở ra cơ hội hợp tác mới với Nga
Ngày 2/6, tại cuộc họp với Thống đốc vùng Leningrad (Nga), Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko khẳng định, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã tạo ra cơ hội mới cho Minsk và Moscow thúc đẩy hợp tác.
“Việc các công ty phương Tây rút khỏi thị trường chung đang mang lại cho chúng ta cơ hội trong mọi lĩnh vực”, ông Lukashenko cho biết.
Tổng thống Belarus tin rằng sự hợp tác của đất nước ông với khu vực Leningrad "có thể được mô tả đơn giản như một ví dụ hoàn hảo về cách hợp tác giữa hai nước”.
Cùng ngày, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố danh sách đen bao gồm 71 thực thể pháp lý từ Nga và Belarus, bao gồm một số nhà sản xuất máy bay và đóng tàu.
Các công ty trong danh sách đen trên thực tế sẽ không có quyền truy cập vào các công nghệ và phần mềm của Mỹ, ngay cả khi các sản phẩm sử dụng các công nghệ và phầm mềm này được sản xuất bởi các nước thứ ba. (TASS)
Nga tuyên bố chấm dứt MoU về hợp tác khoa học, văn hóa với Mỹ
Ngày 3/6, theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova, Bộ này đã thông báo cho phía Mỹ về việc chấm dứt biên bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác trong lĩnh vực khoa học, văn hóa, giáo dục và truyền thông kể từ ngày 1/6.
Phát biểu họp báo, bà Zakharova nêu rõ: "Việc duy trì biên bản ghi nhớ này trong tương lai đã mất đi ý nghĩa của nó. Công hàm liên quan kèm theo thông báo đã được chuyển cho Đại sứ quán Mỹ tại Moskva hôm 1/6 vừa qua". (Sputnik)
Ngoại trưởng Nga sắp thăm Serbia, Thổ Nhĩ Kỳ
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 3/6 thông báo, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sẽ thăm Serbia và Thổ Nhĩ Kỳ vào tuần tới.
Phát biểu họp báo, bà Zakharova nêu rõ: "Vào ngày 6-7/6, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga sẽ thăm Serbia. Dự kiến sẽ có cuộc gặp (giữa Ngoại trưởng Nga) với Tổng thống Serbia Alexandar Vucic, Ngoại trưởng, Chủ tịch Quốc hội Serbia".
Sau đó, Ngoại trưởng Lavrov sẽ thăm Ankara vào ngày 8/6 tới để thảo luận tình hình ở Ukraine với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu. (Sputnik)
EU thông qua gói trừng phạt thứ sáu nhằm vào Nga
Ngày 3/6, Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức thông qua gói trừng phạt thứ sáu nhằm vào Moscow, trong đó có cắt giảm dần lượng dầu nhập khẩu từ Nga và ngắt kết nối thêm nhiều ngân hàng Nga với hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.
Trong tuyên bố của mình, Hội đồng châu Âu nêu rõ: "Trong bối cảnh Nga tiếp tục cuộc chiến xâm lược Ukraine và Belarus lên tiếng ủng hộ cuộc chiến này, cũng như những hành động tàn bạo được cho là do các lực lượng vũ trang Nga thực hiện ở Ukraine, hôm nay Hội đồng châu Âu đã quyết định áp đặt gói trừng phạt kinh tế và cá nhân thứ sáu nhắm vào cả Nga và Belarus".
Gói trừng phạt mới nhất này bao gồm lệnh cấm "mua, nhập khẩu hoặc chuyển dầu thô và một số sản phẩm dầu mỏ nhất định từ Nga vào EU", với thời hạn cắt giảm lượng dầu của Nga "từ 6 tháng đối với dầu thô cho tới 8 tháng đối với các sản phẩm dầu mỏ tinh chế khác". (Sputnik)
LHQ: Cuộc chiến tại Ukraine không có người thắng cuộc
Ngày 3/6, Điều phối viên chuyên trách tình hình Ukraine của Liên hợp quốc Amin Awad khẳng định sẽ không có bên chiến thắng trong cuộc xung đột ở Ukraine, khi cuộc chiến đã bước sang ngày thứ 100 và các lực lượng Nga tiến sâu hơn vào khu vực Donbass.
Trong tuyên bố của mình, ông Awad nêu rõ: "Cuộc chiến này đã, đang và sẽ không có người chiến thắng. Thay vào đó, chúng ta phải chứng kiến những mất mát trong 100 ngày qua: mạng sống, nhà cửa và triển vọng. Cuộc chiến này gây ra tổn thất không thể chấp nhận được đối với dân thường và nhấn chìm gần như toàn bộ đời sống người dân. Chỉ trong vòng 3 tháng qua, gần 14 triệu người dân Ukraine đã buộc phải rời bỏ nhà cửa, đa số là phụ nữ và trẻ em. Chúng ta cần hòa bình. Cuộc chiến giờ đây phải chấm dứt".
Trước đó, chính quyền Kiev thông báo hiện Moscow đang kiểm soát 20% diện tích lãnh thổ Ukraine, trong đó có Bán đảo Crimea và nhiều khu vực ở Donbass. (AFP)
Kiev khẳng định không dùng tên lửa Mỹ để tấn công Nga
Ngày 3/6, ông Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine viết trên Twitter rằng: “Ukraine đang tiến hành một cuộc chiến phòng thủ và không có kế hoạch sử dụng hệ thống tên lửa đa năng tầm xa (MLRS) để tấn công các cơ sở ở Nga. Các đối tác của chúng tôi biết vũ khí của họ được sử dụng ở đâu”.
Cách đây vài ngày, Mỹ tuyên bố sẽ gửi hệ thống pháo phản lực HIMARS M142 cho Ukraine, nhưng khẳng định hệ thống vũ khí này sẽ không cho phép lực lượng Ukraine tấn công Nga, và lập luận rằng Mỹ sẽ ngăn chặn kịch bản mà trong đó Moscow coi Washington là một bên trong cuộc xung đột. (Ukrinform)
Ukraine thiệt hại 600 tỷ USD vì xung đột
Phát biểu tại Diễn đàn GLOBSEC 2022 hôm 2/6, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho biết, theo ước tính của chính phủ, tổng thiệt hại của nền kinh tế Ukraine do xung đột đã lên tới 600 tỷ USD.
Thủ tướng Denys Shmyhal nói rằng để khắc phục những thiệt hại đối với kinh tế Ukraine, cần có nỗ lực phối hợp từ chính quyền địa phương, các tổ chức tư nhân và cả các chính phủ nước ngoài.
"Chúng tôi không muốn chỉ khôi phục lại gạch và bê tông. Chúng tôi muốn xây dựng một nhà nước mới. Do đó, kế hoạch phục hồi Ukraine được viết theo nguyên tắc xây dựng lại đất nước tốt đẹp hơn. Ukraine muốn áp dụng sự kết hợp các biện pháp tiếp cận để phục hồi"., ông Shmyhal nhấn mạnh.
Mỹ, Nhật, Hàn nhóm họp về vấn đề Triều Tiên thử hạt nhân
Ngày 3/6, ông Sung Kim, đại diện đặc biệt của Mỹ về các vấn đề Triều Tiên cho biết Mỹ đã sẵn sàng cùng với các đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc đối phó với các tình huống bất ngờ trên Bán đảo Triều Tiên.
Trong cuộc hội đàm ở Seoul, ông Sung Kim đã nói với những người đồng cấp Hàn Quốc và Nhật Bản lần lượt là Kim Gunn và Takehiro Funakoshi rằng Washington đang "đánh giá sự chuẩn bị của Triều Tiên ở bãi thử hạt nhân Punggye-ri có thể là cho vụ thử hạt nhân thứ bảy," đồng thời nêu bật tầm quan trọng của sự hợp tác ba bên.
Đây cũng là cuộc hội đàm trực tiếp giữa các nhà ngoại giao phụ trách vấn đề Triều Tiên của ba bên, kể từ khi ông Yoon Suk Yeol nhậm chức Tổng thống Hàn Quốc hồi tháng trước. (AP)
Israel muốn tìm giải pháp ngoại giao cho vấn đề hạt nhân Iran
Ngày 3/6, Thủ tướng Israel Naftali Bennett khẳng định nước này mong muốn tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho bất đồng liên quan chương trình hạt nhân của Iran song vẫn có thể thực hiện hành động độc lập.
Trong cuộc gặp Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Gross, Thủ tướng Bennett nêu rõ: "Israel bảo lưu quyền phòng thủ và hành động nhằm buộc Iran chấm dứt chương trình hạt nhân nếu cộng đồng quốc tế không thể làm như vậy trong khung thời gian cho phép". (Reuters)
Mỹ kêu gọi châu Âu cùng đối phó thách thức từ Trung Quốc
Trong buổi trao đổi trực tuyến với giới báo chí châu Âu hôm 2/6, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đã lên án việc Trung Quốc thách thức an ninh, kinh tế và các giá trị của châu Âu, đồng thời kêu gọi sự giúp đỡ của châu Âu để chống lại sự cạnh tranh từ Bắc Kinh.
Bà nhận định mặc dù Trung Quốc ở cách xa nghìn dặm nhưng các hành động của Bắc Kinh cũng đóng vai trò quan trọng không kém đối với tương lai của châu Âu. Bà Sherman cũng hoan nghênh quan hệ hợp tác hiện đại giữa Mỹ và châu Âu trong khi vẫn tiếp tục “điều chỉnh các phương pháp tiếp cận của chúng tôi".
Bà cũng cho hay Washington “không tìm kiếm xung đột” với Bắc Kinh cũng như không “cắt đứt nền kinh tế của chúng tôi khỏi Trung Quốc". Đồng thời bà lưu ý rằng Mỹ “không muốn một cuộc chiến tranh lạnh mới" nhưng “chúng tôi không thể dựa vào Trung Quốc” để thay đổi hành vi của nước này. (AFP)
Trung Quốc có thể sớm hạ thủy tàu sân bay thứ 3
Tờ Thời báo Hoàn cầu dẫn lời 1 chuyên gia quân sự Trung Quốc cho hay, 1 nhà máy đóng tàu tại thành phố Thượng Hải đang chịu trách nhiệm đóng tàu sân bay thứ 3.
Tàu sân bay này được cho là lớn hơn 2 tàu sân bay trước đó, có thể sẽ được trang bị bệ phóng điện từ, 1 hệ thống phóng cho phép máy bay tăng tốc và cất cánh từ tàu.
Hồi tháng 4/2022, Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã công bố đoạn video quảng bá chương trình tàu sân bay của Trung Quốc sau khi triển khai tàu Liêu Ninh, tàu sân bay đầu tiên của nước này.
| Liên minh châu Âu: Đồng minh không đồng lòng Hội nghị thượng đỉnh bất thường của Liên minh châu Âu (EU) đã kết thúc với một quyết định bất thường. |
| Tin thế giới ngày 2/6: Tổng thống Ukraine thừa nhận thực tế, Moscow lên tiếng về vũ khí phương Tây, liên minh Mỹ-Hàn suy yếu? Ông Zelensky thừa nhận Nga nắm 20% lãnh thổ Ukraine, Moscow nói về vũ khí phương Tây, đề cử đại sứ Hàn Quốc tại Mỹ ... |