Khói bốc lên từ các tòa nhà ở Jenin sau đợt tấn công của IDF và các lực lượng hỗ trợ ngày 3/7. (Nguồn: AP) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga-Ukraine
* Nga: VSU phát động tấn công làng Berkhovka: Ngày 2/7, phòng viên chiến trường trang mạng “Mùa xuân Nga” đưa tin Các Lực lượng Vũ trang Ukraine (VSU) đã phát động đợt tấn công Berkhovka - ngôi làng có tầm quan trọng chiến lược nằm bên sườn Bakhmut. Một nhóm xe thiết giáp thuộc Lữ đoàn 57 của quân đội Ukraine đã bất ngờ chọc thủng tuyến phòng thủ đầu tiên và tiến vào ngôi làng.
Tuy nhiên, quân đội Nga đã ngay lập tức phản công. Hiện giao tranh đang diễn ra ác liệt ở ven ngôi làng này. Theo các phóng viên, pháo binh của cả hai bên đang tích cực hoạt động. Căng thẳng ở khu vực sát Bakhmut tiếp tục gia tăng.
Trang mạng này cho biết VSU đang cố gắng chọc thủng các tuyến phòng thủ bên sườn Bakhmut, đặc biệt là Kleshcheevka và Berkhovka. Đây là những vị trí chiến lược, cho phép kiểm soát Ukraine tình hình trong vùng lân cận thành phố đặc biệt quan trọng này. Ngoài ra, VSU cũng nỗ lực đột kích Kurdyumovka. (TTXVN)
* Nga đẩy lui gần 60 cuộc tấn công của Ukraine ở Lugansk: Ngày 3/7, trung tá nghỉ hưu của Công an Nhân dân Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng, ông Andrey Marochko cho biết: “Trong tuần qua, Các Lực lượng Vũ trang Nga (VS RF) đã đẩy lùi khoảng 56 cuộc tấn công trên hướng chiến thuật Lugansk”.
Theo ông, thống kê cho thấy VS RF đã loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 3.000 binh sĩ VSU và lính đánh thuê nước ngoài, đồng thời ngăn chặn hành động của 14 nhóm trinh sát-phá hoại Ukraine ở tỉnh Lugansk. Ông cho biết thêm: “Gần 75 ôtô, 45 xe bọc thép các loại, 10 xe tăng, kể cả xe do nước ngoài sản xuất, bị phá hủy. Ngoài ra, 40 hệ thống pháo tự hành và xe kéo khác cũng trúng đạn”. (TASS)
* Ukraine nói chiến dịch phản công “có tiến triển”: Ngày 3/7, viết trên Telegram, Tổng thống Volodymyr Zelensky nêu rõ: “Tuần trước, quân đội Ukraine thật sự gặp khó khăn ở tiền tuyến. Nhưng chúng tôi đang đạt tiến triển. Chúng tôi đang tiến lên, từng bước một!”.
Trước đó một ngày, viết trên mạng xã hội, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết VSU đang “thành công một phần” ở sườn phía Nam Bakhmut, cũng như gần Berdyansk và Melitopol ở miền Nam Ukraine. Tuy nhiên, bà cũng nhận định: “Giao tranh ác liệt đang diễn ra khắp nơi… Tình hình khá phức tạp… Đối thủ đang tiến tới các khu vực Avdiivka, Mariinka, Lyman. Họ cũng đang tiến tới khu vực Svatove”.
Theo bà, các lực lượng Ukraine phải đối mặt với “sự kháng cự dữ dội, hoạt động đánh bom từ xa, triển khai lực lượng dự trữ của phía Nga” và chỉ đạt được bước tiến “chậm rãi”. Thứ trưởng Ukraine nói: “Họ đang liên tục và không ngừng cố gắng để tiến quân nhanh nhất có thể”.
* Chỉ huy Ukraine nói thiết giáp Pháp “không thiết thực”: Chỉ huy tiểu đoàn thuộc Lữ đoàn thủy quân lục chiến số 37 của Ukraine cho rằng “lớp giáp mỏng” xe chiến đấu bộ binh AMX-10 RC được Pháp viện trợ này đồng nghĩa rằng chúng có thể hỗ trợ hỏa lực, nhưng không hữu ích trong các đợt tấn công trực tiếp.
Vị thiếu tá này chia sẻ: “Thật không may, đã có trường hợp kíp lái (4 người) thiệt mạng trong phương tiện này”, do một quả đạn phát nổ gần chiếc xe, các mảnh vỡ xuyên qua lớp bọc thép và hộp đạn phát nổ. Ông nói: “Súng còn tốt, các thiết bị quan sát cũng rất tốt. Tuy nhiên, đáng tiếc là lớp bọc thép mỏng và việc sử dụng lô xe này trong hoạt động tấn công là không thiết thực… Có nhiều trường hợp tương tự khi một quả đạn 152 mm phát nổ gần đó và mảnh đạn xuyên qua xe”.
Ngoài ra, một quan chức Ukraine tiết lộ xe chiến đấu AMX-10 của Pháp cũng gặp vấn đề với hộp số trục trặc, có thể do chúng được sử dụng trên đường đất.
Oryx, trang web tình báo nguồn mở chuyên thống kê những thiệt hại về thiết bị dựa trên hình ảnh chiến trường, ghi nhận Ukraine đã mất 3 xe AMX-10 RC. (AFP)
* Belarus sẵn sàng góp phần giải quyết xung đột Ukraine: Ngày 3/7, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình STV (Belarus), Thứ trưởng Ngoại giao Belarus Yury Ambrazevich nhấn mạnh: “Tất cả đều biết rõ tiềm năng của chúng tôi và chúng tôi sẽ phát huy vai trò nếu cần…và bảo đảm sẽ có kết quả”. Nhà ngoại giao lưu ý rằng nếu tiến triển, Minsk sẽ là “bên đầu tiên” tham gia nỗ lực vãn hồi hòa bình.
Đồng thời, quan chức này cũng nêu rõ Belarus mong muốn tham gia những nỗ lực này nhằm “bảo đảm an ninh cho chính minh… Ưu tiên chính là bầu trời của chúng tôi được yên bình. Nhiệm vụ chính là để lãnh thổ của mình không bao giờ phải hứng chịu bom đạn. Và để người dân của chúng tôi có thể phát triển đầy đủ”. (TellerReport)
* Tổn thất của VSU “tác động nghiêm trọng” tới phương Tây: Theo đó, trong bài viết ngày 3/7, tờ Berliner Zeitung (Đức) cho rằng phương Tây đặt “hy vọng lớn” vào các thiết bị quân sự chuyển cho Kiev để “giành được các vùng lãnh thổ quan trọng”. Tuy nhiên, ba tuần sau khi cuộc phản công, quân đội Nga đã phá hủy “một số” xe tăng Leopard-2 của VSU, qua đó khiến phương Tây “thức tỉnh”.
Tổn thất lớn và nhanh chóng của Ukraine “đã gây thiệt hại về người và tiền bạc” cho các nước phương Tây. Cụ thể, số tiền Đức dùng để hỗ trợ quân sự cho Ukraine đã “tăng gần gấp đôi kể từ năm 2022” và sẽ lên tới 5,4 tỷ Euro năm nay. Đây là “sự gia tăng đáng kể đầu tư” vào Ukraine của phương Tây. (Berliner Zeitung)
Đông Nam Á
* Campuchia khẳng định tính hợp hiến của dự thảo Luật Bầu cử sửa đổi: Ngày 3/7, thông cáo báo chí của Hội đồng Hiến pháp Campuchia (CCC) cùng ngày đã tuyên bố dự thảo Luật Bầu cử sửa đổi đúng với quy định của Hiến pháp.
Theo thông cáo báo chí của CCC, quyết định trên được đưa ra sau phiên họp toàn thể CCC nhằm đánh giá tính hợp hiến của dự thảo Luật Bầu cử sửa đổi, diễn ra vào buổi sáng dưới sự chủ trì của Chủ tịch CCC Im Chhun Lim.
Như vậy, Dự thảo Luật Bầu cử sửa đổi đã được Quốc hội và Thượng viện Campuchia thông qua lần lượt vào các ngày 23 và 29/6. Sau khi được CCC xem xét và tuyên bố hợp Hiến, dự thảo Luật Bầu cử sửa đổi sẽ được đệ trình để Quốc vương Norodom Sihamoni ký sắc lệnh ban hành luật và chính thức có hiệu lực. (TTXVN)
Nam Thái Bình Dương
* Australia bổ nhiệm đặc phái viên về khu vực Thái Bình Dương: Ngày 2/7, chính phủ Australia đã bổ nhiệm nhà ngoại giao cấp cao Ewen McDonald làm Đặc phái viên về các vấn đề khu vực và Thái Bình Dương. Ngoài ra, ông cũng đã được bổ nhiệm làm Cao ủy mới tại Cộng hòa Fiji. Trước đó, nhà ngoại giao cấp cao này đã phụ trách Văn phòng Thái Bình Dương trong 4 năm và từng có thời gian phục vụ ở nước ngoài với tư cách là Cao ủy Australia tại New Zealand.
Phát biểu ngày 2/7, ông McDonald bày tỏ mong muốn được hỗ trợ tích cực các ưu tiên của khu vực trong Chiến lược 2050 cho Lục địa Thái Bình Dương xanh.
Về phần mình, trong một tuyên bố chung, Ngoại trưởng Australia Penny Wong và Bộ trưởng Phát triển Quốc tế Pat Conroy cho biết vai trò đặc phái viên mới phản ánh cam kết của Chính phủ Liên bang đối với khu vực. Đồng thời, họ tin tưởng rằng động thái trên sẽ giúp củng cố khả năng của Canberra trong ứng phó các thách thức tập thể, cũng như tăng cường sự tham gia trong các tổ chức khu vực, với tư cách là thành viên của Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương. (ABC)
Châu Âu
* Ông Medvedev đề xuất đàm phán giảm căng thẳng Nga-phương Tây: Ngày 3/7, Trong bài viết cho báo Rossiiskaya Gazeta của Chính phủ Nga, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho rẳng căng thẳng giữa Nga và phương Tây “tồi tệ hơn nhiều” so với cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962 khi thế giới đứng bên bờ vực của một cuộc xung đột hạt nhân. Theo ông Medvedev, cách duy nhất để giảm căng thẳng Nga-phương Tây là đàm phán.
Chính trị gia này cũng khẳng định Moscow vẫn cam kết ngăn chặn Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO): “Mục tiêu của chúng tôi rất đơn giản - loại bỏ mối đe dọa về tư cách thành viên của Ukraine trong NATO. Và chúng tôi sẽ đạt được điều đó. Bằng cách này hay cách khác”. (Reuters)
* Điện Kremlin: Ông Putin sẽ tham dự Hội nghị SCO: Ngày 3/7, TASS (Nga) dẫn nguồn chính phủ nước này cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tham gia họp trực tuyến của những người đứng đầu các quốc gia trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ngày 4/7 tới. Trước đó, Bắc Kinh xác nhận Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng sẽ góp mặt tại sự kiện này theo hình thức tương tự.
Thành lập tại Thượng Hải ngày 15/6/2001, SCO là liên minh chính trị và an ninh của các nước bao trùm phần lớn Á-Âu, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ và Nga. (Reuters)
* Bạo loạn ở Pháp: Bất ổn lan sang láng giềng, Thủ tướng Đức nói gì? Ngày 2/7, phát biểu ngày với báo giới tại L’Hay-les-Roses sau đêm bạo loạn thứ năm, Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne đã chỉ trích vụ tấn công nhằm vào nhà ông Vincent Jeanbrun - Thị trưởng L’Hay-les-Roses, khu vực ngoại ô Paris. Bà nhấn mạnh: “Tình hình đã dịu đi nhiều. Song hành động, như chúng ta thấy sáng nay ở đây, cực kỳ gây sốc. Chúng tôi sẽ không để hành vi bạo lực xảy ra”. Thủ tướng Pháp cũng yêu cầu “trừng phạt nghiêm khắc nhất” với thủ phạm.
Cùng ngày, Pháp đã bắt giữ thêm hàng trăm người trong đêm thứ năm liên tiếp xảy ra bạo loạn. Theo thống kê sơ bộ, cảnh sát đã bắt giữ thêm 719 người, sau khi bắt khoảng 1.300 người trong đêm hôm trước. Đồng thời, Bộ Nội vụ nước này cho biết tính đến nay, khoảng 45 sĩ quan cảnh sát đã bị thương, 577 phương tiện bị đốt cháy, 74 tòa nhà bị phóng hỏa và 871 đám cháy trên đường phố, cũng như các khu vực công cộng khác.
Trong khi đó, bạo loạn ở Pháp được cho là đã lan sang Thụy Sỹ. Nhật báo 20Minutes (Thụy Sỹ) dẫn thông tin từ cảnh sát xác nhận 7 người đã bị giam giữ trong những cuộc bạo loạn ban đêm ở thành phố Lausanne. Đáng chú ý, 6 người trong số đó là trẻ vị thành niên, được truyền cảm hứng từ diễn biến tại thủ đô Paris, Pháp.
Về phần mình, trả lời phỏng vấn của đài ARD (Đức), Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết, Pháp là một “láng giềng thân thiện”. Đồng thời, Paris cùng với Berlin “bảo đảm rằng Liên minh châu Âu (EU), vốn rất quan trọng với tương lai chung của hai nước, hoạt động tốt”.
Ông nhấn mạnh: “Đó là lý do tại sao chúng tôi đang theo dõi (bạo loạn) với sự quan ngại. Tôi rất hy vọng và tin chắc Tổng thống Pháp sẽ tìm cách đảm bảo tình hình được cải thiện nhanh chóng.” (AFP, Reuters, Sputnik)
* Ba Lan muốn duy trì Patriot của Đức đến cuối năm: Ngày 3/7, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak cho biết nước này muốn duy trì các hệ thống phòng không Patriot của Đức trên lãnh thổ, ít nhất đến cuối năm 2023. Hồi tháng Tư, chính ông Mariusz Blaszczak cũng đã bày tỏ mong muốn về việc duy trì hệ thống này, viện dẫn những diễn biến phức tạp trong xung đột Nga-Ukraine.
Hiện Đức đã triển khai 3 đơn vị phòng không Patriot ở Ba Lan gần biên giới Ukraine hồi tháng Một, sau khi một tên lửa được cho là của Ukraine rơi vào một ngôi làng ở Ba Lan vào tháng 11/2022, khiến 2 người thiệt mạng. (Reuters)
Trung Đông-Châu Phi
* Israel mở chiến dịch tấn công thành phố Jenin: Rạng sáng 3/7 (giờ địa phương), Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã mở một cuộc tấn công quân sự quy mô lớn ở thành phố Jenin phía Bắc khu Bờ Tây. Theo nhân chứng Palestine, binh sỹ IDF cùng hàng chục xe bọc thép, hỗ trợ bởi máy bay trực thăng và máy bay không người lái (UAV), đã tấn công Jenin và trại tị nạn tại đây.
Đụng độ đã nổ ra và kéo dài hàng giờ đồng hồ giữa binh sỹ Israel và các tay súng Palestine. Các cuộc không kích được thực hiện trong khi hai bên giao tranh.
Trong thông báo, IDF cho biết đã tấn công một trung tâm chỉ huy của Lữ đoàn Jenin, đơn vị vũ trang gồm các tay súng thuộc các nhóm khác nhau. Song lực lượng này không nêu rõ có sử dụng UAV trong đợt tấn công vừa qua hay không.
Trước đó, tối 2/7, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã triệu tập một cuộc họp với giới lãnh đạo an ninh. Về phần mình, phát biểu ngày 3/7 tại Jerusalem về mục tiêu của chiến dịch này, Ngoại trưởng Eli Cohen khẳng định: “Mục tiêu của chúng tôi là tập trung vào Jenin và chỉ tập trung vào khủng bố và các ổ nhóm của chúng”.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Palestine đã chỉ trích chính sách của ông Netanyahu khuyến khích người định cư Israel gây tội ác đối với người Palestine. Trong khi đó Bộ Y tế nước này cho biết ít nhất 3 người đã thiệt mạng ở Jenin. Một người đàn ông khác đã tử vong sau khi bị bắn vào đầu tại trạm kiểm soát ở Ramallah.
Trong tuyên bố cùng ngày, Bộ Ngoại giao Ai Cập đã phản đối việc Israel liên tục không kích và tấn công các thành phố của Palestine, khiến dân thường thiệt mạng. Bộ này miêu tả cuộc tấn công của Israel và việc sử dụng vũ lực quá mức và bừa bãi “vi phạm luật pháp và pháp lý quốc tế”.
Ai Cập cảnh báo về tác động nghiêm trọng của việc Nhà nước Do Thái tiếp tục leo thang căng thẳng nhằm vào người Palestine. Theo đó, hành động này sẽ khiến cuộc sống của người dân nơi đây càng khó khăn, đồng thời làm suy yếu nỗ lực của Cairo, khu vực và quốc tế nhằm giảm căng thẳng. Tuyên bố nhấn mạnh: “Ai Cập kêu gọi quốc tế can thiệp để chấm dứt hành vi vi phạm và bảo vệ người Palestine”. (Tân Hoa xã/TTXVN)