Các chủ nhân của giải Nobel Vật lý 2022. (Nguồn: Nobel Prize) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Nga-Ukraine
* Thượng viện Nga thông qua luật sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của Ukraine là Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia trong cuộc bỏ phiếu ngày 4/10. Trước đó một ngày, Hạ viện Nga cũng đã tiến hành cuộc bỏ phiếu tương tự.
Văn kiện của cuộc bỏ phiếu đã được chuyển lại cho Điện Kremlin để Tổng thống Vladimir Putin ký nhằm hoàn tất quá trình chính thức sáp nhập 4 vùng lãnh thổ này, vốn chiếm khoảng 18% lãnh thổ Ukraine được quốc tế công nhận.
Nga tuyên bố việc sáp nhập nói trên sau khi tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý tại các vùng lãnh thổ này. Các chính phủ phương Tây và Ukraine nhấn mạnh, các cuộc bỏ phiếu này vi phạm luật pháp quốc tế và không mang tính đại diện. (Reuters)
* Truyền thông Nga xác nhận bước tiến của quân đội Ukraine ở tỉnh Kherson: Trang mạng quân sự của Nga cho biết, ngày 3/10, các Lực lượng vũ trang Ukraine (VSU) đã tiến vào làng Dudchany, huyện Beryslavsky thuộc tỉnh Kherson ở miền Nam Ukraine.
Trước đó, truyền thông Ukraine thông báo về việc chọc thủng tuyến phòng thủ của quân đội Nga ở tỉnh Kherson và tiến vào làng Dudchany, coi đây là bước tiến quan trọng ở mặt trận miền Nam.
Cùng ngày, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề an ninh quốc tế Celeste Wallander ghi nhận những thành công của Kiev ở Kharkov và Donetsk, cũng như những nỗ lực mà quân đội Ukraine đang tiến hành ở miền Nam Kherson, cho rằng, quốc gia Đông Âu "dường như đang trên đà đạt được cả 3 mục tiêu đó ngay bây giờ". (Reuters)
* Ukraine ước tính thiệt hại môi trường trong xung đột với Nga khoảng 36 tỷ Euro (35,3 tỷ USD), với 1/5 các khu bảo tồn ở Ukraine có nguy cơ bị phá hủy và khoảng 2.000 trường hợp hủy hoại môi trường đã được ghi nhận, theo Bộ trưởng Môi trường Ukraine Ruslan Strilets.
Theo ước tính của chính phủ Ukraine, thiệt hại từ ô nhiễm không khí do xung đột ở Ukraine cho đến nay là khoảng 25 tỷ Euro và cần thêm 11,4 tỷ Euro nữa để giải quyết ảnh hưởng đối với đất đai.
Bộ trưởng Strilets nhấn mạnh, chỉ riêng xung đột kéo dài 7 tháng qua đã tạo ra 31 triệu tấn khí thải CO2, gần bằng lượng khí thải của New Zealand hàng năm. Ngoài ra, khi tái thiết cơ sở hạ tầng và các tòa nhà bị phá hủy trong chiến tranh, có thể còn tạo ra 79 triệu tấn khí thải gây hiệu ứng nhà kính nữa.
Nhật Bản trục xuất một nhà ngoại giao Nga
Ngày 4/10, Ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi Yoshimasa cho biết, Bộ Ngoại giao nước này tuyên bố, lãnh sự tại Tổng lãnh sự quán Nga ở Sapporo là "người không được chào đón".
Động thái diễn ra sau khi hồi tháng trước, Cơ quan An ninh Liên bang Nga bắt giữ nhân viên lãnh sự Motoki Tatsunori của Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản thành phố cảng Vladivostok với cáo buộc hoạt động gián điệp và ra lệnh cho ông này rời khỏi Nga.
Ông Motoki Tatsunori đã trở về nước hồi tuần trước sau khi bị chính phủ Nga tuyên bố là "người không được chào đón". (Kyodo)
Châu Âu
an lãnh đạo Nga đã coi Đức và tất cả đối tác thân cận của chúng tôi là 'quốc gia không thân thiện'. Quan hệ chính trị của hai bên đã đến điểm thấp nhất và không có ánh sáng cuối đường hầm, thậm chí không có đường hầm để nhìn thấy ánh sáng".
(TASS)
Ông Vorontsov cảnh báo, "đ (TASS)
* Mỹ không phát hiện dấu hiệu Nga sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân: Điều phối viên liên lạc chiến lược thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby tuyên bố, nước này không phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Nga sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân trong xung đột ở Ukraine.
Ông Kirby chia sẻ: “Chúng tôi chưa nhận thấy bất cứ dấu hiệu nào cho thấy Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra quyết định như vậy”.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace bày tỏ nghi ngờ Moscow có thể sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine, đồng thời cáo buộc nhà chức trách Nga hành xử không hợp lý trong cuộc xung đột. (Sputnik)
* Báo Anh nói Nga có thể thử hạt nhân ở biên giới với Ukraine: Báo The Times của Anh dẫn các nguồn tin quân sự cấp cao ngày 4/10 cho biết, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhấn mạnh, Nga có thể tiến hành những vụ thử hạt nhân ở biên giới với Ukraine để “chứng tỏ sự sẵn sàng sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt”.
Một nguồn tin hé lộ “điều này sẽ có nhiều khả năng xảy ra hơn việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Ukraine”, đồng thời, một kịch bản như vậy không bị loại trừ.
Bán đảo Triều Tiên
* Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo tầm trung lần thứ 5 trong 10 ngày qua - thông tin được quân đội Hàn Quốc xác nhận vào sáng 4/10, trong bối cảnh Mỹ và Hàn Quốc vừa tập trận chống tàu ngầm ba bên với lực lượng hải quân Nhật Bản tuần trước.
Tên lửa được phóng đi từ vùng Mupyong-ri thuộc tỉnh Jagang, miền Bắc Triều Tiên, lúc 7h23 ngày 4/10 giờ địa phương (tức 5h23 cùng ngày giờ Hà Nội) và tên lửa này đã bay qua không phận Nhật Bản.
Hệ thống cảnh báo sớm J-Alert của Nhật Bản đã được kích hoạt ngay lập tức, trong khi chính phủ Nhật Bản cảnh báo người dân ở phía Bắc và Đông Bắc nước này tìm nơi trú ẩn, đồng thời bày tỏ "lên án mạnh mẽ" vụ phóng.
Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) đã không kích hoạt quy trình đánh chặn tên lửa vì không có thiệt hại nào được dự báo trong lãnh thổ, song khẳng định, đơn vị này và Bộ Quốc phòng luôn được đặt trong tình trạng sẵn sàng bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân trong bất kỳ tình huống nào.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol khẳng định, "những hành động khiêu khích liều lĩnh như vậy sẽ phải bị quân đội và các đồng minh của chúng tôi cũng như cộng đồng quốc tế phản ứng cương quyết". (Yonhap, Kyodo)
* Mỹ-Hàn-Nhật thống nhất phản ứng với vụ phóng tên lửa của Triều Tiên: Nhà Trắng thông báo, tối 3/10 (giờ địa phương), Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã điện đàm riêng rẽ với 2 người đồng cấp Hàn Quốc và Nhật Bản nhằm thảo luận về vụ phóng thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Adrienne Watson nêu rõ: “Trong cả hai cuộc điện đàm, Cố vấn An ninh quốc gia 3 nước đã tiến hành tham vấn để thống nhất phản ứng chung thích đáng, mạnh mẽ và mang tầm quốc tế".
Theo người phát ngôn này, ông Sullivan "tái khẳng định cam kết trước sau như một của Mỹ về bảo vệ Nhật Bản và Hàn Quốc”. (AFP)
* Cánh cửa đối thoại với Triều Tiên vẫn để ngỏ, theo lời trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink.
Quan chức này mô tả vụ phóng tên lửa đạn đạo mới nhất của Triều Tiên là “đáng tiếc” và hối thúc Bình Nhưỡng không thực hiện thêm những hành động gây bất ổn, "cam kết ngoại giao nghiêm túc và lâu dài. (Reuters)
Trung Đông
* EU thất vọng về việc không thể gia hạn lệnh ngừng bắn ở Yemen giữa các bên đối địch theo đề xuất của Đặc phái viên Liên hợp quốc (LHQ) Hans Grundberg.
Theo EU, lệnh ngừng bắn đã mang lại những lợi ích rất rõ ràng cho hàng triệu người dân Yemen, và đề xuất của ông Grundberg góp phần phát huy tác dụng của thỏa thuận liên quan việc trả lương cho công chức, các chuyến bay bổ sung đến và đi từ Sana’a, hoạt động vận chuyển dầu mỏ không bị cản trở thông qua cảng Hodeidah.
EU kêu gọi phong trào Houthi “thể hiện cam kết thực sự đối với hòa bình” và tham gia đối thoại với Đặc phái viên LHQ Grundberg.
Trước đó, LHQ nhấn mạnh, việc từ chối đề xuất của ông Grundberg là một sai lầm chiến lược, bởi đó không phải là điều mà người dân Yemen mong muốn và đáng phải nhận. (Kuna)
* Thổ Nhĩ Kỳ, Libya ký thỏa thuận thăm dò dầu khí, EU chỉ trích: Ngày 3/10, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã ký với phía Libya một thỏa thuận cho phép thăm dò dầu khí tại vùng biển của Libya, 3 năm sau một thỏa thuận hàng hải khiến các nước châu Âu giận dữ.
Ông Cavusoglu nhấn mạnh, thỏa thuận mới hình thành giữa "hai đất nước có chủ quyền, là thỏa thuận cùng thắng và các nước khác không có quyền can thiệp".
Phía Libya cho biết, thỏa thuận mới có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ở Ukraine và tác động của nó tới thị trường năng lượng.
Tuy nhiên, thỏa thuận này đã vấp phải phản đối từ EU khi nhắc rằng, Thổ Nhĩ Kỳ và Libya đã ký thỏa thuận dầu khí dựa trên Bản ghi nhớ Thổ Nhĩ Kỳ-Libya năm 2019 về phân định các khu vực tài phán trên Địa Trung Hải.
Theo EU, lập trường của khối này đối với Bản ghi nhớ là rõ ràng và không thay đổi, theo đó khẳng định Bản ghi nhớ Thổ Nhĩ Kỳ-Libya năm 2019 "vi phạm quyền chủ quyền của các quốc gia thứ 3, không tuân thủ Luật Biển và không được gây ra bất kỳ hậu quả nào cho các quốc gia thứ 3".
Thỏa thuận mới vẫn chưa được công bố rộng rãi. EU yêu cầu làm rõ thêm về nội dung, tránh những hành động có thể làm suy yếu sự ổn định của khu vực. (AFP)
* Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz thăm Azerbaijan trong ngày 3/10, với nội dung chủ yếu tập trung vào các vấn đề an ninh và chính sách.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, ông Gantz đã có cuộc gặp Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và thảo luận việc thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc phòng giữa hai nước.
Bộ trưởng Gantz cũng đã có cuộc gặp người đồng cấp Azerbaijan Hasanov Zakir Asgar Oglu và Chỉ huy trưởng Lực lượng Bảo vệ Biên giới Elchin Guliyev.
Tại các cuộc gặp này, ông Gantz đã nhấn mạnh "tầm quan trọng của việc duy trì quan hệ chiến lược giữa Nhà nước Israel và Cộng hòa Azerbaijan, cũng như tiếp tục hợp tác vì hòa bình và ổn định khu vực cũng như toàn cầu". (Times of Israel)
* EU-Israel đối thoại cấp cao lần đầu tiên kể từ năm 2012 vào ngày 3/10 theo hình thức trực tuyến, trong đó hai bến nhất trí thúc đẩy mối quan hệ về mọi mặt.
Thủ tướng Yair Lapid dẫn đầu phái đoàn Israel trong khi về phía EU có Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell. Đây là diễn đàn đối thoại lần thứ 12 của Hội đồng Hiệp hội EU-Israel kể từ lần diễn ra trước đó hồi tháng 7/2012.
Thủ tướng Lapid nhấn mạnh, EU là đối tác thương mại chính của Israel và diễn đàn này sẽ cho phép 2 bên thúc đẩy quan hệ kinh tế, tăng cường nỗ lực giảm chi phí sinh hoạt cho người dân.
Trong khi đó, trang tin Ynet của Israel cho hay, ông Borrell bày tỏ sự ủng hộ đối với giải pháp cho xung đột Israel-Palestine được nêu trong bài phát biểu của Thủ tướng Lapid trước Đại hội đồng Liên hợp quốc hồi tháng 9 vừa qua.
Quan chức đối ngoại EU cũng hy vọng chứng kiến sự khởi đầu của một tiến trình chính trị có thể giúp chấm dứt cuộc xung đột Israel-Palestine và kiến tạo "một nền hòa bình toàn diện trong khu vực". (Aljazeera)
Giải Nobel Vật lý 2022 vinh danh 3 nhà khoa học Pháp, Mỹ, Áo
Vào lúc 16h45 ngày 4/10 (giờ Việt Nam), Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển công bố giải Nobel Vật lý năm 2022 thuộc về 3 nhà khoa học Alain Aspect (Pháp), John F. Clauser (Mỹ) và Anton Zeilinger (Áo).
Ba nhà khoa học được vinh danh vì công trình nghiên cứu về các thí nghiệm với xung photon (các hạt trong chùm ánh sáng), tìm ra điểm bất hợp lý của các bất đẳng thức Bell. Đây được coi là công trình tiên phong về khoa học thông tin lượng tử.
Đây là giải thưởng thứ hai được công bố mùa giải Nobel năm 2022 và là giải Nobel Vật lý thứ 116 kể từ năm 1901.
Năm ngoái, giải Nobel Vật lý thuộc về 3 nhà khoa học Syukuro Manabe (người Mỹ gốc Nhật Bản), Klaus Hasselmann (người Đức) và Giorgio Parisi (người Italy) với nghiên cứu về các hệ thống vật lý phức tạp giúp con người hiểu về biến đổi khí hậu. (Reuters)