Nhỏ Bình thường Lớn

Tin thế giới 4/12: Ông Trump lập ‘kỷ lục mới’, ông Biden có định trừng phạt Trung Quốc vì Covid-19? Iran sẽ không quay lại JCPOA

TGVN. Bầu cử Mỹ 2020, quan hệ Mỹ-Trung Quốc, Mỹ-Iran, tình hình Moldova, Huawei, đại dịch Covid-19 là một số sự kiện quốc tế nổi bật 24 giờ qua.
Tin thế giới 4/12: Ông Trump lập ‘kỷ lục mới’, ông Biden có định trừng phạt Trung Quốc vì Covid-19? Iran sẽ không quay lại JCPOA

Hậu bầu cử Mỹ 2020

Tổng thống Trump lập kỷ lục tiền ủng hộ để đảo ngược kết quả bầu cử

Reuters dẫn thông cáo ngày 3/12 của chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump cho biết, đội ngũ của ông và Ủy ban Cộng hòa Quốc gia đã kêu gọi được 207,5 triệu USD tiền ủng hộ kể từ sau ngày bầu cử 3/11. Với kết quả này, số tiền mà ông Trump và Ủy ban Cộng hòa Quốc gia huy động được kể từ ngày 15/10 đến ngày 23/11 là 495 triệu USD.

Trong khi đó, theo dữ liệu của Ủy ban Bầu cử Liên bang, chiến dịch của ứng viên Dân chủ được dự đoán đắc cử Joe Biden quyên được 112 triệu USD trong khoảng thời gian này.

Bill Stepien, quản lý chiến dịch tranh cử của ông Trump, nói rằng thành tích huy động này sẽ "tiếp sức cho Tổng thống Trump tiếp tục cuộc chiến nhằm làm trong sạch tiến trình bầu cử tham nhũng ở một số địa phương trên khắp nước Mỹ". (Reuters)

Phe ông Trump tung video ‘tố’ gian lận bầu cử tại Georgia

Trong khi các hạt tại Georgia dự kiến chứng nhận kết quả bầu cử trước trưa ngày 4/12 (theo giờ địa phương), ông Trump cho đến nay vẫn không chấp nhận nhượng bộ. Tại phiên điều trần trước Thượng viện ngày 3/12, Rudy Giuliani, luật sư chiến dịch tranh cử của ông Trump, đã đề nghị các nhân chứng đưa ra bằng chứng cho cáo buộc gian lận bầu cử trước các nghị sĩ Cộng hòa, trong đó có một video đáng chú ý.

Video trích xuất từ camera an ninh bên trong một trung tâm kiểm phiếu đặt tại nhà thi đấu đa năng State Farm Arena ở thành phố Atlanta, bang Georgia. Hình ảnh từ video cho thấy các nhân viên kiểm phiếu được cho là lấy các vali chứa phiếu bầu từ bên dưới một chiếc bàn và đếm các phiếu bầu này.

Điểm đáng lưu ý là những phiếu bầu này được kiểm đếm rất lâu sau khi việc kiểm phiếu chính thức tạm dừng và nhân viên kiểm phiếu đã về nhà vào đêm bầu cử. Đội ngũ của ông Trump ước tính vài nghìn phiếu bầu có thể đã được kiểm đếm trong 2 giờ, nơi không có ai khác xuất hiện tại khu vực kiểm phiếu.

Đoạn video đã nhanh chóng gây ra cuộc tranh cãi trong nội bộ nước Mỹ. (Reuters)

TIN LIÊN QUAN
Hậu bầu cử Mỹ 2020: Bài toán nội các của ông Joe Biden

Cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc

Ông Biden nói Trung Quốc phải hành xử theo ‘chuẩn mực quốc tế’

Trong cuộc phỏng vấn chung đầu tiên hôm 3/12 của ông Joe Biden và bà Kamala Harris, hai người được truyền thông xướng tên là Tổng thống và Phó tổng thống đắc cử Mỹ, người dẫn chương trình Jake Tapper của CNN đã hỏi liệu Trung Quốc có nên bị "trừng phạt" vì xử lý yếu kém và che giấu thông tin đại dịch Covid-19, sau khi dịch khởi phát từ thành phố Vũ Hán hay không?

Joe Biden nói rằng ông sẽ không lập tức dỡ bỏ thuế quan mà Tổng thống Donald Trump đã áp đặt lên Trung Quốc.

"Cách tiếp cận của Tổng thống (Trump) với Trung Quốc đã lạc hậu. Tôi đã gặp Chủ tịch (Trung Quốc) Tập Cận Bình nhiều hơn bất kỳ ai mà tôi biết cho tới khi chúng tôi rời nhiệm sở", ông Biden nói.

"Mục tiêu của tôi là khiến cho Trung Quốc hiểu rõ rằng có những quy tắc quốc tế mà nếu họ tuân theo, chúng ta sẽ chơi với họ. Nếu họ không tuân theo, chúng ta sẽ không chơi với họ. Không phải trừng phạt họ vì Covid-19, mà phải cương quyết rằng có những chuẩn mực quốc tế được thiết lập mà họ phải tuân theo", ông Biden nói thêm. (CNN)

Mỹ siết thị thực với công dân Trung Quốc

Ngày 3/12, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ban hành quy định nhập cảnh mới đối với các đảng viên đảng Cộng sản Trung Quốc. Chính sách mới của Mỹ có hiệu lực ngay lập tức, trong đó thời hạn thị thực của các đảng viên Trung Quốc và các thành viên trong gia đình họ bị giới hạn chỉ còn một tháng và một lần nhập cảnh.

Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ, chính sách mới nhằm mục đích bảo vệ Mỹ trước "ảnh hưởng xấu" từ Trung Quốc, đồng thời cáo buộc Bắc Kinh "gây ảnh hưởng tới người Mỹ thông qua việc tuyên truyền, cưỡng ép kinh tế và các hoạt động xấu khác".

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, đảng Cộng sản Trung Quốc với hơn 90 triệu thành viên đã "đưa các đặc vụ tới Mỹ để theo dõi, đe dọa và báo cáo thông tin về các công dân Trung Quốc và các nhóm người Mỹ gốc Hoa".

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng đáp trả Mỹ, gọi đây là hành động leo thang căng thẳng và mang tâm lý Chiến tranh Lạnh. Trước đó, Trung Quốc và Mỹ đã hạn chế thị thực dành cho các nhà báo ở cả hai nước. (Reuters)

Mỹ cần một cuộc cách mạng công nghệ cao để đấu với Trung Quốc

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mark Milley hôm 3/12 nhận định quân đội Mỹ sẽ cần công nghệ robot và trí tuệ nhân tạo nếu Washington muốn duy trì ưu thế vượt trội trước Trung Quốc.

Ông Milley, nhân vật cấp cao hàng đầu tại Lầu Năm Góc, cũng nhận định rằng Washington cần triển khai thêm nhiều đơn vị quân sự có quy mô nhỏ hơn, nhưng tinh nhuệ cùng với tên lửa tầm xa tại châu Á để đề phòng đối thủ của Mỹ.

Ông Milley cho rằng Trung Quốc không chỉ muốn đuổi kịp Mỹ mà họ dường như còn muốn giành ưu thế vượt trội với Mỹ vào giữa thế kỷ 21.

Ngoài ra, ông Milley cũng cho rằng Mỹ cần thu hẹp quy mô hiện diện quân sự ở nước ngoài khi các căn cứ dài hạn ở Hàn Quốc, Bahrain khiến các quân nhân Mỹ và gia đình của họ dễ tổn thương nếu có xung đột xảy ra. (AFP)

Huawei

Bà Mạnh Vãn Chu có thể về Trung Quốc nếu nhận tội

Bộ Tư pháp Mỹ đang đàm phán với Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu để cho phép bà trở về quê hương nếu nhận tội.

Bà Mạnh đối mặt với tội danh gian lận ngân hàng và điện tử do liên quan tới vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ đối với Iran. Theo nguồn tin, luật sư của bà Mạnh đã thảo luận với quan chức Bộ Tư pháp Mỹ trong vài tuần gần đây về khả năng đạt “thỏa thuận hoãn khởi tố”. Công tố viên thường sử dụng thỏa thuận này đối với các công ty nhưng hiếm khi cấp cho cá nhân.

Nếu thỏa thuận đạt được, bà Mạnh được yêu cầu thừa nhận một số cáo buộc nhưng công tố viên đồng ý trì hoãn khởi tố và sau đó bãi bỏ cáo buộc nếu bà Mạnh hợp tác. Cho tới nay, bà Mạnh phản đối thỏa thuận vì tin rằng bản thân vô tội. (Wall Street Journal)

TIN LIÊN QUAN
Bán thương hiệu Honor, Huawei tìm cách ‘giải thoát’ khỏi các lệnh trừng phạt của Mỹ?

Mỹ-Iran

Mỹ tiếp tục trừng phạt Iran, Tehran tuyên bố không đàm phán lại JCPOA

Ngày 3/12, Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới liên quan đến Iran, trong đó đưa vào danh sách đen một thực thể và một cá nhân. Lệnh trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào công ty Shahid Meisami, có trụ sở tại Tehran, với cáo buộc có liên hệ với Tổ chức Nghiên cứu và Sáng tạo Quốc phòng Iran (IODIR) và giám đốc của công ty này là ông Mehran Babri.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh Washington tiếp tục gia tăng sức ép đối với Tehran trong những tháng cuối cùng mà Tổng thống Donald Trump còn tại nhiệm.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif khẳng định, Tehran sẽ không chấp nhận đàm phán lại các nội dung trong thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 - hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA), trong bối cảnh Tổng thống đắc cử của Mỹ Joe Biden bày tỏ ý định quay trở lại thỏa thuận này nếu Tehran tuân thủ đầy đủ các điều khoản. (Anadolu/Tasnim)

TIN LIÊN QUAN
Mỹ-Iran sẽ có một cuộc mặc cả mới dưới thời ông Biden?

Tình hình Moldova

Tổng thống đắc cử yêu cầu giải tán Quốc hội

Tổng thống đắc cử của Moldova, bà Maia Sandu thông báo một cuộc biểu tình nhằm yêu cầu giải tán Quốc hội sẽ diễn ra trên quảng trường chính của thủ đô Chisinau vào ngày 6/12. Bà Sandu nói: "Cuộc biểu tình sẽ được tổ chức tại Quảng trường Quốc hội vào Chủ Nhật, ngày 6/12... Một khi Quốc hội quay lưng lại với người dân, họ nên giải tán".

Trước đó, Quốc hội Moldova ngày 3/12 đã thông qua quyết định rút quyền kiểm soát của tổng thống đối với Cơ quan Thông tin và An ninh (ISS) và chuyển quyền này sang phía Quốc hội.

Tổng thống đắc cử cũng cho biết về kế hoạch phản đối quyết định trên lên Tòa án Hiến pháp. Bà Sandu nói: "Chúng tôi sẽ yêu cầu hủy bỏ các quyết định trái pháp luật đã được thông qua trong phiên họp hôm nay (ngày 3/12) của Quốc hội... Cơ quan Thông tin và An ninh không phải là hành lý xách tay, đó là cơ quan giúp tổng thống thực hiện nhiệm vụ của họ. Mục tiêu của tôi là chống tham nhũng". (TASS)

TIN LIÊN QUAN
Tổng thống đắc cử Moldova mất quyền kiểm soát Cơ quan Thông tin và An ninh, biểu tình bùng phát

Đại dịch Covid-19

Nga bán được 1,2 tỷ liều vaccine Covid-19

Trong bài thuyết trình với Liên hợp quốc hôm 3/11, các nhà khoa học tại Viện Gamaleya cho biết số lượng đặt hàng ban đầu cho vaccine chống Covid-19 , Sputnik V, đã vượt qua mốc 1,2 tỷ liều. Viện Gamaleya cho hay, ít nhất 40 quốc gia, đại diện cho một nửa dân số thế giới, đã bày tỏ sự quan tâm tới Sputnik V.

Theo Viện Gamaleya, các cuộc thử nghiệm có sự tham gia của 45.000 người trên toàn cầu đã cho thấy kết quả rằng 95% những người được tiêm 2 liều Sputnik V đều có khả năng miễn dịch với vi rút SARS-CoV-2.

RT cho hay, nhiều quốc gia như Hungary, Venezuela, Các tiểu Vương Quốc Ả rập Thống nhất đã nhập về đủ số lượng vaccine để để tiến hành các cuộc thử nghiệm của riêng họ. Philippines tuyên bố họ sẽ hợp tác với Nga để đảm bảo nguồn cung vaccine nhằm bắt đầu việc tiêm chủng hàng loạt vào đầu năm tới. (RT)

TIN LIÊN QUAN
Cập nhật Covid-19 ngày 4/12: Ngày thảm họa và chết chóc, số ca nhiễm và tử vong toàn cầu cao kỷ lục

Đại dịch Covid-19 có thể đẩy thêm 200 triệu người vào cảnh nghèo đói cùng cực

Theo một nghiên cứu mới công bố ngày 3/12 của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), thế giới sẽ có thêm 207 triệu người có nguy cơ bị đẩy vào cảnh nghèo đói cùng cực đến trước năm 2030 do những tác động nghiêm trọng kéo dài của đại dịch Covid-19, nâng tổng số người sống trong tình cảnh này lên hơn 1 tỷ người.

Nghiên cứu trên đã đưa các kịch bản khác nhau về quá trình hồi phục sau đại dịch Covid-19 nhằm đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG), cũng như đánh giá những tác động đa chiều của dịch bệnh trong thập kỷ tới.

Theo kịch bản "Covid cơ bản", dựa trên tỷ lệ tử vong do đại dịch hiện nay và dự báo tăng trưởng kinh tế mới đây nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), đại dịch Covid-19 sẽ đẩy thêm 44 triệu người vào cảnh nghèo đói cùng cực vào năm 2030 so với trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng dịch bệnh hiện nay.

Tuy nhiên, kịch bản "thiệt hại lớn", trong đó quá trình hồi phục bị kéo dài, cho rằng đại dịch hiện nay có thể đẩy thêm 207 triệu người vào cảnh nghèo đói cùng cực vào năm 2030 và làm gia tăng số người nghèo là nữ giới.

Kịch bản này đồng thời dự báo rằng 80% cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch gây ra sẽ tiếp diễn trong 10 năm tới do năng suất lao động sụt giảm, từ đó cản trở sự phục hồi hoàn toàn về mức tăng trưởng như trước đại dịch. (UNDP)

Giữa đại dịch Covid-19, người dân trên thế giới chào đón Giáng sinh như thế nào?

Giữa đại dịch Covid-19, người dân trên thế giới chào đón Giáng sinh như thế nào?

TGVN. Bất chấp dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhiều nước châu Âu vẫn cố gắng níu giữ tinh thần Giáng sinh và có ...

Kinh tế thế giới nổi bật tuần qua (27/11-3/12): Tổng thống Trump củng cố lập trường cứng rắn với Bắc Kinh, Những nơi đói nghèo đáng sợ hơn Covid-19

Kinh tế thế giới nổi bật tuần qua (27/11-3/12): Tổng thống Trump củng cố lập trường cứng rắn với Bắc Kinh, Những nơi đói nghèo đáng sợ hơn Covid-19

TGVN. Tổng thống Trump củng cố lập trường cứng rắn với Bắc Kinh, quan hệ kinh tế Trung Quốc-Australia căng như dây đàn, có những ...

Tin thế giới 3/12: Ông Trump tặng nước Mỹ bất ngờ; Australia ra đòn 'hiểm', nguy cơ Trung Quốc nổi giận; Crime nói NATO đừng 'nhúng mũi'

Tin thế giới 3/12: Ông Trump tặng nước Mỹ bất ngờ; Australia ra đòn 'hiểm', nguy cơ Trung Quốc nổi giận; Crime nói NATO đừng 'nhúng mũi'

TGVN. Bầu cử Mỹ 2020, quan hệ Mỹ-Trung Quốc, Mỹ-Triều Tiên, căng thẳng giữa Bắc Kinh và Canberra, tình hình Brexit, Nga và NATO là ...