Một trung tâm thương mại ở An Huy kiểm soát ra vào để phòng tránh lây lan Covid-19. (Nguồn: Reuters) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Nga-Ukraine
* Syria tuyên bố ủng hộ vô điều kiện chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, theo lời Đại sứ Syria tại Nga
Khẳng định nhì
(TASS)
* Belarus kiên quyết đứng về phía Nga trong cuộc chiến ở Ukraine: Ngày 3/7, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko - đồng minh thân cận nhất của Tổng thống Nga Vladimir Putin - tuyên bố, Minsk hoàn toàn ủng hộ Moscow trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine ngay từ những ngày đầu.
Theo ông Lukashenko, tuyên bố này là một phần trong cam kết lâu dài về một “Nhà nước liên minh” với Nga.
Hãng thông tấn quốc gia BelTA của Belarus đăng tải video ghi hình bài phát biểu của ông Lukashenko tại buổi lễ nêu rõ: “Chúng ta ủng hộ và sẽ ủng hộ Nga… Chúng ta sẽ giữ vững khối đoàn kết với những người anh em Nga”.
* Tổng thống Nga chỉ đạo hoạt động của quân đội trong chiến dịch ở Ukraine: Ngày 4/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin ra chỉ thị yêu cầu các nhóm "Phương Đông" và "Phương Tây" phải hoàn thành nhiệm vụ trong quá trình hoạt động đặc biệt theo kế hoạch duy nhất trước đó ở Ukraine.
Phát biểu tại cuộc họp với Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu ngày 4/7, ông Putin nói: "Tôi hy vọng rằng mọi thứ sẽ diễn ra theo hướng giống những gì đã xảy ra ở Luhansk cho đến nay".
Tại cuộc gặp này, ông Putin nói rằng, các đơn vị tham gia đánh chiếm Luhansk cần nghỉ ngơi để tăng cường khả năng chiến đấu. (TASS)
* Giáo hoàng Francis muốn thăm Nga trước chuyến thăm Canada dự kiến từ ngày 24-29/7 tới và sau đó sẽ đến thăm Ukraine.
Theo Giáo hoàng Francis, đã có các cuộc tiếp xúc giữa Đức Hồng y Pietro Parolin - Quốc vụ khanh Tòa thánh Vatican - và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov về chuyến thăm Moscow của Giáo hoàng Francis.
Cho tới nay, chưa có vị Giáo hoàng nào tới thăm Moscow, trong khi Giáo hoàng Francis liên tục chỉ trích chiến dịch quân sự ở Ukraine. (Reuters)
* Nga sẽ chuyển trọng tâm tấn công sang vùng Donetsk, theo dự đoán của Thống đốc vùng Luhansk Serhiy Gaidai vào ngày 4/7, sau khi Moscow đã giành quyền kiểm soát toàn vùng Luhansk.
Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky xác nhận, lực lượng nước này rút khỏi thành trì cuối cùng của Kiev ở Luhansk, thành phố Lysychansk.
Ông Gaidai dự đoán, thành phố Sloviansk và thị trấn Bakhmut của Donetsk sẽ hứng chịu đòn tấn công của Nga.
Nhận định về tình hình ở Lysychansk, ông Gaidai nêu rõ: "Về mặt quân sự, việc rời bỏ vị trí là tồi tệ, song không quá quan trọng. Chúng tôi cần giành chiến thắng trong cuộc chiến, không phải trận chiến giành quyền kiểm soát Lysychansk. Điều này gây ra nhiều mất mát nhưng không phải chúng tôi thua cuộc". (Reuters)
Châu Âu
* Anh xem xét tịch thu tài sản của công dân Nga ở nước này và chuyển số tiền đó cho người Ukraine chịu ảnh hưởng bởi cuộc chiến của Moscow.
Tờ The Guardian số ra ngày 3/7 dẫn phát biểu của Ngoại trưởng Anh Liz Truss tại Quốc hội Anh cho hay: "Tôi ủng hộ quan điểm này. Chúng tôi đang xem xét rất chặt chẽ. Trên thực tế, Canada vừa thông qua dự luật. Đây là một vấn đề mà chúng tôi đang làm việc cùng với Bộ Nội vụ và Kho bạc".
* Hội nghị tái thiết Ukraine khai mạc ngày 4/7 tại Lugano (Thụy Sỹ), với sự tham dự của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, Ngoại trưởng Anh Liz Truss, đại diện của các cơ quan Liên hợp quốc và Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) và hàng chục quốc gia.
Trong phiên họp toàn thể khai mạc hội nghị, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ có bài phát biểu trực tuyến, sau đó là bài phát biểu của Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal và Thủ tướng Czech Petr Fiala, nước đang giữ cương vị Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) từ tháng 7 đến hết năm 2022.
Hội nghị về tái thiết Ukraine dự kiến ra tuyên bố Lugano với các nguyên tắc hợp tác trong vấn đề này. (Al Jazeera)
* Azerbaijan cáo buộc Armenia pháo kích qua biên giới: Bộ Quốc phòng Azerbaijan thông báo, rạng sáng 4/7, các đơn vị của Lực lượng vũ trang Armenia đã bắn đạn cỡ lớn vào các vị trí của quân đội Azerbaijan theo hướng điểm dân cư Demirchidam, huyện Kelbajar.
Theo Bộ Quốc phòng Azerbaijan, các đơn vị của quân đội nước này đã thực hiện "các biện pháp đáp trả tương xứng. Hiện tình hình nằm dưới sự kiểm soát hoàn toàn của các đơn vị quân đội Azerbaijan”.
Armenia chưa bình luận về cáo buộc. (BB-CNTV)
* Pháp bắt đầu cải tổ nội các: Ngày 4/7, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chuyển Bộ trưởng phụ trách vấn đề châu Âu Clement Beaune - người đóng vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán Brexit, sang phụ trách Bộ Giao thông Vận tải trong một cuộc cải tổ nội các.
Tổng thống Macron đã bổ nhiệm nhà kinh tế hàng đầu của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) Laurence Boone làm Bộ trưởng châu Âu mới.
Cùng ngày, Điện Elysee cho biết ông Macron đã thay thế vị Bộ trưởng Đoàn kết và Gắn kết xã hội Damien Abad - đang bị cáo buộc phạm tội hiếp dâm - bằng Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Pháp Jean-Christophe Combe. (AFP)
* Nga ủng hộ việc mở rộng Hội đồng Bảo an thêm các quốc gia châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latinh để cho cơ cấu này trở nên "dân chủ hơn", theo Đại sứ Nga tại Trung Quốc Andrei Denisov.
Nga cũng bày tỏ chưa sẵn sàng ủng hộ việc đưa Đức và Nhật Bản vào Hội đồng Bảo an, song mở cửa đối với triển vọng Ấn Độ và Brazil gia nhập cơ quan của Liên hợp quốc này. (Sputnik)
* Nga cáo buộc Anh tìm cách đưa hải quân vào Biển Đen và dẫn dắt hầu hết các quy trình giải tỏa ngũ cốc khỏi những cảng mà Ukraine đã đặt thủy lôi và chính Kiev có trách nhiệm phải rà phá.
Phát biểu trên kênh truyền hình Russia 1 ngày 3/7, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nêu rõ: “Họ đang cố tạo điều kiện, tìm lý do để Hải quân Hoàng gia Anh xâm nhập".
Ngoại trưởng Lavrov nói thêm rằng, cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay bị lợi dụng cho nhiều mục đích, kể cả để “minh oan” cho Ukraine và buộc tội Nga về những gì Moscow không liên quan. (TASS)
Châu Á
* Bạo động ở Karakalpakstan, Uzbekistan: Cuộc bạo động nổ ra hôm 1/7, tại thủ phủ Nukus của CH Karakalpakstan thuộc Uzbekistan sau khi diễn ra biểu tình phản đối sửa đổi Hiến pháp.
Nguyên nhân là trong dự thảo Hiến pháp mới của nước này loại trừ các điều khoản về chủ quyền của Karakalpakstan và quyền ly khai của người dân Cộng hòa này dựa trên một cuộc trưng cầu dân ý chung.
Ngày 2/7, Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev quyết định không sửa đổi các điều khoản của hiến pháp liên quan Karakalpakstan, đồng thời ban bố tình trạng khẩn cấp ở lãnh thổ Cộng hòa tự trị Karakalpakstan từ ngày 3/7-2/8.
Tuy nhiên, vụ bạo động gây ra thiệt hại lớn về người. Reuters đưa tin, theo trang thông tin Daryo.uz của Uzbekistan, hàng nghìn người đã phải nhập viện sau vụ bạo động.
Trong khi đó, giới chức Uzbekistan thông báo, ít nhất 18 người đã thiệt mạng và 243 người khác bị thương.
Đến nay, theo Văn phòng báo chí thuộc Phủ Tổng thống Uzbekistan, tình hình tại vùng Karakalpakstan đã ổn định. (Reuters, Sputnik)
* Nga nói bất ổn tại Karakalpakstan là vấn đề trong nước: Ngày 4/7, Điện Kremlin cho biết, vụ bạo động gây nhiều thương vong bùng phát ở khu vực Karakalpakstan của Uzbekistan là "vấn đề nội bộ" của quốc gia Trung Á này.
Phát biểu với các phóng viên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng, Nga coi Uzbekistan là một "quốc gia thân thiện" và không nghi ngờ gì về việc ban lãnh đạo của nước này sẽ làm việc để giải quyết vấn đề hiện nay. (Reuters)
* Iran cáo buộc Mỹ không có thái độ xây dựng trong đàm phán hạt nhân: Ngày 4/7, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian đưa ra nhận xét trên trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Pháp Catherine Colonna.
Ngoại trưởng Amir-Abdollahian cho rằng, mặc dù mô tả đàm phán tại Doha, Qatar, hồi tuần trước là tích cực, song "chúng ta nên chờ xem phía Mỹ sẽ tìm cách sử dụng cơ hội ngoại giao như thế nào".
Ngoại trưởng Amir-Abdollahian cho biết thêm, Iran nghiêm túc trong việc đạt được một thỏa thuận "tốt đẹp và lâu dài" và luôn đưa ra đề xuất và ý tưởng trong các cuộc đàm phán. (THX)
* Hàn Quốc chọn ra Chủ tịch Quốc hội mới là nghị sĩ kỳ cựu của Đảng Dân chủ (DP) đối lập chính Kim Jin-pyo. Ông Kim sẽ lãnh đạo nửa nhiệm kỳ sau của Quốc hội khóa 21 cho đến tháng 5/2024.
Nghị sĩ Kim được bầu làm Chủ tịch Quốc hội với 255/275 phiếu ủng hộ trong phiên họp có sự tham gia của các đảng cầm quyền Quyền lực Quốc dân (PPP) và DP đối lập vào ngày 4/7.
Trong bài phát biểu nhận nhiệm vụ, tân Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc kêu gọi đảng cầm quyền và đối lập cần sớm đạt được thỏa thuận về thành phần ban đầu của các ủy ban cũng như sớm thành lập một ủy ban đặc biệt về kinh tế của Quốc hội để có thể ứng phó khẩn cấp với cuộc khủng hoảng kinh tế trước mắt. (Yonhap)
* Trung Quốc phong tỏa tỉnh An Huy do bùng phát dịch Covid-19: Ngày 4/7, Trung Quốc quyết định phong tỏa tỉnh An Huy với khoảng 1,7 triệu người dân sau khi giới chức y tế ghi nhận gần 300 ca mắc mới Covid-19, nâng tổng số người mắc bệnh tại tỉnh này lên 1.000 ca.
Đợt bùng phát dịch ở An Huy bắt đầu từ tuần trước với hàng trăm ca nhiễm mới được ghi nhận, trong bối cảnh nền kinh tế vừa bắt đầu vực dậy sau nhiều tháng phong tỏa ở Thượng Hải và nhiều biện pháp hạn chế ở thủ đô Bắc Kinh.
Chính quyền tỉnh An Huy ra thông báo kêu gọi các địa phương nghiêm túc thực hiện xét nghiệm, kiểm dịch và báo cáo các trường hợp nhiễm bệnh.
Hiện Trung Quốc vẫn duy trì chính sách phòng dịch “Không Covid” dù đã linh hoạt một số quy định phòng dịch, trong đó có việc nới lỏng yêu cầu kiểm dịch đối với du khách quốc tế vào tháng trước.
* Thủ tướng Malaysia Dato’Sri Ismail Sabri Yaakob sẽ thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ từ ngày 5-8/7, hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà Tayyip Erdogan nhằm đánh giá tình hình triển khai các nội dung trong Tuyên bố chung Malaysia-Thổ Nhĩ Kỳ về Khuôn khổ hợp tác chiến lược năm 2014.
Nội dung chương trình nghị sự song phương trong chuyến thăm dự kiến gồm các lĩnh vực phục hồi sau đại dịch Covid-19, công nghiệp quốc phòng và hàng không vũ trụ cũng như nỗ lực chung để giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế.
Thủ tướng Ismail cũng sẽ chủ trì một loạt cuộc làm việc với các lãnh đạo ngành công nghiệp trong nỗ lực tăng cường hợp tác kinh tế và mở ra các cơ hội mới cho cộng đồng doanh nghiệp Malaysia và Thổ Nhĩ Kỳ cũng như các khu vực tư nhân.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Malaysia và Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến sẽ ký kết nhiều biên bản ghi nhớ trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, truyền thông và thông tin liên lạc, chăm sóc sức khỏe, cũng như hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước. (The Star)
Châu Mỹ
* Nga không chúc mừng Mỹ nhân Ngày Quốc khánh: Điện Kremlin cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không chúc mừng người đồng cấp Mỹ Joe Biden nhân Ngày Quốc khánh của Mỹ (ngày 4/7).
Phát biểu với các phóng viên trong một cuộc họp báo, người phát ngôn Điện Kremlin giải thích: "Việc chúc mừng năm nay khó có thể được coi là thích hợp. Các chính sách không thân thiện của Mỹ chính là lý do". (Reuters)
* Ngoại trưởng Venezuela Carlos Rafael Faria Tortosa thăm làm việc tại Nga từ ngày 3-5/7.
Trong họp báo sau hội đàm với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov, ông Tortosa khẳng định, nước này và Nga tiếp tục tăng cường hợp tác trong lĩnh vực dầu mỏ và hiện đang nỗ lực để đạt được thỏa thuận nhằm lách các biện pháp trừng phạt của phương Tây liên quan tới các cơ chế tài chính.
Ngoại trưởng Tortosa bày tỏ lòng biết ơn đối với nhà chức trách Nga vì đã hỗ trợ đầy đủ giúp giải quyết những bế tắc chính trị ở Venezuela.
Ngoại trưởng Lavrov cho biết, nước này hoan nghênh việc bình thường hóa tình hình trong và xung quanh Venezuela nhờ các chính sách hiệu quả của chính quyền, đồng thời cam kết tiếp tục ủng hộ Caracas bằng mọi cách có thể. (Sputnik)
Châu Phi
* Biểu tình phản đối đảo chính tại Sudan: Ngày 3/7, các nhân chứng cho biết, hàng trăm người Sudan đã xuống đường biểu tình trong ngày thứ 4 liên tiếp ở thu đô Khartoum và các vùng ngoại ô, với yêu cầu chính quyền quân sự từ bỏ vị trí lãnh đạo đất nước, khôi phục quá trình chuyển tiếp sang chế độ dân sự.
Theo các nhân viên y tế ủng hộ dân chủ, số nạn nhân thiệt mạng vì bạo lực ở Sudan liên quan biểu tình đã lên tới 114 người kể từ cuộc đảo chính năm ngoái. Trường hợp tử vong mới nhất được ghi nhận hôm 3/7, khi một người biểu tình thiệt mạng vì bị thương trong cuộc biểu tình ngày 16/6.
Cuộc đảo chính đã đẩy Sudan tiếp tục rơi vào tình trạng khủng hoảng cả về chính trị và kinh tế, khiến giá tiêu dùng tăng cao và tình trạng thiếu lương thực trở nên trầm trọng. (AFP)
* Guinea-Bissau lần đầu đảm nhận cương vị Chủ tịch luân phiên của Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS), được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo và chính phủ ECOWAS, diễn ra tại thủ đô Accra của Ghana ngày 3/7.
Thông cáo của Văn phòng Tổng thống Guinea-Bissau có đoạn: “Guinea-Bissau vừa làm nên lịch sử. Lần đầu tiên, dưới chính quyền của Tổng thống Umaro Sissoco Embaló, đất nước của chúng ta đã giành được cương vị Chủ tịch luân phiên của ECOWAS”.
Kể từ khi thành lập ECOWAS vào năm 1975, chưa có quốc gia nói tiếng Bồ Đào Nha nào đứng đầu tổ chức này.
Cùng ngày, các nhà lãnh đạo ECOWAS quyết định dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính đối với Mali, sau khi chính quyền quân sự nước này đề xuất lịch trình chuyển tiếp dân sự trong vòng 24 tháng và công bố luật bầu cử mới.