Tổng thống Nga Putin ban hành luật, hoàn tất quá trình sáp nhập 4 vùng lãnh thổ Ukraine. (Nguồn: Reuters) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Nga-Ukraine
Kiev kiểm soát làng trọng yếu ở Kherson: Ngày 4/10, trang mạng của Nga xác nhận, cách đây vài giờ, quân đội Ukraine đã tiến vào địa giới thuộc ngôi làng trọng yếu Davydov Brod tỉnh Kherson. Điều này được chứng minh bằng đoạn video liên quan do binh sĩ Ukraine công bố.
Các nỗ lực của quân đội Ukraine để chiếm làng Davydov Brod bắt đầu từ tháng 8, tuy nhiên, đến nay mới có xác nhận tin cậy từ nơi VSU đóng tại điểm dân cư này. Đồng thời, có thông tin cho biết, VSU đã tiến vào làng Staroseltsy cũng thuộc tỉnh miền Nam Kherson.
Truyền thông Ukraine khẳng định, VSU đang dần thiết lập vị trí vững chắc ở Kherson và đã đẩy quân đội Nga lùi 30 km về phía Nam, chiếm hơn 50 điểm dân cư lớn nhỏ. (Reuters)
Iran phủ nhận cấp UAV cho Nga: người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani đã bác bỏ thông tin Tehran chuyển máy bay không người lái (UAV) để Nga sử dụng trong xung đột với Ukraine.
Ông Kanaani nói: “Cộng hòa Hồi giáo Iran coi thông tin được đăng tải về UAV do Iran sản xuất được chuyển cho Nga để sử dụng trong xung đột Nga-Ukraine là vô căn cứ…
Kể từ khi xung đột nổ ra, chúng tôi luôn tuyên bố chính sách rõ ràng về sự công bằng và phản đối, nhấn mạnh sự cần thiết có một giải pháp chính trị nhằm giải quyết tranh chấp giữa hai bên và tránh bạo lực”. (Sputnik)
Nga “phản pháo” những nghi ngờ về sử dụng vũ khí hạt nhân từ phương Tây: Ngày 4/10, ông Dmitry Peskov, người phát ngôn của Tổng thống Nga cho biết, Moscow không muốn tham gia vào nỗ lực “cường điệu hạt nhân” của phương Tây.
Quan chức trên nhấn mạnh: “Truyền thông, chính trị gia và nguyên thủ phương Tây đang cố gắng cường điệu hóa mối đe dọa hạt nhân (từ Nga) ở thời điểm hiện tại. Chúng tôi không muốn là một phần của câu chuyện này”.
Cùng ngày, cả Mỹ và NATO đều cho biết chưa thấy Nga có thay đổi về triển khai hạt nhân, song vẫn duy trì cảnh giác. (Reuters)
Tổng thống Nga ban hành luật, hoàn tất quá trình sáp nhập 4 vùng lãnh thổ Ukraine: Ngày 5/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký các luật liên bang và phê chuẩn các thỏa thuận, từ đó hoàn tất quá trình chính thức sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của Ukraine vào Nga. Tổng thống Nga Putin đã ký ban hành các đạo luật hiến pháp liên bang, công nhận Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia là 4 vùng lãnh thổ thuộc Nga, cũng như hình thành các chủ thể mới của nước này. Cổng thông tin pháp luật chính thức của điện Kremlin hiện đã công bố các văn kiện liên quan.
Theo đó, đạo luật đã chính thức hợp nhất bốn khu vực, chiếm khoảng 18% diện tích Ukraine vào Nga. Những người sinh sống tại những vùng lãnh thổ này sẽ được công nhận là công dân Nga từ ngày 30/9.
Tuy nhiên, điện Kremlin cho biết, hiện vẫn chưa hoàn toàn kiểm soát cả 4 tỉnh nêu trên, cũng như chưa xác định được "đường biên giới cuối cùng".
Cũng trong ngày 5/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tạm thời bổ nhiệm người đứng đầu các khu vực vừa sáp nhập vào Nga. (Reuters)
EU thông qua gói trừng phạt thứ 8 nhắm vào Nga: Ngày 5/10, Czech, nước giữ chức Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU) cho biết, các nước thành viên đã nhất trí về một gói trừng phạt khác đối với Nga do chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Trên tài khoản Twitter, Czech cho hay: "Các Đại sứ đã đạt được một thỏa thuận chính trị về các lệnh trừng phạt mới chống lại Nga - một phản ứng mạnh mẽ của EU đối với việc Tổng thống Nga Vladimir Putin hoàn tất quá trình sáp nhập các vùng lãnh thổ Ukraine".
Cùng ngày, phát biểu tại Nghị viện châu Âu (EP), Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho rằng, EU nên đặt giới hạn giá tạm thời đối với khí đốt tự nhiên nhập khẩu cho đến khi có thể đưa ra chỉ số giá mới. (AFP)
Bán đảo Triều Tiên
Châu Âu lên tiếng, Trung Quốc và Nga phản đối họp công khai HĐBA: Ngày 4/10, Mỹ đề nghị HĐBA LHQ họp công khai về Triều Tiên trong ngày 5/10 sau khi Bình Nhưỡng phóng tên lửa đạn đạo qua không phận Nhật Bản.
Viết trên Twitter, Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield nhấn mạnh: “Chúng ta phải hạn chế khả năng của Triều Tiên trong việc thúc đẩy các chương trình tên lửa đạn đạo và vũ khí hủy diệt hàng loạt”.
Đề xuất của Mỹ nhận được sự ủng hộ của Anh, Pháp, Albania, Na Uy và Ireland. Tuy nhiên, Nga và Trung Quốc đã phản đối tổ chức họp công khai, cho rằng HĐBA nên tập trung vào giảm căng thẳng tình hình tại bán đảo Triều Tiên.
Hiện chưa rõ HĐBA LHQ sẽ họp kín hay công khai, song theo các nhà ngoại giao, cuộc họp nhiều khả năng sẽ không thông qua hành động “có ý nghĩa” nào. (Reuters)
Đức ủng hộ 'sáng kiến táo bạo' của Hàn Quốc đối với Triều Tiên: Ngày 4/10, trong khuôn khổ chuyến thăm Đức kéo dài 4 ngày nhân kỷ niệm 32 năm ngày thống nhất nước Đức, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Kwon Young Se tới chào xã giao Tổng thống nước chủ nhà Steinmeier. Hai bên đã tiến hành cuộc họp song phương chủ yếu bàn về các vấn đề còn tồn tại trên bán đảo Triều Tiên.
Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp, quan chức cấp cao Hàn Quốc cho biết: “Tổng thống Frank Walter Steinmeier khẳng định, Đức hoàn toàn ủng hộ chính sách của Hàn Quốc đối với Triều Tiên, đặc biệt là về các sáng kiến táo bạo”.
Theo đó, Seoul sẽ viện trợ kinh tế cho Bình Nhưỡng nhằm đổi lại các bước phi hạt nhân hóa thực chất của nước này. (Yonhap)
Nhật Bản tuyên bố nâng cao năng lực phòng thủ: Ngày 4/10, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Hamada Yasukazu cho biết, Tokyo sẽ nâng cao năng lực phòng thủ, đồng thời tiếp tục xem xét các phương án đối phó với Triều Tiên.
Tại buổi họp báo, Bộ trưởng Hamada Yasukazu khẳng định, Tokyo đang tiếp tục cân nhắc mọi lựa chọn, trong đó không loại trừ bất kỳ khả năng nào, trong tình hình phức tạp hiện nay.
Tuyên bố của ông Hamada được đưa ra trong bối cảnh Nhật Bản muốn tăng cường năng lực phòng thủ để đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên, sau những vụ phóng tên lửa liên tiếp trong thời gian gần đây của Bình Nhưỡng.
Trước đó, chính phủ Nhật Bản đưa ra thông báo về tên lửa của Triều Tiên bay qua vùng Đông Bắc Nhật Bản và đáp xuống vùng biển bên ngoài Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Tokyo. (AFP)
Lãnh đạo Hàn-Nhật sắp thảo luận về vấn đề Triều Tiên: Các nguồn tin chính phủ ngày 5/10 cho biết, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đang có kế hoạch điện đàm vào ngày 6/10 để thảo luận về vụ phóng tên lửa gần đây của Triều Tiên.
Theo nguồn tin trên, hai nhà lãnh đạo của Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ khẳng định phối hợp chặt chẽ để đáp trả hành động khiêu khích quân sự của Triều Tiên. (Kyodo)
Châu Âu
EU hoan nghênh vòng thảo luận quốc tế mới về Gruzia: Liên minh châu Âu (EU) hoan nghênh vòng thứ 56 của cuộc thảo luận quốc tế Geneva về hậu quả của cuộc xung đột năm 2008 ở Gruzia đang được tổ chức tại Thụy Sỹ hôm 5/10.
Kể từ tháng 10/2008, EU đã tích cực tham gia nỗ lực giải quyết xung đột và là đồng Chủ tịch cùng với Liên hợp quốc và Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE). Các cuộc thảo luận quốc tế Geneva vẫn là diễn đàn quan trọng trong việc giải quyết hậu quả xung đột và các vấn đề quan trọng khác, đồng thời phục vụ để xây dựng lòng tin và đáp ứng nhu cầu nhân đạo cấp bách của người dân địa phương. Điều này ngày càng có tầm quan trọng trong bối cảnh địa chính trị hiện nay. (TTXVN)
Czech muốn thúc đẩy giải pháp năng lượng toàn EU: Ngày 4/10, Thủ tướng Czech Petr Fiala tuyên bố không có giải pháp nào nhanh chóng, đơn giản và không gây đau đớn nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay. Ông cho biết chính phủ Czech đang thúc đẩy một giải pháp toàn châu Âu.
Theo ông Fiala, Czech đang tiếp tục nỗ lực cho một giải pháp toàn châu Âu trong nhiệm kỳ nước này làm Chủ tịch luân phiên Hội đồng Liên minh châu Âu (EU). Ông Fiala đề xuất “cần hợp tác quốc tế”. Còn Bộ trưởng Công Thương Czech Jozef Sikela cùng ngày thông báo một giải pháp toàn châu Âu cho cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay sẽ sẵn sàng vào cuối tháng 10. (AP)
Công bố chủ nhân giải Nobel Hóa học 2022
Chiều 5/10 (giờ Việt Nam), Viện Hàn lâm khoa học hoàng gia Thụy Điển đã công bố giải Nobel Hóa học năm 2022 thuộc về 3 nhà khoa học Carolyn R. Bertozzi (người Mỹ), Morten Meldal (người Đan Mạch) và K. Barry Sharpless (người Mỹ) vì đóng góp cho quá trình nghiên cứu phát triển của phản ứng Click và phản ứng bioorthogonal (sinh - trực giao). (AFP)
| Gói trừng phạt thứ 8 nhắm vào Nga được 'thông quan', EC muốn EU đặt giới hạn giá khí đốt tạm thời Ngày 5/10, Czech, nước giữ chức Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU) cho biết, các nước thành viên đã nhất trí về ... |
| Nga sẽ cung cấp LNG cho Myanmar? Hungary nói về ngoại lệ khi áp giá trần dầu Moscow Ông Nikolai Nozdrev, Vụ trưởng Vụ châu Á 3 thuộc Bộ Ngoại giao Nga cho biết, nước này đang thảo luận về việc cung cấp ... |
| ‘Cuộc chơi’ của Trung Quốc trên thị trường khí đốt - nhà điều phối bất đắc dĩ nhưng bỏ túi bộn tiền Khi phương Tây cố gắng rời xa các nguồn năng lượng của Nga và áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Moscow, Trung ... |
| Thủ tướng Ấn Độ: Không thể có giải pháp quân sự cho cuộc xung đột Nga-Ukraine Điện đàm với Tổng thống Ukraine, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhắc lại lời kêu gọi của ông về việc chấm dứt ngay lập ... |
| Điểm tin thế giới sáng 4/10: Ấn Độ 'khoe' trực thăng LCH, Nhật Bản phản đối Trung Quốc, 'nỗi đau' mang tên lạm phát ở Indonesia và Israel Lô trực thăng mới của Ấn Độ, căng thẳng Nhật Bản-Trung Quốc, tập trận Mỹ-Philippines, họp EU-Israel... là tin tức thế giới đáng chú ý ... |