📞

Tin thế giới 5/4: Nga triệu Đại sứ Hàn Quốc phản đối lệnh trừng phạt, Ukraine tấn công căn cứ không quân Nga, Iran cân nhắc phương án trả đũa Israel

Nhất Phong 20:48 | 05/04/2024
Vụ trộm 30 triệu USD tiền mặt ở Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan hợp tác nghiên cứu Mặt Trăng, Nga bàn giao nhiều lô vũ khí mới cho quân đội, tiết lộ thông tin điều tra vụ khủng bố nhà hát Crocus… là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
Vụ tấn công vào khu phức hợp Đại sứ quán Iran tại Syria ngày 1/4 vừa qua càng khiến Tổng thống Mỹ Biden thêm đau đầu với đồng minh Israel. (Nguồn: AP)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Nga-Ukraine

*Nga tấn công thành phố chiến lược Chasov Yar, Donbass: Hãng tin RIA Novosti ngày 5/4 dẫn lời cố vấn của người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng, ông Denis Pushilin, cho biết giao tranh đang diễn ra ở vùng ngoại ô thành phố Chasov Yar thuộc vùng Donbass và quân đội Nga chỉ còn cách thành phố này khoảng 0,5 km.

Chasov Yar, nằm gần Artemovsk (Bakhmut) giờ đây đã trở thành điểm cố thủ của Các Lực lượng Vũ trang Ukraine (VSU). Các nhà phân tích quân sự Ukraine cũng cho biết quân đội Nga đã đạt được bước đột phá ở vùng ngoại ô thành phố.

Theo các nhà phân tích, trong các ngày gần đây, các đơn vị lính dù Nga, được hỗ trợ bởi một lượng đáng kể xe bọc thép, đã tăng cường tấn công nhằm giành quyền kiểm soát thành phố chiến lược này. (RIA Novosti)

*Ukraine thực hiện cuộc tấn công lớn vào căn cứ không quân Nga: Một nguồn tin tình báo ở Kiev ngày 5/4 cho biết, trong khuôn khổ chiến dịch chung do Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) và quân đội Ukraine tiến hành, Kiev đã tấn công căn cứ không quân Morozovsk ở tỉnh Rostov của Nga.

Tuy nguồn tin không cung cấp thêm thông tin chi tiết về cách thức Ukraine tiến hành cuộc tấn công nêu trên, song cho hay cuộc tấn công đã phá hủy 6 máy bay chiến đấu của Nga và làm hư hại 8 máy bay chiến đấu khác.

Trước đó, hãng thông tấn RIA dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng phòng không nước này đã bắn hạ 53 máy bay không người lái của Ukraine trong đêm qua, hầu hết trong số đó ở tỉnh Rostov, giáp biên giới Ukraine. (Reuters)

Châu Á-Thái Bình Dương

*Malaysia bắt giữ 16 nghi phạm trong vụ “tay súng bí ẩn”: Cảnh sát Malaysia cho biết đang giam giữ tổng số 16 nghi phạm liên quan đến vụ “tay súng bí ẩn” người Israel có tên Shalom Avitan sở hữu 6 khẩu súng lục tại một khách sạn ở thủ đô Kuala Lumpur.

Trong diễn biến mới nhất, cảnh sát đã bắt giữ thêm 12 cá nhân sau khi điều tra Avitan, 38 tuổi cùng một cặp vợ chồng địa phương đã bán súng lục cho Avitan và một người đàn ông khác là tài xế.

Tổng thanh tra cảnh sát Malaysia Razarudin Husain cho biết, các nghi phạm khai muốn truy lùng thủ lĩnh của một nhóm tội phạm đối địch, nhưng cảnh sát không chấp nhận lý do này. Họ cho rằng “Nghi phạm có thể là mối đe dọa đối với các nhà lãnh đạo của Malaysia, các nhà ngoại giao nước ngoài và thậm chí cả các chỉ huy của Hamas”. (Al Jazeera)

*Thủ tướng Pakistan công du Saudi Arabia: Ngày 5/4, Bộ Ngoại giao Pakistan thông báo, Thủ tướng nước này Shehbaz Sharif sẽ gặp Thái tử Saudi Arabia trong khuôn khổ chuyến thăm kéo dài 2 ngày tới Riyadh, bắt đầu từ ngày 6/4.

Đây sẽ là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Sharif kể từ khi Pakistan thành lập Chính phủ liên minh vào tháng 2 năm nay. Saudi Arabia là một trong các đối tác quan trọng nhất của Islamabad tại khu vực cũng như toàn cầu. (The Nation)

*Trung Quốc, Thái Lan ký hiệp ước hợp tác nghiên cứu Mặt Trăng: Cơ quan Vũ trụ quốc gia Trung Quốc (CNSA) thông báo, nước này và Thái Lan ngày 5/4 đã ký hiệp ước sơ bộ về hợp tác sử dụng vũ trụ và các trạm nghiên cứu Mặt Trăng quốc tế một cách hòa bình.

Theo bản ghi nhớ nêu trên, hai nước đặt mục tiêu thành lập một nhóm công tác chung về thăm dò và sử dụng vũ trụ, bao gồm cả việc trao đổi dữ liệu và đào tạo nhân sự. CNSA cho biết hai bên cũng nhất trí hợp tác trong các kế hoạch đánh giá, bố trí và quản lý các trạm nghiên cứu Mặt Trăng. Theo CNSA, vào năm 2023, Trung Quốc đã chọn thiết bị theo dõi thời tiết trên vũ trụ do Thái Lan phát triển cho sứ mệnh thăm dò Mặt Trăng Hằng Nga 7 (Chang'e-7) của Bắc Kinh.

Được phóng vào khoảng năm 2026, Hằng Nga 7 sẽ khám phá các nguồn tài nguyên trên cực Nam của Mặt Trăng. Trung Quốc đặt mục tiêu đưa phi hành gia lên Mặt Trăng trước năm 2030. (Bangkok Post)

*Trung Quốc, Mỹ hợp tác đối phó với nguy cơ phá sản ngân hàng: Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen ngày 5/4 cho biết Mỹ và Trung Quốc đang cùng chuẩn bị để đối phó với tình huống một ngân hàng lớn sụp đổ ở một trong hai nước.

Phát biểu tại sự kiện của Phòng Thương mại Mỹ ở thành phố Quảng Châu, Trung Quốc, bà Yellen nói: “Chúng tôi đã có các hoạt động trao đổi kỹ thuật giữa hai bên, bao gồm diễn tập cách cùng nhau đối phó với sự sụp đổ của một ngân hàng lớn ở Mỹ hoặc Trung Quốc”.

Tuyên bố của Bộ trưởng Yellen đề cập đến hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc nhằm mô hình hóa các rủi ro tài chính từ nguy cơ một ngân hàng phá sản. Đây là một ví dụ về sự hợp tác gần đây giữa hai quốc gia. (THX)

*Mỹ, Philippines, Nhật Bản bàn về sự cố ở Biển Đông: Ngày 5/4, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết hội nghị thượng đỉnh ba bên giữa Mỹ, Nhật Bản và Philippines sẽ thảo luận về các sự cố gần đây ở Biển Đông.

Phát biểu trong một cuộc họp báo, quyền Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Hans Mohaimin Siriban nhấn mạnh hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong tuần tới không nhằm vào bất kỳ nước thứ ba nào.

Hội nghị thượng đỉnh ba bên giữa Mỹ, Nhật Bản và Philippines diễn ra trong bối cảnh các tàu Philippines và Trung Quốc gần đây liên tục có va chạm trên Biển Đông. (Reuters)

Châu Âu

*Nga bàn giao nhiều lô vũ khí mới cho quân đội: Tập đoàn công nghệ khổng lồ Rostec của Nga ngày 5/4 cho biết Tổng công ty máy bay thống nhất (UAC) của tập đoàn đã bàn giao lô máy bay ném bom Su-34 đầu tiên trong năm nay cho Lực lượng Không quân Vũ trụ Nga (VKS).

Rostec cũng xác nhận đã chuyển cho quân đội Nga một lô pháo tự hành Msta-S và Akatsiya. Tất cả các phương tiện này đều đã được hiện đại hóa hoàn toàn và một số thiết bị được chuyển thẳng đến khu vực tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt. Pháo tự hành Msta-S nâng cấp được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực và ngắm bắn tự động, cho phép tấn công các mục tiêu suốt ngày đêm và trong mọi điều kiện thời tiết.

Nhà máy Kurgan cũng ra thông báo cho biết đã bàn giao một lô xe chiến đấu bộ binh BMP-3 mới cho quân đội Nga bằng đường sắt. Đây đã là lô xe chiến đấu thứ 3 được bàn giao cho quân đội Nga. (TASS)

*Cảnh sát châu Âu cảnh báo các mối đe dọa lớn tại EU: Theo báo cáo về các mạng lưới tội phạm nghiêm trọng ở châu Âu do Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) vừa công bố, tội phạm nghiêm trọng và có tổ chức hiện diện khắp nơi ở châu Âu và gây ra mối đe dọa lớn đối với châu lục này. Báo cáo cho biết ở châu Âu hiện có 821 băng đảng tội phạm chuyên nghiệp với tổng số hơn 25.000 thành viên.

Đây chưa phải toàn bộ mà mới chỉ là các băng đảng được phân loại là nguy hiểm nhất. Những băng đảng này hiện diện khắp nơi, được tổ chức và hoạt động mang tính chuyên nghiệp cao, rất linh hoạt và nguy hiểm. Báo cáo đánh giá những băng đảng này không hoạt động trong một thế giới tội phạm ngầm biệt lập mà có tác động trực tiếp đến đời sống của người dân EU. (DW)

*Nga phản đối kế hoạch xây căn cứ NATO ở biển Baltic: RIA đưa tin Bộ Ngoại giao Nga ngày 5/4 cho biết kế hoạch của Thụy Điển thành lập một căn cứ quân sự của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trên Đảo Gotland ở biển Baltic là một hành động khiêu khích có thể biến biển này thành khu vực đối đầu địa chính trị.

Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo điều này sẽ làm tăng rủi ro cho việc vận chuyển trong vùng Baltic. (AFP)

*Ngoại trưởng Hàn Quốc, Czech, Hà Lan hội đàm bên lề hội nghị NATO: Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 5/4 thông báo, Ngoại trưởng nước này Cho Tae-yul đã tiến hành cuộc hội đàm riêng rẽ với những người đồng cấp Czech và Hà Lan về hợp tác song phương bên lề hội nghị Ngoại trưởng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Trong cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Czech Jan Lipavsky ngày 4/4 (giờ địa phương) tại Brussels, ông Cho bày tỏ hy vọng một công ty Hàn Quốc sẽ tham gia dự án xây dựng một nhà máy điện hạt nhân mới của Czech và đề nghị ông Lipavsky hỗ trợ.

Hội đàm với người đồng cấp Hà Lan Hanke Bruins Slot, hai bên đã nhất trí hoàn tất các thỏa thuận song phương ký kết trong chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Yoon Suk Yeol tới Hà Lan vào tháng 12/2023, bao gồm cả việc thiết lập liên minh bán dẫn.

Hàn Quốc được mời tham dự cuộc họp cấp bộ trưởng NATO năm thứ 3 với tư cách là một trong những đối tác ngoài NATO ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. (Yonhap)

*Nga tiết lộ thông tin điều tra vụ tấn công khủng bố nhà hát Crocus: Ngày 5/4, ủy ban điều tra Nga tuyên bố vụ nổ súng trong nhà hát Crocus ở ngoại ô thủ đô Moskva hồi tháng trước có thể liên quan đến "chiến dịch quân sự đặc biệt" của nước này ở Ukraine.

Ủy ban trên cho biết họ đã tìm thấy những bức ảnh chụp một tem bưu chính Ukraine và ảnh chụp lính ngụy trang mang cờ Ukraine trong điện thoại di động của một trong những kẻ tình nghi. Ủy ban điều tra Nga coi đây là bằng chứng về khả năng liên quan giữa vụ tấn công ở Moskva và cuộc chiến ở Ukraine. (Reuters)

*Nga triệu Đại sứ Hàn Quốc tại Moscow phản đối lệnh trừng phạt của Seoul: Ngày 5/4, Bộ Ngoại giao Nga thông báo đã triệu Đại sứ Hàn Quốc tới để phản đối lệnh trừng phạt của Seoul đối với các cá nhân và pháp nhân Nga.

Hàn Quốc đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với 2 tàu Nga mà Seoul cho là đang chở hàng hóa quân sự tới Triều Tiên. Hàn Quốc cũng cho biết nước này đã trừng phạt 2 tổ chức và 2 công dân Nga có liên quan đến các chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 5/4 cho biết Moscow coi quyết định của Hàn Quốc là động thái không thân thiện và sẽ đáp trả đúng lúc. (Reuters)

Trung Đông – Châu Phi

*Iran cân nhắc các lựa chọn trả đũa Israel: Giới quan sát quốc tế cho rằng, Iran không muốn một cuộc chiến toàn diện với Israel hay Mỹ mà muốn tiếp tục sử dụng lực lượng ủy nhiệm để thực hiện các cuộc tấn công chiến thuật có chọn lọc.

Cho đến nay, Iran vẫn tránh trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột ở Dải Gaza, đồng thời hỗ trợ các cuộc tấn công của đồng minh vào các mục tiêu Israel và Mỹ.

Các nhà lãnh đạo Iran cũng công khai chỉ ra rằng nước này không muốn một cuộc chiến tranh lớn có thể gây bất ổn cho đất nước. Iran đang phải vật lộn với các vấn đề kinh tế bắt nguồn một phần do các lệnh trừng phạt của Mỹ và phải mất nhiều tháng để dập tắt tình trạng bất ổn trong nước thời gian gần đây. (Reuters)

*Mỹ hoan nghênh Israel tạo điều kiện tăng viện trợ cho Gaza: Ngày 5/4, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken tuyên bố, Washington hoan nghênh nỗ lực mới nhất của Israel nhằm cho phép vận chuyển thêm hàng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza.

Phát biểu cùng các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) tại Bỉ, ông Blinken nói: “Thực tế, minh chứng nằm ở kết quả và chúng ta sẽ thấy những điều đó trong những ngày tới, trong những tuần tới”.

Trước đó cùng ngày, Văn phòng Thủ tướng Israel tuyên bố Chính phủ nước này đã quyết định mở lại cửa khẩu Erez vào phía Bắc Gaza và tạm thời sử dụng cảng Ashdod ở miền Nam Israel để tăng cường viện trợ nhân đạo cho Gaza. Tuyên bố cũng cho hay Israel chấp thuận việc đưa thêm viện trợ vào vùng đất này từ Jordan qua cửa khẩu Kerem Shalom. (Reuters)

*Niger giải tán các hội đồng khu vực, thị trấn và thành phố trên toàn quốc: Ngày 4/4, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Bảo vệ Tổ quốc (CNSP) của Niger, Tướng Abdourahamane Tchiani, đã ký lệnh giải tán các hội đồng khu vực, thị trấn và thành phố của nước này.

Tổng thống chuyển tiếp Niger sau đó cũng đã ký sắc lệnh bổ nhiệm các quản trị viên được ủy quyền mới, những người sẽ tiếp quản việc quản lý các phường xã và quận huyện ở nông thôn và thành thị. (AFP)

*Somalia trục xuất Đại sứ Ethiopia: Chính quyền Somalia ngày 4/4 đã trục xuất Đại sứ Ethiopia tại Mogadishu trong bối cảnh căng thẳng song phương leo thang trước các cáo buộc can thiệp vào công việc nội bộ. Thông báo từ văn phòng Thủ tướng Hamza cho rằng Ethiopia đã tăng cường can thiệp ngày càng sâu vào công việc nội bộ của Somalia.

Quan hệ song phương càng trở lên căng thẳng khi Bộ Ngoại giao Ethiopia tiếp phái đoàn từ Puntland vào ngày 3/4 vừa qua. Trước đó, bang Puntland cũng vừa tuyên bố rút khỏi hệ thống liên bang của Somali và cho biết họ sẽ tự quản lý một cách độc lập vào ngày 31/3. (AFP)

*Nga bắt giữ 2 tàu của Ai Cập: Nhà chức trách Nga đang tạm giữ 2 tàu chở lúa mì của Ai Cập tại các cảng của Nga, dấu hiệu mới nhất cho thấy "tranh chấp nội bộ" giữa một công ty kinh doanh ngũ cốc chủ chốt và cơ quan quản lý nông nghiệp Nga đang cản trở hoạt động giao hàng ra nước ngoài.

Bộ trưởng Cung ứng và Nội thương Ai Cập Ali El-Mosilhy nói với Bloomberg News rằng các tàu này đã bị cấm ra khơi vì không có giấy tờ phù hợp và hiện đang bị giữ tại các cảng của Nga. Ông El-Mosilhy cho hay theo kết quả đấu thầu hồi tháng 1/2024, các tàu này được khởi hành vào cuối tháng 3/2024 và Ai Cập đang chờ phản hồi từ các quan chức Đại sứ quán Nga ở Cairo về vấn đề này. (Al Jazeera)

Châu Mỹ-Mỹ Latinh

*Colombia và Argentina giảm căng thẳng ngoại giao: Ngày 4/4, Đại sứ Colombia tại Argentina Camilo Romero cho biết sẽ trở lại Buenos Aires vào ngày 6/4 tới, sau những căng thẳng ngoại giao giữa hai nước bùng phát từ những bình luận không thiện chí của Tổng thống Argentina Javier Milei với người đồng cấp Colombia Gustavo Petro.

Ông Romero cho biết đã làm việc với Ngoại trưởng Colombia Luis Gilberto Murillo về chuyến thăm tới đây tới Bogota của Ngoại trưởng Argentina Diana Mondino nhằm tăng cường mối quan hệ song phương vì lợi ích của nhân dân hai nước. (AP)

*Vụ mất trộm 30 triệu USD tiền mặt ở kho bạc Mỹ: Cảnh sát Los Angeles và Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đang điều tra một vụ trộm kho bạc chấn động, trong đó kẻ trộm đã đột nhập từ mái nhà và phá khóa két lấy đi 30 triệu USD tiền mặt.

Đại diện Cảnh sát Los Angeles, David Cuellar, cho biết đây là một trong những vụ cướp tiền mặt nghiêm trọng nhất trong lịch sử thành phố, xảy ra ngày Lễ phục sinh ở vùng ngoại ô phía Bắc Sylmar.

Trong nhiều năm qua, tại khu vực này cũng đã xảy ra nhiều vụ đột nhập tinh vi. Năm 2022, một nhóm trộm cũng đã đánh cắp số trang sức trị giá 100 triệu USD trong 1 xe tải dừng tại bãi đỗ xe cao tốc khi đang trên đường tới triển lãm trang sức và đá quý ở Los Angeles. Theo báo LA Times, vụ trộm tiền mặt lớn nhất từng được biết đến trong lịch sử thành phố xảy ra vào năm 1997, khi 18,9 triệu USD bị đánh cắp từ một két sắt. (LA Times)