Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin sẽ từ chức lãnh đạo đảng cầm quyền. (Nguồn: YLE) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga-Ukraine
* Nga triệu Đại biện Pháp về phát ngôn liên quan Ukraine: Ngày 4/4, Bộ Ngoại giao Nga đã triệu Đại biện lâm thời của Pháp tại Moscow để “cương quyết phản đối” về “cáo buộc sai trái chống lại quân đội của chúng tôi”. Moscow cũng cáo buộc Paris “tích cực cung cấp thiết bị quân sự và đạn dược cho quân đội Ukraine và làm mọi cách có thể để kéo dài xung đột”.
Theo Bộ trên, một trong những tuyên bố mang tính xúc phạm của Pháp đề cập vụ thảm sát được cho là do quân đội Nga thực hiện ở Bucha, một thị trấn gần Kiev. Tuy nhiên, Moscow đã thẳng thừng bác bỏ những cáo buộc này. (Reuters)
* Báo Mỹ: Ukraine đã tập hợp đủ lực lượng tinh nhuệ cho chiến dịch phản công: Ngày 4/4, tờ New York Times (Mỹ) cho biết mục tiêu của chiến dịch trên là cắt ngang lãnh thổ dọc theo bờ biển phía Nam Biển Đen và Biển Azov gần Crimea hoặc đạt được bước ngoặt ở Donbass. Chiến dịch phản công sẽ chia lãnh thổ hiện do Nga kiểm soát thành hai khu vực, cắt đứt đường tiếp tế và khiến căn cứ của Moscow ở Bán đảo Crimea nằm trong tầm bắn pháo binh. Nếu thành công, chiến dịch sẽ thúc đẩy các đồng minh tăng cường vũ trang và tài trợ cho Kiev.
Về phần mình, Lầu Năm Góc gọi đợt cung cấp đạn pháo và tên lửa mới nhất dành cho Ukraine là “nỗ lực cuối cùng”. Theo ước tính của phương Tây, có tới 100.000 binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng hoặc bị thương trong những cuộc đụng độ ở miền Đông Ukraine năm qua. New York Times đánh giá nỗ lực duy trì “tinh thần trong hầu hết các cuộc đụng độ đang ngày càng khó khăn”. (New York Times)
* Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, Nga sẽ thảo luận về Ukraine: Ngày 5/4, phát biểu với báo giới, ông Mevlut Cavusoglu cho biết sẽ thảo luận với người đồng cấp Nga về Ukraine tại Ankara trong tuần này. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho biết, Ankara đang làm việc với Liên hợp quốc để giải quyết các vấn đề liên quan đến xuất khẩu ngũ cốc và phân bón qua Biển Đen. Ông Cavusoglu bày tỏ lo ngại việc các bên trong xung đột chuẩn bị thực hiện các cuộc tấn công tiếp theo. (Reuters)
* Cựu Tổng thống Mỹ hối hận một điều về Ukraine: Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình RTE (Ireland), phát sóng ngày 4/4, ông Bill Clinton, cựu Tổng thống Mỹ giai đoạn 1993-2001 nói: “Tôi cảm thấy phải chịu trách nhiệm cá nhân vì tôi đã khiến họ (Ukraine) đồng ý từ bỏ vũ khí hạt nhân. Không ai trong số họ nghĩ Nga sẽ tấn công quân sự nếu Ukraine vẫn còn vũ khí (hạt nhân)… Họ sợ phải từ bỏ nó vì họ nghĩ đó là thứ vũ khí duy nhất có thể bảo vệ được họ trước Nga”. Ông cũng cho rằng, quyết định tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Moscow là “rất sai lầm” và “châu Âu và Washington cần ủng hộ Kiev”.
Trước đó, lãnh đạo Ukraine, Nga, Anh và Mỹ đã ký Bản ghi nhớ Budapest 5/12/1994. Theo thỏa thuận, Kiev đã loại bỏ kho vũ khí hạt nhân để đổi lấy cam kết an ninh từ Moscow, Washington và London. Tuy nhiên, ngày 10/2/2022, sau cuộc gặp người đồng cấp Anh khi đó là bà Liz Truss, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã nhấn mạnh Bản ghi nhớ Budapest đi kèm một tuyên bố đã được Pháp và Ukraine ký kết. Theo đó, các bên tham gia không được cho phép xảy ra bất kỳ hành vi vi phạm nào đối với các nguyên tắc của Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE), bao gồm nguyên tắc tôn trọng quyền các dân tộc thiểu số. (TTXVN)
* Nhật Bản cam kết hỗ trợ “liên tục” Ukraine: Ngày 4/4, gặp người đồng cấp Ukraine Dmitry Kuleba bên lề hội nghị Ngoại trưởng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Brussels (Bỉ), Ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi Yoshimasa đã tái khẳng định cam kết với Kiev. Theo ông. chuyến thăm gần đây của Thủ tướng Kishida Fumio tới Ukraine ngày 21/3 thể hiện “quyết tâm của Nhật Bản về duy trì trật tự quốc tế dựa trên pháp quyền tự do và rộng mở”. Khoản cam kết 7,6 tỷ USD được Thủ tướng Kishida tuyên bố trong chuyến thăm cũng bao gồm 470 triệu USD viện trợ không hoàn lại cho năng lượng và các lĩnh vực khác cùng 30 triệu USD đóng góp cho NATO để cung cấp thiết bị phi sát thương.
Về phần mình, ông Kuleba nhấn mạnh chuyến thăm của Thủ tướng Kishida tới Kiev gửi đi thông điệp quan trọng tới Ukraine cũng như cộng đồng quốc tế.
Cùng ngày, trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Hayashi, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng hoan nghênh Thủ tướng Kishida Fumio đã thực hiện chuyến thăm tới Ukraine. Hai bên nhất trí các quốc gia cùng chí hướng cần phải tiếp tục áp đặt trừng phạt kinh tế đối với Nga, trong khi tiếp tục ủng hộ Ukraine. (Kyodo)
Nam Thái Bình Dương
* Thủ tướng Australia sẽ thăm Trung Quốc nếu có lời mời: Ngày 5/4, ông Anthony Albanese nêu rõ: “Nếu nhận được lời mời (thăm Trung Quốc) thì tôi sẽ đưa vào lịch làm việc”. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này cho biết đã kiểm tra với Văn phòng Thủ tướng và xác nhận không nhận được lời mời nào từ Trung Quốc.
Lấy ví dụ về cuộc gặp giữa Bộ trưởng Thương mại Australia và người đồng cấp Trung Quốc tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao ở tỉnh Hải Nam tuần trước, ông hy vọng đối thoại giữa hai bên sẽ tiếp tục, đồng thời mong chuyến thăm Trung Quốc sẽ “sớm” diễn ra. Thủ tướng Albanese cũng thông báo ông sẽ dự hội nghị Nhóm các nước phát triển hàng đầu thế giới (G7) ở Tokyo (Nhật Bản) vào tháng Năm tới.
Trước đó, tờ South China Morning Post (Trung Quốc) đưa tin, Bắc Kinh đã đưa ra lời mời “về nguyên tắc” tới Thủ tướng Albanese và Bộ trưởng Thương mại Don Farrell. Theo đó, chuyến thăm có thể diễn ra vào tháng 10 hoặc 11, trùng với dịp kỷ niệm 50 năm chuyến thăm đầu tiên của một Thủ tướng Australia. (abc.au)
Đông Bắc Á
* Mỹ-Hàn tập trận không quân: Ngày 5/4, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo nước này và Mỹ đã tổ chức tập trận không quân chung, với sự tham gia của ít nhất một máy bay ném bom chiến lược B-52H của Mỹ. Không quân Hàn Quốc đã huy động các máy bay chiến đấu tàng hình F-35A tham gia cuộc tập trận này, trong khi phía Mỹ triển khai các máy bay chiến đấu F-35B và F-16. Cuộc tập trận tập trung vào bảo vệ máy bay B-52H trước các mối đe dọa tiềm ẩn ở trên không, tăng cường khả năng tương tác và tác chiến phối hợp của lực lượng đồng minh.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nêu rõ: “Dư luận đánh giá việc triển khai liên tiếp tới bán đảo Triều Tiên khí tài chiến lược quan trọng của Mỹ đã cho thấy Washington thực hiện quyết tâm bảo vệ Hàn Quốc và nỗ lực nâng cao khả năng răn đe mở rộng”. Trung tướng Park Ha-sik, Chỉ huy Bộ Tư lệnh tác chiến Không quân Hàn Quốc, cho biết cuộc tập trận đã thể hiện sự sẵn sàng “tốt nhất” của liên minh nhằm đáp trả “nhanh chóng và áp đảo” các hành động khiêu khích của Triều Tiên.
Trước đó, máy bay B-52H của Mỹ được tái triển khai tới Bán đảo Triều Tiên khoảng một tháng sau lần triển khai cuối cùng tại đây, ít lâu sau khi Bình Nhưỡng vừa công bố đầu đạn hạt nhân chiến thuật Hwasan-31 vào tuần trước. (Yonhap)
Châu Âu
* Ukraine chúc mừng Phần Lan gia nhập NATO: Ngày 4/4, viết trên Telegram, Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Andriy Yermak viết: “Phần Lan đã lựa chọn đúng. Gia nhập NATO cũng là mục tiêu quan trọng với Ukraine”. Tháng 9/2022, Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố Kiev “đang có bước đi quyết định bằng cách ký đơn xin gia nhập NATO một cách nhanh chóng”. (Reuters)
* Tổng thống Ukraine bất ngờ tới Ba Lan: Ngày 5/4, ông Zelensky đã bất ngờ thăm chính thức nước láng giềng. Ba Lan đã công bố về chuyến thăm trong tuần này, song Kiev chưa chính thức xác nhận. Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình TVN24 (Ba Lan), Cố vấn tổng thống Ba Lan Marcin Przydacz cho hay: “Tôi xin thông báo, Tổng thống Zelensky đã vượt qua biên giới Ba Lan”. Ông khẳng định chuyến thăm “cần được xem là dấu hiệu của lòng tin, sự biết ơn dành cho chính phủ và người dân Ba Lan”. Quan chức này cũng nêu rõ: “Sẽ không có gì ngạc nhiên khi phía Ukraine đề nghị Ba Lan và các đối tác nước ngoài khác hỗ trợ thêm... Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu rằng Ba Lan đã thực sự hỗ trợ rất nhiều”.
Trong khi đó, viết trên Telegram, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov bày tỏ sự cảm kích khi Ba Lan là nước đầu tiên chuyển giao máy bay chiến đấu MiG: “(Máy bay) MiG từ Ba Lan sẽ tăng cường đáng kể khả năng phòng thủ, cho phép chúng tôi bảo đảm an toàn cho vùng trời, cứu mạng sống của công dân và giảm mức độ thiệt hại từ các đợt tấn công của Nga”. (Reuters)
* Đức kêu gọi EU giảm phụ thuộc vào Trung Quốc: Ngày 5/4, phát biểu với báo chí bên lề cuộc họp Ngoại trưởng NATO đang diễn ra tại Brussels (Bỉ), Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nhấn mạnh EU cần giảm sự phụ thuộc một chiều vào Trung Quốc vì vấn đề an ninh, song không có nghĩa là tách rời nước này.
Theo bà, một trong những lý do cần giảm phụ thuộc vào Trung Quốc là do lập trường của Trung Quốc về xung đột Nga-Ukraine. Nhà ngoại giao Đức cho rằng, là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Trung Quốc cần có “trách nhiệm đặc biệt” đối với cộng đồng quốc tế và “lập trường trung lập” của Bắc Kinh là không phù hợp với vị trí này. Do đó, các nước châu Âu đã khẳng định rõ ràng, cần phải loại trừ rủi ro trong quan hệ với Bắc Kinh.
Bà Baerbock cũng kêu gọi các nước thành viên NATO phối hợp tốt hơn về quân sự để có thể đáp ứng tốt hơn trước các yêu cầu của tình hình hiện tại. (TTXVN)
* Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ thảo luận về Thụy Điển và F-16: Ngày 5/4, bên lề Hội nghị Ngoại trưởng NATO tại Brussels (Bỉ), Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết ông đã thảo luận với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken về việc Thụy Điển xin gia nhập NATO và thương vụ mua tiêm kích F-16 của Ankara. Theo nhà ngoại giao này, Thụy Điển cần thực hiện các bước tiếp theo để được Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận. Trong hội nghị nêu trên, các nước NATO đã hoan nghênh Phần Lan trở thành nước mới nhất tham gia vào liên minh quân sự này. (Reuters)
* Tổng thống Pháp: Trung Quốc không nên cung cấp vũ khí cho Nga: Ngày 5/4, phát biểu tại Bắc Kinh, ông Emmanuel Macron cho rằng, Trung Quốc không có lợi khi cung cấp vũ khí cho Nga trong xung đột Ukraine. “Việc xung đột kéo dài ở Ukraine không mạng lại lợi ích gì cho Trung Quốc”. Theo nhà lãnh đạo Pháp, quá trình loại bỏ rủi ro cho các nền kinh tế không có nghĩa là không buôn bán với Trung Quốc và việc duy trì thế giới “đa cực” có lợi cho Pháp. (Reuters)
* Bà Sanna Marin từ chức lãnh đạo đảng cầm quyền Phần Lan: Phát biểu ngày 5/4, Thủ tướng sắp mãn nhiệm của Phần Lan Sanna Marin tuyên bố sẽ từ chức lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền. Song chính trị gia này cho biết, bà sẽ tiếp tục là thành viên thường trực trong Quốc hội mới, bắt đầu từ tuần tới. Ngày 2/4, Phần Lan đã tổ chức tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa mới gồm 200 ghế, cơ quan lập pháp sẽ thành lập Chính phủ thứ 77 của quốc gia Bắc Âu. (Reuters)
Châu Mỹ
* Cựu Tổng thống Mỹ chỉ trích cáo buộc hình sự: Ngày 4/4, trong phát biểu công khai đầu tiên kể từ khi bị truy tố hơn 30 tội danh trước đám đông người ủng hộ tại dinh thự Mar-a-Lago, Florida, ông Donald Trump nhấn mạnh: “Tôi chưa bao giờ nghĩ bất cứ điều gì như thế này có thể xảy ra ở Mỹ… Tội ác duy nhất tôi đã phạm phải là ngoan cường bảo vệ quốc gia khỏi những kẻ tìm cách phá hủy nó... Đó là một sự xúc phạm đối với đất nước của chúng ta”.
Cựu Tổng thống Mỹ cũng chỉ trích chính quyền Mỹ hiện tại đã đưa thế giới đến gần thế chiến thứ ba: “Điều đó chưa bao giờ được các nước bên ngoài nhắc đến hoặc bàn đến dưới thời chính quyền của tôi. Việc này rất có thể sẽ dẫn đến thế chiến thứ ba - chiến tranh hạt nhân - dưới sự lãnh đạo của chính quyền ông Joe Biden với việc sử dụng mọi lực lượng và phương tiện. Điều đó có thể xảy ra. Chúng ta không còn cách xa điều đó nữa đâu. Muốn tin hay không thì tùy các vị”.
Theo ông Donald Trump, việc rút quân khỏi Afghanistan là khoảnh khắc xấu hổ nhất trong lịch sử nước Mỹ. Chính trị gia này khẳng định: “Việc rút quân thiếu chuyên nghiệp của chúng ta khỏi Afghanistan, nơi chúng ta bỏ rơi công dân Mỹ và để lại trang thiết bị trị giá 85 tỷ USD, những thiết bị quân sự tốt nhất thế giới; theo tôi, đó là thời điểm đáng xấu hổ nhất trong lịch sử của đất nước”. (TTXVN)
* Tổng thống Mỹ sẽ thăm Cộng hòa Ireland và Bắc Ireland: Ngày 5/4, Nhà Trắng thông báo Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ thăm Cộng hòa Ireland và Bắc Ireland từ ngày 11-14/4 tới.
Trước đó, hồi tháng Ba, ông Biden đã nhận lời mời của Thủ tướng Anh Rishi Sunak đến thăm Bắc Ireland trong tháng Tư, nhân dịp kỷ niệm 25 năm ký kết Hiệp ước Ngày thứ Sáu tốt lành giúp khôi phục ổn định tại vùng này. Ông cũng cho biết có thể tới thăm Cộng hòa Ireland. (Reuters)
Trung Đông-Châu Phi
* Liên đoàn Arab chỉ trích hành động của Israel tại đền Al-Aqsa: Ngày 5/4, Tổng thư ký Liên đoàn Arab (AL) Ahmed Aboul Gheit nêu rõ: “Cách tiếp cận cực đoan của cảnh sát Israel, nếu không dừng lại, sẽ dẫn đến đối đầu lan rộng với người Palestine”.
Trước đó, sáng sớm cùng ngày, cảnh sát Israel đã bắt giữ hơn 350 người Palestine sau các cuộc đụng độ tại đền Al-Aqsa, phía Israel gọi là Núi Đền, ở khu vực Đông Jerusalem. Phía Palestine cho biết, một số người đã bị thương, đồng thời cảnh báo phía Israel không vượt qua “giới hạn đỏ”. Sau vụ đụng độ, một số tên lửa đã được bắn từ Dải Gaza về lãnh thổ Israel. (TTXVN)