Ứng dụng nhắn tin Telegram rơi vào tầm ngắm của chính phủ Malaysia. (Nguồn: ShutterStock) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga-Ukraine
* Nga: Ukraine mở đợt tấn công quy mô lớn tại Nam Donetsk: Ngày 5/6, Bộ Quốc phòng Nga thông báo: “Từ sáng 4/6, đối thủ đã phát động một cuộc tấn công quy mô lớn ở 5 khu vực của mặt trận trên hướng miền Nam Donetsk với các lữ đoàn cơ giới số 23 và 31 từ lực lượng dự bị chiến lược của Các lực lượng vũ trang Ukraine, với sự hỗ trợ của các đơn vị quân đội và nhóm quân khác”.
Bộ trên cũng nhận định, có tổng cộng 6 tiểu đoàn cơ giới và 2 tiểu đoàn xe tăng Ukraine tham gia cuộc tấn công, với mục tiêu "xuyên thủng tuyến phòng thủ" của Nga ở khu vực dễ bị tổn thương nhất trên mặt trận.
Song theo thông báo, phía Ukraine “chưa thể hoàn thành nhiệm vụ” và đã tổn thất 250 binh sĩ, 16 xe tăng, 3 xe chiến đấu bộ binh và 21 xe chiến đấu bọc thép.
Chỉ huy lực lượng hiệp đồng tác chiến, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Nga, Đại tướng Valery Gerasimov, đã có mặt tại một trong điểm kiểm soát tăng cường theo hướng này trong thời gian xảy ra đợt tấn công của phía Ukraine. (Reuters)
* Ukraine tiếp tục tiến quân gần Bakhmut: Ngày 5/6, chỉ huy lực lượng mặt đất Ukraine, Tướng Oleksandr Syrskyi thông báo, các binh sĩ nước này đã tiếp tục tiến quân gần Bakhmutvà phá hủy thành công cứ điểm Nga gần đó.
Cùng ngày, viết trên Telegram, người đứng đầu vùng Kaluga của Ukraine Vladislav Shapsha cho biết: “Sáng 5/6, hai máy bay không người lái (UAV) rơi xuống đường cao tốc M3 Ukraine ở km số 2999 (Zhizdra) và km số 283 (Duminichi). Tuy nhiên, không có vụ nổ nào xảy ra. Hiện khu vực này đã được phong tỏa”. (Reuters/TASS)
* Mỹ tin tưởng vào chiến dịch phản công tới của Ukraine: Ngày 4/6, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNN (Mỹ), Cố vấn An ninh quốc gia nước này Jake Sullivan cho biết, Washington tin tưởng Kiev sẽ thành công tới đây.
Ngoài ông Sullivan, Chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ, Hạ nghị sĩ Cộng hòa Mike Turner cũng đưa ra nhận định tương tự. Chính trị gia này cho biết, trong chuyến thăm tới Kiev, ông đã gặp các binh sĩ Ukraine và cảm thấy “rất lạc quan”.
Mặc dù vậy, trong cuộc họp báo tháng trước, Điều phối viên chiến lược Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby chưa đưa ra những nhận định lạc quan như vậy. Quan chức này chỉ cho biết hiện chính quyền Tổng thống Joe Biden đã làm mọi việc có thể để cung cấp nguồn lực giúp Ukraine giành được ưu thế.
Về phần mình, trả lời phỏng vấn Wall Street Journal (Mỹ) trước đó,Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố quân đội nước này đã sẵn sàng cho chiến dịch phản công tại các khu vực Nga đang kiểm soát. Vài tuần gần đây, quan chức các cấp Ukraine cũng đưa ra các thông điệp tương tự. (CNN/Wall Street Journal)
Mỹ-Trung
* Báo Trung Quốc chỉ trích chuyến thăm của quan chức ngoại giao Mỹ: Tối ngày 4/6, tờ Global Times (Trung Quốc) dẫn lời các chuyên gia nước này chỉ trích chuyến thăm của quan chức cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ tới Trung Quốc.
Theo họ chuyến đi này được thúc đẩy bởi mục đích riêng của Washington nhằm thể hiện mình là bên tìm kiếm các cuộc tiếp xúc chứ không phải Bắc Kinh.
Đáng chú ý, động thái này diễn ra trùng với thời điểm Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á-Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink tới Bắc Kinh trong khuôn khổ chuyến thăm mà Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo sẽ chứng kiến thảo luận về “những vấn đề then chốt trong quan hệ song phương”. (Global Times/Reuters)
Đông Nam Á
* Mỹ, Trung Quốc cử tàu dự tập trận tại Indonesia: Ngày 4/6, người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ tại Jakarta cho biết, Hải quân nước này đã cử một tàu tác chiến ven biển tham gia cuộc tập trận. Theo thông báo, cuộc tập trận sẽ cho phép Mỹ “tham gia cùng với các nước có cùng chí hướng, đồng minh và đối tác của chúng tôi để cùng giải quyết thách thức chung” như ứng phó thảm họa và nhân đạo.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết sẽ gửi một tàu khu trục và một tàu khu trục nhỏ theo lời mời của hải quân Indonesia. Australia và Nga cũng dự kiến tàu chiến.
Phía Indonesia cho biết sẽ có tổng cộng 17 tàu nước ngoài tham gia tập trận, tập trung vào các hoạt động phi quân sự với các đồng minh chủ chốt. (AFP)
* Philippines có Bộ trưởng Quốc phòng mới: Ngày 5/6, Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. đã bổ nhiệm ông Gilberto Teodoro làm Bộ trưởng Quốc phòng nước này. Đáng chú ý, ông Teodoro là cựu Hạ nghị sỹ và từng giữ cương vị Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời cựu Tổng thống Gloria Macapagal-Arroyo. (Reuters)
* Malaysia xem xét hạn chế Telegram: Ngày 5/6, Ủy ban Truyền thông và đa phương tiện Malaysia (MCMC) cho biết đang cân nhắc áp đặt một số hạn chế đối với ứng dụng Telegram nhằm ngăn chặn các hoạt động phạm tội, bảo vệ an ninh quốc gia và đảm bảo sự an toàn của người dùng.
Theo người đứng đầu MCMC Zulkarnain Mohd Yasin, động thái này là cần thiết vì Telegram không có kênh chính thức để theo dõi và giải quyết các hành vi phạm tội trực tuyến, vốn đang ngày càng gia tăng trên nền tảng này.
Ngoài ra, ứng dụng Telegram có một tính năng là mỗi người dùng có thể tạo ra một “bot Telegram”, bot này có thể tự khởi động các cuộc tấn công mạng và bẻ khóa các mật khẩu, đánh cắp thông tin. Khi bot xâm nhập vào thiết bị mạng, nó có thể thu thập các thông tin theo chủ đích của tội phạm mạng.
MCMC khuyến cáo người dùng không nên tùy tiện chia sẻ các liên kết, đồng thời nhận thức rõ các nguy cơ, không chỉ đối với bản thân mà còn với an ninh quốc gia.
Hiện Telegram là một trong những ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất tại Malaysia, do nền tảng này có tính năng bảo mật cao, khả năng ẩn danh, mã hóa đầu cuối và có thể chia sẻ một lượng lớn dữ liệu thông qua điện toán đám mây. (TTXVN)
Nam Á
* Ấn Độ, Mỹ hoạch định lộ trình về hợp tác quốc phòng: Ngày 5/6, lộ trình về hợp tác quốc phòng song phương đã được công bố sau cuộc gặp sáng 5/6 giữa Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh và người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin.
Thông báo của Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho hay, trong đàm phán tại New Delhi, hai bên đã “đặc biệt tập trung vào xác định cách thức tăng cường hợp tác công nghiệp (quốc phòng). Cả hai bên sẽ xác định các cơ hội hợp tác phát triển công nghệ mới và hợp tác sản xuất các hệ thống hiện có và mới, tạo điều kiện tăng cường hợp tác giữa các hệ sinh thái khởi nghiệp quốc phòng của hai nước.
Hướng tới những mục tiêu này, hai bên đã ký kết một lộ trình Hợp tác công nghiệp quốc phòng Mỹ-Ấn Độ, theo đó nêu rõ định hướng chính sách trong vài năm tới”.
Đáng chú ý, lộ trình về hợp tác quốc phòng nêu trên được công bố ít lâu khi cả hai Bộ trưởng Quốc phòng dự Đối thoại Shangri-La tại Singapore cuối tuần qua.
Dự kiến, ngày 22/6 tới, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thực hiện chuyến thăm chính thức cấp nhà nước tới Mỹ và hội đàm với Tổng thống Joe Biden. (TTXVN)
Đông Bắc Á
* Trung Quốc nói về việc “cắt mũi” tàu khu trục Mỹ tại eo biển Đài Loan: Ngày 5/6, phát biểu tại họp báo về việc tàu chiến Trung Quốc “cắt mũi” một tàu khu trục Mỹ ở eo biển Đài Loan, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân khẳng định: “Mỹ đã gây rắc rối và khiêu khích trước. Trong khi đó, phía Trung Quốc đã xử lý vấn đề theo đúng luật pháp và các quy định hiện hành”.
Trong khi đó, nhà phân tích Derek Grossman từ Viện nghiên cứu RAND (Mỹ) đánh giá: “Đối với tôi, dường như Trung Quốc đã chỉ thị cho các lực lượng phản ứng quyết đoán hơn nhằm đối phó với những gì nước này cho là hành động xâm lấn của Mỹ và các lực lượng đồng minh...”.
Tuy nhiên, ông quan ngại rằng thái độ gay gắt này có thể gia tăng xác suất các tính toán sai lầm, dẫn đến việc lực lượng hai bên “vô tình va chạm” và khơi mào một cuộc xung đột vũ trang. (Reuters)
* Hàn Quốc, Đức thảo luận hợp tác quân sự: Ngày 5/6, Văn phòng Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân (JCS) Hàn Quốc cho biết, Chủ tịch JCS, Tướng Kim Seung-kyum đã gặp Tư lệnh quân đội Đức, Tướng Carsten Breuer tại Seoul để thảo luận về an ninh khu vực, xung đột ở Ukraine và hợp tác song phương.
Trong cuộc gặp ở trụ sở của JCS, hai bên đã bày tỏ quan ngại về xung đột kéo dài ở Ukraine và đồng ý tham gia nỗ lực vì sự ổn định ở châu Âu và hòa bình thế giới. Đại diện Hàn Quốc và Đức cũng nhất trí rằng, cần mở rộng hơn nữa phạm vi hợp tác song phương, vì sự ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Ông Kim gửi lời cảm ơn tới Đức và cộng đồng quốc tế vì đã duy trì thái độ “kiên quyết” trong thực hiện các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng, góp phần mang lại hòa binh, ổn định tại bán đảo Triều Tiên, đồng thời mong muốn chính sách vì hòa bình của Seoul tiếp tục được các bên ủng hộ. (Yonhap)
Châu Âu
* Hạm đội của Nga tập trận ở Kaliningrad: Ngày 5/6, bộ phận báo chí của Hạm đội Baltic, Hải quân Nga ra thông cáo nêu rõ: “Theo kế hoạch huấn luyện từ ngày 5-15/6, các đơn vị thuộc Hạm đội Baltic đã bắt đầu tiến hành diễn tập tác chiến ở Biển Baltic và tại các cơ sở huấn luyện chiến đấu ở khu vực Kaliningrad, dưới sự chỉ đạo của Tư lệnh Hạm đội Baltic, Phó Đô đốc Vladimir Vorobyov”.
Dự kiến, khoảng 40 tàu thuyền, hơn 3.500 quân nhân, hơn 500 đơn vị khí tài cùng với 25 máy bay và trực thăng tham gia cuộc diễn tập này. (Sputnik/Reuters)
* Ba Lan nhận dự thảo của EC về gia hạn lệnh cấm nhập ngũ cốc Ukraine: Ngày 5/6, Bộ trưởng Nông nghiệp Ba Lan Robert Telus cho biết đã nhận bản dự thảo quy định của Ủy ban châu Âu (EC) về lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc Ukraine.
Viết trên Twitter, quan chức này nêu rõ: “Chúng tôi đã nhận được từ EC bản dự thảo quy định mới, trong đó cấm nhập khẩu 4 sản phẩm (ngũ cốc Ukraine) vào 5 quốc gia. Ngày có hiệu lực được quy định trong dự thảo là 15/9 năm nay. Đó mới là dự thảo, nhưng tôi hy vọng văn kiện sẽ có hiệu lực từ ngày mai”.
Trước đó, 5 quốc gia châu Âu đã phàn nàn rằng, ngũ cốc Ukraine giá rẻ tác động tới hoạt động sản xuất trong nước không có lãi và yêu cầu EU gia hạn lệnh cấm. (Reuters/TTXVN)
Trung Đông-Châu Phi
* Iran sắp khai trương Đại sứ quán tại Saudi Arabia: Ngày 5/6, AFP cho biết, Iran sẽ chính thức mở lại Đại sứ quán tại Saudi Arabia vào ngày 6/6, sau 7 năm đóng cửa.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran tuyên bố: “Lễ khai trương Đại sứ quán Iran diễn ra vào thứ Ba (ngày 6/6), lúc 18h giờ địa phương (tức 22h giờ Việt Nam), với sự hiện diện của Đại sứ Iran mới được bổ nhiệm”.
Trước đó, năm 2016, hai quốc gia Hồi giáo này đã cắt đứt quan hệ ngoại giao, sau vụ Đại sứ quán và Lãnh sự quán Saudi Arabia ở Tehran bị tấn công trong đợt biểu tình phản đối Riyadh hành quyết giáo sĩ Shiite Nimr al-Nimr.
Tuy nhiên, tháng Ba vừa qua, hai bên bất ngờ ký một thỏa thuận hòa giải tại Trung Quốc, đồng thời tuyên bố sẽ sớm mở lại đại sứ quán tại mỗi bên. Tính đến nay, Saudi Arabia vẫn chưa xác nhận thời điểm sẽ tiến hành việc này. (AFP)
* Israel phản đối ý tưởng Saudi Arabia phát triển hạt nhân dân sự: Ngày 5/6, phát biểu trên kênh truyền thông Ynet TV (Israel), Bộ trưởng Năng lượng Israel Katz tuyên bố: “Đương nhiên, Israel không khuyến khích những điều như vậy. Tôi không nghĩ Israel nên đồng ý với việc này”.
Trước đó, tháng Ba vừa qua, tờ New York Times (Mỹ) cho biết, chương trình hạt nhân dân sự là một trong những điều kiện mà Saudi Arabia đưa ra để đạt được thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Israel do Mỹ hiện làm trung gian thúc đẩy. Tuy nhiên, Riyadh và Washington đã không xác nhận thông tin trên.
Về phần mình, lấy ví dụ Iraq và Libya, Israel lo ngại các nước láng giềng thù địch có thể sử dụng năng lượng hạt nhân dân sự và các dự án trong khuôn khổ Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) để làm vỏ bọc chế tạo bom hạt nhân bí mật.
Tuần trước, Israel cho biết sẽ được Mỹ tham vấn trước về bất kỳ thỏa thuận nào với Saudi Arabia mà có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của Israel. (TTXVN)