Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Philip Goldberg (phải) đã kêu gọi Triều Tiên tham gia đối thoại. |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm tin thế giới ngày 5/8:
Nga-Ukraine
*Thổ Nhĩ Kỹ kêu gọi cộng đồng quốc tế không phớt lờ Nga: Ông Fahrettin Altun, Giám đốc truyền thông của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngày 5/8 cho rằng cộng đồng quốc tế không thể giúp kết thúc cuộc chiến ở Ukraine bằng cách phớt lờ Moscow.
Ông nói: “Cộng đồng quốc tế không thể kết thúc chiến tranh ở Ukraine bằng cách phớt lờ Nga. Ngoại giao và hòa bình phải thắng thế. Sự thật là một số bạn bè của chúng tôi không muốn chiến tranh kết thúc. Họ chỉ đang rơi nước mắt cá sấu”.
Quan chức này nói thêm: “Chúng tôi đang tìm cách khai thác mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga và Ukraine để hướng tới một giải pháp được cả 2 bên chấp nhận”.
Ông Altun đưa ra bình luận trên trong bối cảnh Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã lên đường tới Nga để gặp người đồng cấp chủ nhà Vladimir Putin. Cuộc gặp - chưa đầy 3 tuần kể từ khi 2 nhà lãnh đạo hội đàm ở Tehran và sau khi Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian cho thỏa thuận nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua Biển Đen. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Gia tăng sức mạnh cho không quân, Ukraine tiếp nhận 4 cường kích Su-25 từ Macedonia |
Châu Âu
* Nga lo ngại không đạt mục tiêu thu hoạch ngũ cốc năm 2022: Ngày 5/8, Bộ Nông nghiệp Nga cho biết nước này có thể không đạt được kỳ vọng thu hoạch 130 triệu tấn ngũ cốc do các yếu tố thời tiết và thiếu phụ tùng thay thế cho các thiết bị nước ngoài chế tạo.
Tuyên bố của Bộ trên cho hay: “Tổng hợp lại, tất cả những điều này gây ra rủi ro trong việc thực hiện mục tiêu thu hoạch 130 triệu tấn ngũ cốc”. Nếu không đạt sản lượng như kế hoạch, Moscow sẽ phải điều chỉnh lại kế hoạch xuất khẩu 50 triệu tấn ngũ cốc.
Hồi tháng 5, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo nước này dự kiến sẽ thu hoạch được 130 triệu tấn ngũ cốc vào năm 2022, trong đó có 87 triệu tấn lúa mì. (Sputnik)
* Ukraine muốn mở rộng thỏa thuận nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc: Ngày 5/8, ba tàu chở ngũ cốc tiếp theo đã rời các cảng Ukraine theo thỏa thuận do Liên hợp quốc (LHQ) và Thổ Nhĩ Kỳ đồng bảo lãnh. Tuy nhiên, Kiev đang mong muốn thỏa thuận này cần được mở rộng sang các loại hàng hóa khác như kim loại chứ không chỉ ngũ cốc.
Trong số 3 tàu chở ngũ cốc tiếp theo nói trên, 2 tàu khởi hành từ cảng Chornomorsk, miền Nam Ukraine; tàu thứ 3 xuất phát từ cảng Odessa. Trung tâm điều phối chung (JCC), đơn vị giám sát hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine, cho biết dự kiến, 3 tàu này sẽ vận chuyển tổng cộng hơn 58.000 tấn lúa mì đến huyện Karasu, miền Tây Bắc Thổ Nhĩ Kỳ, làng Ringaskiddy ở miền Nam Ireland và cảng Teesport miền Đông Bắc nước Anh.
Trước đó, ngày 1/8, chuyến tàu đầu tiên chở ngũ cốc của Ukraine là tàu Razoni mang cờ Sierra Leone chở hơn 26.500 tấn ngô đã khởi hành từ cảng Odessa để đến Tripoli (Lebanon).
Trên Facebook, Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Ukraine Oleksandr Kubrakov cho biết: “Chúng tôi hy vọng rằng đảm bảo an ninh của các đối tác từ LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục phát huy. Theo đó, hoạt động xuất khẩu lương thực từ các cảng của Ukraine sẽ ổn định hơn với tất cả các bên tham gia thị trường”.
Trao đổi với báo Financial Times (Anh), Thứ trưởng Bộ Kinh tế Ukraine Taras Kachka cho biết thỏa thuận trên là về vấn đề logistics cũng như việc di chuyển của tàu thuyền qua Biển Đen. Ông ngụ ý rằng không có sự khác biệt giữa việc vận chuyển ngũ cốc và quặng sắt. (Financial Times)
TIN LIÊN QUAN | |
Thỏa thuận ngũ cốc được khơi thông, Ukraine cần 'giải phóng' 50 triệu tấn |
Vấn đề Đài Loan
* Trung Quốc tuyên bố tiếp tục tập trận gần Đài Loan (Trung Quốc): Ngày 5/8, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tuyên bố đã tập trận trên không và trên biển ở phía Bắc, Tây Nam và Đông Đài Loan (Trung Quốc), đồng thời sẽ tiếp tục “kiểm tra khả năng tác chiến chung của quân đội”.
Trong một tin liên quan, Lực lượng Đài Loan (Trung Quốc) tuyên bố tên lửa đạn đạo Đông Phong do PLA phóng trong cuộc tập trận bắn đạn thật tại eo biển Đài Loan không gây nguy hiểm cho vùng lãnh thổ này.
Theo đó, bằng cách sử dụng hệ thống giám sát và trinh sát, lực lượng này đã “xác định chính xác quỹ đạo của tên lửa Đông Phong… và dự đoán chúng sẽ rơi xuống vùng biển phía Đông mà không gây bất kỳ nguy hiểm nào”. (Reuters/Sputnik)
* Trung Quốc triệu Đại biện lâm thời Canada về vấn đề Đài Loan: Ngày 5/8, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố đã triệu Đại biện lâm thời Canada ở Bắc Kinh Jim Nickel, về việc Ottawa tham gia tuyên bố của Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) trong vấn đề Đài Loan.
Theo đó, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong đã kêu gọi Canada “lập tức sửa chữa những sai lầm của mình” liên quan vấn đề Đài Loan, nếu không sẽ phải “gánh chịu mọi hậu quả”.
Đây là động thái mới nhất trong một loạt hành động phản đối ngoại giao được Bắc Kinh đưa ra sau khi G7 kêu gọi Trung Quốc giải quyết căng thẳng quanh Eo biển Đài Loan một cách hòa bình. (Reuters)
* Trung Quốc ngừng đối thoại quân sự cấp cao với Mỹ: Ngày 5/8, Bắc Kinh tuyên bố ngừng hợp tác với Mỹ trong một số lĩnh vực, bao gồm đối thoại giữa các chỉ huy quân sự cấp cao, để đáp trả chuyến thăm Đài Bắc vừa qua của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng cho hay nước này đang tạm dừng đàm phán về khí hậu với Mỹ, cũng như hợp tác phòng chống tội phạm xuyên biên giới và hồi hương người di cư bất hợp pháp. (Reuters)
* Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ Đài Loan (Trung Quốc): Ngày 5/8, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã tái khẳng định lập trường của nước này về vấn đề Đài Loan.
Phát biểu ở Phnom Penh (Campuchia), ông Blinken nêu rõ: “Chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ Đài Loan (Trung Quốc) cũng như hòa bình và ổn định ở hai bờ Eo biển. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã ra lệnh cho tàu sân bay USS Ronald Reagan ở lại khu vực này để theo dõi tình hình”. (Reuters)
* Malaysia lo nguy cơ suy thoái kinh tế do căng thẳng ở eo biển Đài Loan: Trao đổi với báo giới hôm 4/8, Bộ trưởng Tài chính Malaysia Zafrul Aziz cho biết Malaysia đang theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình địa chính trị ở eo biển Đài Loan khi Trung Quốc đang tổ chức các cuộc tập trận quân sự nhằm đáp trả chuyến thăm Đài Bắc của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.
Theo ông, hoạt động ngoại thương của Malaysia có thể bị ảnh hưởng nếu căng thẳng gia tăng, bởi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của nước này. Ông Zafrul Aziz thừa nhận nguy cơ suy thoái kinh tế nếu căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng.
Bộ trưởng Tài chính Malaysia cũng tái khẳng định tầm quan trọng của ổn định khu vực với sự phục hồi kinh tế của Malaysia. Ông cho rằng với quốc gia Đông Nam Á, mọi việc hiện vẫn trôi chảy, song Malaysia sẽ theo dõi sát sao tình hình. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Mỹ cử nhóm tàu sân bay theo dõi động thái của Trung Quốc ở Eo biển Đài Loan |
Bán đảo Triều Tiên
* Đại sứ Mỹ kêu gọi Triều Tiên thể hiện quyết tâm đối thoại: Ngày 5/8, gặp Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Kwon Young Se tại Seoul, tân Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Philip Goldberg đã kêu gọi Bình Nhưỡng đáp lại lời đề nghị đối thoại của Washington.
Phát biểu trước các phóng viên khi bắt đầu cuộc gặp, ông Goldberg nói: “Mục tiêu của chúng tôi vẫn là phi hạt nhân hóa, phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên. Chúng tôi muốn nói rõ với Triều Tiên rằng các hoạt động bất hợp pháp và gây bất ổn của họ sẽ dẫn tới hậu quả”. Coi các chương trình vũ khí “bất hợp pháp” của Bình Nhưỡng là “mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế”, ông Goldberg tái khẳng định cam kết của Washington đối với nỗ lực đàm phán.
Tân Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc nêu rõ: “Con đường khả thi duy nhất cho Triều Tiên là ngoại giao. Chúng tôi vẫn cam kết đối thoại với Triều Tiên và tiếp tục hy vọng rằng Bình Nhưỡng sẽ phản ứng tích cực với các đề nghị gặp mặt của chúng tôi mà không đưa ra điều kiện tiên quyết”.
Ông Goldberg từng là Điều phối viên của Washington về thực hiện các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đối với Bình Nhưỡng năm 2009-2010. (Yonhap)
* Ngoại trưởng Hàn, Mỹ thảo luận về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Triều Tiên: Tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia ngày 5/8, bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các sự kiện liên quan, Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin đã có cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken.
Phát biểu với các phóng viên sau cuộc họp kéo dài 25 phút, ông Blinken nói: “Liên minh của chúng tôi thực sự là nền tảng cho hòa bình và an ninh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Và, tất nhiên, chúng tôi đang phối hợp cùng nhau để đối phó với rất nhiều thách thức khác nhau trong khu vực cũng như trên toàn cầu”.
Về phần mình, ông Park cho biết đã sử dụng nền tảng liên minh này để giải thích quan điểm của Seoul với Bắc Kinh và Tokyo trong khuông khổ chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Hai bên cũng thảo luận về cách thức đối phó với các mối đe dọa hiện nay, từ vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, xung đột Nga-Ukraine và tình hình Myanmar. (Yonhap)
TIN LIÊN QUAN | |
Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Yoon Suk Yeol giảm xuống mức thấp nhất |
Trung Đông-châu Phi
* Nga: Thổ Nhĩ Kỳ có những lo ngại an ninh chính đáng về Syria: Ngày 5/8, Nga cho biết nước này nhận thức rõ và sẽ cân nhắc về những lo ngại an ninh chính đáng của Thổ Nhĩ về Syria trước cuộc gặp sắp tới giữa hai nhà lãnh đạo tại Sochi
Tuy nhiên, người phát ngôn của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov cho rằng điều quan trọng là phải tránh các hành động có thể “gây nguy hiểm cho sự toàn vẹn lãnh thổ và nền chính trị của Syria”.
Trước đó, Ankara đã thực hiện nhiều chiến dịch quân sự ở miền Bắc Syria kể từ năm 2016 nhắm vào Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG), bất chấp sự phản đối của Moscow và hiện nắm quyền kiểm soát một vùng rộng hàng trăm km2 ở khu vực biên giới Syria. (Reuters)
| Ngoại trưởng ba nước trong Bộ tứ chia sẻ ‘quan ngại nghiêm trọng’ về diễn tập bắn đạn thật của Trung Quốc Ngoại trưởng Nhật Bản, Mỹ và Australia ngày 4/8 chia sẻ 'quan ngại nghiêm trọng' về 'một loạt hoạt động quân sự của Trung Quốc'. |
| Quân đội Syria ra tuyên bố cứng rắn về ý định của Thổ Nhĩ Kỳ Quân đội Syria ngày 27/7 tuyên bố, lực lượng này sẵn sàng đối phó với bất cứ cuộc tấn công nào của Thổ Nhĩ Kỳ ... |