Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Kazakhstan bùng nổ bạo loạn. (Nguồn: Reuters) |
Nga lên tiếng về tình hình Kazakhstan
Ngày 5/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, Nga đang theo dõi chặt chẽ tình hình ở Kazakhstan.
Đồng thời, bà Zakharova khẳng định Moscow ủng hộ một giải pháp hòa bình cho tất cả các vấn đề trong khuôn khổ pháp lý và hiến pháp cũng như thông qua đối thoại, chứ không phải bằng các hành động bạo loạn đường phố hay vi phạm pháp luật.
Cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, cho rằng Kazakhstan có thể giải quyết được các vấn đề nội bộ của nước này, và điều quan trọng là không có sự can thiệp từ bên ngoài. Ông Peskov cho biết thêm, Kazakhstan không yêu cầu Nga hỗ trợ giải quyết vấn đề bất ổn của nước này. (TASS)
Nguyên nhân Nga quan tâm đến tình hình Kazakhstan
Theo RT, Nga và Kazakhstan là 2 quốc gia láng giềng, với đường biên giới kéo dài gần 7.000km. Đây là biên giới trên bộ liên tục dài nhất thế giới và là nhân tố quan trọng trong chiến lược an ninh của Nga. Do đó, ổn định chính trị ở Kazakhstan là vấn đề vô cùng quan trọng đối với Nga.
Nếu Kazakhstan bất ổn, Nga có thể đối mặt với nhiều mối đe dọa từ phía Nam do biên giới hai nước không chỉ rộng lớn mà còn trải dài chủ yếu qua vùng dân cư thưa thớt và rất khó kiểm soát.
Một nhân tố quan trọng khác là thành phố Baikonur. Nga thuê khu vực này và đây là nơi có sân bay vũ trụ nổi tiếng Baikonur. Một cơ sở không gian khác của Nga là Vostochny cũng được xây dựng gần đây và được sử dụng để thực hiện các sứ mệnh không người lái.
Cho đến khi sẵn sàng thay thế Baikonur, Nga sẽ cần cả Baikonur và ổn định chính trị ở Kazakhstan.
Kazakhstan cáo buộc những kẻ bạo loạn là khủng bố
Truyền hình nhà nước Kazakhstan ngày 6/1 đưa tin 12 nhân viên thực thi pháp luật đã thiệt mạng trong các vụ đụng độ với những người biểu tình ở Almaty - thành phố lớn nhất của Kazakhstan. Thông tin cho biết một trong số các nạn nhân đã bị chặt đầu. Điều này chứng minh rằng các nhóm bạo loạn là khủng bố.
Trước đó, cảnh sát Kazakhstan cho biết các lực lượng an ninh đã "loại bỏ" hàng chục kẻ bạo loạn ở thành phố Almaty khi tình trạng bất ổn bùng lên thành các cuộc biểu tình lớn nhất kể từ khi Kazakhstan độc lập năm 1991.
Cùng ngày, Văn phòng tổng thống Kazakhstan thông báo Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev đã ra lệnh triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho các phái bộ ngoại giao cũng như những nhà đầu tư nước ngoài tại đây. (Sputnik)
Triều Tiên tuyên bố thử thành công tên lửa siêu thanh
Ngày 6/1, chính quyền CHDCND Triều Tiên cho biết họ đã thử thành công một tên lửa siêu thanh trong vụ thử vũ khí lớn đầu tiên của nước này trong năm nay. Quả tên lửa này đã đánh trúng mục tiêu cách 700km. Đây là lần thứ hai Bình Nhưỡng bắn thử loại tên lửa này.
Cùng ngày, lãnh đạo Nhật Bản và Australia lên án việc Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken lên án vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Nhật Bản Yoshimasa Hayashi.
Trong một thông cáo báo chí, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nêu rõ: "Ngoại trưởng Blinken đã lên án vụ phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên và nhấn mạnh rằng cam kết của Mỹ bảo vệ Nhật Bản vẫn kiên định. Họ cũng thảo luận về việc hợp tác để đạt được phi hạt nhân hóa hoàn toàn cũng như hòa bình lâu dài tại Bán đảo Triều Tiên". (Reuters/Kyodo)
Ngoại trưởng Mỹ: Đàm phán khó tiến triển khi Nga "giương súng" về Ukraine
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 5/1 nhấn mạnh các cuộc đàm phán chỉ đạt được tiến triển thực sự nếu Nga giảm leo thang căng thẳng trong vấn đề Ukraine.
"Rất khó để đạt được tiến triển thực sự trong bất cứ lĩnh vực nào giữa bầu không khí leo thang và đe dọa. Không còn nghi ngờ gì nữa, việc Nga tấn công quân sự Ukraine sẽ gây ra hậu quả to lớn và (Nga) sẽ phải trả giá đắt", ông Blinken nói trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock.
Đồng thời, ông Blinke khẳng định, dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 sẽ khó có thể đi vào hoạt động “nếu Nga tiếp tục gây hấn". (Reuters)
Mỹ-Đức nhất trí hợp tác đối phó Trung Quốc
Ngày 5/1, các nhà ngoại giao của Mỹ và Đức nhất trí hợp tác để đối phó với Trung Quốc, cho rằng cường quốc châu Á này đặt ra "thách thức đáng kể" đối với các giá trị dân chủ và việc tuân thủ các quy tắc thúc đẩy sự ổn định và tự do quốc tế.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng cho biết ông và Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock chia sẻ "mối quan ngại ngay lập tức" về nỗ lực của Trung Quốc nhằm"bắt nạt" Lithuania trong bối cảnh quốc gia châu Âu này có động thái xây dựng quan hệ chặt chẽ hơn với Đài Loan (Trung Quốc). (Kyodo)
Mỹ nêu điều kiện gia tăng lực lượng NATO ở châu Âu
Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby tuyên bố việc tăng cường hiện diện quân sự của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở châu Âu sẽ chỉ thực hiện theo yêu cầu từ những nước thành viên, nếu tình hình xung quanh Ukraine xấu đi.
Phát biểu họp báo, ông Kirby nhấn mạnh, chỉ khi tình hình xung quanh Ukraine chuyển biến căng thẳng hơn thì mới triển khai tăng cường hiện diện lực lượng NATO và điều này được thực hiện theo yêu cầu tương ứng của các đồng minh.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc khẳng định: "Hiện tại chưa xảy ra những tình huống như vậy". Ông Kirby cũng lưu ý rằng, ông không thể làm rõ liệu Mỹ có cử công dân của mình cho lực lượng tăng viện của NATO ở châu Âu hay không. (Sputnik)
Nhật Bản, Australia ký thỏa thuận hợp tác quốc phòng
Ngày 6/1, giới chức Nhật Bản và Australia đã ký kết Thỏa thuận tiếp cận qua lại (RAA) nhằm mục đích hợp tác chặt chẽ về quốc phòng, đánh dấu động thái mới nhất để củng cố các mối quan hệ an ninh trong bối cảnh sức mạnh kinh tế và quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc.
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và người đồng cấp Australia Scott Morrison đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến để ký kết thỏa thuận vốn được đàm phán từ năm 2014.
Theo Thủ tướng Morrison, RAA - thỏa thuận quốc phòng thứ hai của Nhật Bản sau Mỹ, sẽ cho phép quân đội hai nước phối hợp nhịp nhàng với nhau trong các hoạt động quốc phòng và nhân đạo. (Reuters)
Xe tăng Israel nã pháo ở biên giới với Syria
Ngày 5/1, quân đội Israel cho biết các xe tăng của quân đội đã nã pháo cảnh cáo khi phát hiện các mục tiêu khả nghi dọc biên giới với Syria ở Cao nguyên Golan, sau đó các phần tử này đã di chuyển về phía lãnh thổ Syria.
Trong khi đó, hãng thông tấn chính thức của Syria SANA đưa tin các lực lượng Israel tấn công bằng đạn pháo vào các khu rừng của làng Al-Hurriyah thuộc tỉnh Quneitra, giáp giới khu vực Israel chiếm đóng ở Cao nguyên Golan.
Theo SANA, các máy bay trực thăng và máy bay do thám của Israel cũng bay qua khu vực này. Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria cũng thông tin một vụ đấu súng đã nổ ra ở khu rừng gần ngôi làng trên và có sự xuất hiện của các máy bay trực thăng Israel, song không đề cập thương vong.
Một số tin quốc tế nổi bật khác:
Belarus trục xuất nhân viên ngoại giao Ba Lan: Ngày 5/1, thư ký báo chí Bộ Ngoại giao Belarus Anatoly Glaz cho biết, một nhân viên của Tổng lãnh sự quán Ba Lan ở Brest sẽ không thể tiếp tục làm việc tại quốc gia Đông Âu này.
Triều Tiên tổ chức mít tinh lớn sau khi phóng tên lửa siêu thanh: Ngày 6/1, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA đưa tin, nước này đã tổ chức một cuộc mít tinh lớn ngoài trời tại Bình Nhưỡng trong đầu tuần này với sự tham dự của các quan chức hàng đầu và nhiều người dân.
Mỹ, Trung Quốc đồng loạt có động thái liên quan vùng Sừng châu Phi: Mỹ và Trung Quốc đồng loạt thông báo bổ nhiệm đặc phái viên mới về khu vực Sừng châu Phi. Sừng châu Phi là phần cực Đông của châu Phi, bao gồm các quốc gia Djibouti, Ethiopia, Eritrea và Somalia, với diện tích khoảng 2 triệu km2 và khoảng 130 triệu người sinh sống (theo số liệu năm 2020).