Bầu cử Mỹ 2020
Khi nào mới có kết quả bầu cử Mỹ?
Kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 vẫn chưa ngã ngũ khi 6 bang còn lại vẫn đang kiểm phiếu. Trong số 6 bang còn đang kiểm phiếu, khi Tổng thống Trump đang dẫn trước cách biệt tại bang Alaska (3 phiếu đại cử tri), kết quả ở các bang chiến địa Pennsylvania (20), Georgia (16), Bắc Carolina (15), Arizona (11) và Nevada (6) vẫn chưa ngã ngũ.
Tính đến 16h37 chiều 6/11 (giờ Việt Nam), ông Biden đã “lội ngược dòng” ngoạn mục tại bang Georgia khi dẫn trước ông Trump 917 phiếu. Nếu chiến thắng tại Georgia, ông Biden sẽ có tổng cộng 269 phiếu đại cử tri, thiếu 1 phiếu đại cử tri cần thiết.
Kết quả từ bang Arizona hoặc Pennsylvania khi ấy có thể là chìa khóa giúp ông Biden làm nên lịch sử, thay thế ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ trong 4 năm tới. (Reuters)
CẬP NHẬT KẾT QUẢ BẦU CỬ MỸ:.
|
Ông Trump tiếp tục nghi ngờ quá trình kiểm phiếu
Theo Reuters, Tổng thống Donald Trump tuyên bố vào ngày 5/11 rằng nếu các phiếu bầu "hợp lệ" được kiểm thì ông sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử lần này, một dấu hiệu cho thấy ông sẽ không chấp nhận một chiến thắng của đối thủ Joe Biden.
Trả lời họp báo tại Nhà Trắng, ông Trump nêu rõ: "Nếu đếm các phiếu bầu hợp lệ thì tôi sẽ chiến thắng dễ dàng".
Theo Tổng thống Mỹ, các phiếu bầu vẫn đang được kiểm cho thấy cuộc bầu cử có dấu hiệu gian lận để xóa bỏ chiến thắng của ông.
Trước đó, ông Trump liên tục đưa ra các tuyên bố thách thức pháp lý đối với kết quả bầu cử khi gửi đơn kiện bang Pennsylvania, Michigan và Georgia nhằm ngăn chặn việc kiểm phiếu đang có lợi cho ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden. Tuy nhiên, hai bang Michigan và Georgia đã bác đơn kiện này. (Reuters)
Thế giới phản ứng lại với ông Trump
Từ Iran, Venezuela đến Nga, truyền thông và quan chức các nước này cho rằng cuộc bầu cử đang diễn ra cho thấy Mỹ chỉ đang đánh bóng nền dân chủ mà Washington ca ngợi.
"Một người nói đây là cuộc bầu cử gian lận nhất trong lịch sử Mỹ. Ai nói vậy? Là vị Tổng thống đang tại vị", Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei nói.
Ở Nga, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này chỉ ra "những thiếu sót rõ ràng của hệ thống bầu cử Mỹ", nhấn mạnh đây là vấn đề đã "duy trì" từ khá lâu.
"Đó là một buổi biểu diễn, bạn không thể gọi nó là gì khác ngoài điều đó. Họ nói rằng nó nên được xem như một tiêu chuẩn cho nền dân chủ. Tôi không nghĩ đó là tiêu chuẩn", Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin khẳng định.
Tại Trung Quốc, truyền thông nước này liên tục xoáy vào việc kết quả bầu cử bị trì hoãn. Một tờ báo của Trung Quốc thậm chí còn vì quá trình này trông "hơi giống của một nước đang phát triển".
Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro thì gọi những gì đang diễn ra ở Mỹ là "quá trình bầu cử đáng ngạc nhiên". Ông Maduro cho rằng Mỹ có thể rút ra vài bài học quan trọng từ chính cuộc bầu cử của mình thay vì giảng giải cho thế giới về dân chủ.
Đặc phái viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) Michael Georg Link công kích Tổng thống Trump vì đưa ra "các cáo buộc vô căn cứ về những khiếm khuyết có hệ thống" và "làm tổn hại tới lòng tin của công chúng đối với các thể chế dân chủ". (Reuters/AFP/AP)
Tuyền thông Trung Quốc đưa tin đậm về biểu tình hậu bầu cử
Trong khi Bắc Kinh tránh đề cập đến bầu cử và tình hình kiểm phiếu hiện nay tại Mỹ thì truyền thông Trung Quốc lại đưa tin khá nhiều về các cuộc biểu tình và nguy cơ bất ổn tại Mỹ.
Ngày 5/11, khi một số bang dao động như Pennsylvania, Nevada và Georgia vẫn đang kiểm phiếu thì Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV đưa tin rằng số lượng tìm kiếm cách di cư sang Canada trên mạng internet tại Mỹ đã tăng vọt.
CCTV trích dẫn dữ liệu từ Google Trends và khẳng định tìm kiếm về từ khóa “di cư sang Canada” đã tăng tới 700% tại Mỹ trong ngày tổng tuyển cử 3/11. Sau đó, CCTV còn đăng hình ảnh những người ủng hộ Tổng thống Trump đột nhập vào điểm bầu cử tại thành phố Detroit, Michigan. Trên màn hình phát sóng của CCTV có dòng chữ: “Nhiều địa điểm tại Mỹ đã rơi vào hỗn loạn”.
Trong khi đó, tờ Xinmin Evening News tại Thượng Hải đưa thông tin rằng phải mất thêm thời gian để biết được kết quả cuộc bầu cử Mỹ và tranh luận mới chỉ bắt đầu. Tờ Xinmin Evening News có đoạn: “Có tranh cãi về số lượng phiếu bầu qua thư lớn. Cuộc bầu cử đã gieo mầm xung đột trong xã hội Mỹ”. (TTXVN)
TIN LIÊN QUAN | |
Kết quả bầu cử Mỹ 2020: Ông Trump và ông Biden cùng nhau 'lướt sóng' |
Nga
Ông Putin có thể mắc bệnh Parkinson, từ chức vào năm sau?
Theo tờ The Sun, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang lên kế hoạch từ chức vào năm tới giữa lúc xuất hiện những đồn đoán rằng chủ nhân Điện Kremlin có thể mắc bệnh Parkinson.
Ông Valery Solovei, nhà khoa học chính trị ở Moscow nói với tờ The Sun, phiên bản Mỹ, rằng bạn gái 37 tuổi của Tổng thống Putin - cô Alina Kabaeva và hai con gái của nhà lãnh đạo Nga đang thúc giục ông rời nhiệm sở.
Ông Solovei dự đoán rằng ông Putin sẽ sớm bổ nhiệm một thủ tướng mới, người sẽ được chuẩn bị để kế nhiệm ông. (The Sun)
TIN LIÊN QUAN | |
Bầu cử Mỹ 2020: Nga 'nghiêng' về ứng cử viên Trump hay Biden? |
Vấn đề Biển Đông
Trung Quốc xây dựng các công trình trái phép ở Hoàng Sa
Theo Benar News đưa tin hôm 5/11, so sánh hình ảnh vệ tinh cho thấy trong 6 tháng qua, Trung Quốc có dấu hiệu xây dựng hàng loạt các công trình như nhà, nơi cung cấp điện, nơi trồng trọt và thậm chí là một bãi đỗ trực thăng tại đảo Duy Mộng, đảo Cây và Cồn Cát Tây thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Việc xây dựng các công trình này được cho là nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến khả năng tiếp cận, hoạt động bền vững và xói mòn đất. (Benar News)
Philippines dừng kế hoạch lập đội dân quân
Cố vấn an ninh quốc gia tổng thống Philippines, ông Hermogenes Esperon ngày 4/11 cho biết chính quyền nước này đã dừng kế hoạch triển khai ngư dân Philippines ra Biển Đông để lập đội dân quân.
Tuy nhiên, ông Esperon cho biết chính phủ Manila đã không thông qua kế hoạch vì họ “muốn một lực lượng được trang bị đầy đủ hơn là một lực lượng thiếu sự tổ chức”. Ông Esperon nói thêm, một số ngư dân Philippines hiện cũng đang làm nhiệm vụ tình nguyện viên không có vũ trang tuần tra ở các khu vực ven bờ.
Ngoài ra, quan chức Esperon thừa nhận rằng Manila không thông qua kế hoạch trên để tránh “những hành động có thể bị hiểu lầm hoặc tính toán sai”, và Philippines “muốn các ngư dân lành nghề mà không phải là dân quân”.
Ông Esperon tiết lộ chính phủ Mania đang nghiên cứu có triển khai hay không lực lượng tuần duyên và hải quân làm nhiệm vụ bảo vệ ngư dân trên Biển Đông. (SCMP)
TIN LIÊN QUAN | |
Philippines có thể xem xét lại việc tham gia tập trận ở Biển Đông |
Xung đột Armenia-Azerbaijan
Pháo kích dữ dội ở thủ phủ Nagorno-Karabakh
3 nguồn thạo tin cho biết, thành phố Stepaakert mà Azerbaijan gọi là Khankendi, thủ phủ vùng Nagorno-Karabakh đã bị pháo kích dữ dội trong ngày 5/11.
Trước đó một ngày, Sputnik đưa tin, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev tuyên bố nước này sẵn sàng ngừng chiến tại vùng lãnh thổ Nagorno-Karabakh song với điều kiện Armenia phải rút quân khỏi khu vực tranh chấp, tuân thủ theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Xung đột Nagorno-Karabakh: Armenia và Azerbaijan nhất trí giảm xung đột |
Xả súng tại Áo
Đức lục soát nhiều địa điểm liên quan đến vụ xả súng tại Áo
Cục Hình sự liên bang Đức (BKA) cho biết nhiều ngôi nhà và cửa hàng của 4 người ở các khu vực Osnabrück (bang Niedersachsen), Kassel (bang Hessen) và Pinneberg (bang Schleswig-Holstein) đã bị khám xét. Cả 4 người này không bị coi là nghi can, song có quan hệ với các đối tượng được cho là đứng sau vụ tấn công khủng bố vừa qua ở Áo.
Lệnh khám xét các địa điểm ở Đức đã được đưa ra ngày 5/11 sau khi giới chức tư pháp Áo chuyển các thông tin liên quan cho giới chức Đức.
Theo tờ Spiegel, hai trong số 4 người Hồi giáo ở Osnabrück đã tới thăm đối tượng xả súng tại nhà riêng của đối tượng này ở Áo trong nhiều ngày hồi tháng 7 vừa qua. (Spiegel)
TIN LIÊN QUAN | |
Xả súng ở Áo: IS thừa nhận thực hiện vụ tấn công đẫm máu, Anh vội nâng mức cảnh báo |
Bán đảo Triều Tiên
Hàn Quốc khẳng định tiếp tục nỗ lực phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 6/11 đã có bài phát biểu ghi hình trước gửi tới "Diễn đàn Jeju vì hòa bình và thịnh vượng lần thứ 15" được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự tham gia của lãnh đạo, giới học giả trong và ngoài nước.
Tổng thống Moon nhấn mạnh hòa bình là mong mỏi bấy lâu nay của Hàn Quốc, do đó "Hàn Quốc không bao giờ ngừng nỗ lực để chấm dứt hoàn toàn chiến tranh, đạt được phi hạt nhân hóa và thiết lập hòa bình vĩnh viễn trên Bán đảo Triều Tiên".
Ông Moon Jae-in nhấn mạnh hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên cần thiết cho hòa bình và thịnh vượng chung ở khu vực Đông Bắc Á. Tổng thống Hàn Quốc tiếp tục đề xuất xây dựng một cơ chế hợp tác phòng dịch, y tế Đông Bắc Á, có sự tham gia của hai miền Triều Tiên và các nước trong khu vực, kêu gọi sự tham gia tích cực của các nước liên quan.
Cùng ngày, các quan chức an ninh cấp cao Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ trong một cuộc hội đàm trực tuyến đã nhất trí về tầm quan trọng của hợp tác giữa 3 bên trong thúc đẩy hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên. (Yonhap/Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 sẽ khiến tình hình bán đảo Triều Tiên 'biến ảo' hơn bao giờ hết? |
Ấn Độ-Trung Quốc
Ấn Độ-Trung Quốc tiếp tục đàm phán về vấn đề biên giới
Ngày 6/11, Ấn Độ và Trung Quốc đã tổ chức vòng đàm phán thứ 8 cấp Tư lệnh quân đoàn về vấn đề biên giới hai nước.
Vòng đàm phán này diễn ra tại Chushul ở Đông Ladakh thuộc lãnh thổ Ấn Độ. Phía Ấn Độ do Trung tướng P G K Menon, Tư lệnh Quân đoàn 14 dẫn đầu. Đây là vòng đàm phán đầu tiên ông Menon tham dự với tư cách đại diện phía Ấn Độ kể từ khi được bổ nhiệm làm Tư lệnh quân đoàn 14. (ANI)
TIN LIÊN QUAN | |
Ấn Độ nêu quan điểm trong vấn đề biên giới với Trung Quốc và Pakistan |
Bầu cử New Zealand
Nội các mới của New Zealand nhậm chức
Ngày 6/11, bà Jacinda Ardern đã tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng New Zealand nhiệm kỳ thứ hai. Cùng tuyên thệ với bà còn có Phó Thủ tướng Grant Robertson và các bộ trưởng trong nội các mới.
Phát biểu tại lễ nhậm chức, Thủ tướng Ardern đã khẳng định thành phần nội các mới hết sức đa dạng, đại diện cho những quan điểm khác nhau, là các chính khách tài năng và giàu kinh nghiệm, sẵn sàng phục vụ, đưa đất nước vượt qua khủng hoảng.
Lễ tuyên thệ nhậm chức của nội các New Zealand diễn ra cùng ngày với việc công bố các kết quả chính thức của cuộc tổng tuyển cử tháng 10 vừa qua.
Với 50% số phiếu ủng hộ, Công đảng đã giành thêm một ghế để nắm giữ 65/120 ghế trong Quốc hội New Zealand, củng cố vị thế đa số tại cơ quan lập pháp này. (Anadolu)
| Giá vàng hôm nay 6/11: Gay cấn hơn kết quả bầu cử Mỹ 2020, vàng tăng vọt lên gần 1.950 USD, phớt lờ mọi dữ liệu thị trường TGVN. Giá vàng thế giới tăng mạnh theo độ kịch tính của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, như chẳng hề liên quan tới các ... |
| Tin thế giới ngày 5/11: Hỗn loạn kết quả bầu cử Mỹ 2020, Thế giới nói gì về tương lai quan hệ với Mỹ, Nga muốn giành ưu thế tại Bắc Cực TGVN. Kết quả bầu cử Mỹ xuất hiện lỗi thống kê, Tình hình Belarus, Pháp-Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ-Iran, Biển Đông, Biển Hoa Đông... là những ... |
| Mặc thế giới ‘sốt vó’ với bầu cử Mỹ, các nước rủ nhau... tập trận TGVN. Trong khi mọi con mắt đang dồn về nước Mỹ với sự bám đuổi sít sao giữa hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ, ... |