📞

Tin thế giới 6/11: Ukraine sẽ tung ‘đòn bất ngờ’ với Nga, Israel chia cắt hoàn toàn Dải Gaza

Minh Vương 22:11 | 06/11/2023
Triển lãm quốc phòng quốc tế ở Thái Lan, quan hệ Trung Quốc-Australia ‘sang trang mới’… là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.
Ngày 6/11, trả lời phỏng vấn đài NBC News (Mỹ), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định ông chưa sẵn sàng đàm phán với Nga. (Nguồn: NBC News)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Nga-Ukraine

* Nga: Mỹ, EU ngày càng mệt mỏi với vấn đề Ukraine: Ngày 5/11, trả lời phỏng vấn kênh Rossiya-1 (Nga), người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định: “Ở cả Mỹ và châu Âu, ngày càng có nhiều người mệt mỏi với vấn đề Ukraine, với chính quyền Kiev và với gánh nặng mà (quốc gia Đông Âu này) đặt lên vai họ”.

Đại diện Điện Kremlin nói rõ ý của ông là “vấn đề cung cấp tài chính cho chính quyền Ukraine, cũng như hoạt động cung cấp đạn dược và vũ khí”.

Ông nhấn mạnh: “Ngay cả những quốc gia hùng mạnh nhất về kinh tế, chẳng hạn như Mỹ, cũng không thể làm điều này vô thời hạn và họ đã có đủ vấn đề của riêng mình… và đến một lúc nào đó, tất cả trở thành gánh nặng quá lớn đối với họ”.

Trước đó một ngày, hãng NBC News (Mỹ) đưa tin, các quan chức nước này và châu Âu đang tỏ nghi ngờ về khả năng Ukraine phá vỡ “thế bế tắc” trên thực địa và họ đang thúc giục chính quyền Kiev tham gia cuộc đàm phán hòa bình. (Sputnik)

* Ukraine: Nga tập kích Odessa ồ ạt bằng tên lửa và UAV: Ngày 6/11, Kiev cho biết, các lực lượng Nga đã phóng 4 tên lửa và gần chục máy bay không người lái (UAV) từ các khu vực Moscow đang kiểm soát ở miền Nam Ukraine trong đêm.

Lực lượng phòng không Ukraine cho hay: “15 UAV Shahed (do Iran sản xuất) và 1 tên lửa hành trình Kh-59 đã bị bắn hạ”.

Hình ảnh do Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Andriy Yermak đăng tải cho thấy thiệt hại của cuộc tấn công ở thành phố Odessa. Ông cũng tuyên bố sẽ trả đũa thích đáng vụ tấn công. (AFP)

* Ukraine chuẩn bị “đòn bất ngờ” với Nga, chưa sẵn sàng đàm phán: Ngày 5/11, trả lời phỏng vấn trên kênh NBC News về khả năng Ukraine thay đổi chiến lược để giành lợi thế, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết: “Ngay bây giờ, quân đội của chúng tôi đang đưa ra các kế hoạch khác nhau với hoạt động khác nhau để tiến về phía trước nhanh hơn và tấn công bất ngờ”. Theo nhà lãnh đạo này, để thực hiện các kế hoạch này, Ukraine cần có vũ khí “thích hợp”.

Bên cạnh đó, ông Zelensky cho biết, đại diện các nước khác có thể đang tiến hành đối thoại với Nga về khả năng giải quyết xung đột ở nước này. Ông nêu rõ: “Có thể một số nhóm, một số quốc gia nào đó, tôi chắc chắn có một số quốc gia, ở cấp độ cơ quan tình báo hoặc cố vấn cho nguyên thủ quốc gia, có thể họ đang nói chuyện với Nga, có thể họ đang nghĩ cách giải quyết mọi thứ”.

Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine nhấn mạnh: “(Mỹ) biết rằng tôi chưa sẵn sàng nói chuyện với họ, bởi vì lời nói của họ chẳng là gì cả”.

Ông Zelensky cho biết mình không có bất kỳ mối quan hệ nào với người Nga và họ biết quan điểm của ông. (NBC News)

Israel-Hamas

* Israel thận trọng trước đường hầm Hamas, nêu phát hiện mới ở Gaza: Ngày 5/11, người phát ngôn Quân đội Israel (IDF), Chuẩn tướng Daniel Hagari cho biết, trong đêm, Lữ đoàn Golani đã hoàn tất việc bao vây thành phố Gaza, thủ phủ của Dải Gaza và đã tiến tới bờ biển của vùng lãnh thổ này.

Theo ông, đây là “bước tiến đáng kể” trong gia tăng áp lực lên Hamas và đánh dấu việc hoàn tất chia cắt Dải Gaza thành 2 miền Bắc-Nam. Ông cũng kêu gọi dân thường ở Bắc Dải Gaza nhanh chóng di chuyển xuống phía Nam và nhấn mạnh: “Chúng tôi đang gia tăng các cuộc tấn công ngay trong đêm, bằng những biện pháp rất mạnh”.

Ông Hagari cũng cho biết đã phát hiện một mạng lưới đường hầm, trung tâm chỉ huy và bệ phóng tên lửa của Hamas ngay bên dưới hoặc sát với một số bệnh viện ở phía Bắc Dải Gaza.

Cũng trong đêm 5/11, các phong trào vũ trang tại Dải Gaza đã bắn nhiều loạt tên lửa vào miền Trung và miền Nam Israel, trong đó một số quả nhắm vào Tel Aviv và sân bay quốc tế Ben Gurion.

Ở miền Bắc, một số quả tên lửa đã bắn về thị trấn Kiryat Shmona gần biên giới với Lebanon. Một quả tên lửa đã bắn trúng một căn nhà ở thị trấn này, song không có thương vong do chủ nhà đã kịp tìm chỗ trú ẩn.

Ngày 6/11, Trung tá Richard Hecht của IDF cho biết, Hamas đang ẩn náu trong các đường hầm và chiến hào ở miền Bắc Dải Gaza. Hiện IDF đã cô lập vùng phía Bắc Dải Gaza và điều động nhiều xe tăng cùng binh sĩ tới khu vực để tấn công Hamas và giải cứu con tin. (Times of Israel/Jerusalem Post)

* Hamas cáo buộc Israel ném bom xung quanh các bệnh viện ở Gaza: Ngày 5/11, người đứng đầu văn phòng truyền thông của Hamas Salama Marouf cho biết: “Trong hơn một giờ, các vụ đánh bom dữ dội đã diễn ra quanh các bệnh viện”.

Theo ông, khu vực lân cận bệnh viện lớn nhất lãnh thổ Palestine, Al-Shifa, đã chứng kiến các cuộc tấn công đặc biệt ác liệt. Các vụ đánh bom xảy ra sau khi IDF cáo buộc Hamas sử dụng bệnh viện trong chiến dịch quân sự chống Israel.

Về phần mình, Thủ tướng Palestine Mohammad Shtayyeh cho biết, chính quyền Palestine (PA) sẽ không chấp nhận việc Nhà nước Do Thái chỉ chuyển lại một phần khoản thu thuế hộ mà Israel đã giữ lại từ khi nổ ra cuộc chiến với phong trào Hồi giáo Hamas hôm 7/10.

Ông Shtayyeh cũng đề nghị cộng đồng quốc tế gây sức ép để Israel phải nhanh chóng chuyển toàn bộ khoản tiền này cho PA.

Cụ thể, một phần số tiền nêu trên sẽ được dùng để thanh toán về các chi phí ở Gaza, bao gồm cả tiền lương của nhân viên, vẫn được chính quyền Palestine chi trả mặc dù phong trào Hồi giáo Hamas kiểm soát khu vực bị phong tỏa.

Tính đến nay, hơn 1.400 người, hầu hết là dân thường, đã thiệt mạng ở Israel kể từ cuộc tấn công bất ngờ của Hamas ngày 7/10, trong đó phong trào Hồi giáo này bắt hơn 240 người làm con tin.

Đáp trả, Israel đã không ngừng bắn phá Gaza và phát động chiến dịch trên bộ. Bộ Y tế trên lãnh thổ Palestine do Hamas quản lý thông báo hơn 9.700 người đã thiệt mạng, phần lớn là dân thường. (AFP)

* Nam Phi triệu hồi tất cả quan chức ngoại giao từ Israel: Ngày 6/11, Bộ trưởng Văn phòng Tổng thống Nam Phi Khumbudzo Ntshavheni cho biết, tất cả các nhân viên ngoại giao ở Tel Aviv sẽ được yêu cầu quay lại Pretoria để tham vấn, song không cung cấp thêm chi tiết.

Ngoại trưởng Nam Phi Naledi Pandor lưu ý, việc triệu hồi các nhà ngoại giao là “thông lệ”, đồng thời, cho biết thêm, các đặc phái viên sẽ cung cấp “bản tóm tắt đầy đủ” về tình hình cho chính phủ, sau đó sẽ quyết định liệu việc đó có thể giúp ích hay không hay liệu “mối quan hệ có thực sự nên được duy trì hay không”. (TTXVN)

Đông Nam Á

* Khai mạc Triển lãm Quốc phòng - An ninh 2023 tại Thái Lan: Ngày 6/11, Triển lãm Quốc phòng - An ninh 2023, quy tụ sự tham gia của hơn 500 nhà sản xuất quân sự hàng đầu thế giới từ 45 quốc gia, đã khai mạc tại Trung tâm triển lãm hội nghị Impact, Thái Lan.

Nhận lời mời của Bộ Quốc phòng Thái Lan, đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng Việt Nam do Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam làm trưởng đoàn dự triển lãm.

Qua 11 lần tổ chức, Triển lãm đã tận dụng bề dày lịch sử hợp tác đa quốc gia trong công nghiệp quốc phòng và an ninh nội địa. Sự kiện này không chỉ mang lại cho các quân nhân cơ hội thiết lập và kết nối với các đối tác. tăng cường hơn nữa mối quan hệ tốt đẹp trên toàn thế giới, mà còn cung cấp cho nước chủ nhà nền tảng để thúc đẩy phát triển công nghiệp quốc phòng.

Gian hàng quốc gia Việt Nam có diện tích gần 100 m2, trưng bày 60 danh mục sản phẩm dưới dạng mô hình và video thuộc 8 chủng loại gồm: thông tin liên lạc, tác chiến điện tử, mô hình mô phỏng, quang điện tử, radar, chỉ huy điều khiển, UAV và 5G private. Ngay trong ngày đầu triển lãm, gian hàng đã tiếp đón hơn 50 đoàn khách quốc tế, trong đó có các đoàn quan chức quốc phòng Philippines, Malaysia, Lào, Campuchia, Ấn Độ…

Triển lãm Quốc phòng-An ninh 2023 là triển lãm quân sự thuộc top 15 thế giới, lớn số 1 Đông Nam Á. Dưới sự bảo trợ của Bộ Quốc phòng Thái Lan, triển lãm được tổ chức 2 năm một lần trong 20 năm qua, được xem như sự kiện an ninh khu vực và quốc phòng hàng đầu Đông Nam Á.

Sự kiện diễn ra từ ngày 6-9/11, giới thiệu nhiều dòng sản phẩm quân sự như hệ thống vũ khí, súng, tên lửa, xe tăng, UAV, phương tiện vận chuyển và hàng hải, vệ tinh và viễn thông, công nghệ phòng thủ điện tử, hệ thống kiểm soát hoả lực... (TTXVN)

Nam Thái Bình Dương

* Australia và Trung Quốc nhất trí đưa quan hệ song phương bước sang trang mới”: Chiều 6/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã có cuộc hội đàm song phương tại Bắc Kinh.

Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh, mối quan hệ “lành mạnh và ổn định” (của Trung Quốc) với Australia sẽ mang lại lợi ích cho mỗi nước, và điều quan trọng phải là thúc đẩy mối quan hệ mang tính chiến lược giữa hai nước.

Trong khi đó, Thủ tướng Australia Anthony Albanese nói, ông thấy “có những dấu hiệu đầy hứa hẹn” trong mối quan hệ song phương sau khi “một số trở ngại trong thương mại giữa hai nước đã được loại bỏ và đã có sự cải thiện đáng kể trong hoạt động thương mại” giữa Australia và Trung Quốc.

Thủ tướng Albanese cho biết, vấn đề về sự cần thiết phải tạo dựng hòa bình và an ninh trong khu vực đã được nêu ra trong bối cảnh các cuộc xung đột trên thế giới ngày càng gia tăng, bao gồm cả cuộc xung đột Nga-Ukraine và Israel-Hamas.

Ông nói: “Tôi bước ra khỏi phòng họp và hài lòng khi thấy giữa Australia và Trung Quốc đã có cuộc trao đổi tích cực”.

Tuy nhiên, cái gọi là “14 bất bình” của Bắc Kinh với Canberra ở thời kỳ đỉnh điểm của tranh cãi ngoại giao giữa hai nước đã không được nêu ra trong cuộc gặp. Thay vào đó, ông cho biết: “Tôi đã nói về các ‘hàng rào bảo vệ’ và sự hợp tác giữa quân đội Mỹ và Trung Quốc; đó mới là điều quan trọng”. (Reuters)

Đông Bắc Á

* Trung Quốc tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ Cuba: Ngày 6/11, tiếp Thủ tướng Cuba Manuel Marrero tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố: “Trung Quốc sẽ tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ người dân Cuba, phản đối sự can thiệp của nước ngoài và lệnh cấm vận (đối với Havana), đồng thời bảo vệ chủ quyền và phẩm giá quốc gia (của Cuba)”.

Nhà lãnh đạo này cũng nhấn mạnh: “Hy vọng rằng Cuba sẽ tiếp tục tận dụng tốt nền tảng quan trọng của CIIE (Hội chợ Nhập khẩu quốc tế Trung Quốc) lần thứ 6 để đưa thêm nhiều sản phẩm vào thị trường Trung Quốc”.

Ông Marrero là một trong số các quan chức nước ngoài tham dự lễ khai mạc CIIE hôm 5/11 tại Thượng Hải.(Reuters)

* Hàn Quốc sắp phóng vệ tinh do thám quân sự đầu tiên: Ngày 6/11, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Jeon Ha Gyu thông báo, nước này có kế hoạch phóng vệ tinh do thám quân sự đầu tiên tự phát triển trong nước ngày 30/11.

Đây là một phần trong khuôn khổ thỏa thuận giữa Hàn Quốc với công ty vũ trụ SpaceX (Mỹ). Tên lửa đẩy Falcon 9 sẽ mang vệ tinh do thám quân sự đầu tiên của nước này từ Căn cứ không quân Vandenberg ở California (Mỹ) lên quỹ đạo.

Bộ trên cho hay, vụ phóng là một phần trong Dự án 425, nhằm “bảo vệ các vệ tinh do thám của quân đội thông qua nghiên cứu và phát triển”. (AP)

Châu Âu

* Ukraine sẽ gia nhập EU: Ngày 6/11, trả lời tờ Die Welt (Đức), Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nhấn mạnh: “Tôi không nghi ngờ gì về việc Ukraine sẽ gia nhập Liên minh châu Âu (EU). Hôm nay, tôi đã nhận được sự đảm bảo này từ bà Annalena Baerbock (Ngoại trưởng Đức)”.

Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng Ukraine sẽ phải cải cách hệ thống tư pháp để gia nhập thị trường chung: “Chúng ta cũng cần tăng cường các biện pháp chống tham nhũng. Chúng tôi đã thông qua các luật liên quan, bây giờ cần phải thực hiện”.

Trước đó, ngày 1/11, Politico (Mỹ) dẫn các nguồn tin cho biết, Ủy ban châu Âu (EC) đã khuyến nghị bắt đầu đàm phán với Ukraine về việc nước này gia nhập EU, song Kiev không nên mong đợi đàm phán này sẽ sớm kết thúc. (TASS)

Châu Phi-Trung Đông

* Anh rút tạm thời nhân viên ngoại giao khỏi Lebanon: Ngày 6/11, Bộ Ngoại giao Anh đã quyết định tạm thời rút một số nhân viên Đại sứ quán tại Lebanon.

Bộ trên cũng khuyến cáo công dân không nên đi du lịch tới đây do xung đột giữa láng giềng Israel và Hamas ở Dải Gaza, đồng thời khuyến khích bất kỳ người Anh nào còn ở Lebanon rời đi khi đường bay thương mại vẫn hoạt động.

* EU triển khai phái bộ quan sát bầu cử tại CHDC Congo: Ngày 6/11, Cơ quan Đối ngoại (EEAS) cho biết EU đã quyết định triển khai Phái bộ quan sát bầu cử (EOM) tới giám sát cuộc tổng tuyển cử ngày 20/12 tới tại CHDC Congo.

Cụ thể, Cao ủy EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell đã bổ nhiệm Nghị sĩ châu Âu Malin Björk làm quan sát viên chính của phái bộ. Đồng thời, ông nhấn mạnh những tháng tới sẽ rất quan trọng đối với việc củng cố dân chủ ở DRC và hợp tác song phương giữa CHDC Congo-EU.

Nhà ngoại giao này kêu gọi tất cả các bên phải hợp tác cùng nhau để cuộc bầu cử diễn ra tự do, minh bạch và hòa bình. Các quyền tự do cơ bản về ngôn luận, truyền thông, hội họp, hiệp hội và phong trào không thể bị cản trở dưới bất kỳ hình thức nào. (TTXVN)