'Siêu bom' UPAB-1500B của Nga. (Nguồn: Yahoo) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Nga-Ukraine
* Nga tung "siêu bom" ở Donbass: Ngày 5/3, trên kênh Telegram, một chỉ huy của đơn vị đặc nhiệm tình nguyện Nga có tên “Thành Troy” cho biết, nước này đã bắt đầu sử dụng loại bom lượn mới mạnh nhất UPAB-1500B trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
UPAB-1500B, nặng 1.500kg, là mối đe dọa lớn trong xung đột bởi công nghệ cũng như sức mạnh bùng nổ mà nó sở hữu, với hệ thống định vị vệ tinh và quán tính giúp vũ khí này có thể tấn công các mục tiêu được bảo vệ nghiêm ngặt ở khoảng cách lên tới 40 km.
Theo chỉ huy trên, UPAB-1500B đã được sử dụng trong cuộc tấn công vào các khu vực cố thủ của Các Lực lượng Vũ trang Ukraine (VSU) ở ngoại ô Avdeevka khiến thành phố này rung chuyển. (Lenta, Kyiv Independent)
* Serbia không cung cấp vũ khí cho cả Nga và Ukraine, theo lời Tổng thống quốc gia Đông Nam Âu này Aleksander Vucic ngày 5/3.
Trả lời phỏng vấn báo giới tại Qatar, ông Vucic nhấn mạnh: "Chúng tôi có sản xuất và bán đạn dược. Tuy nhiên, chúng tôi không cung cấp hay bán cho Nga lẫn Ukraine. Serbia luôn tuân thủ luật pháp quốc tế".
Theo ông, Serbia đã thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn đạn được chuyển qua bên thứ 3, bao gồm việc cần có sự đồng ý của Belgrade trong mọi hợp đồng. (TASS)
* Trung Quốc cam kết không cấp vũ khí cho Nga, theo lời Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu trong cuộc họp báo chung với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ngày 5/3.
Nhà lãnh đạo Đức nói: "Tất cả chúng tôi đều chia sẻ quan điểm rằng không nên cung cấp vũ khí. Và chính phủ Trung Quốc cam kết sẽ không cung cấp bất cứ thứ gì. Chúng tôi yêu cầu không được chuyển vũ khí cho Nga và chúng tôi đang theo dõi vấn đề này".
Bên cạnh đó, theo ông Scholz, phương Tây sẽ không đưa ra quyết định nào mà không có Ukraine, cũng sẽ không quyết định thay quốc gia Đông Âu mà chỉ cung cấp các hỗ trợ cho Kiev để có thể đạt được các mục tiêu đã đề ra.
Ngoài ra, Đức và các nước phương Tây khác sẵn sàng cung cấp các đảm bảo an ninh cho Kiev, nhưng không phải bây giờ mà chỉ sau khi xung đột kết thúc. (TASS)
* Croatia tuyên bố ủng hộ Ukraine vì an ninh châu Âu: Ngày 5/3, Bộ Ngoại giao Croatia ra thông cáo báo chí cho biết, Ngoại trưởng nước này Gordan Grlic Radman tuyên bố việc phản đối chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.
Lưu ý xung đột ở Ukraine đã dẫn đến nhiều mối đe dọa khác như lạm phát và gián đoạn nguồn cung năng lượng và lương thực, ông Radman nhấn mạnh, "giúp đỡ Kiev cũng là đang bảo vệ an ninh của chính mình” cũng như cấu trúc an ninh toàn cầu.
Theo Ngoại trưởng Radman, Croatia đã và đang giúp đỡ Ukraine về kinh tế, ngoại giao và bằng cách chia sẻ kinh nghiệm về chiến tranh và phục hồi sau chiến tranh cũng như rà phá bom mìn và xây dựng lòng tin. (N1 Infor)
TIN LIÊN QUAN | |
Thủ tướng Đức tuyên bố phương Tây không quyết định thay Ukraine, nói Tổng thống Nga phải hiểu một điều |
Châu Âu
* Nga thúc đẩy việc đơn giản hóa cơ chế cấp thị thực với 6 quốc gia gồm Ấn Độ, Angola, Indonesia, Syria, Philippines và Việt Nam bằng việc đang soạn các dự thảo thỏa thuận liên chính phủ về việc này, theo lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Yevgeny Ivanov ngày 6/3.
Trước đó, quan chức ngoại giao Nga cho biết, nước này đang thảo luận các thỏa thuận liên chính phủ về việc miễn thị thực với 11 quốc gia gồm Bahrain, Oman, Saudi Arabia, Bahamas, Barbados, Haiti, Zambia, Kuwait, Malaysia, Mexico, cùng Trinidad và Tobago.
Các dự thảo thỏa thuận đang ở các giai đoạn tiến triển khác nhau, phụ thuộc vào cả Nga và các nước đối tác. (TASS)
* EU sẽ phản ứng các thách thức từ IRA của Mỹ: Ngày 5/3, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen tuyên bố, bà sẽ kiên quyết chống lại các khoản trợ cấp của Mỹ theo Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) cho công nghệ xanh nước này.
Bên cạnh đó, bà cũng sẽ đẩy nhanh dự luật, hiện đang bị phong tỏa, về việc loại bỏ động cơ nhiên liệu từ năm 2035.
Theo nữ lãnh đạo EU, IRA mang lại những cắt giảm lớn cho công nghệ sạch sản xuất tại Mỹ. Châu Âu lo ngại các khoản trợ cấp này của Washington sẽ thu hút đầu tư xuyên Đại Tây Dương và phá hỏng các kế hoạch phục hồi của EU.
Hiện tại, các nhà sản xuất ô tô điện của EU đã được tiếp cận các quy định cắt giảm thuế của Mỹ, nhưng bà von der Leyen muốn đảm bảo rằng, các nhà sản xuất ắc quy và linh kiện ắc quy của liên minh này cũng được hưởng lợi từ IRA. (Reuters)
* Anh-Đức tuần tra chung trên không phận Estonia: Báo Telegraph ngày 5/3 cho biết, lần đầu tiên, Không quân Hoàng gia Anh sẽ thực hiện một nhiệm vụ chung với Không quân Đức trong khuôn khổ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để bảo vệ không phận Estonia.
Khoảng 300 binh sĩ Anh của Không đoàn viễn chinh số 140 sẽ đến Estonia để dẫn đầu sứ mệnh bảo vệ không phận của NATO trên bầu trời vùng Baltic, trong khi các phi công Đức cùng các máy bay chiến đấu Typhoon cũng sẽ đến phục vụ trong 4 tháng.
* Bầu cử Quốc hội Estonia: Theo kết quả kiểm 98% số phiếu, đảng Cải cách cầm quyền của Thủ tướng Estonia Kaja Kallas đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa 15 với tỷ lệ phiếu cách biệt, bỏ xa đối thủ là đảng ERKE cánh hữu.
Có 968 ứng cử viên thuộc 9 đảng phái và ứng cử viên độc lập tham gia cạnh tranh giành 101 ghế tại cơ quan lập pháp đơn viện của Estonia. Tỷ lệ cử tri bỏ phiếu hôm 5/3 là 63,5%, cao nhất trong các kỳ bầu cử của quốc gia Baltic này.
Kết quả đa số phiếu được kiểm cho thấy, đảng Cải cách giành được 31,6% số phiếu bầu, tiếp theo là đảng ERKE với 16%. Đảng Trung tâm giành được 14,7% số phiếu bầu, đảng Estonia 200 nhận được 13,5%, đảng Dân chủ Xã hội nhận được 9,4% và đảng Isamaa (Tổ quốc) 8,3%.
Đảng Cải cách sẽ giành được 37 ghế tại cơ quan lập pháp của Estonia - nhiều hơn 3 ghế so với 4 năm trước. Tuy nhiên, để duy trì quyền lực, đảng Cải cách một lần nữa phải liên minh với một hoặc nhiều đảng trong quốc hội. (AFP)
* EU chuẩn bị cử phái bộ dân sự tới Moldova: Ngày 5/3, truyền thông châu Âu đưa tin, một số quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đang lên kế hoạch cử một phái bộ dân sự đến Moldova vào mùa Hè này và cung cấp cho Chisinau các tư vấn trong lĩnh vực tư pháp, bảo đảm thực thi pháp luật và giữ gìn trật tự.
Cơ quan Hành động đối ngoại EU (EEAS) hiện đang hoàn thiện khái niệm quản lý khủng hoảng, dự kiến hoàn thành trong tháng này, giành cho Moldova.
Các nước tham gia phái bộ tới Moldova sẽ bao gồm các nước vùng Baltic, Thụy Điển, Đức, Ba Lan, Czech, Bồ Đào Nha, Romania và Đan Mạch. (TASS)
* Azerbaijan-Armenia lại vướng xung đột biên giới vào ngày 5/3, khi hai bên xảy ra cuộc đụng độ bằng súng khiến ít nhất 3 binh sĩ thiệt mạng.
Bộ Ngoại giao Armenia cáo buộc, cuộc đụng độ là âm mưu của Azerbaijan, trong khi phía Baku khẳng định các nhân viên chức năng chỉ đáp trả vì "bị tấn công bằng súng".
Ngày 6/3, Bộ Quốc phòng Azerbaijan cho biết, trong hai ngày qua, một số cứ điểm của lực lượng vũ trang nước này ở khu vực biên giới với Armenia và ở vùng lãnh thổ Nagorno-Karabakh đã bắn phá 19 lần. Phía Baku đã thực hiện các biện pháp đáp trả.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Armenia đã bác bỏ cáo buộc của Azerbaijan, cho rằng những tuyên bố như vậy là không đúng sự thật. (TASS)
TIN LIÊN QUAN | |
Nổ súng ở Norgano-Karabakh, Armenia và Azerbaijan đổ lỗi cho nhau 'khơi mào' |
Châu Á
* Hàn Quốc-Nhật Bản lên kế hoạch cho cuộc gặp thượng đỉnh, theo lời một nguồn tin ngoại giao ngày 6/3.
Theo đó, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol có thể thăm Nhật Bản vào ngày 16-17/3 để gặp Thủ tướng nước chủ nhà Kishida Fumio.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh động lực hàn gắn quan hệ giữa hai nước đang được củng cố, trong đó có việc Hàn Quốc cùng ngày công bố kế hoạch giải quyết tranh chấp với Nhật Bản liên quan việc bồi thường cho lao động cưỡng bức thời chiến và được phí Tokyo hưởng ứng. (Kyodo)
* Lật thuyền ngoài khơi quần đảo Senkaku/Điếu Ngư: Ngày 6/3, Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản cho biết, đang tìm kiếm 7 người mất tích trong vụ lật thuyền vào chiều một ngày trước đó.
Theo người phát ngôn của lực lượng trên Keisuke Nakao, thủy thủ đoàn có 1 người Đài Loan (Trung Quốc) và 6 người Indonesia. Lực lượng phòng vệ hàng hải Nhật Bản đang điều động tàu tuần tra và trực thăng tìm kiếm những người mất tích. (Kyodo)
* Đánh bom liều chết tại Pakistan đầu giờ chiều 6/3 (giờ Việt Nam), tại thành phố Sibbi, cách Quetta - thủ phủ tỉnh Balochistan - 160 km về phía Đông.
Kẻ đánh bom liều chết đi trên xe máy đã đâm thẳng vào một xe chở cảnh sát, khiến ít nhất 9 người thiệt mạng và 7 người khác bị thương.
Đây là vụ việc mới nhất trong một loạt các vụ tấn công gần đây nhằm vào cảnh sát tại Pakistan. Hiện chưa có nhóm này thừa nhận chủ mưu vụ đánh bom. (AFP)
* Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm Trung Đông, với điểm dừng chân đầu tiên là Jordan, sau đó là Israel và Ai Cập.
Theo giới chức Lầu Năm Góc, chuyến đi nhằm trấn an các đồng minh chủ chốt về cam kết quốc phòng của Mỹ đối với khu vực này cũng như gửi một số thông điệp cho các nhà lãnh đạo của Israel và Ai Cập.
Một quan chức quốc phòng Mỹ cấp cao cho hay: “Ông Austin sẽ truyền đạt cam kết lâu dài của Mỹ đối với Trung Đông và đảm bảo với các đối tác rằng Mỹ vẫn hỗ trợ quốc phòng cho họ”.
Tại Jordan, Quốc vương nước này Abdullah II đã tiếp ông Austin và nhấn mạnh việc cần giảm căng thẳng cũng như khôi phục ổn định tại các vùng lãnh thổ của Palestine.
Theo nhà lãnh đạo, cần đẩy mạnh các nỗ lực nhằm thiết lập ranh giới chính trị, mở đường cho đàm phán hòa bình giữa Palestine và Israel, cũng như hướng đến việc đạt được hòa bình tòan diện dựa trên giải pháp hai nhà nước. (THX, Reuters)
* Lãnh đạo tối cao Iran nói đầu độc học sinh là “tội ác không thể tha thứ”: Ngày 6/3, Lãnh đạo tinh thần tối cao Iran Ali Khamenei cho rằng, vụ nhiễm độc tại các trường học ở nước này khiến hàng trăm nữ sinh phải nhập viện trong nhiều tháng qua là tội ác “không thể tha thứ”.
Truyền thông địa phương dẫn lời ông Khamenei khẳng định: “Chính quyền cần nghiêm túc theo đuổi vụ đầu độc học sinh. Thủ phạm phải bị trừng trị nghiêm khắc”.
Các trường hợp nữ sinh nhập viện với triệu chứng nhiễm độc đã xuất hiện tại nhiều trường học ở ít nhất 10/30 tỉnh thành tại Iran, với hơn 1.000 nạn nhân, khiến dư luận và giới chức nước này nghi ngờ có âm mưu đầu độc quy mô lớn. (Reuters)
* Al Qaeda xác nhận một thủ lĩnh cấp cao thiệt mạng tại Yemen trong cuộc không kích được cho là do Mỹ tiến hành hồi tháng trước.
Theo SITE Intelligence Group, nhóm chuyên theo dõi các nội dung trực tuyến của các nhóm khủng bố cực đoan, nhân vật trên là Hamad bin Hamoud al-Tamimi, thủ lĩnh hàng đầu của Al Qaeda tại bán đảo Arab (AQAP), một trong những chi nhánh mà Mỹ đánh giá là nguy hiểm nhất.
Tamimi đã thiệt mạng trong vụ tấn công bằng máy bay không người lái hôm 26/2 tại tỉnh Marib, phía Bắc Yemen. Đây là “quan chức truyền thông” từng chỉ đạo các chiến dịch bên ngoài của AQAP, bao gồm cả các chiến dịch nhắm vào các lợi ích của Mỹ. (AFP)
TIN LIÊN QUAN | |
Nút thắt trong quan hệ Hàn Quốc-Nhật Bản: Seoul đề xuất giải pháp tháo gỡ, đẹp ý đôi bên? |
Châu Mỹ
* Đại tướng Cuba Raúl Castro tới Venezuela ngày 5/3 để tham dự các sự kiện tưởng niệm 10 năm ngày mất của cố Tổng thống Venezuela Hugo Chávez (1999 -2013).
Tháp tùng Đại tướng Raúl Castro có Thủ tướng Manuel Marrero Cruz; Phó Thủ tướng, Tư lệnh Cách mạng Ramiro Valdés, Ngoại trưởng Bruno Rodríguez Parrilla, các Bộ trưởng Y tế José Angel Portal và Năng lượng Vicente de la O Levy.
Cùng ngày, các cựu Tổng thống Bolivia Evo Morales và Honduras Manuel Zelaya cùng hơn 100 nhân vật và trí thức từ khắp các châu lục cũng đã tới Venezuela để tham gia lễ tưởng niệm. (EFE)
Châu Đại Dương
* Các cơ quan chính phủ của Australia áp đặt các quy định kiểm soát TikTok: Truyền thông Australia ngày 6/3 cho biết, đến nay, đã có 25 bộ và cơ quan chính phủ của nước này ban hành lệnh cấm sử dụng mạng xã hội TikTok trên tất cả các thiết bị sử dụng cho công việc.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Bộ Nội vụ Australia chuẩn bị hoàn tất một cuộc điều tra các nền tảng mạng xã hội và sẽ đưa các khuyến nghị lên chính phủ.
Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều bộ và cơ quan của chính phủ Australia chưa áp đặt bất kỳ quy định hạn chế nào đối với việc sử dụng TikTok hoặc chưa xác nhận liệu có áp dụng lệnh cấm sử dụng ứng dụng trên hay không.
Phản hồi truyền thông, TikTok nêu rõ, đây là chính sách hạn chế sử dụng các nền tảng mạng xã hội và ứng dụng nhắn tin của các cơ quan của chính phủ liên bang Australia tương tự nhiều tổ chức tư nhân khác và lệnh cấm này "áp đặt đối với hàng loạt ứng dụng và phần mềm, không chỉ riêng TikTok". (ABC News)
| Tình hình Ukraine: Quốc gia thành viên tố EU và NATO đã 'tham gia xung đột'; Nga siết vòng vây, giành được 40% Bakhmut? Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình tiếng Anh của Hungary HirTV ngày 5/3, Chủ tịch Quốc hội nước này Laszlo Kever chỉ trích chính ... |
| Kinh tế thế giới nổi bật (24/2-2/3): Giữa vòng vây trừng phạt, Nga nói có thể học kinh nghiệm từ Iran, Ukraine đón tin vui, Mỹ sẽ ‘hạ cánh mềm’ Tín hiệu tích cực với thương mại toàn cầu, Nga-Iran thắt chặt hợp tác giữa vòng vây trừng phạt, Moldova tuyên bố không còn phụ ... |
| Tình hình Ukraine: Bộ trưởng Quốc phòng Nga đến một thành phố miền Đông, Moscow tung vũ khí mới cực mạnh; Bakhmut nguy cấp? Ngày 6/3, Bộ Quốc phòng Nga cho hay, Bộ trưởng Sergei Shoigu đã đến thành phố cảng Mariupol thuộc khu vực Donetsk, miền Đông Ukraine. |
| Thế giới vẫn tiếp nhận dầu Nga? Moldova có thể tồn tại mà không cần khí đốt Moscow Thứ trưởng thứ nhất Bộ Năng lượng Liên bang Nga Pavel Sorokin khẳng định, hầu hết các nước trên thế giới vẫn tiếp nhận các ... |
| EU tính toán 'vươn tay' vào Moldova, NATO nói đã đến lúc Chisinau phải lựa chọn Ngày 5/3, truyền thông châu Âu đưa tin, một số quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đang lên kế hoạch cử một phái ... |