Bắc Kinh và Canberra đang lâm vào tranh cãi mới liên quan cáo buộc của Australia rằng, máy bay J-16 (ảnh minh họa nhỏ) của Trung Quốc chặn một máy bay giám sát biển của quốc đảo này trên Biển Đông. (Nguồn: ABC News, Twitter) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Nga-Ukraine
* Nga tuyên bố đẩy lùi lực lượng Ukraine ra xa biên giới: Ngày 6/6, Moscow cho biết sẽ đáp trả việc phương Tây bàn giao vũ khí tầm xa cho Ukraine bằng cách đẩy lùi các lực lượng Ukraine ra xa biên giới của Nga.
Phát biểu trong một cuộc họp báo, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói: "Tầm bắn của các hệ thống rocket phương Tây chuyển giao cho Ukraine càng xa, chúng tôi sẽ càng đẩy lùi họ ra xa biên giới". (Reuters)
* Trung Quốc kêu gọi tạo điều kiện giải quyết xung đột Nga-Ukraine: Ngày 6/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho rằng, quốc tế cần tạo điều kiện để giải quyết tình hình phức tạp do cuộc khủng hoảng Ukraine gây ra.
Trả lời phỏng vấn TASS, ông Triệu nói: "Chúng tôi tin rằng cần tạo điều kiện thuận lợi cho cho các cuộc đàm phán Nga-Ukraine và cho mọi nỗ lực nhằm giải quyết tình hình khủng hoảng một cách hòa bình".
Quan chức ngoại giao Trung Quốc cũng kêu gọi thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine".
* Trừng phạt Nga không giải quyết được xung đột ở Ukraine, theo lời Bộ trưởng Kinh tế Thụy Sỹ Guy Parmelin ngày 5/6.
Trong cuộc phỏng vấn với tờ Blick, Bộ trưởng Parmelin nhận định, hiệu quả của các biện pháp trừng phạt phần lớn phụ thuộc vào việc sử dụng cùng với các công cụ chính trị, ngoại giao và luật pháp khác.
Ông cũng cảnh báo, giá năng lượng có thể sẽ tăng cao hơn nữa do các lệnh trừng phạt Nga và không có quốc gia châu Âu nào có biện pháp giải quyết được vấn đề này.
* Anh xác nhận gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine: Ngày 6/6, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thông báo, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã xác nhận gói viện trợ quân sự mới của London dành cho Kiev trong một cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo.
Tổng thống Zelensky nhấn mạnh rằng, hai nhà lãnh đạo đang "nghiên cứu cách thức ngăn xảy ra khủng hoảng lương thực và gỡ bỏ sự phong tỏa các cảng biển của Ukraine", ám chỉ lệnh phong tỏa trên biển của Nga đối với Ukraine, dẫn tới việc Kiev không thể xuất khẩu nhiều nông sản.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết, nước này sẽ cung cấp cho Ukraine các hệ thống phóng tên lửa bắn loạt M270, có thể tấn công các mục tiêu cách xa 80 km. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Nga-Ukraine: Xung đột về đâu? |
TIN LIÊN QUAN |
Nga-Mỹ
* Đại sứ Mỹ tại Nga nói Moscow không nên đóng cửa Đại sứ quán Mỹ: Ngày 6/6, Đại sứ Mỹ tại Moscow John Sullivan khuyến cáo Nga không nên đóng cửa Đại sứ quán Mỹ.
Khi được hỏi về khả năng các Đại sứ quán có thể bị đóng cửa, ông Sullivan lưu ý: "Họ có thể, có khả năng điều đó sẽ xảy ra, mặc dù tôi cho rằng đó sẽ là một sai lầm lớn. Lý do duy nhất tôi có thể nghĩ đến việc Mỹ buộc phải đóng cửa Đại sứ quán là khi cơ quan này không còn được an toàn khi tiếp tục hoạt động".
Trong một nỗ lực rõ ràng nhằm gửi thông điệp tới Điện Kremlin, Đại sứ Sullivan nói rằng, Mỹ và Nga không nên dễ dàng cắt đứt quan hệ ngoại giao mà "phải duy trì khả năng đối thoại với nhau". (Reuters)
* Nga muốn đàm phán về vũ khí hạt nhân với Mỹ: Ngày 6/6, Điện Kremlin cho biết, họ quan tâm tới các cuộc đối thoại với Mỹ về vũ khí hạt nhân, song khẳng định đàm phán chưa thể diễn ra vào thời điểm này.
Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay: "Chúng tôi tin rằng các cuộc đàm phán và thảo luận đang diễn ra về chủ đề này, với những thay đổi mang tính xây dựng mà chúng tôi thấy được... toàn thế giới cần các cuộc đối thoại như vậy". (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
'Nước cờ' mới của Mỹ có là vấn đề lớn với Nga? |
Châu Âu
* Tổng thống Putin nói về Nga những năm 2020: Ngày 6/6, Tổng thống Vladimir Putin cho hay, đối với Nga, những năm 2020 sẽ trở thành thời kỳ củng cố chủ quyền kinh tế trong khi vẫn sẽ duy trì cam kết hợp tác quốc tế.
Theo đó, Nga sẽ "phát triển nhanh chóng cơ sở hạ tầng và công nghệ, nâng cấp chất lượng về trình độ đào tạo cho các chuyên gia cũng như thành lập một hệ thống tài chính độc lập và hiệu quả".
Ông Putin nêu rõ: "Nền kinh tế Nga sẽ ngày càng dựa vào các sáng kiến tư nhân và tất nhiên, sẽ vẫn cam kết minh bạch và hợp tác quốc tế rộng rãi". (TASS)
* Ba nước châu Âu cấm cửa máy bay chở Ngoại trưởng Nga: Các quốc gia gồm Bulgaria, Bắc Macedonia và Montenegro đã đóng cửa không phận của những nước này với máy bay chở Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đến Serbia trong ngày 6/6.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, hành động này là "thù địch", có thể gây ra vấn đề đối với lịch trình tổ chức các cuộc gặp ngoại giao cấp cao nhưng sẽ "không thể ngăn Moscow duy trì liên lạc với các quốc gia thân thiện".
Trong khi đó, Ngoại trưởng Lavrov coi việc ba quốc gia Đông Âu cấm máy bay chở ông tới Serbia là hành động "không thể chấp nhận được" song "không ai có thể hủy hoại các mối quan hệ của Ngavới Serbia".
Bộ trưởng Nội vụ Serbia Aleksandar Vulin bày tỏ lấy làm tiếc vì chuyến đi của ông Lavrov "bị cản trở".
Theo ông Vulin, Ngoại trưởng Nga "là một người bạn tuyệt vời của Serbia. Một thế giới mà các nhà ngoại giao không thể tìm kiếm hòa bình là một thế giới không có hòa bình. Những người đã ngăn cản sự xuất hiện của ông Lavrov không muốn hòa bình, họ mơ ước đánh bại Nga". (Reuters)
* Cựu Thủ tướng Czech Babis nói về khả năng tranh cử Tổng thống: Chủ tịch phong trào ANO, cựu Thủ tướng Czech Andrej Babis tuyên bố chưa có kế hoạch công bố khả năng ứng cử Tổng thống trong tháng 9 tới mà sẽ thông báo vào phút chót.
Theo hãng tin CTK, có tổng cộng 20 người muốn tranh cử Tổng thống Czech. Kết quả thăm dò của hãng Median cho thấy, cựu Thủ tướng Babis đang dẫn đầu với 28,5% số người được hỏi ủng hộ.
* Thủ tướng Anh Boris Johnson đối mặt với cuộc bỏ phiếu tín nhiệm của các nhà lập pháp trong đảng Bảo thủ cầm quyền vào cuối ngày 6/6 do những cáo buộc về việc ông tổ chức tiệc tùng tại phòng làm việc và nhà riêng vào thời điểm nước Anh áp đặt các lệnh phong tỏa chặt chẽ nhằm ngăn chặn sự lây lan Covid-19.
Ngoại trưởng Liz Truss, Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak và Bộ trưởng Nhà ở Michael Gove của Anh đã bày tỏ ủng hộ với ông Jonson. (Reuters)
* Phần Lan, Thụy Điển tham gia tập cuộc trận chung với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mang tên BALTOPS.
Cuộc tập trận thường niên lần thứ 51 trên biển Baltic có 16 nước tham gia, kéo dài từ 5-17/6 với 7.000 binh sĩ, 75 máy bay và 45 tàu chiến các loại. Hai giai đoạn chính của cuộc tập trận gồm các hoạt động huấn luyện nâng cao năng lực chiến đấu và huấn luyện phối hợp giữa các lực lượng. (NATO)
TIN LIÊN QUAN | |
Liên minh châu Âu: Đồng minh không đồng lòng |
Biển Đông
* Australia quan ngại việc Trung Quốc ngăn chặn máy bay tuần tra biển: Bộ Quốc phòng Australia ngày 5/6 cho hay, chiến đấu cơ J-16 của Trung Quốc đã chặn một máy bay giám sát biển của Australia, khi máy bay này đang làm nhiệm vụ ở Biển Đông vào ngày 26/5.
Bộ trên khẳng định, hành động này của Trung quốc là "mối đe dọa tới an toàn của máy bay P-8 cùng phi hành đoàn" và chính phủ Australia bày tỏ sự quan ngại với Bắc Kinh trong vụ việc này.
Theo Bộ Quốc phòng Australia, nước này đã tiến hành các cuộc tuần tra biển trong khu vực từ nhiều thập kỷ, đồng thời khẳng định các hoạt động này phù hợp với luật pháp quốc tế. (Sputnik)
* Trung Quốc cảnh báo Australia sau "chạm trán" ở Biển Đông: Ngày 6/6, Bắc Kinh đã cảnh báo Australia "hành động một cách thận trọng" nếu không sẽ phải đối mặt với "hậu quả nghiêm trọng" sau cáo buộc trên của Canberra.
Ông Triệu Lập Kiên biện minh rằng, quân đội Trung Quốc luôn tiến hành các hoạt động một cách "an toàn, tiêu chuẩn và chuyên nghiệp" phù hợp với luật pháp quốc tế.
Australia khẳng định không có gì bất thường khi nước này thực hiện các chuyến bay giám sát ở Biển Đông - một khu vực mà Bắc Kinh khẳng định là thuộc chủ quyền của họ bất chấp phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan), vốn đã bác bỏ yêu sách phi lý đó của Trung Quốc. (AFP)
TIN LIÊN QUAN | |
Tăng cường hoạt động tại Biển Đông, 'đẩy' quan hệ với các quốc đảo Nam Thái Bình Dương, Trung Quốc có ý gì? |
Châu Mỹ
* Nga sẵn sàng chào đón chuyến thăm của tổng thống Venezuela, theo lời Vụ trưởng Vụ châu Mỹ Latinh của Bộ Ngoại giao Nga Alexander Shchetinin.
Theo quan chức này, Moscow sẽ vui mừng đón tiếp Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đến thăm, "ông ấy luôn được chào đón ở Moscow" và Caracas là đối tác chiến lược đáng tin cậy của Moscow. (TASS)
* Mỹ loại Cuba, Venezuela và Nicaragua khỏi Hội nghị Thượng đỉnh châu Mỹ: Các nguồn thạo tin cho biết, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra quyết định cuối cùng về việc loại Cuba, Venezuela và Nicaragua khỏi Hội nghị Thượng đỉnh châu Mỹ.
Sự kiện này đang phải đối mặt với chướng ngại Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador và một số nhà lãnh đạo khác tuyên bố không tham dự nếu không có đầy đủ sự hiện diện của tất cả các nước. (Reuters)
* Kết quả sơ bộ bầu cử thống đốc các bang Mexico: Theo kết quả kiểm phiếu nhanh của Viện Bầu cử Quốc gia Mexico (INE), đảng Phong trào Tái thiết Quốc gia cầm quyền của Tổng thống Obrador và liên minh đang giành lợi thế ở 4/6 bang bầu mới thống đốc, gồm Oaxaca, Quintana Roo, Hidalgo và Tamaulipas.
Trong khi đó, liên minh đối lập gồm các đảng đảng Hành động Quốc gia (PAN), Cách mạng thể chế (PRI) và Cách mạng dân chủ (PRD) đang dẫn trước ở 2 bang còn lại là Aguacalientes và Durango.
Ngày 5/6, khoảng 6/11,7 triệu cử tri ở 6 bang của Mexico đã đi bỏ phiếu để bầu ra thống đốc, 430 vị trí trong chính quyền địa phương, gồm các nghị sĩ, thị trưởng và các chức vụ trong hội đồng của các thành phố. Hiện tại, liên minh cầm quyền đang giữ 16/32 vị trí thống đốc bang. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ 2022 sẽ vắng 3 quốc gia trong khu vực, vì sao? |
Trung Đông
* Lebanon-Israel xích mích ở vùng biển tranh chấp: Ngày 5/6, Lebanon cảnh báo sẽ phản ứng với bất kỳ “hành động gây hấn” nào của Israel tại vùng biển hai nước đang có tranh chấp trên Địa Trung Hải, cụ thể là vùng Bể Levant, vốn có trữ lượng khí đốt lớn.
Thủ tướng Lebanon Najib Mikati cho rằng, Israel đang gây ra một cuộc khủng hoảng mới khi xâm phạm các nguồn tài nguyên của Beirut trong vùng biển này.
Tuy nhiên, Israel đã bác bỏ cáo buộc của Lebanon và hạ thấp bất kỳ nguy cơ nào dẫn tới xung đột liên quan tranh chấp trên..
Bộ trưởng Năng lượng Israel Karin Elharrar nói: "Lời tố cáo này của Lebanon khác xa so với thực tế", đồng thời nhấn mạnh Israel "rõ ràng không có hành vi xâm phạm".
Israel đã điều động một con tàu tới khu vực tranh chấp trên để khai thác khí đốt, lập luận rằng khu vực họ triển khai tàu vốn nắm trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. (Reuters)
* Lebanon nhờ Mỹ tới tham gia "phân xử" với Israel: Ngày 6/6, Văn phòng Thủ tướng Lebanon cho biết, Tổng thống nước này Michel Aoun đã nhất trí mời Đặc phái viên Mỹ Amos Hochstein đến Beirut để tiếp tục đàm phán về việc phân định ranh giới trên biển ở miền Nam với Israel. (Reuters)
* Mỏ dầu El Sharara lớn nhất Libya hoạt động trở lại sau 2 tháng bị đóng cửa. Tuy nhiên, Tổng Công ty Dầu khí quốc gia Libya (NOC) vẫn chưa công bố thông tin về việc nối lại sản xuất tại mỏ dầu trên.
Trước đó, NOC hồi tháng 4 đã tuyên bố đóng cửa mỏ dầu El Sharara và El Fil, cảng dầu Zueitina... vì tình trạng bất khả kháng do người biểu tình tràn vào các cơ sở của NOC và đòi Thủ tướng lâm thời Libya Abdul Hamid Dbeibeh chuyển giao quyền lực cho người đứng đầu Nội các mới của Libya Fathi Bashagha. (Sputnik)
* Bạo loạn bùng phát ở Đền Al Aqsa khi người Do Thái vào cầu nguyện, khiến những người Hồi giáo phản ứng và đụng độ với cảnh sát Israel.
Trước đó cùng ngày, những người Hồi giáo đã tập trung trong ngôi Đền Al Aqsa và ném nhiều vật thể qua cửa sổ vào lực lượng cảnh sát đang phong tỏa lối vào. Kênh truyền hình 11 đã đăng tải cảnh quay cho thấy nhiều người Hồi giáo đã ném ghế vào cảnh sát Israel.
Theo nguyên tắc, người Do Thái chỉ được phép viếng thăm ngôi đền vào những thời điểm nhất định và không được cầu nguyện trong khu vực này. (Times of Israel)
* Các bên đối địch tại Yemen nối lại đàm phán về việc mở lại các tuyến đường tại Taiz và các tỉnh khác, sau khi họ nhất trí gia hạn lệnh ngừng bắn trên toàn quốc.
Các phái đoàn từ chính phủ được quốc tế công nhận của Yemen và lực lượng dân quân Houthi đã bắt đầu vòng đàm phán trực tiếp thứ hai tại thủ đô Amman của Jordan.
Việc mở lại các con đường xung quanh thành phố Taiz và các nơi khác ở Yemen là một phần trong nội dung thỏa thuận ngừng bắn do LHQ bảo trợ, có hiệu lực vào đầu tháng 4/2022. (AP)
TIN LIÊN QUAN | |
Khi Trung Đông không còn là ‘chảo lửa’ |
Bán đảo Triều Tiên
* Mỹ-Hàn phóng tên lửa đáp trả Triều Tiên: Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) ngày 6/6 ra thông cáo báo chí cho hay Hàn Quốc và Mỹ đã phóng 8 tên lửa đạn đạo vào vùng biển phía Đông để đáp trả lại vụ phóng tên lửa của Triều Tiên ngày 5/6. (Yonhap)
* Quan chức Mỹ, Hàn, Nhật thảo luận về an ninh trên Bán đảo Triều Tiên: Đại sứ quán Mỹ tại Seoul cho biết, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đã đến Hàn Quốc trong ngày 5/6 để thảo luận về tình hình an ninh trên Bán đảo Triều Tiên cùng những người đồng cấp Hàn Quốc và Nhật Bản.
Ba quan chức này dự kiến sẽ thảo luận về các cách thức mở rộng hợp tác ba bên để răn đe mạnh mẽ hơn trước các mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, cũng như các vấn đề khu vực và toàn cầu khác trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng quyết đoán và chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. (Yonhap)
* IAEA nói Triều Tiên đẩy nhanh hoạt động xây dựng ở Yongbyon: Ngày 6/6, Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi cho biết: "Một mái vòm đã được lắp đặt trên công trình phụ trong Cơ sở làm giàu ly tâm và công trình này đã được hoàn thiện phần bên ngoài".
IAEA cho hay, gần lò phản ứng nước nhẹ (LWR), có một tòa nhà mới được xây dựng kể từ tháng 4/2021 đã hoàn công và hai tòa liền kề bắt đầu được xây dựng.
Trong khi đó, tại bãi thử hạt nhân ở Pungeri, IAEA "nhận thấy các dấu hiệu cho thấy một trong các hầm phóng đã được mở lại, có thể là để chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân. Việc tiến hành thử hạt nhân sẽ đi ngược lại các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và sẽ gây quan ngại nghiêm trọng". (Sputnik)
| Xung đột Nga-Ukraine: Tổng thống Zelensky ra tiền tuyến, Kiev nói 'phương Tây cần hiểu một điều' Ngày 5/6, Văn phòng Tổng thống Ukraine tuyên bố, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã đến khu vực tiền tuyến ở Đông Nam Zaporizhzhia để thăm ... |
| Ảnh ấn tượng tuần (30/5-5/6): Xung đột Nga-Ukraine, nụ hôn đoàn tụ ở Kharkov, Warsaw-Kiev hợp tác sản xuất vũ khí, không có đường tắt để gia nhập EU Xung đột Nga-Ukraine đã kéo dài hơn 100 ngày và vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, người dân Kiev trở lại nhà, Đại lễ ... |