Bộ Ngoại giao Nga phủ nhận việc tàu chở ngũ cốc Zhibek Zholy bị bắt giữ. (Nguồn: Railways.kz) |
Báo Thế giới & Việt Nam xin điểm một số tin thế giới nổi bật ngày 6/7.
Xung đột Nga-Ukraine
* Nga thông báo tiêu diệt HIMARS của Mỹ ở Donbass: Trong họp báo ngày 6/7, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov cho biết Các Lực lượng vũ trang Nga sử dụng tên lửa có độ chính xác cao đã phá hủy hai hệ thống tên lửa phóng loạt (MLRS) “HIMARS” của Mỹ ở Malotaranovka thuộc Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng.
Ông Konashenkov thông báo: “Trong khu vực điểm dân cư Malotaranovka thuộc Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng, các tên lửa phóng từ trên không có độ chính xác cao đã phá hủy hai bệ phóng tên lửa bắn loạt HIMARS do Mỹ sản xuất và hai kho đạn cho chúng”.
Ông Konashenkov cũng cho biết thêm rằng quân đội Nga cũng đã phá hủy một trạm radar dẫn đường cho hệ thống tên lửa phòng không S-300 gần làng Shirokolanovka, tỉnh Nikolaev và một điểm triển khai tạm thời các đơn vị lính đánh thuê nước ngoài gần làng Limany.
Theo số liệu cập nhật của Bộ Quốc phòng Nga ngày 6/7, kể từ khi bắt đầu “chiến dịch quân sự đặc biệt”, Nga đã phá hủy 720 xe phóng tên lửa phóng loạt của quân đội Ukraine. (Sputnik)
* Nga sử dụng thành công súng chế áp UAV mới ở Ukraine: Theo một nguồn tin trong các cơ quan thực thi pháp luật Nga, “súng” điện từ của nước này để chế áp máy bay không người lái (UAV) lần đầu tiên được sử dụng trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Nguồn tin tiết lộ: “Các tổ hợp điện từ Stupor của Nga lần đầu tiên được sử dụng thành công trong chiến dịch đặc biệt ở Ukraine chống lại máy bay không người lái Ukraine”. Theo ông, các thiết bị này đã cho thấy hiệu quả khá cao và dễ sử dụng.
Ông còn nói: “Bằng cách nhằm vào vật thể và nhấn nút, Stupor sẽ làm nhiễu tín hiệu điều khiển giữa người điều khiển và UAV, sau đó UAV của Ukraine bị vô hiệu hóa và buộc phải hạ cánh đúng nơi cần thiết”. Tuy nhiên, quan chức trên không nói rõ thời điểm cụ thể mà thiết bị này được sử dụng, mà chỉ ghi nhận việc sử dụng thành công nó ở miền Tây Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng.
Trước đó, việc sử dụng các thiết bị di động chống UAV như vậy trong “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine không được thông báo chính thức. Bộ Quốc phòng Nga thông báo hàng ngày về việc các UAV Ukraine bị các hệ thống tên lửa phòng không và hệ thống phòng không, cũng như các hệ thống tác chiến điện tử loại khỏi vòng chiến đấu.
Tổ hợp di động Stupor do Trung tâm Nghiên cứu và thử nghiệm khoa học kỹ thuật robot của Bộ Quốc phòng LB Nga chế tạo để chế áp UAV. Lần đầu tiên, mẫu “súng” này được giới thiệu tại diễn đàn kỹ thuật quân sự quốc tế “Army-2017”. Nó phát ra xung điện từ để triệt chế áp kênh điều khiển UAV. Dưới tác động của xung điện phát ra, UAV sẽ mất liên lạc với người điều khiển, dẫn đến mất kiểm soát bay và rơi.
Stupor hoạt động ở khoảng cách lên đến 2km trong khu vực 20 độ. Tổ hợp này cũng có thể chế áp các kênh dẫn đường và truyền dẫn của UAV, các máy ảnh và video của chúng trong phạm vi quang điện tử. (Sputnik)
Châu Âu
* Nga bác tin Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ tàu chở ngũ cốc Zhibek Zholy: Ngày 6/7, Bộ Ngoại giao Nga cho biết thông tin nói rằng tàu chở hàng Zhibek Zholy mang cờ Nga bị bắt giữ tại cảng Karasu của Thổ Nhĩ Kỳ vì nghi ngờ chở hàng nghìn tấn ngũ cốc “đánh cắp” từ Ukraine - là sai sự thật.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexei Zaitsev cho biết, tàu Zhibek Zholy, có trọng tải 7.146 tấn, mà chính quyền Ukraine nói rằng đang chở ngũ cốc từ cảng Berdyansk đang bị lực lượng Nga chiếm đóng, đã “tuân thủ các thủ tục tiêu chuẩn”.
Hôm 3/7, Đại sứ của Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt tàu Zhibek Zholy. (Reuters)
* Nga khẳng định quan hệ hợp tác với Kazakhstan: Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Dmitry Peskov ngày 6/7 nói với các phóng viên rằng, không có quyết định nào được đưa ra để ủng hộ các biện pháp trừng phạt Nga của Kazakhstan, ngược lại hai nước có ý định tăng cường hợp tác và cùng ứng phó với các thách thức.
Ông Peskov lưu ý rằng, chính phủ hai nước thường xuyên liên lạc và hoạt động liên lạc được duy trì ở mức cao nhất. Ông Peskov nói: "Vì vậy, chưa có quyết định nào được đưa ra cho đến nay, ngược lại, đã công bố ý định tuyệt đối để mở rộng hơn nữa sự tương tác của chúng ta, cùng nhau ứng phó với những thách thức từ nước ngoài và giảm thiểu hậu quả những hành động không thân thiện này". Ông cũng đảm bảo rằng Kazakhstan, “đương nhiên” vẫn là quốc gia thân thiện với Nga.
Trước đó, báo Thương gia của Nga đưa tin, Bộ Tài chính Kazakhstan đã công bố dự thảo quy định việc thực hiện các biện pháp trừng phạt hạn chế cung cấp một số loại hàng hóa cho LB Nga. Bản chất của văn kiện này là nhà chức trách Kazakhstan sẽ không chứng nhận hóa đơn điện tử cho những hàng hóa đó và nếu không có điều này, hàng không thể chuyển sang Nga. (Sputnik)
* Đức thông qua kế hoạch về cứu trợ năng lượng: Nội các Đức ngày 5/7 đã thông qua kế hoạch nhằm khẩn trương hỗ trợ các công ty năng lượng gặp khó khăn trong bối cảnh Nga cắt giảm nguồn cung và giá khí đốt tăng cao gây áp lực lên hoạt động của doanh nghiệp.
Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck khẳng định, Đức sẽ không cho phép “các hiệu ứng hệ thống” lan truyền trên thị trường khí đốt, nơi mà sự sụp đổ của một công ty có thể khiến nhiều công ty khác sụp đổ theo. Bộ trên cho biết, dự luật cứu trợ khẩn cấp trên sẽ đưa ra các biện pháp bình ổn thuận lợi cho các công ty năng lượng, trong đó có khả năng chính phủ sẽ trở thành một cổ đông.
Công ty năng lượng Uniper của Đức, một trong những nhà nhập khẩu khí đốt lớn nhất của Nga, đã đàm phán với Berlin về một kế hoạch giải cứu khả thi vào tuần trước. Tuy nhiên, việc Nga giảm 60% nguồn cung khí đốt từ 167 triệu m3/ngày xuống còn 67 triệu m3/ngày, thông qua hệ thống đường ống “Dòng chảy phương Bắc” (Nord Stream) từ giữa tháng 6 vừa qua đã buộc Uniper phải trả giá cao hơn cho các nguồn cung thay thế trên thị trường giao ngay. Chi phí quá cao khiến Uniper “oằn lưng”chịu gánh nặng tài chính.
Theo Bộ Tài chính, phương án cứu trợ đang được thảo luận sẽ bao gồm Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) mở rộng hạn mức tín dụng hoặc đầu tư cổ phần vào Uniper. Các quan chức ước tính gói cứu trợ cho các công ty năng lượng đang gặp khó khăn có thể lên tới 9 tỷ Euro.
Về phần mình, Đức đã chỉ trích quyết định “chính trị” của Tập đoàn Năng lượng quốc gia Gazprom trong việc hạn chế nguồn cung, mà Nga cho rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moscow là nguyên nhân cản trở việc đưa thiết bị đi bảo dưỡng, khiến nguồn cung bị ảnh hưởng. Ông Habeck gọi đó là “cái cớ” và nói rằng, Đức đang bị Nga “tấn công kinh tế”.
Sau động thái này, Berlin đã nâng mức cảnh báo theo kế hoạch cứu trợ khí đốt khẩn cấp, qua đó tiến gần hơn đến việc phân bổ nhiên liệu. Bên cạnh đó, chính phủ đã yêu cầu các kho dự trữ khí đốt phải chứa đầy 90% công suất vào đầu tháng 12. (DW)
* Bộ trưởng năng lượng EU tìm giải pháp cho khủng hoảng khí đốt: Ngày 6/7, Phủ Tổng thống CH. Czech cho biết, các Bộ trưởng năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) sẽ nhóm họp vào ngày 26/7 tới để thảo luận về cách khối này sẽ đối phó với cuộc khủng hoảng khí đốt của Nga trong mùa Đông tới. Czech hôm 1/7 đã chính thức đảm nhiệm cương vị Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU).
Vài ngày sau cuộc họp này, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ đề xuất một kế hoạch của EU về cách hạn chế nhu cầu khí đốt trong trường hợp Nga cắt giảm nguồn cung bổ sung và giúp cắt giảm nhu cầu khí đốt để tăng lượng dự trữ khí đốt vào kho phục vụ cho mùa Đông. (Reuters)
Châu Phi
* CHDC Congo và Rwanda đàm phán nhằm giải quyết xung đột: Ngày 6/7, Tổng thống Cộng hòa Dân chủ (CHDC) Congo Felix Tshisekedi và người đồng cấp Rwanda Paul Kagame bắt đầu các cuộc đàm phán tại thủ đô Luanda của Angola trong bối cảnh căng thẳng liên quan tình trạng gia tăng các cuộc tấn công của phiến quân ở miền Đông Congo.
Trong một tuyên bố, Phủ Tổng thống CHDC Congo cho biết ông Tshisekedi đã đến Luanda hôm 5/7 để tham dự một “hội nghị thượng đỉnh ba bên quy mô nhỏ” về hòa bình ở Congo, miêu tả cuộc gặp này là khoảnh khắc “của sự thật”. Đại sứ Rwanda tại Congo Vincent Karega cũng xác nhận với hãng Reuters rằng, ông Kagame cũng đã đến Luanda tham dự cuộc gặp.
CHDC Congo, quốc gia châu Phi rộng lớn giàu khoáng sản, đang phải vật lộn để kiềm chế hàng chục nhóm vũ trang ở phía Đông đất nước. Nhiều nhóm trong số đó là di sản của hai cuộc chiến tranh khu vực cách đây một phần tư thế kỷ. Gần đây, một cuộc giao tranh ác liệt bùng lên ở phía Đông nước này đã khiến căng thẳng hàng thập kỷ với Rwanda tái diễn, với việc CHDC Congo đổ lỗi cho nước láng giềng về sự hồi sinh của phiến quân M23. (Reuters)