Cựu Thống đốc bang South Carolia Nikki Haley có khả năng sẽ thất bại trong cuộc bầu cử sơ bộ tại bang Nevada. (Nguồn: Reuters) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga-Ukraine
*Quân đội Nga đạt bước tiến đáng kể ở Avdiivka: Chuyên gia quân sự Nga Yury Podolyaka ngày 6/2 cho biết ở hướng Avdiivka, quân đội nước này (VS RF) đã chọc thủng phòng tuyến của Các Lực lượng Vũ trang Ukraine (VSU) và chiếm lĩnh vị trí ở các khu vực của thành phố Avdiivka.
Trước đó, thông tin từ Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng cho thấy lực lượng Nga đã vượt qua cầu đường sắt một cách thành công và tiến sâu hơn vào thành phố Avdiivka dọc theo 2 tuyến đường Lesya Ukrainka và Sapronov. Bước tiến chiến lược đó giúp VS RF có cơ hội chia cắt lực lượng đồn trú của Ukraine ở ngoại ô Donetsk thành 2 phần, hạn chế đáng kể hoạt động liên lạc và tiếp tế giữa các lực lượng này. (TASS)
*Quân đội Ukraine thành lập lực lượng UAV: Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 7/2 đã ra lệnh thành lập một đơn vị riêng thuộc quân đội Ukraine (VSU) chuyên phụ trách máy bay không người lái (UAV) - loại vũ khí mà ông và giới chức quân sự cho là đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc chiến với Nga.
Trong khi đó, Bộ trưởng Chuyển đổi số Mykhailo Fedorov dự báo đơn vị UAV sẽ mang tới “động lực mạnh mẽ” cho sự phát triển công nghệ của quân đội Ukraine. Theo ông, trong năm qua, UAV “về cơ bản đã thay đổi tình hình trên chiến trường. Chúng mang lại hiệu quả trong việc ngăn chặn những cuộc tấn công của Nga và hỗ trợ các đợt phản công của VSU”.
Hồi tháng 12/2023, Tổng thống Zelensky từng cam kết Ukraine sẽ sản xuất 1 triệu UAV vào năm 2024. Trong khi đó, giới chức chính phủ tiết lộ Ukraine đặt mục tiêu chế tạo hàng chục nghìn UAV mỗi tháng. (AFP)
Châu Á-Thái Bình Dương
*Đánh bom trước thềm bầu cử ở Pakistan, hàng chục người thương vong: Giới chức Pakistan thông báo ít nhất 22 người thiệt mạng trong hai vụ đánh bom riêng rẽ bên ngoài văn phòng bầu cử của các ứng cử viên ở Tây Nam Pakistan, ngay trước thềm cuộc bầu cử bị phủ bóng đen bởi bạo lực và cáo buộc gian lận.
Vụ tấn công đầu tiên xảy ra gần văn phòng của một ứng cử viên độc lập ở tỉnh Balochistan, cách biên giới Afghanistan khoảng 100 km khiến 12 người thiệt mạng và 25 người khác bị thương.
Vụ nổ thứ hai xảy ra gần văn phòng bầu cử của một ứng cử viên của đảng Hồi giáo Jamiat Ulema-e-Islam-F (JUI-F) ở thành phố Killa Saifullah – cách đó khoảng 120 km về phía Đông, khiến “ít nhất 10 người thiệt mạng và 12 người khác bị thương”. (The Dawn)
*Tổng thống Putin sắp thăm Triều Tiên, sẽ ký loạt thỏa thuận "rất tốt": Hãng tin TASS ngày 7/2 dẫn lời Đại sứ Nga tại Triều Tiên Alexander Matsegora cho biết Nga và Triều Tiên đang thảo luận về một gói thỏa thuận "rất tốt" sẽ được hai bên ký kết khi Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm Bình Nhưỡng.
Năm ngoái, Tổng thống Putin đã nhận lời mời thăm Triều Tiên của nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Tháng trước, Điện Kremlin cho hay thời gian chuyến thăm chưa được ấn định. Nếu diễn ra, đây sẽ lần đầu tiên trong gần 1/4 thế kỷ, một nhà lãnh đạo Nga tới thăm Triều Tiên.
Việc Nga xích lại với Triều Tiên đã vấp phải những cảnh báo từ Mỹ về sự hợp tác quân sự "ngày càng tăng và nguy hiểm" giữa Moscow và Bình Nhưỡng. (TASS)
*Trung Quốc, ASEAN khó có thể sớm nhất trí về COC ở Biển Đông: Các nhà phân tích hàng hải cho rằng Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) khó có thể sớm đạt được đồng thuận về Bộ quy tắc ứng xử (COC) mang tính ràng buộc về mặt pháp lý giữa các bên ở Biển Đông.
Các cuộc đàm phán về COC đã diễn ra từ năm 2002 nhưng vẫn vấp phải những trở ngại lớn. Trung Quốc đã đề xuất các điều khoản nhằm hạn chế “sự can thiệp từ bên ngoài” và ngăn chặn các cuộc tập trận quân sự chung giữa các nước ASEAN và Mỹ. Bên cạnh đó, một trở ngại khác là vấn đề thăm dò tài nguyên thiên nhiên. Trung Quốc đề xuất phối hợp với các quốc gia ven Biển Đông trong khai thác tài nguyên nhưng vấp phải phản đối. (Balanced News Summary)
*Hàn-Trung thảo luận tình hình Triều Tiên và các vấn đề song phương: Ngoại trưởng Hàn Quốc Cho Tae-yul và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị ngày 6/2 đã điện đàm thảo luận về tình hình Triều Tiên.
Theo thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, hai bên nhất trí về sự cần thiết phải tăng cường “trao đổi và liên lạc chiến lược” ở nhiều cấp khác nhau. Hàn Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “giảm thiểu các yếu tố xung đột” và xây dựng lòng tin giữa hai nước.
Về Triều Tiên, ông Cho Tae-yul bày tỏ lo ngại về mối quan hệ quân sự ngày càng chặt chẽ của nước này với Nga, cũng như việc Bình Nhưỡng phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa, vốn bị cấm theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Ông kêu gọi Trung Quốc đóng “vai trò mang tính xây dựng” trong việc đưa Bình Nhưỡng đến đối thoại và con đường phi hạt nhân hóa. (Yonhap)
*Hàn Quốc và Qatar tăng cường hợp tác quân sự: Hàn Quốc và Qatar đã nhất trí mở rộng huấn luyện quân sự chung và tăng cường hợp tác quân sự song phương trong bối cảnh Seoul thúc đẩy bán vũ khí trên toàn cầu.
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Shin Won-sik đã gặp người đồng cấp của Qatar, ông Khalid bin Mohammed Al Attiyah, ngày 6/2. Hai bên đã ký thỏa thuận tổ chức các cuộc gặp cấp Bộ trưởng Quốc phòng thường xuyên và thiết lập nền tảng cho hợp tác quốc phòng song phương.
Số liệu từ Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho thấy doanh số bán vũ khí của nước này đã tăng lên 17 tỷ USD vào năm 2022 từ mức 7,25 tỷ USD năm 2021. Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc, xuất khẩu vũ khí của nước này sang khu vực Trung Đông đã tăng gần gấp 10 lần trong giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2022. (Yonhap)
Châu Âu
*Nga điều máy bay ném bom chiến lược đến Bắc Băng Dương: Bộ Quốc phòng Nga ngày 6/2 thông báo 2 máy bay ném bom chiến lược Tu-160 của nước này đã thực hiện chuyến bay theo lịch trình trên không phận Bắc Băng Dương và Biển Laptev.
Thông báo có đoạn: “Hai máy bay mang tên lửa chiến lược Tu-160 đã thực hiện chuyến bay theo lịch trình... trên vùng biển trung lập ở Bắc Băng Dương và Biển Laptev”. Chuyến bay kéo dài hơn 10 giờ và được thực hiện theo đúng quy định quốc tế về sử dụng không phận. (TASS)
*Đức sẽ điều tra các vụ nổ đường ống Dòng chảy phương Bắc: Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 7/2 cho biết Nga sẽ theo dõi những gì Đức sẽ làm để điều tra các vụ nổ đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc vào năm 2022, sau khi Thụy Điển hủy bỏ cuộc điều tra của chính họ.
Trước đó cùng ngày, các công tố viên Thụy Điển cho biết họ sẽ dừng điều tra các vụ nổ này và chuyển giao bằng chứng phát hiện được trong quá trình điều tra cho phía Đức.
Trong khi đó, cảnh sát Đan Mạch khẳng định cuộc điều tra về vụ nổ đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắctrên Biển Baltic vào năm 2022 vẫn tiếp tục và họ dự kiến sẽ cung cấp thêm thông tin về vụ này "trong thời gian ngắn". (Reuters)
*Pháp tiếp tục cải tổ Nội các: Các nguồn tin ngày 7/2 tiết lộ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và tân Thủ tướng Gabriel Attal đang chuẩn bị tiến hành cuộc cải tổ Nội các lần thứ 2 trong vòng vài tuần.
Tổng thống Macron hôm 11/1 đã cải tổ Nội các với khuynh hướng nghiêng về cánh hữu sau khi bổ nhiệm ông Attal, 34 tuổi, làm Thủ tướng. Tổng thống Macron và Thủ tướng Attal đã thảo luận về kế hoạch cải tổ nêu trên với hy vọng đưa ra thông báo liên quan vào cuối ngày 6/2 (giờ địa phương), mặc dù có thể trì hoãn đến ngày 7/2.
Khoảng 14 vị trí thứ trưởng vẫn cần được bổ nhiệm để hoàn thành cuộc cải tổ đầu tiên. Tuy nhiên, cũng có nhiều đồn đoán cho rằng có thể xuất hiện sự thay đổi ở những vị trí hàng đầu. (AP)
*Thủ tướng Đức sắp công du Trung Quốc: Báo FAZ ngày 7/2 dẫn lời mời của Ủy ban châu Á-Thái Bình Dương thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp Đức gửi đến đại diện các doanh nghiệp cho biết Thủ tướng Đức Olaf Scholz sẽ thăm Trung Quốc trong 2 ngày 15-16/4 tới.
Theo báo FAZ, một phái đoàn doanh nghiệp Đức sẽ tháp tùng Thủ tướng Scholz trong chuyến đi này.
Scholz đến Trung Quốc lần cuối vào tháng 11/2022, khi ông gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trong chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo G7 tới Trung Quốc kể từ đại dịch COVID-19, Scholz đã thúc ép ông Tập Cận Bình thuyết phục Nga chấm dứt xung đột ở Ukraine, đồng thời nói rằng Bắc Kinh có trách nhiệm với tư cách là một cường quốc phải làm như vậy. (DW)
*Tây Ban Nha ủng hộ giải pháp hai nhà nước: Kênh truyền hình Aljazeera ngày 6/2 đưa tin trong cuộc gặp Tiểu vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani tại Doha, Ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Manuel Albares đã bày tỏ sự ủng hộ đối với giải pháp hai nhà nước trong vấn đề Palestine.
Ngoại trưởng Tây Ban Nha khẳng định cam kết đối với “hòa bình và ổn định trong khu vực”. Ông cho biết điều này sẽ bao gồm việc thả những người bị bắt và ngừng bắn tại Gaza, thực hiện giải pháp hai nhà nước với Israel và Palestine cùng tồn tại trong hòa bình. (Al Jazeera)
*Thụy Sỹ hy vọng Trung Quốc đóng góp cho hội nghị hòa bình Ukraine: Ngoại trưởng Thụy Sĩ Ignazio Cassis ngày 7/2 bày tỏ hy vọng Trung Quốc sẽ "giúp một tay" trong các cuộc đàm phán hòa bình về Ukraine, sau khi Geneva vào tháng trước đồng ý tổ chức hội nghị thượng đỉnh hòa bình toàn cầu về Ukraine.
Trả lời họp báo tại Bắc Kinh, khi được hỏi liệu Trung Quốc có đáp lại lời mời tham dự hội nghị, ông Cassis nói: "Đây là một hội nghị cấp cao, chúng tôi không thể mong đợi câu trả lời ngay lập tức. Nhưng nếu không có sự tham gia của Nga và Trung Quốc thì sẽ không thể có hòa bình".
Hiện ông Cassis đang ở thăm Trung Quốc trong chuyến công du từ ngày 6-7/2 để tham dự vòng ba Đối thoại Chiến lược giữa các ngoại trưởng của Trung Quốc và Thụy Sỹ. (AFP)
Trung Đông-châu Phi
*Israel có thể thả 3.000-5.000 tù nhân Palestine: Đài truyền hình Sky News (Israel) ngày 7/2 dẫn các nguồn tin giấu tên của Qatar cho biết phía Israel có thể chấp nhận thả từ 3.000-5.000 tù nhân, mức mà phong trào Hamas có thể chấp nhận để tiến tới một thỏa thuận ngừng bắn mới.
Nguồn tin cho biết thêm, các nhà trung gian Qatar, quốc gia tài trợ chính cho Hamas, cũng đang thuyết phục phong trào này chấp nhận một đề xuất “mềm” hơn. Theo đó, Qatar sẽ gây sức ép để Israel rút quân, thay vì điều khoản "rút ngay lập tức".
Trước đó, có nhiều thông tin tích cực về việc các bên đang nghiêm túc xem xét đề xuất cho một lệnh ngừng bắn mới, có thể kéo dài tới 135 ngày. Tuy nhiên, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhiều lần khẳng định sẽ không chấp nhận số lượng tù nhân được phóng thích lên đến con số “hàng nghìn”. (Reuters)
*Mỹ vừa răn đe vừa thúc đẩy đàm phán tại Trung Đông: Ngoại trưởng Antony Blinken hôm 4/2 đã lên đường đến Trung Đông trong nỗ lực ngoại giao con thoi mới nhất nhằm đạt được lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas. Trong khi đó, Mỹ tiếp tục tấn công các nhóm liên kết với Iran, theo lời của Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan.
Ngoại trưởng Blinken sẽ tới Saudi Arabia, Israel, cũng như Ai Cập và Qatar - 2 cầu nối quan trọng với Hamas và đã trở thành các bên trung gian quan trọng trong các nỗ lực đàm phán từ khi chiến sự bùng nổ. Với sự trung gian của Qatar và Ai Cập, kế hoạch ngừng bắn đã được đưa ra, theo đó, các bên sẽ tạm dừng giao tranh trong 6 tuần để tiến hành trao đổi con tin bị Hamas đưa về Gaza và tù nhân Palestine bị giam cầm ở Israel.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết Ngoại trưởng Blinken sẽ nỗ lực "thiết lập một khu vực hòa bình, hội nhập hơn, trong đó có an ninh lâu dài cho cả người Israel và người Palestine". Chuyến đi của ông Blinken cũng nhằm tìm giải pháp ứng phó với các cuộc tấn công đang diễn ra của Houthi nhằm vào các tàu ở Biển Đỏ. (Reuters)
Châu Mỹ-Mỹ Latinh
*Bầu cử Mỹ: Dự báo ứng viên Nikki Haley thất bại tại Nevada: Các hãng truyền thông Mỹ ngày 6/2 dự báo cựu Thống đốc bang South Carolia, bà Nikki Haley, sẽ thất bại trong cuộc bầu cử sơ bộ không mang tính ràng buộc của đảng Cộng hòa tổ chức cùng ngày dưới hình thức bỏ phiếu kín tại bang Nevada.
Bên phía đảng Dân chủ, Tổng thống Joe Biden được dự báo dễ dàng giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu kín cùng ngày tại Nevada trước ứng cử viên Marianne Williamson và 11 nhân vật thách thức ít được biết đến hơn.
Mặc dù kết quả bầu cử ngày 6/2 ở Nevada ít ảnh hưởng đến các cuộc tranh cử, nhưng đây sẽ là một chiến trường tranh chấp gay gắt vì người dân ở bang này có thể thay đổi sự ủng hộ của họ và đóng vai trò quan trọng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới. (CNN)
*Mỹ phát hiện máy bay Nga hoạt động trong vùng nhận dạng phòng không Alaska: Ngày 6/2 (giờ địa phương), Bộ chỉ huy phòng thủ không gian Bắc Mỹ (NORAD) cho biết đã phát hiện 4 máy bay quân sự Nga hoạt động trong Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) Alaska.
Theo NORAD, máy bay Nga vẫn ở trong không phận quốc tế và không đi vào không phận thuộc chủ quyền của Mỹ hoặc Canada. (Reuters)
*Canada thông qua FTA với Ukraine: Hạ viện Canada ngày 6/2 đã thông qua dự luật nhằm thực hiện thỏa thuận thương mại tư do (FTA) song phương với Ukraine, được ký nhân chuyến thăm Ottawa năm ngoái của Tổng thống Volodymyr Zelensky.
Ukraine muốn có một thỏa thuận tiêu chuẩn cao như vậy với Canada, bao gồm những quy định nghiêm ngặt về môi trường, lao động và các chương đổi mới hơn để giúp giới doanh nghiệp vừa và nhỏ được hưởng lợi từ thương mại.
Chủ tịch Ủy ban Tài chính Canada Anita Anand nhận xét cuộc bỏ phiếu nhằm thể hiện cam kết của Ottawa đối với trật tự thế giới dựa trên luật định. (AFP)
*Bolivia xây nhà máy luyện kẽm đầu tiên với vốn vay từ Trung Quốc: Bộ Khai thác mỏ Bolivia ngày 6/2 thông báo chính phủ nước này đã ký thỏa thuận vay vốn 350 triệu USD với Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank) để xây dựng nhà máy luyện kẽm tại tỉnh Oruro.
Đây sẽ là nhà máy luyện kẽm đầu tiên tại quốc gia Nam Mỹ với công suất thiết kế 150.000 tấn/năm. Khoản vay từ China Eximbank có thời hạn 20 năm với lãi suất 2%/năm.
Theo Cục Khảo sát Địa chất Mỹ, Bolivia là một trong những quốc gia có trữ lượng kẽm hàng đầu thế giới. Sản lượng kẽm của nước này trong năm 2023 đạt 490.000 tấn. (Bloomberg News)