📞

Tin thế giới 7/4: Sự kiện ở Ukraine mở ra kỷ nguyên lịch sử mới; Mỹ sẽ bỏ họp một số cuộc tại G20 nếu có Nga; Bắc Kinh tức giận vì Washington

Quang Đào 19:45 | 07/04/2022
Xung đột Nga-Ukraine, tranh cãi tại G20, Trung Quốc nổi giận vì tin đồn liên quan đến Mỹ và Đài Loan... là những sự kiện quốc tế nổi bật 24 giờ qua.
Ukriane kêu gọi NATO gửi thêm nhiều vũ khí hơn nữa. (Nguồn: BBC)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Nga-Ukraine:

Kỷ nguyên lịch sử mới đã mở ra

Ngày 6/4, phát biểu tại Hội đồng An ninh Belarus, Tổng thống Alexander Lukashenko khẳng định: "Không còn nghi ngờ gì nữa, với chiến dịch đặc biệt của Nga ở Ukraine, cả một kỷ nguyên lịch sử đã kết thúc. Giữa sự đối đầu ngày càng tăng giữa các bên có ảnh hưởng hàng đầu, một lưu vực mới giữa phương Đông và phương Tây đang xuất hiện.” (TASS)

Nga: Các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào người dân

Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov phát biểu vào ngày 6/4 cho rằng các biện pháp trừng phạt của Washington nhằm vào hai ngân hàng lớn nhất của Liên bang Nga là "một đòn giáng trực tiếp vào người dân Nga và các công dân bình thường". (Reuters)

Điện Kremlin cảnh báo hậu quả về việc Mỹ cung cấp vũ khí cho Ukraine

Ngày 7/4, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết quyết định của Washington tiếp tục cung cấp vũ khí và hỗ trợ quân sự cho Ukraine có thể sẽ làm tổn hại đến cơ hội thành công của các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine.

Trước đó một ngày, Thượng viện Mỹ đã thông qua một dự luật của lưỡng đảng, qua đó cho phép Tổng thống Joe Biden đạt các thỏa thuận về cho mượn hoặc thuê thiết bị quốc phòng với Ukraine.

Bản tóm tắt dự luật được Thượng viện công bố cho hay: "Dự luật này tạm thời từ bỏ một số yêu cầu liên quan tới thẩm quyền của Tổng thống trong việc cho mượn hoặc cho thuê các thiết bị quốc phòng mà Chính phủ Ukraine muốn và cần thiết để bảo vệ dân thường ở Ukraine trong cuộc xung đột với Nga".

Theo Thượng viện Mỹ, Tổng thống phải thiết lập các thủ tục để đảm bảo cung cấp kịp thời hỗ trợ quân sự cho Ukraine mượn hoặc thuê theo dự luật. Dự luật này còn chờ được Hạ viện thông qua. (Sputnik)

Tổng thống Ukraine kêu gọi phương Tây ‘đưa Nga ra trước công lý’

Trong bài phát biểu trước các nghị sĩ Hy Lạp qua phiên dịch viên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói: "Một lần và mãi mãi, chúng ta có thể dạy cho Nga và bất kỳ kẻ xâm lược tiềm tàng nào khác rằng những kẻ chọn chiến tranh luôn thua cuộc ... những kẻ tống tiền châu Âu bằng cuộc khủng hoảng kinh tế và năng lượng luôn luôn thua".

Ông Zelensky đã nhắc lại lời kêu gọi rằng thế giới dân chủ từ chối dầu mỏ của Nga và chặn hoàn toàn các ngân hàng Nga khỏi hệ thống tài chính quốc tế. Ông nói: "Thành thật mà nói, ngay từ đầu các hành động của Nga không chỉ nhằm vào Ukraine mà còn cả châu Âu". (Reuters)

Ukraine tiếp tục kêu gọi NATO cấp thêm vũ khí

Phát biểu tại trụ sở chính của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Brussels (Bỉ), Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết 3 mục trong chương trình nghị sự của ông khi nói chuyện với các đồng minh và tổ chức những cuộc gặp song phương là: “Vũ khí, vũ khí và vũ khí”.

“Chúng tôi biết phải chiến đấu ra sao. Chúng tôi biết phải làm thế nào để giành chiến thắng. Nhưng nếu không có nguồn cung cấp bền vững và đầy đủ theo yêu cầu từ phía Ukraine, thì những chiến thắng này sẽ đi kèm với những hy sinh to lớn”, ông Kuleba nói. (AP)

Mỹ dọa bỏ họp G20 vì Nga

Ngày 6/4, phát biểu tại phiên điều trần Ủy ban Dịch vụ Tài chính Mỹ, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết Nga nên bị trục xuất khỏi nhóm 20 nền kinh tế mới nổi và phát triển hàng đầu thế giới (G20) và Mỹ sẽ tẩy chay một số cuộc họp G20 nếu các quan chức Nga xuất hiện.

Bà Yellen cho biết Tổng thống Biden đã đưa ra quan điểm Nga nên bị loại khỏi G20 và bà đã trao đổi với các quan chức Indonesia rằng giới chức Mỹ sẽ không tham gia một số cuộc họp nếu các quan chức Nga có mặt.

Sau đó, Đại diện Bộ Tài chính Mỹ giải thích thêm, các cuộc họp mà bà Yellen đề cập tới ở trên là cuộc họp cấp Bộ trưởng Tài chính G20 vào ngày 20/4 tới, cuộc họp cấp Thống đốc Ngân hàng Trung ương bên lề sự kiện của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và cuộc họp mùa xuân của Ngân hàng Thế giới tại Washington cùng nhiều sự kiện khác.

Tổng thống Nga vẫn sẽ dự G20?

Ngày 7/4, Điện Kremlin cho biết sẽ đưa ra quyết định về việc liệu Tổng thống Nga Vladimir Putin có tham gia hội nghị thượng đỉnh Nhóm G20 vào cuối năm nay tại Indonesia hay không dựa trên diễn biến của các sự kiện.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã trả lời câu hỏi về việc một số nhà lãnh đạo các nước G20 kêu gọi loại ông Putin ra khỏi hội nghị thượng đỉnh vì ông đã quyết định điều hàng chục nghìn quân tới Ukraine.

Ông Peskov nói: “Chúng tôi sẽ làm rõ điều này, rốt cuộc Indonesia là nhà tổ chức". (Reuters)

Tin đồn Chủ tịch Hạ viện Mỹ chuẩn bị thăm Đài Loan, Trung Quốc nổi giận

Truyền thông Đài Loan và Nhật Bản dẫn nguồn tin giấu tên tiết lộ Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi sẽ đến Đài Bắc vào ngày 10/4 tới.

Nếu thông tin trên chính xác thì đây sẽ là lần đầu tiên kể từ năm 1997 đến nay có Chủ tịch Hạ viện Mỹ đương nhiệm sang thăm Đài Loan, sau chuyến công du của ông Newt Gingrich.

Phía văn phòng của Chủ tịch Pelosi từ chối xác nhận thông tin. Cơ quan ngoại giao Đài Loan cũng không đưa ra bình luận mà chỉ nói sẽ đưa ra tuyên bố vào thời điểm thích hợp.

Phản ứng với thông tin này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói rằng Bắc Kinh kiên quyết phản đối mọi hình thức tương tác chính thức giữa Mỹ và Đài Loan, và Washington nên hủy bỏ chuyến đi.

Ông Triệu nói thêm rằng Mỹ sẽ phải gánh chịu hậu quả của bất kỳ chuyến thăm nào, nhưng không cho biết chi tiết. (Reuters)

Tổng thống Ấn Độ thăm Hà Lan

Văn phòng Tổng thống Ấn Độ cho biết Tổng thống Ram Nath Kovind và Đệ nhất phu nhân Savita Kovind đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Hà Lan từ ngày 4-7/4 theo lời mời của nhà vua Willem-Alexander và hoàng hậu Maxima.

Trong các cuộc trao đổi, hai bên nhấn mạnh mối quan hệ hợp tác và hợp tác tự nhiên giữa Ấn Độ và Hà Lan với tư cách là hai nền dân chủ, các nền kinh tế lớn, động lực của đổi mới và công nghệ và là các nước ủng hộ chính cho Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Các nhà lãnh đạo đã thảo luận về các cách thức để tăng cường hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên như nước, nông nghiệp, y tế, khí hậu và năng lượng sạch, giao lưu nhân dân và hợp tác văn hóa.

Chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Ấn Độ tới Hà Lan đánh dấu một cột mốc quan trọng khi Ấn Độ và Hà Lan kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm nay. Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của nguyên thủ quốc gia Ấn Độ đến Hà Lan trong hơn ba thập kỷ. (India Times)

Hàn Quốc kêu gọi Triều Tiên quay trở lại bàn đám phán

Ngày 7/4, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Lee In-young kêu gọi Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán, nhấn mạnh rằng tháng 4 là thời điểm 'then chốt' đối với an ninh khu vực.

Trong một thông điệp video gửi tới một diễn đàn ở Seoul, ông Lee viện dẫn một loạt sự kiện chính trị quan trọng ở Triều Tiên trong tháng 4, trong đó có lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành, và kế hoạch của Hàn Quốc cùng với Mỹ kích hoạt các cuộc tập trận chung mùa Xuân.

Trong khi đó, cùng ngày 7/4, Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Yoon Suk-yeol nhấn mạnh việc tăng cường năng lực răn đe đối với các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. (Yonhap)

Armenia, Azerbaijan chuẩn bị cho đàm phán hòa bình

Bộ Ngoại giao Armenia ngày 7/4 cho biết Armenia và Azerbaijan đang chuẩn bị cho các cuộc đàm phán hòa bình, sau khi xung đột bùng phát hồi tháng trước tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Armenia nêu rõ trong cuộc gặp ngày 6/4 tại Brussels (Bỉ) do Liên minh châu Âu (EU) làm trung gian, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev "đã yêu cầu các ngoại trưởng bắt đầu công tác chuẩn bị cho các cuộc đàm phán hòa bình giữa hai nước". (AFP)

Quần đảo Solomon trấn an Australia về dự thảo thỏa thuận an ninh với Trung Quốc

Lãnh đạo hai cơ quan tình báo hàng đầu của Australia đã tới Quần đảo Solomon để gặp Thủ tướng Manasseh Sogavare và nêu quan ngại sâu sắc của Canberra về một thỏa thuận an ninh mà quốc đảo Thái Bình Dương sắp ký kết với Trung Quốc.

Ngày 6/4, văn phòng của Thủ tướng Sogavare, hai bên đã thảo luận về "các mối quan tâm an ninh cốt lõi của Australia" và thỏa thuận an ninh giữa Quần đảo Solomon và Trung Quốc mà các quan chức và chính trị gia Australia lo ngại có thể tạo cơ sở pháp lý cho sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Quần đảo Solomon trong tương lai.

Tại cuộc gặp, Quần đảo Solomon đã trấn an Australia rằng thỏa thuận an ninh với Trung Quốc tập trung vào các mối quan tâm trong nước và bổ sung cho thỏa thuận an ninh song phương hiện tại với Australia và cấu trúc an ninh khu vực.

Tuy nhiện, dường như không có dấu hiệu nào trong tuyên bố cho thấy chính phủ của ông Sogavare sẵn sàng giảm bớt lập trường của mình hoặc từ bỏ thỏa thuận gây tranh cãi với Trung Quốc. (ABC)